Thứ Bảy, 20/4/2024

Công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân ở Quảng Bình

Quán triệt Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã cụ thể hóa trong các văn bản của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong các cấp, các ngành. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một số cấp ủy địa phương đã chủ động ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án về đối thoại với Nhân dân như Thành ủy Đồng Hới với Đề án “Lãnh đạo thành phố các cấp trực tiếp đối thoại với Nhân dân giai đoạn 2007 - 2010”; Huyện ủy Tuyên Hóa với Đề án “Lãnh đạo các cấp đối thoại với Nhân dân”. Tuy nhiên, việc tổ chức đối thoại với Nhân dân trong thời gian này mới chỉ được triển khai ở một số địa bàn. Các huyện, xã trong tỉnh hầu hết đều lồng ghép nội dung đối thoại với Nhân dân thông qua tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Sau khi Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành các Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 1896-QĐ/TU ngày 11/5/2015 về Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Từ đó, công tác đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh mới được triển khai đồng bộ, có hệ thống, nhất là trong hai năm 2016 - 2017 có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt hiệu quả thiết thực.

Thực hiện Quyết định 1896-QĐ/TU, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Ban Cán sự Đảng, các đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tổ chức quán triệt, triển khai. Đến nay, hầu hết các huyện, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc ban hành quy định, đồng thời chỉ đạo các cơ quan tham mưu ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện. UBND các cấp đã đưa nội dung tổ chức đối thoại vào chương trình công tác hàng năm, xác định nội dung, địa bàn tổ chức đối thoại. Trong hai năm 2016 - 2017, các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh đã tổ chức hàng chục cuộc đối thoại, tập trung giải quyết các vấn đề nổi lên, liên quan đến quyền, lợi ích của Nhân dân. Ở cấp tỉnh, đáng chú ý là các cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với Nhân dân xã Hải Ninh về việc triển khai Dự án quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC; đối thoại giữa Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh với người dân thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch liên quan đến việc triển khai dự án Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch; đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với gần 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn…

Ở cấp huyện, trong năm 2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức 16 cuộc đối thoại với Nhân dân tại các xã, phường. Huyện ủy Tuyên Hóa đã tổ chức đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện với cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị trấn Đồng Lê về việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Thường trực Huyện ủy Quảng Ninh đã tổ chức 06 cuộc đối thoại với cán bộ và Nhân dân các xã Hải Ninh, Xuân Ninh, Gia Ninh, An Ninh, Trường Xuân về các vấn đề nổi lên liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, về giải quyết các thủ tục hành chính. Thường trực Huyện ủy Minh Hóa đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện với Nhân dân để giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…

Các sở, ban, ngành, các cơ quan nhà nước có quan hệ tiếp xúc với Nhân dân chú trọng đẩy mạnh công tác đối thoại. Xác định đây là một kênh thông tin quan trọng nhằm đổi mới nội dung, phương thức, lề lối, tác phong công tác, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, trong năm 2017, các sở, ban, ngành của tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại đạt hiệu quả cao. Nổi bật là các cuộc đối thoại của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường với Nhân dân về công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các cuộc đối thoại với Nhân dân giải đáp các yêu cầu, kiến nghị của Nhân dân liên quan đến việc đền bù, hỗ trợ khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đối thoại trả lời ý kiến của người có công. Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp chỉ đạo đối thoại với người dân tại địa bàn các xã Xuân Thủy, Mai Thủy (huyện Lệ Thủy), xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) để giải đáp các băn khoăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Sở Tư pháp tổ chức hội nghị đối thoại với các chủ doanh nghiệp về các chính sách thuế và chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh chỉ đạo tổ chức diễn đàn đối thoại “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân” tại 8/8 huyện, thị, thành phố; Đảng ủy Quân sự tỉnh chỉ đạo tổ chức hàng chục cuộc đối thoại dân chủ tại các đơn vị…  

Tại các buổi đối thoại với Nhân dân, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước đã trực tiếp trả lời trực tiếp các ý kiến của Nhân dân, một số nội dung còn khó khăn, vướng mắc đã được tiếp thu, giao cho các cơ quan, ban, ngành ban hành văn bản, chỉ đạo giải quyết kịp thời. Thông qua đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được lãnh đạo các cấp truyền đạt trực tiếp đến với Nhân dân một cách hiệu quả nhất; đồng thời giúp cho các cấp ủy đảng, chính quyền nắm bắt được những vấn đề nổi lên ở từng địa phương, đơn vị và tình hình, tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Từ đó giúp cấp ủy, chính quyền uốn nắn kịp thời những nhận thức lệch lạc trong một bộ phận Nhân dân do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tập trung chỉ đạo giải quyết.

Đặc biệt trong thời gian qua, công tác đối thoại đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt, giải quyết kịp thời các vụ việc nổi lên trong Nhân dân liên quan đến việc triển khai các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh; việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển; các vấn đề liên quan đến tôn giáo, thực hiện tốt các chế độ, chính sách, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Bên cạnh đó, công tác đối thoại còn giúp Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng bộ, chính quyền, góp phần phát hiện, tố giác những cán bộ, đảng viên, công chức có những hành vi tiêu cực, đồng thời kiểm chứng năng lực, trách nhiệm, uy tín, bản lĩnh chính trị và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức. Từ đó, nâng cao hơn năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Việc thực hiện Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước đối thoại trực tiếp với Nhân dân là nội dung công tác nhằm cụ thể hóa phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, chống các biểu hiện quan liêu, xa dân, tăng cường mối quan hệ máu thịt, củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp với lòng dân được đại bộ phận cán bộ, Nhân dân đồng tình và hoan nghênh.

Qua quá trình triển khai đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu như sau:

Một là, quán triệt nội dung Quyết định số 1896-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xác định nội dung, chương trình, kế hoạch và tổ chức đối thoại thiết thực, hiệu quả. Phải tạo được sự thống nhất trong cấp ủy, chính quyền, trong cán bộ, đảng viên và tạo được sự đồng tình của Nhân dân trong tổ chức đối thoại để nắm bắt, giải quyết các vấn đề nổi lên, nhất là những vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thực của Nhân dân.

Hai là, đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tổ chức điều hành, trả lời các đề xuất, kiến nghị của Nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thống nhất quan điểm, quy trình, quy định của pháp luật để trả lời Nhân dân, nhất là những quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, việc thực hiện các chế độ chính sách.

Ba là, quá trình tổ chức đối thoại cần phải thực hiện tốt công tác khảo sát, nắm tình hình Nhân dân, xác định, lựa chọn vấn đề trọng tâm nhằm tập trung giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, đồng thời phải chuẩn bị tốt các vấn đề liên quan phục vụ công tác đối thoại.

Bốn là, quan tâm giải quyết tốt các vấn đề sau khi đối thoại, đảm bảo các kiến nghị của người dân phải giải quyết rõ ràng, công khai, minh bạch để Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào kết quả đối thoại, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền.

Năm là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc nắm chắc tình hình Nhân dân, những vấn đề bức xúc, phức tạp nổi lên; phối hợp việc tổ chức cuộc đối thoại và giám sát thực hiện kết luận sau đối thoại; tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng.

Cái Thị Thùy Giang
Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN