Ngay năm đầu nhiệm kỳ 2016, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận trên địa bàn tỉnh. Cùng với chỉ đạo thực hiện nền nếp Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Quy định về chế độ tiếp xúc, đối thoại của các đồng chí Tỉnh ủy viên với nhân dân; chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường, nâng cao chất lượng tiếp xúc đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy ký Kế hoạch phối hợp thực hiện “Năm dân vận chính quyền”. UBND tỉnh đã ban hành Quy định bộ tiêu chí, cách đánh giá, xếp loại công tác dân vận của cơ quan nhà nước; Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; Chị thị về tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật lao động góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; Chỉ thị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các yêu cầu, nhiệm vụ trên đều được quán triệt, truyên truyền sâu rộng trong các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân. Trong năm, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và “Năm dân vận chính quyền” tại một số ngành, địa phương.
Năm 2018, nối tiếp thành công trong 2 năm đầu nhiệm kỳ, kinh tế - xã hội Bắc Giang bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng cũng nổi lên một số vấn đề vướng mắc cần tập trung giải quyết, đó là:
(1) Công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập. Sức ép từ nhu nhu cầu thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện các dự án đầu tư công, phát triển công nghiệp và đô thị rất lớn (năm 2018, UBND tỉnh đã trình cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi 3.005 ha đất trồng lúa; trong đó Thủ tướng Chính phủ chấp thuận 609 ha, HĐND tỉnh chấp thuận 2.396 ha). Trong quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp về tranh chấp đất đai, giá cả bồi thường, hồ sơ giấy tờ lịch sử đất đai phải giải quyết làm cơ sở GPMB.
(2) Việc triển khai chủ trương của Tỉnh ủy về xây dựng giao thông, làm đường giao thông nông thôn với quy mô lớn trên phạm vi toàn tỉnh, phấn đấu cứng hóa trên 1.000 km giao thông nông thôn năm 2018. Trong đó, ngân sách chỉ hỗ trợ phần thi công, nhân dân hiến đất và đóng góp công sức làm đường. Khi thực hiện đã phát sinh một số thắc mắc và vấn đề tư tưởng.
(3) Thực hiện chủ trương, chính sách dồn điền, đổi thửa với mục tiêu dồn đổi khoảng 10.000 ha để hình thành các thửa ruộng, cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Quá trình triển khai đã gặp phải một số khó khăn do chưa có sự đồng thuận của một bộ phận nhân dân.
(4) Thực hiện chủ trương giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, thu gom và xử lý rác thải, nước thải dù đang là cấp bách, bức xúc của nhân dân nhưng vấn đề nảy sinh là các địa phương không bố trí được bãi rác chôn lấp nên hệ thống kênh mương bị ô nhiễm do tình trạng xả thải bừa bãi.
(5) Đẩy mạnh chủ trương phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, phấn đấu 100% người dân trong tỉnh có thẻ BHYT. Thực hiên mục tiêu này cần có sự hưởng ứng, tham gia tự giác của nhân dân để duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân một cách bền vững.
(6) Số lượng doanh nghiệp và công nhân trên địa bàn tỉnh tăng nhanh cùng với sự phát triển nhanh khu vực công nghiệp đã xuất hiện một số cuộc đình công, bãi công của công nhân các nhà máy đòi hỏi chế độ, chính sách, chủ yếu là chế độ về bảo hiểm xã hội (BHXH), tiền lương, tiền ăn ca... Do đó, yêu cầu xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, tạo sự ổn định để phát triển, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân và doanh nghiệp đặt ra những khó khăn, thách thức phải giải quyết.
Nhận thức rõ những vấn đề đặt ra trên đang là nút thắt, cản trở sự phát triển của địa phương. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và tập trung vào:
Thứ nhất, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lựa chọn vấn đề thiết thực, liên quan đến lợi ích của nhân dân để bàn và ban hành các chủ trương, nhất là các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp; quá trình triển khai đã kịp thời đánh giá, xem xét bổ sung, điều chỉnh sát với tình hình thực tiễn.
Thứ hai, đã chỉ đạo và tổ chức các đoàn cán bộ xuống cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, nắm bắt tình hình, nguyện vọng của nhân dân. Trong năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 02 đợt đi cơ sở chuyên đề, mỗi đợt đi thực tế 10 ngày tại địa bàn được phân công phụ trách để nắm tình hình theo gợi ý của của Thường trực Tỉnh ủy; đồng thời thường xuyên dành nhiều thời gian kiểm tra công việc, nắm tình hình từ cơ sở, tiếp xúc với dân. Thực hiện kiểm tra và duy trì nền nếp chế độ đi thực tế cơ sở nắm tình hình đất đai, môi trường, giao thông, an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách của đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp huyện ít nhất 01 lần/tháng, của đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp xã ít nhất 01 lần/tuần.
Thứ ba, đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra xử lý các vấn đề phức tạp, các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp kéo dài để xem xét, xử lý triệt để. Chỉ đạo thực hiện nền nếp chế độ tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp, các ngành; nâng cao chất lượng giải quyết ý kiến cử tri, chất vấn của đại biểu HĐND các cấp. Năm 2018, toàn tỉnh đã tiếp 7.800 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh 5.178 vụ việc (giảm 483 vụ việc so với năm trước); tiếp nhận 2.829 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết và đã xem xét giải quyết xong 2.610 đơn, đạt tỷ lệ 92,3%. UBND tỉnh đã tiến hành rà soát xác định 21 vụ việc khiếu nại, tố cáo tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện đông người, phức tạp và đã tập trung giải quyết xong 18 vụ việc, đang chỉ đạo giải quyết và phối hợp giải quyết 03 vụ việc.
Thứ tư, thực hiện nền nếp chế độ tiếp xúc, lắng nghe và trả lời ý kiến của nhân dân thông qua các cuộc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các đồng chí Tỉnh ủy viên. Trong năm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã đã tổ chức 788 cuộc tiếp xúc, đối thoại với gần 25.000 lượt công dân tham dự và có 10.230 ý kiến, kiến nghị trên các lĩnh vực, trong đó đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh 02 cuộc; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh 06 cuộc; cấp huyện tổ chức được 60 cuộc; cấp xã tổ chức được 720 cuộc. Các đồng chí Tỉnh ủy viên đã tổ chức 57 cuộc tiếp xúc, đối thoại, thu hút gần 2.500 công dân tham dự với gần 700 lượt ý kiến về những vấn đề thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Thông qua tiếp xúc, đối thoại, cơ bản các ý kiến, kiến nghị đều được người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trả lời, giải đáp tại hội nghị. Các ý kiến không thuộc thẩm quyền giải quyết được chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét làm rõ. Cũng thông qua đó, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.
Thứ năm, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các cuộc vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn, GPMB, phát triển đối tượng BHYT, tổ chức thu gom và xử lý rác thải. Các chi bộ đã tổ chức sinh hoạt tư tưởng chuyên đề về các vấn đề trên; các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, vận động; cán bộ, đảng viên phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong đi trước nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh duy trì hoạt động 1.384 hợp tác xã, tổ, đội vệ sinh môi trường làm nhiệm vụ thu gom rác thải; hình thành 2.526 tổ tự quản bảo vệ môi trường ở 2.481 khu dân cư; tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 98,5% thuộc nhóm cao nhất cả nước. Nhờ làm tốt công tác dân vận, phong trào cứng hóa giao thông nông thôn được người dân hưởng ứng mẽ với gần 1.300 km đường quy mô tối thiểu 3,5m mặt đường được thi công, vượt 40% kế hoạch ban đầu; đồng thời, thực hiện GPMB gần 2.000 ha để triển khai các dự án.
Thứ sáu, đã thường xuyên chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở để kịp thời giải quyết các vụ, việc phức tạp ngay từ đầu, những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư để giữ gìn tình làng, nghĩa xóm. Thường xuyên kiện toàn các tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên và bảo đảm kinh phí hoạt động theo quy định. Năm 2018, tỷ lệ hòa giải thành các vụ, việc tranh chấp đạt trên 80%.
Thứ bảy, phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định. Trong năm qua, nội dung, hình thức phối hợp của chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đồng cấp đa dạng song trọng tâm là phối hợp vận động nhân dân thực hiện chính sách GPMB; giải quyết các vụ việc, điểm phức tạp; triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; động viên, giúp đỡ các hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thực hiện tốt “Năm dân vận chính quyền” 2018 đã có sức lan tỏa, thúc đẩy, khích lệ các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên trong tỉnh ra sức thi đua trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng đưa kinh tế - xã hội địa phương từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay phát triển toàn diện, nhất là năm 2018 với nhiều điểm nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16%, đứng thứ 3 toàn quốc, dẫn đầu trong 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và trong 10 tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội. Quy mô kinh tế được mở rộng, tổng sản phẩm trên địa bàn gấp 1,7 lần so với năm 2015. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng hiện chiếm 52,7%; nông - lâm nghiệp - thủy sản giảm còn 19,3% trong cơ cấu kinh tế. Công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng cao 27,8%. Có 1.238 doanh nghiệp thành lập mới, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố. Thu hút FDI đứng thứ 9 cả nước về số dự án mới, thứ 12 về số vốn đăng ký và tăng thêm. Nông nghiệp có nhiều điểm sáng và đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 20 năm qua 6,5%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 9.680 tỷ đồng, vượt trên 50% dự toán, gấp 1,86 lần chỉ tiêu Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020. Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được quan tâm và có nhiều chuyển biến tiến bộ. Cơ sở vật chất trường lớp học, đội ngũ giáo viên được tăng cường, chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước. Các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo được thực hiện tốt; đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên; đã có gần 10.000 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,29%.
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận chính quyền thông qua hoạt động đối thoại, giải quyết các vụ việc phức tạp, khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm đối với công tác dân vận; thấy được vị trí, vai trò của công tác dân vận thông qua hoạt động đối thoại để nắm bắt, giải quyết các vấn đề nổi lên trong xã hội liên quan đến lợi ích thiết thực của nhân dân.
Hai là, chính quyền các cấp phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách, dự án liên quan đến lợi ích hợp pháp của nhân dân. Tổ chức tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cơ sở. Chủ động phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giải quyết các vấn đề của nhân dân, nhất là các vụ việc phức tạp. Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Ba là, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tiếp nhận, chỉ đạo giải quyết các đề xuất, kiến nghị của nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Bốn là, để tổ chức đối thoại có hiệu quả phải làm tốt công tác chuẩn bị; đồng thời, quan tâm giải quyết tốt các vấn đề sau khi đối thoại, đảm bảo các kiến nghị của người dân phải được giải quyết rõ ràng, công khai, minh bạch.