Thứ Năm, 26/12/2024

Công tác vân động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới - Kinh nghiệm ở Nam Định

Nam Định là một trong những tỉnh thuần nông, có diện tích tự nhiên 1.650 km2; dân số gần 2 triệu người; cơ cấu dân số thuần nhất về dân tộc nhưng đa dạng về tôn giáo; trong đó tín đồ của Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành có số lượng khá lớn, nên công tác vận động quần chúng nhân dân có những tính chất phức tạp riêng (Riêng tín đồ Thiên Chúa giáo chiếm khoảng 25% dân số; đứng thứ 3 cả nước).

Trong bối cảnh đó, bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu: Nam Định trở thành tỉnh nông thôn mới trước năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, các cấp ủy đảng, chính quyền thời gian qua đã vào cuộc một cách quyết liệt và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, 100% các xã, thị trấn và 7/10 huyện, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến quý III năm 2019, Nam Định sẽ về đích nông thôn mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi về thăm và làm việc tại tỉnh dịp đầu năm 2018.

Để đạt được kết quả đó, qua tổng kết, tỉnh Nam Định thấy rằng, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì mấu chốt thành công là phải làm thật tốt công tác vận động quần chúng nhân dân đồng thuận tham gia xây dựng nông thôn mới. Quan điểm chung của Nam Định khi triển khai vận động quần chúng nhân dân là: Xây dựng nông thôn mới chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn; cộng đồng dân cư vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng hưởng lợi khi xây dựng nông thôn mới. Do vậy, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền là phải làm thật tốt công tác định hướng, vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, theo phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ”.

Ở đây, thứ tự sắp xếp nội dung “dân cần” và “dân hưởng thụ” phát sinh từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Nam Định; khi các cấp ủy đảng, chính quyền nhận thấy tiến độ xây dựng nông thôn mới chỉ được đẩy nhanh, đẩy mạnh khi tư tưởng của người dân được đả thông đến mức họ nhận ra: Xây dựng nông thôn mới  là vì chính người dân, vì môi trường miền quê đáng sống thì họ mới nhiệt tình hưởng ứng và hăng hái tham gia. Mấu chốt thành công của Nam Định trong xây dựng nông thôn mới chính là điều đó. Và nhờ điều đó, Nam Định đã thực hiện thành công một loạt các công việc vừa khó, vừa phức tạp, mang tính quyết định trong xây dựng nông thôn mới, cụ thể là:

Thứ nhất, đã vận động hiệu quả các hộ nông dân đồng thuận thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, tập trung tích tụ ruộng đất. Để thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Nam Định xác định dồn điền đổi thửa là công việc khó, phức tạp nhưng là một khâu quan trọng, mang tính quyết định. Do vậy ngay từ năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về dồn điền, đổi thửa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đến hết năm 2015, đã có 2.976/2.986 thôn, đội hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, đạt  tỷ lệ 99,7%. Sau dồn điền, đổi thửa, hiệu quả to lớn được tạo ra: Các địa phương đã dồn gọn được quỹ đất công ích theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới và hình thành được các cánh đồng mẫu lớn. Thông qua dồn điền, đổi thửa; các cấp ủy, chính quyền đã vận động các hộ gia đình và nhân dân tự nguyện hiến, góp hàng nghìn hécta đất nông nghiệp để chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi. Nhờ đó đến nay, đã có gần 20 nghìn công trình thủy lợi được cải tạo, nâng cấp; gần 1.000 km kênh mương đã được kiên cố hóa; hàng nghìn kilômét đường giao thông nội đồng được đầu tư cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Dồn điền đổi thửa là bước mở đầu quan trọng cho các phong trào xây dựng nông thôn mới rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.

Thứ hai, Nam Định đã vận động được hàng nghìn hộ dân tự nguyện hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công các công trình đầu tư cải tạo nâng cấp. Bài học này xuất phát từ cách làm của huyện Nghĩa Hưng vào năm 2012 khi đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông. Khi được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nghĩa Hưng đã có cách làm sáng tạo, đó là: Vận động 100% các hộ dân tự nguyện hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Cách làm này mang lại rất nhiều lợi ích, vừa tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng, giảm giá thành đầu tư; vừa đẩy nhanh được tiến độ thi công, đặc biệt là không có khiếu kiện của người dân vì đã tự nguyện. Bài học này sau đó đã được Nam Định nhân rộng ra toàn tỉnh. Kể từ đó đến nay, hầu hết các công trình đầu tư cải tạo, nâng cấp không phải bỏ chi phí giải phóng mặt bằng (Nam Định gọi đây là giải phóng mặt bằng theo cơ chế xây dựng nông thôn mới). Nhờ đó, toàn bộ các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn đến nay đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư cải tạo, nâng cấp. bộ mặt nông thôn đã đổi thay rõ rệt.

Thứ ba, xuất phát từ một tỉnh có nguồn thu ngân sách không lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ không hoàn thành được mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây là bài toán khá nan giải khi mới bắt đầu thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Với cách thức vừa học, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa tổng kết thực tiễn, Nam Định đã sớm đề ra quan điểm: Xây dựng nông thôn mới trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “Người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới; Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Các xã, thị trấn, các thôn, đội và người dân nông thôn phải chủ động trong xây dựng nông thôn mới, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Quan điểm này được thống nhất, tạo được sự ủng hộ cao của người dân và con em quê hương trong việc huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2018, tổng các nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 25,3%; còn lại là các nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Thứ tư, cùng với việc vận động nhân dân hiến đất, góp đất xây dựng cơ sở hạ tầng, Nam Định cũng đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc dành quỹ đất để xây dựng các khu đô thị mới trung tâm các thị trấn, thị tứ; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nông thôn với mục tiêu tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân ngay trên mảnh đất quê hương mình, “Ly nông, bất ly hương”. Kết quả là, từ khi xây dựng nông thôn mới đến nay đã đưa được trên 4.500 doanh nghiệp về địa bàn nông thôn, tạo công ăn, việc làm cho hàng chục vạn lao động. Từ năm 2016 đến nay, thu ngân sách từ nguồn bán đấu giá đất ở các khu đô thị mới trung tâm các thị trấn, thị tứ bình quân khoảng 2.000 tỷ đồng/năm cho xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, đến nay số hộ có thu nhập ngoài nông nghiệp ở nông thôn chiếm trên 70%; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng 3,5 lần so với trước khi xây dựng nông thôn mới; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn chỉ còn 1,4 lần; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,41%.

Thứ năm, Nam Định đã thực hiện tốt công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa và môi trường sinh thái. Xuất phát từ cách làm của huyện Hải Hậu, là một trong những huyện được công nhận nông thôn mới trong nhóm đầu cả nước đã xây dựng mô hình “Nhà có số, phố có tên; sông không rác; đường có điện, có hoa; cán bộ chuyên cần; nhân dân đồng thuận”. Đến nay, Nam Định đã nhân rộng mô hình này thành phong trào rộng khắp trên địa bàn nông thôn: Hàng loạt các con đường đã được các cấp hội, đoàn thể và nhân dân trồng hoa ven đường. Hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn đã được nhân dân đóng góp đầu tư hệ thống đèn đường chiếu sáng; 100% các xã, thị trấn đã có các nhà đầu tư đã và đang xây dựng các nhà máy nước sạch; 100% các xã, thị trấn đều có lò đốt rác sinh hoạt. Các dòng sông và kênh mương thường xuyên được dọn dẹp rác thải nên đã dần lấy lại sự hiền hòa của các dòng chảy vùng nông thôn. 

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Nam Định đã chủ động vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo, cùng với các tín đồ và nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường”. Điển hình là Giám mục Bùi Chu, cùng hàng trăm linh mục, chức sắc, chức việc và hàng ngàn giáo dân đã cùng với các địa phương tổ chức các đợt vệ sinh môi trường tại các khu dân cư. Đến nay, phong trào này đã được nhân rộng sang các chức sắc, tín đồ các tôn giáo khác.

Công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới ở Nam Định còn có nhiều điều để trao đổi kinh nghiệm, vì địa phương xác định: Xây dựng nông thôn mới là quá trình kiên trì, bền bỉ, lâu dài, không có điểm dừng. Mục tiêu cốt lõi là: Phải nâng cao được chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Theo kế hoạch 2019, Nam Định sẽ về đích nông thôn mới và sau đó tiếp tục triển khai Kế hoạch để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Đó cũng chính là triển khai thực hiện quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân toàn quốc lần thứ VII vừa qua: Phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Đoàn Hồng Phong
Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN