Thứ Năm, 26/12/2024

Kon Tum: nâng cao chất lượng công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 53% dân số toàn tỉnh; cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông còn hạn chế; đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn khó khăn. Thực hiện Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 03 để lãnh đạo triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực.

Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và lãnh đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 14 “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ, nhất là các hộ người DTTS. Mỗi cấp ủy từ tỉnh, huyện, xã đều phân công 01 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Dân vận cấp ủy và 01 đồng chí Phó Bí thư cấp ủy phụ trách cơ sở trực tiếp phụ trách công tác dân vận. Người đứng đầu cấp ủy, HĐND, UBND các cấp thường xuyên đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân để nắm bắt, giải quyết các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân...

Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước tiếp tục được tăng cường và đổi mới. UBND các cấp đã phân công đồng chí chủ tịch trực tiếp phụ trách công tác dân vận của chính quyền; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Các sở, ngành của tỉnh đã phân công 01 đồng chí phó giám đốc phụ trách công tác dân vận tại cơ quan, đơn vị. Tiến hành công khai những việc người dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát, nhất là việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án ở địa phương có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu trong vùng đồng bào DTTS được chú trọng đầu tư. Hầu hết các xã đều có đường ô tô đi được hai mùa. Thực hiện tốt việc hỗ trợ đồng bào các DTTS phát triển sản xuất. Đến cuối năm 2018 đã giải quyết, hỗ trợ 287,6 ha đất sản xuất cho 990 hộ dân; củng cố, nâng cấp các điểm thương mại, chợ... ở vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 98,88%; 98,7% thôn, tổ dân phố có điện… Tăng cường dạy Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS; duy trì việc dạy tiếng Jrai và tiếng Bana cho học sinh trên địa bàn; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được đảm bảo. Hệ thống thiết chế văn hóa trong vùng DTTS ngày càng đồng bộ với 792/874 thôn, làng có nhà văn hóa và khu thể thao thôn; trong đó có 449 nhà Rông/539 làng người đồng bào DTTS.

Trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND, ngày 22/01/2015 “quy định về việc thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi triển khai dự án đầu tư”; trên cơ sở đó chỉ đạo chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ. Đồng thời, đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các công trình quan trọng của tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, thành phần gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan làm công tác tuyên tuyền, vận động quần chúng của tỉnh… Qua đó, hầu hết các dự án trên địa bàn có liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được triển khai thực hiện có hiệu quả, như dự án mở rộng Quốc lộ 24 đoạn qua thành phố Kon Tum…

Các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan duy trì hằng năm tổ chức Lễ ra quân làm công tác dân vận và thống nhất ký kết chương trình công tác dân vận trong năm; thường xuyên tổ chức các tổ, đội công tác tăng cường về cơ sở, bám sát địa bàn, thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân; đồng thời thực hiện các cuộc hành quân dã ngoại gắn với nắm tình hình, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở... Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kết hợp với vận động nhân dân hai bên biên giới chấp hành các quy chế, hiệp định về biên giới quốc gia, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã kiện toàn tổ chức, bộ máy, tập trung đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Tích cực hướng về cơ sở, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng và hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, đoàn viên, nhân dân; gắn với thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo”. Phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện các chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân...

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tăng cường phối hợp trong tổ chức thực hiện công tác dân vận vùng đồng bào DTTS với công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới; đấu tranh chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Ký kết biên bản ghi nhớ với Mặt trận và các các tổ chức chính trị - xã hội các tỉnh giáp biên của nước bạn Lào và Campuchia trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân khu vực biên giới phát huy truyền thống đoàn kết, quan hệ thân tộc, đồng tộc của đồng bào vùng giáp biên tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, chống vượt biên trái phép, chống buôn bán người qua khu vực biên giới...

Để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành và lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19/8/2016 của Tỉnh ủy khóa XV “về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới”. Trong đó, đã phân công các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia kết nghĩa xây dựng các xã đặc biệt khó khăn, trọng điểm về quốc phòng - an ninh; chỉ đạo các huyện, thành phố phân công các cơ quan, đơn vị cấp huyện tham gia kết nghĩa với các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình, giúp cấp ủy và chính quyền các xã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và xử lý ngay khi có vấn đề đột xuất, phát sinh ngay từ cơ sở.

Kon Tum đã làm tốt công tác quy hoạch, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong vùng đồng bào DTTS, nhất là cán bộ chuyên trách thực hiện công tác dân vận; xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cấp, các ngành. Đến nay, toàn tỉnh có 3.328/18.059 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, chiếm 18%. Các địa phương, đơn vị có ít nhất 01 cán bộ, công chức là người DTTS; đảm bảo tỷ lệ cán bộ người DTTS đưa vào quy hoạch cấp ủy 03 cấp luôn bằng hoặc cao hơn nhiệm kỳ hiện tại. Ở cấp tỉnh và các huyện, thành ủy đều có cán bộ chủ chốt là người DTTS; trong đó cán bộ người DTTS trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 34,61%, trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy chiếm 30,7%.

Tỉnh Kon Tum luôn chú trọng tranh thủ, phát huy đội ngũ già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, chức sắc các tôn giáo trong công tác vận động quần chúng. Định kỳ tổ chức gặp gỡ các già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo... trong cộng đồng để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh nhằm tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Đối với những vụ việc phức tạp, tỉnh chủ động thành lập các tổ vận động quần chúng để tham gia giải quyết.

Kết quả từ việc thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn đạt 13.443 tỷ đồng, tăng 9,28% so với năm 2017; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 31,96 triệu đồng (năm 2016) lên 37,49 triệu đồng (năm 2018). Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; đã có 90,3% học sinh dân tộc thiểu số đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi THPT quốc gia; số hộ nghèo là người DTTS giảm còn 132.187 hộ, chiếm 16,18% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Một số xã có đông đồng bào DTTS như Ia Chim, Đăk Năng của thành phố Kon Tum; Đăk Nông, Bờ Y của huyện Ngọc Hồi đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác dân vận, dân tộc ở vùng đồng bào thiểu số trong tỉnh còn những khó khăn, hạn chế như: Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trong vùng đồng bào DTTS còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư của tỉnh còn ít. Một bộ phận đồng bào DTTS có trình độ thấp, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Một số chính sách đối với đồng bào DTTS còn dàn trải, thời gian thực hiện ngắn; công tác tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, dự án ở cơ sở còn chồng chéo, chưa cụ thể, rõ ràng.

Trong thời gian tới, để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương của tỉnh đối với công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng; tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền đối với công tác dân vận. Trong đó quan tâm tăng cường vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; lắng nghe, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, thiết thực chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên, nhân dân. Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Ba là, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, xây dựng nông thôn mới; lồng ghép nội dung, nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nguyễn Văn Hùng
Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN