Trong quá trình cách mạng Việt Nam, từ trong đấu tranh giành
độc lập dân tộc đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước
luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao
nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Quyền hành và lực
lượng đều ở nơi dân… Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân
vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”#(1).
Thực hiện lời dạy của Người, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị những
năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Một trong những giải pháp quan
trọng để đạt được kết quả đó là phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân
vận khéo”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đang ngày càng lan tỏa, mang lại
hiệu ứng tích cực cho quá trình phát triển đất nước.
Mô hình “Dân vận khéo” xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của
đời sống đối với công tác dân vận của Đảng
Thực tiễn cuộc sống của nhân dân cho thấy, để nhân dân hiểu,
ủng hộ tham gia thực hiện đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng,
Nhà nước cần thiết phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền bằng cách thức
phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình nâng cao đời sống, giải quyết lợi ích thiết
thân của nhân dân. Do vậy, phong trào “Dân vận khéo” dần trở thành phương thức
quan trọng trong công tác vận động nhân dân. Đã xuất hiện hàng vạn mô hình,
điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần tạo sự
đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia
phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống
chính trị.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn các mô hình, điển hình “Dân
vận khéo” đã được xây dựng, tiếp tục mở rộng hình thức vận động quần chúng nhân
dân, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng, năm 2009, Ban
Dân vận Trung ương đã chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”
trong cả nước.
Phong trào đã được các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị đồng
tình hưởng ứng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với cuộc vận động “Học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các cấp ủy, tổ chức đảng xác định
phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và phải
trở thành phong trào sâu rộng trên mọi lĩnh vực chính trị - xã hội, ở tất cả
các cấp, các ngành, trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn
viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của
từng địa phương đơn vị, các cấp ủy, tổ chức đảng định hướng việc lựa chọn, xác
định nội dung phù hợp để vận động, phát huy được sức mạnh của nhân dân, thực
hiện các nhiệm vụ chính trị, chăm lo lợi ích chính đáng, nâng cao đời sống vật
chất, tinh thần cho nhân dân.
Khẳng định vai trò, ý nghĩa của phong trào thi đua “Dân vận
khéo”, Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khóa XI) “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân
vận trong tình hình mới” nêu rõ: “Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”
gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong
trào do MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động”. Đến nay, phong trào
thi đua “Dân vận khéo” đã có bước phát triển mới, nhiều tấm gương tiêu biểu ảnh
hưởng sâu sắc đến đời sống nhân dân. Năm 2010, cả nước đã có hơn 200 nghìn mô
hình, điển hình “Dân vận khéo”. Đến năm 2015, đã có hơn 400 nghìn mô hình, điển
hình, trong đó có 279 điển hình xuất sắc tiêu biểu trên các lĩnh vực được tôn
vinh, biểu dương, khen thưởng tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Dân vận. Đến
quý I/2018, đã xây dựng được 863.364 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên cả
nước, tiêu biểu là các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tuyên Quang,
Hòa Bình, Hà Giang, Ninh Bình, Sơn La, Nghệ An, Đà Nẵng, Kon Tum, Đắk Lắk, Cần
Thơ, Cà Mau, An Giang…
Trên lĩnh vực kinh tế, đó là các mô hình “Dân vận khéo”
trong sản xuất kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn như: chuyển đổi cơ cấu
cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch
vụ... nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khuyến khích sản xuất, kinh
doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Đặc biệt, phong trào đã bắt đầu đi vào các
lĩnh vực mới, đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, có hiệu quả
kinh tế và phạm vi tác động rộng, liên danh, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ
trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân trong quá
trình đô thị hoá, kết hợp hài hòa giữa lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân
dân với lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp. Xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận
khéo” trong “dồn điền, đổi thửa”, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xây dựng trang
trại, gia trại, phát triển ngành nghề, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã... thu
hút lao động giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hình thành chuỗi liên kết giá
trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường. Xuất hiện nhiều cách làm hay
huy động sự tham gia tích cực của nhân dân đóng góp kinh phí, hiến đất, sức lao
động, xây dựng nông thôn mới... Với phương châm “Dân biết, dân bàn, làm làm,
dân kiểm tra”, nhờ “khéo” vận động đã xây dựng được nhiều công trình phục vụ
dân sinh, phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển
kinh tế, qua đó, làm chuyển biến nhận thức, động viên các thành phần kinh tế
hăng hái tham gia, phát triển cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã
mang lại những động lực mới, phát huy mọi nguồn lực của xã hội, trong nhân dân
gắn với yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước, góp phần làm thay đổi diện
mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân. Từ năm 2013 đến nay, các mô hình
“Dân vận khéo” trong nông dân đã vận động tự nguyện đóng góp trên 10 ngàn tỷ
đồng, 29 triệu ngày công, hiến gần 6 triệu m2 đất, làm mới, sửa chữa, nâng cấp
trên 847 ngàn km kênh mương và 678 ngàn km đường giao thông nông thôn...; các
mô hình “Dân vận khéo” trong cựu chiến binh đã vận động tự nguyện đóng góp trên
1,45 triệu m2 đất, trên 97,5 tỷ đồng, trên 350 ngàn ngày công lao động để làm
mới, sửa chữa trên 2.430 km đường giao thông, xây dựng, nạo vét trên 2.950 km
kênh mương, 190 cây cầu, cống, khoanh nuôi bảo vệ hàng vạn ha rừng... Trong
phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các mô hình “Dân vận khéo” trong nông
dân đã giúp trên 790.000 hộ nghèo về vật tư, ngày công, tiêu thụ sản phẩm...
trị giá trên 15.000 tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động,
giúp hơn 200.000 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá; các mô hình “Dân vận
khéo” trong cựu chiến binh như tổ hợp tác, quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, quỹ “Xoá
nghèo cho hội viên”... cũng đã giúp cựu chiến binh trong cả nước giảm được
14.840 hộ nghèo (0,53%), số hộ nghèo còn 4,23%, tỷ lệ hộ khá và giàu là 56,2%
(đến năm 2017); các mô hình “Dân vận khéo” trong phụ nữ giúp khoảng 100.000 hộ
thoát nghèo mỗi năm; trong thanh niên cả nước cũng có trên 14.000 mô hình thanh
niên phát triển kinh tế giỏi, 356 hợp tác xã thanh niên và gần 1.200 tổ hợp tác
thanh niên phát triển kinh tế; các mô hình “Dân vận khéo” trong đoàn viên công
đoàn giúp trên 20.000 gia đình đoàn viên, người lao động nghèo được xây nhà mới
hoặc sửa chữa nhà ở trị giá trên 500 tỉ đồng...
Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, điển hình đó là các phong
trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn
kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ngày “Vì người nghèo”, “Lao động
sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh - Sạch - Đẹp”, “Bảo đảm an
toàn vệ sinh lao động”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng
gia đình hạnh phúc”... nhiều mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu như mô hình “Tổ
liên gia”, “Tổ tự quản”, “Tổ hoà giải”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn
xã hội”, “Gia đình, dòng họ không có người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”, “Tổ an
ninh nhân dân”, đội dân phòng, chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”,
“Tết sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”, “Thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường”,
“Tổ phụ nữ thu gom, phân loại rác thải”… Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc
gia về xóa đói, giảm nghèo, bên cạnh những chính sách hỗ trợ phát triển, việc
phát huy vai trò các mô hình “Dân vận khéo” cũng được chú trọng, tiêu biểu như:
mô hình “xóa 1 hộ đói, giảm 1 hộ nghèo” ở Đắk Lắk; mô hình chuyển đổi từ cây
ngô, sắn cho thu nhập thấp sang trồng cây chè ở Thuận Châu, Sơn La; mô hình “Hũ
gạo vì người nghèo” của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam… Qua đó đã góp phần
nâng cao đời sống vật chất và văn hoá, tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội, xoá
bỏ tập tục lạc hậu, giải quyết được nhiều việc khó để phát triển kinh tế - xã
hội của địa phương, đơn vị.
Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng, đẩy mạnh tuyên truyền
pháp luật, nắm chắc tình hình nhân dân, xây dựng lực lượng cốt cán, kịp thời đề
xuất xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp ở cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải
đảo, vùng trọng điểm về an ninh quốc phòng. Tiêu biểu như các mô hình “Hành
quân dã ngoại làm công tác dân vận”, “Tiếng kẻng phòng gian”, “Điểm sáng vùng
biên”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Vì Hoàng Sa, Trường Sa”, “Tấm lưới
nghĩa tình”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, mô hình “3 giảm,
4 giữ”, “Xây dựng khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp an toàn về ANTT”,
“Dòng họ tự quản về ANTT”, “Tổ an ninh tự quản ngõ xóm”, “Xây dựng xã không có
tội phạm và tệ nạn ma túy”, mô hình 3+1 (3 phụ nữ giúp đỡ 1 phụ nữ vi phạm pháp
luật)... Với nhiều cách làm sáng tạo, các mô hình “Dân vận khéo” đã khơi dậy
truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân
dân, tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự góp phần xây dựng nền quốc phòng
toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của
các thế lực thù địch, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và cuộc
sống bình yên của nhân dân.
Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, mô hình “Dân vận
khéo” gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng; vận động nhân dân tham gia ý kiến đối với các chính sách pháp
luật liên quan mật thiết đến cuộc sống người dân; mở rộng hình thức tiếp xúc cử
tri (tại nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, theo đối tượng và
cá nhân hoặc nhóm cử tri…), tăng đồng thuận, mở rộng dân chủ, phát huy tốt hơn
trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp
luật, phản ánh kiến nghị của cử tri. Cơ quan hành chính nhà nước xây dựng mô
hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ
tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải
quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân. Tiêu biểu là các mô hình,
điển hình trong cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính, kết hợp
giữa bộ phận tiếp nhận với bưu điện văn hóa xã, giải quyết thủ tục hành chính
“phi địa giới”, mô hình “Ngày không hẹn”, “Ngày không viết”; tổ chức Đội tình
nguyện viên hướng dẫn hồ sơ, thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết
quả cấp quận, phường; kê khai thuế điện tử... Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, hướng về cơ sở, chăm lo lợi ích hợp pháp,
chính đáng, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tổ chức
tốt các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt hương ước, quy
ước gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
Mô hình “Dân vận khéo” hướng đến quyền và lợi ích hợp pháp,
chính đáng, góp phần cải thiện và nâng cao cuộc sống của nhân dân, củng cố lòng
tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị
Có thể nói, sự thành công của các điển hình, tấm gương “dân
vận khéo” đó chính là gắn liền với cuộc sống của nhân dân, của từng hộ gia
đình, từng cộng đồng dân cư trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách
của Đảng, Nhà nước.
Cùng với những thành tựu của 30 năm đổi mới, cuộc sống của
nhân dân đã có nhiều thay đổi. Các chính sách thiết yếu như giáo dục, dạy nghề,
việc làm, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ
môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, đấu tranh
phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội..., đặc biệt, chính sách đối với người có công với cách mạng, chính
sách đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người
nghèo, cận nghèo, người lao động, người gặp khó khăn trong cuộc sống... được
quan tâm cùng với chủ trương phát triển kinh tế gắn với nâng cao phúc lợi, an
sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, đó là cơ sở quan trọng để tạo sự đồng thuận
của nhân dân.
Các chính sách, chương trình xóa đói, giảm nghèo đạt được
kết quả thiết thực, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm
từ 14,2% (năm 2010) còn 6,7% (2017) và dưới 6% (cuối năm 2018). Số hộ nghèo tập
trung ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 72%, giảm mạnh còn dưới
30%. Đến năm 2018, có 87,2% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, chất lượng khám chữa
bệnh, số giường bệnh và bác sĩ tiếp tục tăng; hệ thống giáo dục quốc dân được
tổ chức đến tận cơ sở; từ năm 2011 đến nay đã có 48/54 dân tộc được hưởng chế
độ cử tuyển với số lượng 8.681 học sinh; tỷ lệ phủ sóng phát thanh, truyền hình
đạt trên 98%, khoảng gần 70 triệu người dùng internet (70% dân số); chính sách
dành cho nhóm người dân gặp khó khăn trong cuộc sống (phụ nữ, trẻ em, người
khuyết tật, người cao tuổi…) được cải thiện; đến cuối năm 2018, có 61 huyện và
trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các kết quả đó có sự đóng góp rất lớn
của các mô hình “Dân vận khéo” từ địa phương, cơ sở trên các lĩnh vực.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm, giải quyết
có hiệu quả hơn những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân;
tăng cường đối thoại, tiếp dân, nhất là những vấn đề khiếu kiện phức tạp, đông
người; đồng thời, tiếp nhận góp ý của nhân dân, công khai đường dây nóng, phân
công trách nhiệm giải quyết, trả lời phản ánh, kiến nghị chính đáng của nhân
dân; xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thực hiện giám sát, phản biện; phát
huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cốt cán trong
tôn giáo.
Chính phủ xây dựng hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh,
kiến nghị của người dân. Từ năm 2012, Chính phủ xây dựng tiêu chí và công bố
chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân. Nhiều cơ quan, đơn
vị tổ chức đối thoại để tháo gỡ, giải quyết kịp thời những kiến nghị của người
dân, doanh nghiệp, nhất là các ngành thuế, hải quan, ngân hàng, tài nguyên môi
trường…
Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp,
công nhân, nông dân để nghiên cứu, sửa đổi chính sách liên quan. Trong khu vực
doanh nghiệp hoạt động đối thoại được tổ chức 2-4 lần/năm và hội nghị người lao
động hằng năm nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ lao động,
phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần làm cho người lao động ổn định tư
tưởng, yên tâm lao động, sản xuất, tham gia phát triển doanh nghiệp.
Các cơ quan tư pháp tập trung cải cách tư pháp gắn với cải
cách thủ tục hành chính tư pháp; tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, nhân
dân kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tòa án Nhân dân tối
cao đã tiến hành công khai quyết định, bản án; tổ chức thí điểm mô hình đối
thoại, hòa giải tiền tố tụng trong tranh chấp dân sự; hướng đến xây dựng dự
thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Những chuyển biến về nhận thức, hành động của các cấp ủy,
chính quyền, hệ thống chính trị là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh phong trào thi
đua “Dân vận khéo”, tăng sự đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
tộc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường mối quan
hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi
đua “Dân vận khéo” vẫn còn hạn chế, như: Phong trào chưa được thực hiện rộng
khắp trong các lĩnh vực đời sống xã hội; các điển hình “Dân vận khéo” trong các
cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng hệ thống chính trị
còn ít; việc nhân rộng các mô hình, điển hình chưa đạt yêu cầu như mong muốn.
Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa nhận
thức đầy đủ, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; công tác phối, kết hợp giữa các
ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, còn hình thức.
Qua thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã cho thấy,
việc nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn
viên, hội viên, nhất là người đứng đầu về hiệu quả mang lại từ phong trào “Dân
vận khéo”. Từ đó, định hướng rõ nội dung trọng tâm trong từng giai đoạn, từng
loại hình, từng địa phương, đơn vị phải thực sự hướng đến lợi ích hợp pháp,
chính đáng, thiết thực của người dân, tạo động lực để họ tham gia phát triển
kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân, gia đình và
đóng góp cho xã hội.
Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua, xây dựng các mô
hình, điển hình “Dân vận khéo”
Quá trình hoàn thiện và phát triển nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đang mở ra những cơ hội để nâng
cao, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, những thách thức về nguồn lực cho
đầu tư phát triển, nâng cao phúc lợi, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng
phó với thiên tai, củng cố quốc phòng, an ninh… còn hạn hẹp; khoảng cách giàu -
nghèo gia tăng; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; một số địa bàn tiềm ẩn nguy cơ
phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội, các phần tử xấu, thế lực thù địch,
phản động tiếp tục lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo,
không ngừng tuyên truyền, xuyên tạc, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Tình hình đó yêu
cầu phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận nhằm
tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo
phong trào cách mạng rộng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để
phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa, mang lại hiệu quả cụ thể,
thiết thực cho nhân dân, các cấp ủy Đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chú
trọng một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận, về
phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong quan
hệ giữa Đảng với nhân dân, xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách
nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị. Tăng cường công tác tuyên
truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ
chức trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của các phương tiện truyền
thông đại chúng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Hai là, xác định nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân
vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng. Chú trọng 2
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững,
gắn các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã
hội với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về
tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong nội bộ”.
Ba là, chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình
“Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, phức tạp, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu
số, vùng đồng bào có tôn giáo, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất,
trong giải quyết các điểm nóng phức tạp, bức xúc nổi cộm, trong cải cách hành
chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
Bốn là, hệ thống công tác dân vận tăng cường nghiên cứu,
tham mưu cho cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn phong trào thi đua
“Dân vận khéo”. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phải định hướng, hướng dẫn,
hỗ trợ xây dựng mô hình, điển hình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ
kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng mô hình, điển
hình “Dân vận khéo” có hiệu quả.
Từ thực tiễn phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong nhiều
năm qua có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, một phong trào thiết
thực, hiệu quả, hợp lòng dân, được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân
hưởng ứng, tham gia, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, phát triển kinh
tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị
trong sạch, vững mạnh.