Thứ Năm, 26/12/2024

Góp bàn về phẩm chất, kỹ năng cần thiết của đội ngũ cán bộ dân vận hiện nay

Công tác dân vận (CTDV) là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng, là một điều kiện quan trọng góp phần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và toàn xã hội, tạo nên mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. CTDV là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà trực tiếp nhất chính là đội ngũ làm CTDV. Muốn làm tốt  CTDV, đội ngũ cán bộ dân vận phải hội tụ những phẩm chất cần thiết như bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, có uy tín cao, thuyết phục giỏi, khéo tuyên truyền, khả năng tập hợp, vận động quần chúng. Sinh thời Bác Hồ đã chỉ rõ: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Trong những năm qua, đội ngũ làm CTDV được bổ sung, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, có khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, gần gũi gắn bó với nhân dân, nói đi đôi với làm, giản dị, khiêm tốn, học hỏi quần chúng. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm CTDV, công tác chính sách, điều kiện phương tiện, cơ sở vật chất cũng luôn được quan tâm.

Song, dù có nhiều cố gắng nhưng CTDV chưa làm được như Bác dạy. Vẫn còn không ít tình trạng cán bộ, công chức quan liêu, hách dịch, xa dân, không lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, phai nhạt về tư tưởng, đạo đức xuống cấp, thiếu khả năng tuyên truyền, thuyết phục, xử lý các vấn đề nảy sinh có nơi còn lúng túng bị động, thiếu nhất quán, để kéo dài. Chưa huy động và phát huy tốt vai trò của đội ngũ làm CTDV tại địa phương và vai trò của những chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong nhân dân… dẫn đến công tác vận động nhân dân còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo mục tiêu chung thì mỗi cán bộ làm CTDV cần chú ý rèn luyện để hình thành và phát triển những phẩm chất cần thiết, đặc biệt cần chú ý rèn luyện một số phẩm chất nền tảng như:

Một là, thường xuyên nâng cao uy tín của người làm CTDV.

Đây là yêu cầu đặc biệt quan trọng, là phẩm chất hàng đầu của người làm CTDV. Bởi, để được quần chúng hiểu, tin tưởng và làm theo thì nhất định đội ngũ cán bộ làm CTDV phải có uy tín, đó là những phẩm chất, năng lực có tác dụng thuyết phục, cảm hóa, thu hút người khác. Muốn có được phẩm chất này đòi hỏi người làm CTDV phải rèn luyện, nói đi đôi với làm, đặt lợi ích nhân dân cao hơn lợi ích cá nhân. Nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu rõ, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, nắm vững hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm sao cho mọi người hiểu rõ và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ…”. Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm CTDV ở các địa phương, bởi đây là những người trực tiếp thực thi chính đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là những người thường xuyên giao tiếp với các chức sắc, chức việc tôn giáo, các già làng, trưởng bản và những người có uy tín ở cơ sở, vì thế nếu họ không có đủ uy tín, mất uy tín sẽ không thể vận động nhân dân.

Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Kiên quyết không bố trí những người không đủ năng lực, trình độ và không có uy tín làm công tác dân vận. Uy tín của người cán bộ dân vận, nhất là cán bộ ở cơ sở lại càng quan trọng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đề ra là: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. “Trọng dân” là gốc của phong cách mà cơ sở lý luận của nó xuất phát từ quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân”; “Nước lấy dân làm gốc”. Có trọng dân thì người cán bộ mới thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân; mới đến với dân như người thầy, người chủ của mình. “Gần dân” là đòi hỏi khách quan của người cán bộ dân vận. Những người có phong cách gần dân sẽ tránh được căn bệnh quan liêu, hách dịch, mệnh lệnh. Có gần dân thì mới hiểu được cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân và do đó mới tham mưu đúng, tham mưu trúng cho cấp ủy đảng, chính quyền những chủ trương, chính sách phù hợp với lòng dân. Muốn “học dân” thì người cán bộ phải hết sức khiêm tốn, cầu thị, biết lắng nghe, không được tự cho mình cái gì cũng biết. Chính nhân dân là những người sáng suốt, có rất nhiều kinh nghiệm trong đối nhân xử thế, sáng tạo ra cuộc sống, làm nên lịch sử.

Cán bộ dân vận muốn thật sự đến với dân, muốn trở thành người đầy tớ của dân thì phải có trách nhiệm với dân, nghĩa là mọi việc đều vì hạnh phúc của nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì cương quyết làm; việc gì có hại cho dân thì cương quyết tránh như Bác Hồ đã dạy. “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” là những đức tính rất quan trọng liên quan mật thiết với những tác phong nói trên. Có gần dân thì mới được dân tin, học được dân và nghe được dân nói thật. Đồng thời, cán bộ dân vận phải tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để dân hiểu và thực hiện. Còn làm để dân tin chính là tác phong gương mẫu trong hành động; nói đi đôi với làm; cán bộ dân vận không thể nói mà không làm hoặc nói một đằng, làm một nẻo.

Hai là, đội ngũ làm công tác dân vận phải giỏi thuyết phục.

Trong quá trình tiến hành tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nhất thiết mỗi cán bộ phải giỏi thuyết phục, đó là sự tác động trực tiếp vào ý thức và hành vi của quần chúng, bằng lời nói và việc làm sinh động, bằng các sự kiện thực tế, khiến mọi người hiểu rõ chân lý, tin tưởng và quyết tâm hành động. Cán bộ làm CTDV phải khéo léo trong tiến hành giải thích, chứng minh bằng những luận cứ, luận chứng khoa học, bằng những dữ liệu, sự kiện, tài liệu, thực tế để minh chứng cho vấn đề muốn truyền đạt là đúng đắn, có cơ sở. Bên cạnh đó phải bằng những lập luận khoa học để bác bỏ những nhận thức, quan điểm, hành vi sai trái; hình thành và củng cố những nhận thức, quan điểm, niềm tin đúng ở nhân dân. Ở kỹ năng này, cần thuyết phục bằng cả lời nói và việc làm, phải thống nhất trong nhận thức và hành động. Tránh hiện tượng: “chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn” hay trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”. Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì theo lối “quan chủ”. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, còn thực tế thì “chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng, chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình”.

Thực tế, khi tiến hành công tác vận động quần chúng nhất thiết phải xâm nhập vào đời sống của quần chúng nhân dân, phải hiểu được ngôn ngữ, phong tục, tập quán của từng địa phương mới có thể thuyết phục hiệu quả. Muốn vậy, những người làm CTDV phải hiểu rõ đặc điểm, tình hình ở từng địa phương, địa bàn khu dân cư, đặc biệt là tình hình dân tộc và tôn giáo trên địa bàn nói chung và âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, tranh chấp khiếu kiện đât đai để kích động nhân dân biểu tình, gây bạo loạn. Trên cơ sở đó, xây dựng cho mọi người tinh thần cảnh giác cách mạng; phát hiện đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và chủ động ngăn ngừa có hiệu quả các biểu hiện mơ hồ mất cảnh giác trong quân chúng nhân dân.

Ba là, có kỹ năng tuyên truyền khéo léo và hiệu quả.

Muốn tiến hành CTDV hiệu quả nhất thiết phải khéo tuyên truyền. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng của người cán bộ làm CTDV, là vấn đề cơ bản nhất, chi phối trực tiếp đến nhận thức, thái độ, hành vi của các tổ chức, các lực lượng đối với CTDV, nhất là đối với đồng bào các dân tộc ít người, các tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”. Người đòi hỏi mỗi cán bộ phải thực sự hiểu dân: “Dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ. Nếu dân dậy sớm mà mình ngủ trưa, dân đang làm việc mà mình nằm ngủ lì, thì sẽ bị dân ghét và ảnh hưởng xấu đến việc tuyên truyền. Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ dân vận cần nắm vững đối tượng và phân loại đối tượng, phải nâng cao khả năng dùng ngôn ngữ phù hợp với địa phương, vùng miền, dân tộc; phải hiểu được ít nhiều ngôn ngữ địa phương mới có thể vận đồng quần chúng có hiệu quả. Người chỉ rõ: “Dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”. Do đó, mỗi cán bộ làm công tác dân vận phải không ngừng nâng cao kỹ năng tuyên truyền, mà cụ thể là phải nói được và làm được, bởi theo Hồ Chí Minh phải: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Những nội dung cần tập trung tuyên truyền sâu rộng là những nội dung cơ bản về đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, làm cho nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta.

 CTDV vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Do vậy, mỗi cán bộ làm CTDV phải không ngừng bồi dưỡng phẩm chất, hoàn thiện các kỹ năng dân vận. Cần phải kiên trì, nhẫn nại, giữ vững lập trường, quan điểm, đồng thời biết vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh, trường hợp, con người cụ thể. Đó cũng chính là nhằm thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận khéo, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận hiện nay.

Đại tá. TS. Nguyễn Văn Lành

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN