Thứ Năm, 25/4/2024

Gìn giữ và phát huy tiếng Việt tại nước Cộng hòa Pháp

Hiện nay, tại nước Cộng hòa Pháp có khoảng hơn 300.000 người gốc Việt đang sinh sống, làm việc và học tập, là một trong những cộng đồng người Việt lớn ở hải ngoại. Người Việt du nhập vào Pháp từ những năm 1820. Đầu thế kỷ XX, cộng đồng người Việt tăng lên đáng kể do việc tuyển nhân công để bổ sung vào các xưởng sản xuất và tổng động viên để bổ sung quân đội. Sau đó tăng dần theo thời gian, do sinh viên du học của Việt Nam Cộng hòa, do nạn thuyền nhân vượt biển tị nạn vào Pháp vào thập niên 1970 - 1980 và sau này số sinh viên du học ở lại định cư ở Pháp ngày càng nhiều.

Có rất nhiều lí do để học tiếng Việt, học để có thể giao tiếp với người Việt, để tìm hiểu về Việt Nam, để đi du lịch Việt Nam, để về Việt Nam học tập hay làm việc… Đối với người Việt Nam sinh trưởng ở nước ngoài, còn một lí do khác, họ học tiếng Việt vì họ là người Việt, muốn hướng về nguồn cội, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Có thể nói, từ những ảnh hưởng của yếu tố lịch sử đến quan hệ ngoại giao, Pháp là quốc gia tiếp nhận tiếng Việt sớm và hỗ trợ nhiều cho việc dạy học tiếng Việt. Hiện nay tại Pháp có một số cơ sở dạy tiếng Việt chính quy như Ban Việt học trường Đại học Paris 7 Diderot, Viện nghiên cứu quốc gia về ngôn ngữ và văn minh phương Đông (INALCO), một vài trường trung học nổi tiếng. INALCO có số lượng sinh viên tiếng Việt xếp thứ 9 trên hàng trăm ngôn ngữ. Những năm học gần đây, số lượng sinh viên học tiếng Việt ở Đại học Paris 7 và INALCO khá ổn định so với các năm trước. Đối tượng là sinh viên người Pháp chiếm 80%, còn lại là sinh viên người Pháp gốc Việt. Hằng năm, các sinh viên từ năm thứ hai, thứ ba về Việt nam theo diện trao đổi 2 tháng hè, nửa học kỳ hoặc một năm tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tiếng Việt được dạy ở Trường Jean de La Fontaine từ 1995 như là ngoại ngữ chính. Trường hiện có 7 lớp tiếng Việt gồm 58 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Ngay từ lớp 6, những học sinh đã theo học tiếng Việt hay xuất thân từ gia đình gốc Việt đều có thể chọn đồng thời tiếng Việt và tiếng Anh là ngoại ngữ chính và có thể chọn tiếng Việt làm môn ngoại ngữ khi thi tốt nghiệp PTTH. Trường Louis Le Grand có lớp tiếng Việt từ Seconde (tương đương lớp 10) đến Terminale (tương đương lớp 12) và lớp ôn thi tiếng Việt cho bằng tốt nghiệp cấp 3, đồng thời cũng có lớp dành riêng cho học sinh Việt Nam mới chuyển sang định cư tại Pháp. Đây là cơ sở nhận dạy tiếng Việt LIE cho các trường trung học khác trong Paris và gần Paris. Năm học 2017 - 2018 trường có 5 lớp tiếng Việt, với khoảng 45 học sinh; mỗi lớp học 2,5 giờ mỗi tuần.

Hiệp hội Khuyến Học tại Paris ra đời năm 1848. Hội duy trì nhiều năm các lớp tiếng Việt. Hiện nay có 3 lớp tiếng Việt với 35 học viên theo học. Ngoài ra, từ ba năm gần đây, thị chính Paris bắt đầu có các khóa học tiếng Việt cho cư dân vùng Paris và phụ cận, theo học vào buổi đêm hoặc cuối tuần. Năm học 2018 - 2019 có 60 hồ sơ được chấp nhận. Khóa học theo năm, mỗi kỳ có 60 giờ, mỗi tuần 2 giờ, từ ngày 02/10/2017 đến 03/07/2018, tại Baudricourt, quận 13 Paris.

Trường Về Nguồn của Hội người Việt Nam tại Pháp hiện nay có chừng 50 trẻ em theo học, tổ chức thành 10 lớp. Giáo trình học tiếng Việt do Hội và trường tự soạn. Ngoài ra các hội đoàn người Việt cũng tích cực tham gia tổ chức các lớp học tiếng Việt với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Hội Âu Việt ngoài phổ biến các hoạt động dạy học tiếng Việt của Hội trên trang Facebook, còn quản lý nhóm Facebook Dạy và học tiếng Việt tại Pháp với đông đảo thành viên tham gia, cập nhật các thông tin dạy học tiếng Việt của các cơ sở dạy tiếng Việt tại Pháp và các thông tin liên quan đến việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm; giải đáp các thắc mắc về dạy học tiếng Việt. Nhóm Cánh Diều được thành lập từ năm 2014 do những phụ huynh là cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp thành lập với mục đích giữ gìn văn hóa truyền thống cho các con. Ngoài ra, một số giáo viên tiếng Việt rải rác các nơi có tâm huyết với việc phát triển tiếng Việt tổ chức các lớp dạy riêng, cho cá nhân hoặc tập thể.

Trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam nói chung và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp nói riêng luôn chú trọng quan tâm đến vấn đề gìn giữ và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Pháp. Đại sứ quán Việt Nam thường xuyên liên hệ, trao đổi và có hình thức động viên các tổ chức, cá nhân dạy tiếng Việt, đặc biệt khuyến khích việc dạy học tiếng Việt của các hội đoàn, gặp gỡ các giáo viên tiếng Việt để tìm hiểu các khó khăn và đề xuất giải pháp. Khuyến khích các giáo viên tiếng Việt tham gia các đợt tập huấn giảng dạy tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, khuyến khích các trẻ em Việt kiều về nước tham gia các đợt trại hè do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Với sự quan tâm vận động, tuyên truyền và hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán và đặc biệt với ý thức bảo tồn gốc rễ, hướng về cội nguồn, duy trì văn hóa Việt Nam của cộng đồng, tiếng Việt đang ngày được quan tâm nhiều hơn tại Pháp.

Tuy nhiên, nếu xét số lượng các cơ sở dạy tiếng Việt và số lượng người tham gia so với tổng số 300.000 người Việt ở Pháp thì có thể thấy việc dạy học tiếng Việt tại Pháp còn nhiều hạn chế. Do tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ khó, thiếu sách vở, tư liệu, thiếu môi trường học tập, thời gian và động lực nên việc dạy, học tiếng Việt tại Pháp còn gặp khó khăn. Các lớp học tiếng Việt chủ yếu tập trung tại Paris, thành phố và địa phương khác còn rất hạn chế. Người Việt ở nước ngoài nói chung và ở Pháp nói riêng, trải qua quá trình mưu sinh, lập nghiệp và hội nhập vất vả, phần nào xa rời văn hóa cội nguồn. Sau quá trình hội nhập, hấp thụ văn hóa của nước sở tại, họ không có thời gian và không quan tâm đầy đủ đến việc giữ gìn văn hóa truyền thống, duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ của mình cho con cháu. Gìn giữ và phát triển tiếng Việt ở nước ngoài là một việc không đơn giản, đòi hỏi sự cố gắng của mỗi cá nhân và sự chung sức của cả cộng đồng, trong đó việc tuyên truyền, vận động đóng một vai trò quan trọng và không phải ngày một ngày hai đạt được kết quả mà cần liên tục, bền bỉ lâu dài.

Để thúc đẩy việc học tiếng Việt tại Pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, giữ gìn tiếng Việt trong gia đình. Việc học tiếng Việt, trước tiên là nghe và nói, cần phải được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ trong gia đình. Chỉ có sự kiên trì của bố mẹ mới duy trì được cho con thói quen dùng tiếng Việt. Phải làm sao để tạo thói quen nói tiếng Việt ngay từ lúc tập nói để trẻ không cảm thấy tiếng Việt là một ngoại ngữ mà là tiếng mẹ đẻ, để hình thành phản xạ sử dụng tiếng Việt một cách tự nhiên, chứ không phải nghĩ trước bằng tiếng Pháp rồi dịch ra tiếng Việt. Nhiều trẻ em thường pha trộn tiếng Việt và tiếng Pháp. Nếu bố mẹ không chú ý sửa câu nói của con, dần dần vốn tiếng Việt của trẻ sẽ giảm đi, và đến một lúc nào đó, trẻ sẽ chuyển sang nói tiếng Pháp hoàn toàn.

Hai là, tự học tiếng Việt bằng cách đọc nhiều sách và xem nhiều phim tiếng Việt. Cháu Alexis ở Hội Âu Việt, cho đến 3 tuổi vẫn nghe bố mẹ nói tiếng Việt thường xuyên, hiểu nhưng không nói được, do giai đoạn đang bị bế tắc giữa hai ngôn ngữ. Hè 2009, gia đình về Việt Nam và cháu được một cô giáo đến nhà dạy cho 16 buổi, mỗi buổi 1,5 giờ thì cháu đã thạo đánh vần tiếng Việt. Lúc trở lại Pháp bố mẹ cháu mang theo một số cuốn sách Doremoon tiếng Việt, cháu mê bộ truyện tranh này và mày mò tự đọc hết cả bộ dài, bộ ngắn, bộ màu, bộ bổ sung, từ đó đọc được tiếng Việt thành thạo. 

Ba là, về Việt Nam thường xuyên. Không đâu có thể học tiếng Việt hiệu quả hơn là môi trường thuần tiếng Việt. Nếu các cháu về Việt Nam vài ba tháng hè kết hợp với một khóa học tiếng Việt ngắn hạn ở Việt Nam thì hiệu quả rất cao. Khoa Việt Nam học và tiếng Việt của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội là nơi có truyền thống và nhiều kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học Nguyễn Thiện Nam cho biết học viên của Khoa hiện nay ở lứa tuổi từ 8 đến 75, nhiều người đã vận dụng rất giỏi tiếng Việt chỉ sau các khóa học ngắn hạn tại đây.

Bốn là, học tiếng Việt trong trường học tại Pháp. Việc theo học tiếng Việt trong hệ thống các trường học của Pháp không chỉ giúp cho chính bản thân con em trong gia đình mà còn góp phần để tiếng Việt được quan tâm và chú trọng nhiều hơn trong giáo dục và đào tạo của Chính phủ Pháp, giúp cho các cơ sở dạy tiếng Việt chính quy có điều kiện duy trì và phát triển thêm.

Năm là, học tiếng Việt qua việc tham gia hoạt động văn hóa trong một hội đoàn. Hoạt động Hội đoàn là một đặc điểm nổi bật ở một quốc gia có cộng đồng người Việt lớn như tại Pháp. Đặc biệt Hội Người Việt Nam tại Pháp với truyền thống 100 năm, là nơi hội tụ đông đảo người Việt Nam tại Pháp và kết nối các Hội đoàn khác. Các hội đoàn có nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, trong số có một số Hội có lớp dạy tiếng Việt như Hội người Việt Nam tại Pháp, Hội Âu Việt, nhóm Cánh Diều...  Hội đoàn là nơi hội tụ, là nơi gặp gỡ giao lưu của cộng đồng người Việt. Sau một thời gian, một tuần, một vài tuần, một tháng hay nửa năm, được gặp gỡ những người đồng hương, đồng xứ sở, được nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt là niềm hạnh phúc đơn giản của những người Việt xa quê. Qua tiếng Việt, văn hóa và bản sắc dân tộc Việt sẽ được giữ gìn và phát huy tại các cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Song Hương

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN