Thứ Sáu, 19/4/2024

Nữ cựu tù 30 năm thầm lặng làm việc nghĩa

Trách nhiệm và nghĩa vụ

Bà Lê Thị Tâm được chòm xóm xung quanh gọi với cái tên thân thương Mười Đào, hoặc dì Mười; cũng nhiều người ở phường 4, quận Phú Nhuận gọi là “bà già hiếm có” bởi lòng nhân ái bao dung. Năm 2009, đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt nặng nề. Qua báo, đài, bà biết, hàng ngàn mái nhà người dân Quảng Bình, Quảng Trị ngập lụt, nhiều gia đình không có gạo ăn, trẻ em đói khổ, người già bệnh hoạn. Không cầm lòng trước nỗi khổ của bà con, bà đã bàn với con gái bán căn nhà hai mẹ con đang ở, dùng hơn nửa số tiền mua 14 tấn gạo, mì tôm, và các nhu yếu phẩm khác hỗ trợ đồng bào miền Trung. Đối với những đồng đội năm xưa chiến đấu cùng đơn vị, bà tặng mỗi người một chỉ vàng bốn số 9 để làm vốn hưởng già.

Đối với thân nhân gia đình liệt sĩ Gạc Ma, nhà giàn DK1, bà luôn có tình cảm đặc biệt. Từ năm 2015 - 2018, bà Tâm nhờ người hàng xóm 4 lần chở quà xuống Vũng Tàu tặng cho thân nhân liệt sĩ nhà giàn DK1 và quân nhân có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Ngoài bánh, kẹo, đường, sữa, mì tôm, bột nêm, lần nào bà cũng tặng tiền cho thân nhân liệt sĩ. Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, vợ của liệt sĩ Phan Văn Hạnh hy sinh tại Trường Sa mùa xuân năm 2014 không đến nhận quà được, bà để giành phần quà ấy, rồi gọi điện cho mẹ con chị Dung đến nhà riêng của bà để nhận. Cụ Phan Thị Cháu, mẹ của liệt sĩ DK1 Lê Đức Hồng nghẹn ngào khóc khi 2 lần nhận được quà và 3 triệu đồng của bà gửi tặng.

“Tui làm với trách nhiệm và nghĩa vụ của lớp người đi trước” - Bà Tâm  nói như vậy mỗi khi có ai hỏi về tuổi tác, hoặc quá trình hoạt động cách mạng của bà. Bà còn bảo: “Tui hưu tuổi đời chứ không hưu tuổi Đảng. Tui được Đảng dạy, dân nuôi, chí khí cách mạng đã thấm vào tim vào óc tui, nên giúp được gì cho lớp trẻ hiện nay thì tui làm…”.

Tháng 6/2017, bà Tâm là nhân vật đặc biệt vinh dự được Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Quân đội Nhân dân mời ra thủ đô Hà Nội dự Lễ tổng kết trao giải cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 8. Trong phần “Tôn vinh những người con trung hiếu”, khi phóng viên truyền hình hỏi: “Xuất phát từ đâu mà dì lại đi làm từ thiện nhiều năm qua, trong khi thế hệ của dì phải được con cháu chăm lo, thì dì lại làm ngược lại?”. Bà Tâm cầm mico nói: “Trước khi tui trả lời, tui xin đính chính thế này: Tui không phải làm từ thiện, mà tui làm với trách nhiệm và nghĩa vụ của lớp người đi trước. Lớp chúng tui được Đảng dạy, dân nuôi thì bây giờ phải có trách nhiệm chăm lo cho lớp trẻ”. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và người dân thủ đô Hà Nội có mặt trong hội trường Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô đêm ấy vỗ tay rầm rập, khâm phục. Có người đã rơi nước mắt khi nghe bà kể quãng thời gian bị địch bắt giam cầm ngoài lao tù Côn Đảo. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nắm chặt tay bà, bảo: “Bà cố gắng giữ gìn sức khỏe, và mãi là tấm gương sáng để con cháu, lớp trẻ noi theo và học tập”.

Ngược dòng thời gian gần hai năm trước, đó là tháng 7/2017, bà Tâm và một nhà báo bắt xe đò từ bến xe Miền Đông vượt hơn 400 km ra bán đảo Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa đem theo 64 chiếc phong bì trong đó chứa 128 triệu đồng để tặng cho thân nhân gia đình liệt sĩ Gạc Ma trong dịp Khánh thành khu tưởng niệm và cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”. Nhưng kế hoạch tặng quà không thành do chương trình có sự thay đổi. “Trước anh linh 64 liệt sĩ, tui buồn muốn khóc. Tui đã ấp ủ từ lâu rồi. Đây là tấm lòng của tui. Không trao hôm ấy biết đến bao giờ?” - bà Tâm hồi tưởng lại.

Trở về thành phồ Hồ Chí Minh, trong tâm khảm bà Tâm cứ áy náy một điều, bằng mọi cách số tiền 128 triệu đồng phải chuyển đến tận tay thân nhân gia đình 64 liệt sĩ Gạc Ma. Những ngày sau đó, bà liên hệ với một số cơ quan báo đài để nhờ chuyển hộ, nhưng cũng không thành. Đã có lúc bà nghĩ, mở những phong bì, lấy tiền rồi đem “hóa vàng” 64 phong bì đi, nhưng bà cứ nấn ná, chờ đợi cơ hội nào đó, 64 chiếc phong bì sẽ đến tay gia đình liệt sĩ.

 Biết được tấm lòng nhân ái và tâm nguyện tri ân của bà, ngày 13/3/2018, Ban Chương trình xã hội báo Tuổi trẻ đã đến tận gia đình bà xin nhận 64 phong bì chứa 128 triệu đồng để chuyển đến   gia đình 64 liệt sĩ Gạc Ma. Trước mặt mọi người, bà Tâm xúc động rưng rưng nói: “Đây là tấm lòng của tui. Tui được sống như bây giờ là bao người đã ngã xuống. Nhiều người nói tui khùng, điên. Có người còn bảo “làm việc bao đồng”, “bà già rồi để tiền lo lúc ốm đau việc gì làm từ thiện”. Tui trả lời, “tui không làm từ thiện, mà làm với nghĩa vụ và trách nhiệm của lớp người đi trước”. Bà Tâm còn căn dặn: “Trong đó có nhiều loại tiền, từ tờ 50 ngàn, 100 ngàn đến 500 ngàn. Tui bỏ ống heo từ gần 10 năm qua. Tiền đó từ lương hưu góp lại”…

88 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng chưa bao giờ bà Tâm ngơi việc. Ngày ngày, bà vẫn tập thể dục, đọc báo, dọn dẹp nhà cửa, tưới cây bình thường. Mỗi lần thấy bà đi sinh hoạt chi bộ, có người khuyên “già cả rồi xin nghỉ sinh hoạt Đảng cho khỏe bà ơi”. Bà trả lời: “Tui hưu tuổi đời chứ không hưu tuổi Đảng”.

Nguyện vọng cuối đời

Vẫn còn một việc đến nay bà Lê Thị Tâm cho là nỗi đau khắc khoải chưa làm được. Đó là tri ân 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc và những cựu binh đoàn tàu không số trên chuyến tàu đã chở bà từ nhà tù Côn Đảo về tới đất liền ngày 05/4/1975. Bà Tâm đã từng đến Ngã ba Đồng Lộc và thắp lên đó nén hương lòng, nhưng bà vẫn đau đáu một điều rằng, sẽ gặp được bố, mẹ hoặc người thân của họ để gửi một chút tiền gọi là quà tri ân liệt sĩ. “Nếu họ còn sống, bây giờ có người cũng lên chức bà nội, bà ngoại như tui. Các chị đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi ơn là điều dĩ nhiên, nhưng những người đang sống cũng có trách nhiệm với họ, vậy mới xứng đáng” - bà Tâm chia sẻ.

Còn đối với những cựu binh đoàn tàu không số, bà vẫn tâm nguyện gặp đồng đội cũ. Một phần để hồi tưởng lại ký ức đã qua, một phần muốn tặng đồng đội một phần quà nho nhỏ tỏ lòng trân trọng. Một trong những chiến sĩ trên đoàn tàu không số đưa bà từ Côn Đảo về đất liền năm 1975 là cựu binh Trung tá Nguyễn Viết Chức, hiện đang sống ở Vũng Tàu. Mỗi lần tặng quà cho thân nhân liệt sĩ nhà giàn DK1 ở Vũng Tàu, bà đều gặp ông Chức. Hai mái đầu bạc trắng như nhau. Những câu chuyện về Côn Đảo, về những năm tháng bị địch bắt tù đày làm sống dậy một thời son trẻ…

Trong căn nhà chật hẹp đi chung cổng với người hàng xóm, bà Tâm mở tờ báo Sài Gòn Giải phóng đọc đi đọc lại bài “Lớp học giữa rừng già”. Bà quay lại nói với tôi: “Dì đã 3 lần tặng quà cho lớp học này rồi, trong đó có hai lần đi trực tiếp. Nhìn các thầy cô giáo, các em học sinh và đồng bào nơi đó cực khổ lắm. Còn sức khỏe, sang năm dì lại đi nữa”. Bà Tâm gấp tờ báo lại, để trong tủ kính. Ở trong ngăn tủ ấy chứa hàng trăm giấy khen, bằng khen, huân chương chiến công các loại ghi dấu công lao của bà. Trong đó có nhiều bài báo viết về sự hi sinh anh dũng của 64 liệt sĩ Gạc Ma.

Mai Thắng

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN