Thứ Tư, 24/4/2024

Công tác dân vận chính quyền thông qua hoạt động đối thoại, giải quyết các vụ việc phức tạp, khiếu nại tố cáo của nhân dân ở Tiền Giang

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận chính quyền, với trọng tâm là đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; thực thi chính sách pháp luật; nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch; cải thiện môi trường đầu tư; xây dựng nông thôn mới, lập lại trật tự đô thị; tổ chức trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân và doanh nghiệp…, để giải quyết kịp thời những vướng mắc, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Từ nhận thức đó, căn cứ đặc điểm tình hình thực tiễn của địa phương, tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện một số giải pháp tăng cường công tác dân vận chính quyền thông qua hoạt động đối thoại, giải quyết các vụ việc phức tạp và khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Đến đầu năm 2016, Tiền Giang là một trong những tỉnh có nhiều người khiếu nại kéo đến các cơ quan Trung ương, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng các cấp làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nhiều vụ việc phát sinh kéo dài từ nhiều năm trước, đã được các cấp chính quyền xem xét, giải quyết, nhưng người khiếu nại vẫn không đồng thuận, tiếp tục khiếu kiện kéo dài; các vụ việc khiếu nại chủ yếu là về thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư, về đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân… Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất ngay từ đầu nhiệm kỳ, ngày 29/3/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài, có 7/14 đồng chí trong Ban Thường vụ tham gia, do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, nhằm tập trung cả hệ thống chính trị tham gia công tác này thông qua kết hợp chặt chẽ hai trụ cột cơ bản là tăng cường dân vận chính quyền và tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ hai, Ban Dân vận Tỉnh ủy tăng cường phối hợp, hỗ trợ tích cực cho cả hệ thống chính quyền thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình về công tác dân vận; theo đó, các cơ quan chức năng của chính quyền đã củng cố, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất; đồng thời giao nhiệm vụ cho Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch này ở tất cả các ngành, các cấp trong tỉnh.

Thứ tư, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện nghiêm công tác tiếp dân theo Luật tiếp công dân và đối thoại để giải quyết khiếu nại; tăng cường gặp gỡ đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã từ 3 đến 4 lần trong năm và chỉ đạo cấp huyện hàng quý tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn.

Sau 3 năm, từ 2016 đến 2018 thực hiện các giải pháp trên, công tác giải quyết các vụ việc phức tạp và khiếu nại, tố cáo ở địa phương đã có chuyển biến rõ rệt, như:

Về tiếp công dân, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh vừa thực hiện vai trò lãnh đạo, giám sát vừa tăng cường trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp hàng trăm lượt công dân. Hệ thống chính quyền, cơ quan chức năng các cấp đã tăng cường và duy trì thường xuyên công tác tiếp công dân, nhờ đó mà số lượt người đến điểm tiếp công dân có xu hướng giảm, trong 3 năm đã tiếp 12.921 lượt với 17.769 người và trong năm 2018 chỉ còn 227 lượt với 1.142 người. Chủ tịch UBND tỉnh trong năm 2016 đã tiếp 92 lượt với 526 người, có 11 đoàn đông người và trong năm 2018, số lượng giảm xuống chỉ còn 39 lượt với 193 người, có 4 đoàn đông người; như vậy đã giảm 53 lượt với 333 người, có 7 đoàn đông người.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong 3 năm, các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh tiếp nhận 366 đơn khiếu nại, đã giải quyết 350 đơn thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ  trên 95%. Trong đó có hai vụ khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài là Dự án Khu công nghiệp Long Giang có trên 300 người dân khiếu nại và 41 người dân khiếu nại liên quan đến Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A. Qua kiểm tra, rà soát tỉnh đã đề xuất và được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chấp thuận, yêu cầu các hộ khiếu nại tại 02 dự án trên chấm dứt khiếu nại nên đã góp phần quan trọng trong việc kéo giảm nhanh tình trạng đi khiếu kiện đông người. Về tố cáo, có 82 đơn, đã giải quyết 79 đơn, đạt tỷ lệ trên 96%, đơn tố cáo cũng có xu hướng giảm qua các năm.

Nhờ có chuyển biến tích cực nên số đoàn đông người khiếu kiện của tỉnh đến các cơ quan Trung ương cũng đã giảm mạnh, năm 2015 có 957 lượt người, năm 2016 giảm còn 584 lượt người và đến năm 2018 chỉ còn 108 lượt người, có 8 đoàn đông người. Mặc dù hiện nay vẫn còn một số người dân đi khiếu kiện của tỉnh đang ở Hà Nội và đến thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với người dân của các địa phương khác để tạo thành các đoàn khiếu kiện đông người, kéo dài, nhưng với những giải pháp thực hiện như đã nêu trên, đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số vụ, việc đông người mới phát sinh để tập trung giải quyết các vụ, việc cũ. Đầu năm 2016, Tiền Giang có 438 người khiếu kiện về các vụ, việc chủ yếu xảy ra từ năm 2005 trở về trước; trong 3 năm đã phát sinh thêm 95 người, trong đó có 41 người ở Quốc lộ 1A phát sinh trong năm 2015 và bắt đầu khiếu kiện trong năm 2016. Tổng cộng có 533 người khiếu kiện, nhưng đến cuối năm 2018 chỉ còn 147 người, gồm 73 người trong danh sách rà soát theo kế hoạch 2100 của Thanh tra Chính phủ và 74 người ngoài danh sách; cho đến nay còn khoảng 30 người thường xuyên kéo đi khiếu kiện đến các cơ quan Trung ương và tỉnh.

Từ quý IV năm 2018 đến nay, UBND tỉnh cũng đã mạnh dạn kết hợp biện pháp để nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI), nhờ vậy mà công tác dân vận chính quyền càng được củng cố, tăng cường. Qua đánh giá về chỉ số này năm 2017 của tỉnh thì chỉ có 3 chỉ số thành phần được cải thiện là kiểm soát tham nhũng khu vực công, thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công; ba chỉ số còn lại đều xếp thứ hạng rất thấp so với các tỉnh thành trong cả nước là trách nhiệm giải trình với người dân, công khai minh bạch và tham gia của người dân cấp cơ sở. Vì vậy, UBND tỉnh đã chọn cách thức để lãnh đạo chính quyền các cấp trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe ý kiến đại diện nhân dân tại cơ sở nhằm tạo thêm sự tương tác, gần gũi, gắn kết giữa người dân với chính quyền.

Kết quả triển khai thực hiện cho đến nay, các đoàn gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và thành viên UBND tỉnh đã tổ chức gặp gỡ nhân dân được 48/173 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, với sự tham dự của trên 7.700 người dân, trong giai đoạn đầu ưu tiên gặp gỡ khu vực nông thôn; kết hợp với Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã, gặp gỡ đại diện giáo viên, giảng viên, trưởng trạm y tế cấp xã, thanh niên, phụ nữ, nông dân, công nhân viên chức và người lao động. Khảo sát bước đầu cho thấy, người được gặp gỡ đánh giá cao, đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia phát biểu ý kiến, đa số hài lòng với với kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở, qua đó cũng góp phần làm giảm khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Qua triển khai tích cực các giải pháp có tính khả thi và phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương nên đã giúp cho công tác dân vận chính quyền mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển năm sau cao hơn năm trước. Năm 2018 đạt kết quả cao nhất trong 3 năm: tăng trưởng GRDP tỉnh đạt 7,24%; thu ngân sách nội địa bình quân năm sau cao hơn năm trước khoảng 1.100 tỉ đồng và năm 2018 đạt hơn 8.700 tỷ đồng, tăng gần 1.400 tỷ đồng, tương đương 19% so với năm 2017; xuất khẩu đạt 2,86 tỉ USD; số doanh nghiệp đang hoạt động đạt trên 5.000 doanh nghiệp; độ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 82,5%; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,41%; tội phạm về trật tự xã hội giảm gần 18%; tai nạn giao thông được kéo giảm cả ba tiêu chí gần 20%; công nhận 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 60 xã và sẽ phấn đấu để đến cuối năm 2020 đạt trên 100/144 xã, cùng với phấn đấu có từ 1 đến 2/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở 1 thành phố, 2 thị xã của tỉnh. Đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới cũng góp phần cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Qua quá trình thực hiện một số giải pháp trọng tâm để tăng cường công tác dân vận chính quyền thông qua hoạt động đối thoại, giải quyết các vụ việc phức tạp và khiếu nại tố cáo của công dân, kết hợp với nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công, tỉnh Tiền Giang đã đúc kết được một số kinh nghiệm sau:

Một là, để thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, phải xác định được những công việc cụ thể, có định hướng rõ ràng trong các nhiệm vụ, hoạt động đối thoại nhân dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, tránh tình trạng chung chung, hình thức, kém hiệu quả.

Hai là, quá trình tổ chức thực hiện, phải hình thành được mối liên hệ gắn bó, mật thiết để đạt đến mục tiêu giải quyết dứt điểm khiếu nại tố cáo của công dân giữa các các cơ quan Trung ương với chính quyền địa phương, không chỉ dừng lại ở giới hạn phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị.

Ba là, phải có sự thống nhất cao của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống cơ quan dân vận và chính quyền; và khi đã có chủ trương chung, kế hoạch cụ thể thì nhất quán triển khai bằng những giải pháp thiết thực và hành động mạnh mẽ. 

Bốn là, trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải luôn tìm tòi để thực hiện những qui định pháp luật có lợi nhất cho người dân; có giải pháp phù hợp cho từng người, từng nhóm người khiếu kiện để có phân công, tổ chức giải quyết cụ thể, thích hợp; kết hợp vừa giải thích chính sách pháp luật vừa thăm hỏi, động viên gia đình người khiếu kiện khi có ốm đau, bệnh tật hoặc vào các dịp lễ, tết và vận dụng an sinh xã hội để vận động; khi có điều kiện thì tìm cách vận động những người khiếu kiện đã đồng tình với cách giải quyết của chính quyền để cùng với chính quyền vận động những người khiếu kiện khác.

Năm là, phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ tiếp công dân thật sự nhiệt tình, không e dè, né tránh, đủ trình độ, tự tin, có kinh nghiệm ứng xử và hiểu biết kỹ năng tiếp công dân; phải xem việc tiếp công dân là công việc quan trọng như những công việc quan trong khác; và trong một số trường hợp, khi tiếp dân phải đi khảo sát tận nơi mới giải quyết có hiệu quả.

Sáu là, lãnh đạo UBND các cấp phải xem việc đối thoại nhân dân là giải pháp cơ bản để cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công, là công việc thường xuyên gắn với đối thoại doanh nghiệp để đưa vào chương trình công tác của từng cá nhân, đơn vị và quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra.

Lê Văn Hưởng
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN