Thứ Năm, 26/12/2024

Công tác dân vận là công việc trọng điểm, thường xuyên của chính quyền các cấp

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 do đồng chí Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì là hội nghị rất quan trọng, tổng kết một nhiệm vụ chính trị cơ bản, lâu dài, nhất quán của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, nói đến một vấn đề, đến một nhiệm vụ của bộ máy nhà nước; thể hiện bản chất, nhiệm vụ của nhà nước ta là: Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm dân vận của chính quyền” 2018 mà vai trò tham mưu, kiểm tra, đôn đốc của Ban Dân vận Trung ương rất tích cực, có hiệu quả. Đảng đoàn Quốc hội đã có báo cáo về công tác dân vận và sự phối hợp có hiệu quả này. Đồng thời đánh giá cao việc triển khai thực hiện của chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này, rất ấn tượng về việc Chính phủ đã có phương châm hành động là: “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp chính quyền bao gồm (cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân), đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phối hợp với Ban dân vận triển khai thực hiện thống nhất ở tất cả các cấp chính quyền nhiệm vụ quan trọng này. Qua đó đã nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và công tác dân vận của cơ quan chính quyền các cấp; thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân; Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy từ Chính phủ đến các cấp chính quyền đều đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện tinh giản biên chế, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt, tất cả các cấp đều chăm lo việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Do đó, đã nâng cao được đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình mới. Thông qua công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết kịp thời những kiến nghị của cử tri, của nhân dân. Như vậy, công tác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền bước đầu có kết quả quan trọng.

Những kết quả đó, qua được theo dõi, phối hợp, đều có tác động tích cực đến hoạt động Quốc hội, được chuyển tải đến Quốc hội khi cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, sửa đổi Hiến pháp, xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách chăm lo đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Xuất phát từ nhận thức dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của Đảng và sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân theo tư tưởng của Bác Hồ. Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, của mỗi cán bộ, đảng viên, của người đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nên Đảng đoàn Quốc hội đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội quy định.

Đảng đoàn Quốc hội đã quán triệt các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, lãnh đạo Quốc hội thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, năm 2018 đã tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 bảo đảm đúng đường lối của Đảng về quyền con người, quyền công dân; với trách nhiệm phải thực hiện Luật quy định: Quốc hội tôn trọng quyền đóng góp ý kiến của cử tri với bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước, xây dựng pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung chỉ đạo việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Luật tiếp công dân. Đây là hành lang pháp lý tạo mọi điều kiện để nhân dân thực hiện đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền, nên việc sửa các luật liên quan các lĩnh vực này được tiến hành khẩn trương, đồng bộ. Đáng chú ý là Luật tố cáo đã bổ sung nhiều vấn đề mới, quy định về tố cáo rõ hơn, rút gọn trình tự tố cáo, rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo, quy định cho phép rút tố cáo, quy định rõ về trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, cho phép tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quan tâm chỉ đạo sát sao việc đánh giá, rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân, đến nay, các văn bản quy phạm lĩnh vực này dần hoàn thiện; Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian chủ trì họp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo; Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, tăng cường việc tiếp dân, nhiều việc tồn đọng, kéo dài, phức tạp đã được giải quyết.

Năm 2018, Quốc hội đã tiến hành giám sát việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã tiếp 12.540 lượt người đến kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, phản ảnh về 7.493 vụ việc. Các cơ quan của Quốc hội đã chủ động tiếp nhận, phân loại, xử lý hoặc chuyển kịp thời đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đã giám sát việc giải quyết. Cụ thể đã giám sát tại 9 địa phương (Lâm Đồng, Đắc Nông, Hậu Giang, Cà Mau, Thái Nguyên, Hải Phòng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hà Giang), làm việc và xem xét báo cáo của 05 bộ, ngành (Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) và báo cáo của Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố về công tác tiếp công dân, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do Quốc hội chuyển đến.

Các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát bằng nhiều hình thức khác nhau như họp với các cơ quan hữu quan; theo dõi, đôn đốc việc xử lý khiếu nại, tố cáo; kết hợp, lồng ghép với các hình thức giám sát khác, thẩm tra báo cáo trình Quốc hội...

Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng trực tiếp giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với những đơn thư đã chuyển. Theo Báo cáo của các Đoàn ĐBQH, trong tổng số 63 tỉnh, thành phố thì có 11 đoàn ĐBQH tổ chức được 18 cuộc giám sát chuyên đề, 27 đoàn tổ chức giám sát được 293 vụ khiếu nại, tố cáo cụ thể, 15 đoàn thực hiện phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát được 97 vụ việc, 15 đoàn tổ chức lồng ghép giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo với chuyên đề giám sát khác; 22 đoàn có văn bản đôn đốc đối với 194 vụ việc.

Riêng kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.480 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 834 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.646 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Như vậy, với nhiệm vụ quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, thông tin, an ninh, quốc phòng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thông qua các Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH tổ chức tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến rộng rãi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về một số luật như: Bộ luật hình sự, Luật đất đai, tới đây sẽ lấy ý kiến nhân dân đóng góp ý kiến cho Luật giáo dục vì có nhiều quy định liên quan đến lợi ích của nhân dân, đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của nhân dân, của cử tri cả nước đều được báo cáo công khai, nghiêm túc trước Quốc hội, được truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi.

Đồng thời, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đều hướng về cơ sở, nắm bắt kịp thời hoạt động, đời sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, đôn đốc, theo dõi các cơ quan có trách nhiệm giải quyết những yêu cầu chính đáng của cử tri và nhân dân.

Quốc hội tôn trọng, lắng nghe, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong khi xây dựng luật pháp, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề quan trọng của đất nước. Thường xuyên giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố về việc ban hành các nghị quyết thực hiện tốt công tác dân nguyện; đổi mới việc tiếp xúc cử tri, đề cao trách nhiệm công tác phối hợp giải quyết nguyện vọng cử tri, đáp ứng kỳ vọng của cử tri cả nước.

Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội rất mong trong thời gian tới việc thực hiện công tác dân vận của chính quyền sẽ tiếp tục được tiến hành sâu, rộng hơn, coi đây là công việc trọng điểm, thường xuyên của các cấp chính quyền, nhất là phương hướng, nhiệm vụ khắc phục những mặt còn hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm. Chúng ta sẽ tiếp tục phải trả lời: Vì sao dân còn khiếu nại, tố cáo nhiều; vì sao dân chưa hài lòng về cán bộ, công chức và cải cách hành chính; làm sao để dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như Bác Hồ hằng mong muốn.

Kết quả thực hiện Năm dân vận chính quyền 2018 sẽ tiếp tục thúc đẩy có hiệu quả việc tổ chức thực hiện tư tưởng dân vận của Bác Hồ, các nghị quyết của Đảng về đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo, công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, có nhiều nội dung công tác, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục được phối hợp, nghiên cứu đáp ứng việc thể chế các nội dung này thành luật pháp, chính sách của Nhà nước.

Tòng Thị Phóng
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN