Thứ Năm, 25/4/2024

Cùng bạn đọc

Trong nhiều năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học dân vận nói chung, phổ biến những kiến thức mang tính kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận nói riêng đã được Ban Dân vận Trung ương quan tâm chỉ đạo, thực hiện, nhất là trong hệ thống dân vận. Minh chứng là không ít đề tài, đề án nghiên cứu trên nhiều phương diện, làm rõ thêm nội hàm, phương thức công tác dân vận của Đảng, của hệ thống chính trị, nhất là trong thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; công tác dân vận trong các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng, cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... Nhiều đề tài, đề án nghiên cứu có giá trị đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận, được áp dụng vào thực tiễn công tác dân vận ở địa phương, cơ sở, phát huy tác dụng, thậm chí có những nghiên cứu thực sự như là “cẩm nang” cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, không khó để nhận ra công tác này còn rất nhiều mặt hạn chế. Đó là, chưa có chương trình nghiên cứu cơ bản, đồng bộ và sự cập nhật thường xuyên về lý luận về công tác dân vận ở mỗi giai đoạn, nhất là thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế; còn chậm bổ sung, hoàn thiện và chuẩn hóa các tài liệu mang tính hướng dẫn về nghiệp vụ và các kỹ năng cần thiết về công tác dân vận; không ít đề tài, đề án chất lượng còn hạn chế, ít phát huy được tác dụng trên thực tế…Việc phổ biến các kỹ năng, nghiệp vụ này trên các ấn phẩm của Tạp chí Dân vận của Ban Dân vận Trung ương theo đó cũng gặp khó khăn, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của bạn đọc.

Vẫn biết đây là một vấn đề không dễ, thậm chí là rất khó, vì Ban Dân vận Trung ương còn thiếu lực lượng cán bộ, chuyên viên có năng lực nghiên cứu, có đủ chiều sâu thực tiễn; và cũng thiếu cả thời gian vật chất để có thể tập trung, dồn tâm sức thực hiện công tác được xem là khó khăn và phức tạp này. Vì thế, dẫu có muốn, cũng không dễ để thực hiện cho đến nơi, đến chốn.

Để tiếp tục làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới, lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương đã chủ trương tiếp tục đổi và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học, phổ biến các kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết về lĩnh vực công tác dân vận, nhất là đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận trong thời kỳ đẩy mạnh thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; lĩnh vực công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp…

Theo đó, công tác nghiên cứu khoa học của Ban Dân vận Trung ương sẽ tập trung nghiên cứu tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sơ kết, tổng kết một số nghị quyết, chỉ thị quan trọng như: Sơ kết 5 năm thực Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa IX) “Về công tác dân tộc” và một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng khác.

Tiếp tục triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học đã đăng ký, trong đó tập trung nghiên cứu thực hiện đề tài cấp Nhà nước: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Chú trọng việc bổ sung, hoàn thiện và từng bước chuẩn hóa nội dung các tài liệu mang tính hướng dẫn về nghiệp vụ và kỹ năng thực hành công tác dân vận ở các lĩnh vực khác nhau. Gắn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với công tác nghiên cứu, tham mưu thực hiện các đề án do BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng giao thực hiện trong nhiệm kỳ và hằng năm. Tăng cường giới thiệu nội dung hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận trên các ấn phẩm của Tạp chí Dân vận…

Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, từ năm 2018, Tạp chí Dân vận sẽ tiếp tục mở chuyên mục “Kỹ năng - Nghiệp vụ công tác dân vận”. Theo đó, chuyên mục này sẽ chủ yếu giới thiệu các nội dung mang tính chất kỹ năng và nghiệp vụ cơ bản thuộc chức năng công tác dân vận trên một số lĩnh vực chủ yếu như công tác nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy; công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo; công tác dân vận của chính quyền; công tác dân vận của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng; công tác tổ chức, cán bộ; công tác văn phòng; công tác thông tin, tuyên truyền, v.v..

Ngoài ra, chuyên mục cũng dành sự quan tâm giới thiệu những cách làm hay, giải pháp tốt mang lại hiệu quả trên thực tế của ban dân vận, các tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị, nhất là các quy trình, cách thức dân vận tham gia thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội như việc dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, giải phóng mặt bằng…mà nhiều địa phương đã bước đầu thực hiện khá thành công trong thời gian qua.

Để có thể thực hiện tốt chuyên mục này, ngoài sự cố gắng của Tòa soạn, Ban Biên tập Tạp chí Dân vận rất mong có sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ, trách nhiệm của các vụ, đơn vị thuộc Ban Dân vận Trung ương và ban dân vận các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương bằng cách thường xuyên trao đổi, định hướng thông tin và viết bài gừi về Tạp chí Dân vận để Tạp chí giới thiệu, phản ánh trên các số tạp chí in hằng tháng. Được như vậy, chắc chắn Tạp chí Dân vận sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu mà đông đảo bạn đọc quan tâm, mong muốn, góp phần tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ mới. 

Tạp chí Dân vận

TẠP CHÍ IN