Thứ Bảy, 20/4/2024

Ổn định để phát triển

Trong cơ chế thị trường hiện nay, văn hóa ứng xử đang có nguy cơ báo động. Một bộ phận không nhỏ học sinh mắc tệ nói tục chửi thề; trong gia đình thì con cái cãi chửi lại cha mẹ, ông bà; ngoài xã hội thì người ta buông tuồng trong ngôn ngữ, lời thô thiển lấn át lời lịch sự, nói năng thô lỗ làm mất đi vẻ đẹp trong sáng, phong phú vốn có của tiếng Việt. Rồi tệ nạn bạo lực gia đình kiểu “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với phụ nữ và trẻ em; quan hệ làng xóm mất đoàn kết… Trong cuộc sống hằng ngày thì hễ va chạm dù nhỏ nhặt cũng gây ra xích mích, xô xát đấm đá lẫn nhau hoặc là sẵn sàng rút dao đoạt mạng nhau dễ như trở bàn tay. Ra đường thì tranh nhau đi trước dẫn đến phóng nhanh, vượt ẩu, bất chấp luật lệ. Nhìn vào xã hội ngày nay có thể thấy “cái tôi” của con người ta bây giờ quá lớn. Có nhiều người chỉ muốn thủ lợi, tranh đoạt mọi thứ cho bản thân, cho gia đình mình mà bỏ qua nhân tình, thế thái, đạo lý ở đời. Dù tất cả những hành vi trên xảy ra trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào song có thể thấy, sự phát triển của xã hội cần những ứng xử văn hóa phù hợp của con người đối với từng vấn đề trong xã hội. Tất cả, nếu coi thường, không giáo dục chu đáo ngay từ gia đình, không có sự phối hợp đồng bộ các cấp, các ngành, nhà trường, gia đình và xã hội thì sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng nếp sống văn hóa.

Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, nhưng nguyên nhân cốt yếu nhất đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, của sự buông lỏng kỷ cương phép nước. Nhiều ý kiến của dư luận xã hội cũng nhận định, phát triển kinh tế chưa thực sự song hành với văn hóa, bởi kinh tế có phát triển đến đâu nhưng nếu không quan tâm đến văn hóa thì việc phát triển kinh tế cũng là vô nghĩa. Bởi một lẽ đơn giản là khi ta “gieo hành vi” thì sẽ “gặt thói quen” và khi “gieo thói quen” thì sẽ “gặt tính cách”. Nếu kinh tế phát triển trên nền một xã hội bất ổn thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đó là các tệ nạn xã hội đua nhau nảy nở, phát sinh.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của mình, Đảng ta luôn coi con người là vốn quý nhất, là mục tiêu, động lực của cách mạng, là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Tại Đại hội VI (năm 1986), với sự đổi mới toàn diện và sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, nhận thức về vị trí, vai trò con người của Đảng ta cũng ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, là đối tượng, mục tiêu và động lực của mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ đại hội, cũng như trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng. Tại Đại hội VIII, Đảng ta khẳng định: “Tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình”. Đến Đại hội X, Đảng ta tiếp tục khẳng định, một trong những đặc trưng quan trọng của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là “con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện”. Đặc biệt, tại Đại hội XII, Đảng đã bổ sung, phát triển nhiều quan điểm mới về xây dựng, phát triển con người, được cụ thể hóa trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. Đảng đã chỉ rõ: Xây dựng con người phát triển toàn diện là một trong những nhiệm vụ tổng quát. Gồm, phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân và tuân thủ pháp luật.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Cần nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”; “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa có mạnh, xã hội có ổn định, phát triển hài hòa, con người có phát triển toàn diện thì đất nước mới phát triển nhanh và bền vững; phải thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, phát triển kinh tế - xã hội phải đạt được cả hai, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững; kiên trì nguyên tắc 3 trụ cột bao gồm: kinh tế - xã hội và môi trường.

Để đất nước ổn định, không ngừng đổi mới và phát triển, đời sống người dân không ngừng cải thiện, không còn những tồn tại, bất cập của kinh tế - xã hội như: tình trạng quan liêu, xa dân, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng… thì mọi giải pháp, chính sách đều phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, song hành kinh tế và văn hóa xã hội, chú trọng tăng trưởng kinh tế với chăm lo xã hội, con người. Làm sao để tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, ô nhiễm môi trường, khiếu kiện đông người... không còn xảy ra và diễn biến phức tạp. Các cấp, các ngành, các cấp ủy đảng phải làm tốt việc chống “diễn biến hòa bình”; chống tư tưởng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ; kiên quyết chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm... Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, chính quyền chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức vững mạnh, nhất là về phẩm chất, đạo đức, lối sống, phòng chống bệnh suy thoái về đạo đức, lối sống, giảm sút niềm tin, thoái chí chiến đấu, thiếu lương tâm, trách nhiệm; nói nhiều, làm ít của cán bộ, đảng viên.

Văn hóa xã hội là bộ mặt quốc gia, là thước đo trình độ văn minh của một dân tộc. Vì vậy, chăm lo phát triển con người, xã hội là việc làm thiết thực góp phần ổn định xã hội để phát triển kinh tế đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Kim Ngân

TẠP CHÍ IN