Nói đến văn hóa là nói đến hệ giá trị chân, thiện, mỹ, nói đến cái đúng, cái thật, cái đẹp và hợp quy luật. Dưới giác độ của công tác dân vận (CTDV) thì hệ giá trị đó thẩm thấu, định hướng nhằm nâng cao chất lượng CTDV trong bối cảnh mới hiện nay - khi công tác này vừa có những thuận lợi cơ bản vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đã có những ý kiến cho rằng văn hóa trong CTDV là nhấn mạnh hành vi tôn trọng, lễ phép, gần gũi nhân dân; là tuyên truyền vận động có sức cảm hóa, thuyết phục. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Vậy, theo chúng tôi khía cạnh văn hóa trong CTDV là hoạt động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, cán bộ dân vận, mặt trận phối hợp tổ chức thực hiện nội dung và phương pháp dân vận nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chăm lo bảo vệ lợi ích của nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Những nội dung (nội hàm) cơ bản của văn hóa trong CTDV
Thứ nhất, chủ thể làm CTDV phải nắm vững đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây là cơ sở để nhanh chóng đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng là sự cụ thể hóa phương hướng, mục tiêu chính trị của Đảng và Nhà nước ta nhằm hiện thực hóa mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; chăm lo bảo vệ lợi ích mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Pháp luật là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng thành cơ chế, chính sách, luật pháp để tổ chức thực hiện. Do đó, các chủ thể khi tiến hành CTDV phải nhận thức sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Có như vậy mới tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân có cơ sở khoa học, thuyết phục, tạo được niềm tin trong nhân dân. Đây là cơ sở để nhân dân bày tỏ, đồng tình, tự giác chấp hành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách. Thực tế cho thấy các văn bản dưới luật của nước ta có những điểm còn mâu thuẫn, chưa đồng bộ, nhất quán nên khi tuyên truyền, vận động, giải thích đòi hỏi các chủ thể phải nghiên cứu kỹ, cân nhắc để việc luận giải có sức thuyết phục, hợp lòng dân.
Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân. Văn hóa trong CTDV trước hết phải chú ý xây dựng nội dung CTDV, nhất là luận chứng, tư vấn, hướng dẫn vận động bà con nông dân phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trang trại, xây dựng nông thôn mới…; coi trong việc tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức sản xuất, làm giàu cho người dân, đẩy lùi các tập tục lạc hậu. Hơn lúc nào hết, CTDV trong giai đoạn hiện nay phải hóa thân, đồng hành với nhân dân, chứ không phải đứng bên ngoài quan sát, vận động hành chính. Các chủ thể trước hết là cấp ủy đảng, chính quyền cần chọn những nội dung, nhiệm vụ thúc bách, sát sườn, tác động đến cuộc sống của người dân để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đương nhiên đây cũng là quá trình song hành tuyên truyền, giải thích, vận động khơi dậy ý thức sáng tạo của người dân để hiến kế, tự giác cùng thực hiện.
Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. “Khéo” thể hiện trong việc lựa chọn nội dung, phương thức, phương pháp vận động phù hợp với từng đối tượng, giai cấp, lứa tuổi, phù hợp với tập quán của từng dân tộc. Đối tượng nào phương pháp pháp đó là phương pháp luận đòi hỏi các chủ thể, cán bộ làm CTDV phải nắm vững để tác nghiệp hiệu quả. Phương thức, phương pháp đúng, khoa học, sát thực tiễn cũng tác động đến nội dung CTDV, cụ thể tác động trực tiếp đến thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương. Vì vậy, cán bộ dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội luôn chủ động tích hợp kiến thức, biết trao đổi thuyết phục có văn hóa - thuyết phục bằng chân lý và lẽ phải để mỗi người dân nhận thức rõ bản chất của vấn đề. Cần kiên trì trong vận động, thuyết phục, không nóng vội chủ quan, áp đặt khi số đông nhân dân chưa đồng tình. Cán bộ dân vận phải cân nhắc nội dung, phương pháp tuyên truyền, giải thích, xoay lật các chiều cạnh của vấn đề, nhận dạng được chiều hướng tư tưởng, điểm nóng “chính trị” đang trầm tích để tìm nguyên nhân đưa ra tác nghiệp, biện pháp đúng, thấu tình đạt lý, có sức thuyết phục, chủ động hóa giải điểm nóng chính trị có nguy cơ bùng phát. Bằng sự trải nghiệm thực tiễn, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại.
Đồng thời cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường đối thoại với nhân dân. Ưu thế của tác nghiệp này sẽ giúp chủ thể và đối tượng (nhân dân) chia sẻ, hiểu, nắm được bản chất sự việc để cấp ủy, chính quyền rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung những biện pháp, chính sách, cách làm hợp lòng dân. Tính hiệu quả, sức lan tỏa tác động tích cực của đối thoại trực tiếp cần nhân rộng vận dụng trong thời gian tới.
Thứ ba, các tổ chức trong hệ thống chính trị cần phối hợp chặt chẽ, chủ động làm tốt CTDV. CTDV là trách nhiệm của hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó các cấp ủy đảng là hạt nhân lãnh đạo CTDV, Nhà nước, chính quyền các cấp điều hành quản lý bằng pháp luật. Cần phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức để làm CTDV có hiệu quả, tạo sức mạnh của cả hệ thống, nhưng cần phân định nhiệm vụ để không chồng lấn, không bao biện làm thay. Định hướng, phương châm của Đảng ta xác định một nhiệm vụ có nhiều cơ quan phối hợp thực hiện nhưng phải có một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Xác lập và lượng hóa được vấn đề đó sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả CTDV giữa các cơ quan nhằm đạt mục tiêu chung. Các cấp ủy đảng phải nghiên cứu tổng kết đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với CTDV theo hướng trực tiếp, toàn diện nhưng có trọng tâm trọng điểm, có chiều sâu, sát thực tiễn, từng bước xã hội hóa CTDV. Chính quyền các cấp cần chú ý nâng cao tính toàn diện từ việc xác định các quyết sách, chính sách, quy chế, quy định đến việc kiến tạo tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ theo hướng thiết thực, minh bạch, hiệu quả, kịp thời mang lại lợi ích thiết thực cho người dân - thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Với ý nghĩa đó, Nghị quyết Đại hội XII chỉ rõ: Tăng cường và đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước.
Thứ tư, CTDV phải hướng đến chăm lo bảo vệ lợi ích của nhân dân. Có thể nói đây là nội dung căn cốt, quyết định nhất của CTDV trong giai đoạn hiện nay. Đây là minh chứng có tính thuyết phục nhất đối với nhân dân. Lợi ích là nhu cầu, là động lực thôi thúc con người hành động. C.Mác đã tổng kết sâu sắc triết lý: Trước hết con người cần phải có ăn, ở, mặc, đi lại rồi mới nói đến chuyện làm chính trị. Giá trị trường tồn của chân lý đó đặt ra cho hệ thống chính trị, cán bộ dân vận, mặt trận phải quan tâm giải quyết. Bởi Nếu bụng đói thì các cô, các chú nói gì hay mấy cũng không ai nghe. Bản chất của Đảng ta, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa phải không ngừng chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. “Dân đói, dân rét, dân không được học hành là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Xuất phát từ vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh khẳng định trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, do đó văn hóa trong CTDV phải chú trọng mang lại lợi ích, cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân với tư cách chủ thể quyền lực đang khởi nghiệp sáng tạo quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động.
Một số biện pháp vận dụng, phát huy văn hóa trong CTDV
Nâng cao nhận thực cho các chủ thể trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy tích cực xây dựng văn hóa trong CTDV. Cần nhận thức rằng CTDV là một khoa học và nghệ thuật - đầu tư cho công tác này là đầu tư cho sự phát triển bền vững, ổn định chính trị, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh trên cả bốn mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Bởi nhân dân là cơ sở chính trị xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra. Do đó các cấp ủy đảng phải lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với CTDV ở các nội dung, tổ chức cán bộ, phương thức, phương pháp tiến hành.
Xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch CTDV có trọng tâm trọng điểm phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Coi trọng chỉ đạo quyết liệt và tổ chức thực hiện CTDV có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Tập trung đổi mới phương thức, phương pháp CTDV theo hướng sát thực tiễn cơ sở, dễ làm, dễ hiểu, dễ tuyên truyền vận động, thuyết phục. Cần khắc phục quan liêu, xa dân, vô cảm, hành chính hóa trong CTDV; đẩy lùi, khắc phục những hành vi thiếu tôn trọng, lễ phép với dân ở một số ít cán bộ chủ chốt, cán bộ dân vận, mặt trận. Đồng thời coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận, mặt trận có phẩm chất năng lực, có kỹ năng dân vận, gần dân, hiểu dân, tin dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân. Đội ngũ cán bộ này phải đằm mình trong thực tiễn để vận động, thuyết phục, thấu cảm những khó khăn vất vả của dân, nắm được những kiến nghị, đề xuất của nhân dân phản ánh cho cấp ủy, chính quyền xem xét xử lý kịp thời, công khai, có hiệu quả.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu, nói đi đôi với làm, thanh liêm về nhân cách, biết tuyên truyền, thuyết phục nhân dân, luôn Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước; Cần thực hiện chỉ dẫn của Hồ Chí Minh: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.
Chủ động khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân tự giác tham gia tích cực vào các phong trào ở cơ sở như phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa gắn với đẩy lùi các tập tục lạc hậu, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số. Đặc biệt coi trọng “Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện.
Văn hóa - mạch nguồn và những giá trị của văn hóa xuyên thấm, kết tinh và soi đường cho CTDV của Đảng “đưa chính trị vào giữa dân gian” đang và sẽ hiện thực hóa phương hướng, mục tiêu chính trị của Đảng ta nhằm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, sự phồn vinh phát triển bền vững của đất nước như sinh thời Bác Hồ kính yêu đã canh cánh kỳ vọng.