Thứ Năm, 19/9/2024

Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực vào Tam giác phát triển CLV

Qua 20 năm hoạt động, hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia, Lào và Việt Nam (CLV) đang trở thành một điển hình hợp tác khu vực thành công, hiệu quả và thực chất. 

Tam giác phát triển khu vực biên giới Campuchia, Lào và Việt Nam được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập vào năm 1999, gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan (Lào) và Stung Treng, Rattanakiri, Mondulkiri (Campuchia). Năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào), như vậy, hiện nay Tam giác phát triển CLV gồm 13 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh của Việt Nam.

Các địa phương thuộc khu vực Tam giác phát triển CLV đều ở trên cao nguyên và nằm tại khu vực biên giới của ba nước, có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội. Các tỉnh này hầu như đều có đường biên giới chung từng đôi một và đã hình thành các cặp cửa khẩu nên có sẵn những tiềm năng hợp tác.

Mục tiêu của việc hình thành Tam giác phát triển CLV là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Hợp tác khu vực tập trung vào các lĩnh vực: an ninh - đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…

Trong cơ chế hoạt động, Hội nghị Cấp cao là nơi quyết định quan trọng nhất về hợp tác phát triển khu vực được Thủ tướng Chính phủ 3 nước đưa ra. Tính đến nay, đã có 10 Hội nghị Cấp cao CLV được tổ chức. Bên cạnh đó, để các hoạt động toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu, ba nước đã nhất trí thành lập Ủy ban điều phối chung Tam giác phát triển với bốn tiểu ban: kinh tế, xã hội - môi trường, địa phương, an ninh - đối ngoại. Mỗi nước cử một bộ trưởng làm đồng chủ tịch Ủy ban và ủy viên Ủy ban điều phối gồm đại diện các bộ, ngành liên quan và các tỉnh trong khu vực.

Những dự án lớn về hợp tác phát triển khu vực đã và đang được triển khai, đặc biệt trong các lĩnh vực thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, trồng và chế biến sản phẩm cây công nghiệp, nhất là cao su; qua đó tạo công ăn việc làm, giảm đáng kể tỉ lệ đói nghèo, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong khu vực.

Là một thành viên, Việt Nam luôn tích cực, chủ động đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác khu vực trên cả bề rộng lẫn chiều sâu; tích cực cùng Lào và Campuchia xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực giai đoạn 2010-2020, Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế khu vực đến năm 2030. Theo đó, kết nối thể chế bao gồm việc tăng cường phổ biến chính sách, trao đổi thông tin, phối hợp xây dựng và thực thi các chính sách vĩ mô; đơn giản hoá các thủ tục để thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp, giao thông, quản lý và phát triển đào tạo nguồn nhân lực; tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp ba nước hợp tác vì lợi ích chung. Kết nối kinh tế và cơ sở hạ tầng tập trung vào các lĩnh vực như nâng cấp, hiện đại hóa và bảo đảm kết nối thông suốt và thuận lợi hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, năng lượng, thương mại, nông nghiệp, du lịch; hợp tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng, tài nguyên nước và các nguồn tài nguyên liên quan của sông Mekong; rà phá bom mìn và các chất chưa phát nổ. Kết nối con người bao gồm kết nối trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, kinh doanh, các hoạt động từ thiện, quản lý và phát triển đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường giao lưu nhân dân.

Bên cạnh đó, là nền kinh tế nổi bật trong khu vực, Việt Nam cũng đang thể hiện vai trò chủ động dẫn dắt trên tinh thần hợp tác bình đẳng, coi trọng tình nghĩa, truyền thống hợp tác giữa nhân dân ba nước anh em. Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào các tỉnh của Lào, Campuchia thuộc khu vực Tam giác phát triển với 113 dự án với tổng vốn đăng ký là gần 4 tỷ USD. Việt Nam đã có 49 dự án đầu tư trong khu vực thuộc Campuchia với tổng vốn đăng ký là 1,63 tỷ USD. Con số tương tự trên lãnh thổ Lào là 1,97 tỷ USD với 67 dự án. Trong khi đó, 5 tỉnh của Việt Nam thuộc khu vực đã thu hút 233 dự án từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký là 2,3 tỷ USD.

Chính sách thông thoáng, đồng nhất đã tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch… giữa các địa phương và các nước trong khu vực phát triển năng động. Các tỉnh trong khu vực có sự tăng trưởng ổn định, số lượng các nhà đầu tư đến đăng ký tìm hiểu, hợp tác kinh doanh tăng vượt trội; thu nhập, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào đạt hằng năm 2-3 tỷ USD; thương mại Việt Nam - Campuchia dao động khoảng trên 3 tỷ USD. Hàng trăm dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Lào và Campuchia với số vốn hàng chục tỷ USD cho thấy tính kết nối mạnh mẽ, toàn diện của ba nền kinh tế. Bên cạnh đó, 3 nước trong khu vực còn tăng cường hợp tác trong ngăn chặn và đấu tranh tội phạm xuyên biên giới, buôn bán trái phép gỗ, ma tuý, buôn bán người và khủng bố, rà phá bom mìn và các chất gây nổ tàn dư sau chiến tranh. Các bộ, ngành của các quốc gia trong khu vực cũng đã phối hợp tổ chức các chương trình nâng cao năng lực và chia sẻ thông tin, tăng cường kết nối và sự tham gia của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đánh giá chung về hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển CLV, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Vũ Hồng Nam cho biết thành tựu lớn nhất là Tam giác phát triển đã khẳng định đây là một cơ chế hợp tác rất hiệu quả giữa ba nước láng giềng hữu nghị Campuchia, Lào và Việt Nam. Với sự quyết tâm của lãnh đạo ba nước, sự ủng hộ, tích cực tham gia của người dân và các doanh nghiệp, hợp tác Tam giác phát triển CLV đang phát triển tốt đẹp, ngày càng được đánh giá là một điển hình hợp tác thành công, hiệu quả và thực chất.

Qua 20 năm hoạt động của Tam giác phát triển CLV, tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác khu vực và thế giới, đem lại lợi ích cho các bên và cùng nhau giải quyết các thách thức đặt ra.

Linh Trang

TẠP CHÍ IN