Thứ Năm, 25/4/2024

Phòng chống bệnh chủ quan

Như chúng ta đã biết, chủ quan là cái thuộc về ý thức, ý chí của con người; nói cách khác nó là cái thuộc về tự bản thân mình, về cái vốn có và có thể có của bản thân. Trong cuộc sống, chủ quan được thể hiện dưới nhiều hình thức. Ví dụ như: Khi tham gia giao thông, ta chủ quan không đội mũ bảo hiểm đúng quy định, phóng nhanh, vượt ẩu sẽ gây ra tai nạn; công nhân lao động sản xuất trên công trường, nhà máy chủ quan không mang bảo hộ lao động, không thắt dây an toàn sẽ dễ xảy ra tai nạn; những hộ dân miền núi làm nhà ở vào nơi nguy hiểm, chủ quan không di dời kịp thời trước mùa mưa bão sẽ có nguy cơ bị sạt lở đất; hoặc trước tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, nếu ta chủ quan, không có kế hoạch chủ động triển khai các biện pháp phòng chống mưa bão, rét đậm, rét hại cho người và vật nuôi, thì hậu quả xảy ra sẽ đe dọa đến tính mạng con người và ảnh hưởng xấu đến sản xuất… Có vô vàn cái chủ quan như vậy nếu ta không nêu cao tinh thần phòng chống thì chủ quan sẽ trở thành một thứ bệnh mãn tính, khó cứu chữa, mà hậu quả thì khôn lường.

Biểu hiện phổ biến của bệnh chủ quan đó là lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, đốt cháy giai đoạn, bất chấp quy luật khách quan. Cán bộ đảng viên khi mắc phải căn bệnh chủ quan sẽ dẫn đến việc lãnh đạo, quản lý điều hành xã hội xa rời thực tế, không thể hiện được ý chí, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Nhất là khi cán bộ đảng viên là những người có chức, có quyền mắc bệnh chủ quan, duy ý chí thì sẽ dẫn tới tình trạng lạm dụng chức quyền, mất dân chủ, không quan tâm lắng nghe ý kiến đề đạt của quần chúng nhân dân. Trong công tác, người có trách nhiệm và có quyền đưa ra các quyết sách lãnh đạo chỉ dựa vào nhận thức và ý chí của cá nhân mình mà suy nghĩ, hành động, không phù hợp với thực tế khách quan. Người mắc bệnh chủ quan, duy ý chí giữ chức vụ càng cao, vị trí càng quan trọng thì ảnh hưởng càng lớn, hậu quả càng nặng nề, gây nên những hệ lụy khôn lường đối với đời sống kinh tế - xã hội. Thực tế đã cho thấy, do chủ quan, duy ý chí mà một số bộ, ngành, địa phương đề ra chỉ tiêu kế hoạch hàng năm quá cao, không phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tiễn, dẫn đến không thực hiện được, gây ra sự phát triển mất cân đối của nền kinh tế; hay việc đưa ra xét xử 12 vụ án tham nhũng trong năm qua đã chứng minh rõ tác hại nguy hiểm của những cán bộ mắc căn bệnh chủ quan này. Vì thế, bệnh chủ quan nếu không được phát hiện, sửa chữa kịp thời sẽ gây ra những tổn thất nặng nề, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn xã hội. Chúng ta không chấp nhận bất kỳ một biểu hiện nào của chứng bệnh chủ quan, nhưng nó vẫn đã và đang xuất hiện, tồn tại trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thành quả của cách mạng và uy tín của Đảng, Nhà nước ta.

Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”, để giáo dục cán bộ, đảng viên trong việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Trong đó, Bác đã phê phán gay gắt căn bệnh chủ quan như quá đề cao ý chí, quá đề cao sự suy nghĩ một chiều của cá nhân; nếu chỉ dựa vào ý chí, dựa vào tình cảm, không tôn trọng quy luật, bất chấp quy luật khách quan để hành động, thì đó là bệnh chủ quan. Bác nói: “Mỗi chứng bệnh gây ra do nhiều nguyên nhân. Nhưng kết quả nó đều làm cho người ta ốm yếu. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông”. Bác đã phê phán bệnh chủ quan một cách mạnh mẽ, lời lẽ cực kỳ sâu sắc với nhân sinh quan vô cùng sáng suốt. Lời dạy của Bác cho ta nhiều bài học bổ ích và quý báu để thực hiện tốt nhiệm vụ to lớn của cách mạng hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, là dịp để chúng ta nhìn nhận lại và nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm phê phán những biểu hiện của bệnh chủ quan trong mỗi cán bộ, đảng viên. Đó chính là các bệnh tự mãn, bệnh ngộ nhận, bệnh duy ý chí, bệnh quan liêu, tự cho rằng ta biết rồi, giỏi rồi kiểu như “biết rồi, khổ lắm nói mãi”; trong công việc thì chỉ dựa vào kinh nghiệm vụn vặt, xa rời thực tế, thành tích giả... Nghị  quyết 04-NQ/TW đã chỉ rõ, đó là: “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”.

Chủ quan là một thứ bệnh độc hại làm thoái hóa cán bộ, đảng viên, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện cho mình phương pháp, tác phong công tác khoa học, thiết thực và hiệu quả. Các cấp ủy đảng cần đưa phòng chống bệnh chủ quan vào trong nội dung sinh hoạt Đảng, đấu tranh tự phê bình và phê bình, kiên quyết loại bỏ chứng bệnh chủ quan, nhằm làm cho Đảng, Nhà nước ta thật sự trong sạch vững mạnh, bảo đảm hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước. Và, cách thiết thực nhất để nêu cao tinh thần phòng chống bệnh chủ quan chính là, mỗi cán bộ đảng viên cần tích cực học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở nền tảng giúp cán bộ, đảng viên không mắc vào căn bệnh chủ quan, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Kim Ngân

TẠP CHÍ IN