Thứ Năm, 25/4/2024

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị khóa XI

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH) và Quyết định số 218-QĐ/TW ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể CT-XH và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (gọi tắt là Quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW).

Sau khi Bộ Chính trị ban hành hai Quyết định, Ban Dân vận Trung ương ban hành Hướng dẫn số 30-HD/BDVTW, ngày 10/2/2014 về việc triển khai thực hiện hai Quyết định trên; Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH ở Trung ương đã chủ động tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nội dung Quy chế, Quy định, xây dựng, ban hành hướng dẫn và kế hoạch thực hiện theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Các tỉnh ủy, thành ủy ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức CT-XH thực hiện Quy chế, Quy định. Tổ chức các hội nghị quán triệt, các lớp tập huấn, trang bị tài liệu cho cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức CT-XH triển khai Quy chế, Quy định. Ban Dân vận các cấp tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Quy chế, Quy định và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện ở các cấp; báo cáo cấp ủy về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Quy chế, Quy định của MTTQ và các tổ chức CT-XH. Ủy ban MTTQ, các tổ chức CT-XH các cấp ban hành kế hoạch và hướng dẫn nội dung, phương pháp thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong hệ thống.

Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức 6 hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm về phương pháp chỉ đạo, kết quả việc triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW; tham mưu Ban Bí thư ban hành Quyết định số 124-QĐ/TW, ngày 02/2/2018 Quy định về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên (theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW và Kế hoạch 03-KH/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh).

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ký và ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15/6/2017 về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; ban hành Thông tri số 23/TTr-MTTW-BTT, ngày 20/7/2017 hướng dẫn quy trình giám sát và quy trình phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; Thông tri số 25/TTr-MTTW-BTT, ngày 09/8/2017 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại xã, phường, thị trấn…

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận, một số bộ, ngành xây dựng, ký kết thực hiện 12 Chương trình  phối hợp giám sát và 01 quy chế phối hợp thí điểm về giám sát việc công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại một số dự án kinh tế, xã hội trên địa bàn địa phương. Ủy ban MTTQ Việt Nam ở 63 tỉnh, thành phố (gồm 3 cấp) đã chủ trì phối hợp giám sát được 492.784 cuộc về thực hiện chế độ, chính sách bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng; việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; việc thực hiện quy hoạch, dự án kéo dài nhiều năm; về công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện các quy định pháp luật về cơ sở y tế tư nhân... Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 06 hội nghị phản biện xã hội về các dự án luật. Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tích cực thực hiện hoạt động phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp ý dự thảo chủ trương, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn các cấp giám sát tập trung việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ). Thực hiện phản biện nhiều dự án luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của CNVCLĐ, xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn, quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến quyền lợi của người lao động. Góp ý kiến, phản biện xây dựng các nghị quyết, đề án, chương trình của Chính phủ về các nội dung liên quan đến CNVCLĐ...

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 2.400 lớp tập huấn về nội dung và phương pháp thực hiện giám sát và phản biện xã hội, phối hợp tổ chức 6 đoàn giám sát của Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương giám sát tại các tỉnh, thành phố. Nội dung trọng tâm là giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi công nghiệp và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Chủ trì, phối hợp tổ chức 01 đoàn giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nhân dân các tỉnh ven biển miền Trung bị thiệt hại do chất thải gây ô nhiễm môi trường biển của Công ty Formosa - Hà Tĩnh. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham gia góp ý kiến nhiều văn bản dự thảo luật, nghị định, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành. Hội Nông dân các cấp ở địa phương tổ chức phản biện xã hội đối với 16.967 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. 

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách người có công và cựu thanh niên xung phong tại 30 tỉnh, thành phố; giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về thanh niên tại 18 tỉnh, thành phố và 2 bộ; kiểm tra, giám sát các chính sách của Nhà nước đối với học nghề, việc làm cho thanh niên; việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030”... Tổ chức đồng loạt các buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền với đoàn viên thanh niên trong Tháng Thanh niên hằng năm. Tổ chức 12 hội nghị tọa đàm góp ý văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII trong các đối tượng đoàn viên, thanh niên; chủ trì phản biện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, thanh niên, của cán bộ và lao động trẻ trên địa bàn.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì giám sát 10 nội dung với 28 đoàn giám sát tại 26 tỉnh và 2 bộ, ngành. Nội dung giám sát tập trung vào các quy định liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các cấp đảm bảo cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý nhà nước; thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo quy định tại Nghị định 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hội nghị phản biện có liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới và tổ chức Hội; tổ chức 21.742 cuộc đối thoại trực tiếp với các cơ quan liên quan để đề xuất các nội dung cụ thể vào văn bản dự thảo trên cơ sở ý kiến, nguyện vọng của cán bộ Hội, hội viên phụ nữ, chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội và các quy định của pháp luật...

Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam chủ động và tích cực tham gia các hoạt động giám sát do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì; phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá việc xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại Văn phòng Chính phủ; tham gia tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Qua giám sát đã góp phần bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Các cấp Hội đã tổ chức 3.734 cuộc phản biện xã hội (Trung ương Hội 24 cuộc, cấp tỉnh, thành Hội 247 cuộc, cấp huyện và tương đương 546 cuộc, cấp xã, phường, thị trấn 2.947 cuộc). Nội dung phản biện là dự thảo các dự án luật, chế độ chính sách, các dự án phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Nhiều địa phương đã xây dựng, ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân; quy định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH tích cực triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức như góp ý trực tiếp, qua hòm thư đặt tại các trụ sở, nơi làm việc; tổ chức các buổi tọa đàm để tham gia góp ý trên các lĩnh vực, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân; tổ chức lấy ý kiến tại hội nghị cán bộ, công chức; giám sát cán bộ, đảng viên, công chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; về phẩm chất, đạo đức, lối sống, nhất là sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên… qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm và tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức CT-XH và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Phân công các bộ phận, cá nhân tiếp nhận, tổng hợp ý kiến góp ý, chỉ đạo giải quyết, trả lời kịp thời các ý kiến góp ý. Cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm và thực hiện việc cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội... cho Mặt trận và các tổ chức CT-XH theo quy định. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống tổ chức đã nắm bắt tình hình nhân dân, tổng hợp những kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân để kịp thời đề xuất cấp ủy đảng, chính quyền có giải pháp tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chủ trương, chính sách của các cấp ủy đảng, chính quyền. Thông qua đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các ngành có liên quan đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất, tuyên truyền vận động nhân dân hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết kịp thời, hiệu quả những băn khoăn, vướng mắc, bức xúc, những vấn đề phức tạp trong nhân dân; qua đó tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW còn một số cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai thực hiện chưa thường xuyên. Chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện trên một số mặt còn hạn chế; số lượng, chất lượng giám sát và phản biện xã hội chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu; nội dung, phương pháp giám sát còn chưa đa dạng. Sự phối hợp giữa chính quyền, các ngành trong việc tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có lúc, có nơi chưa được đồng bộ. Kết quả thực hiện việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH và nhân dân chưa đạt yêu cầu đề ra; số lượng, nội dung góp ý của công dân, tổ chức đối với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương chưa nhiều.

Từ những kết quả đạt được sau 5 năm tổ chức thực hiện, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH các cấp cần triển khai và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:   

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về Quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW; Quyết định số 99-QĐ/TW và Quyết định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư về ban hành “Hướng dẫn khung để các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Quy định về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chủ động tích hợp các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng phù hợp với việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW.

Hai là, chính quyền các cấp chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, cải cách hành chính và thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, chế độ tiếp xúc, đối thoại và tiếp dân định kỳ; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, kiến nghị, tố cáo và những vấn đề bức xúc của nhân dân. Tổ chức tốt việc lấy ý kiến MTTQ, các tổ chức CT-XH về Quyết định số 218-QĐ/TW, đồng thời cung cấp nội dung yêu cầu MTTQ, các tổ chức CT-XH nghiên cứu phản biện xã hội; tiếp nhận, xử lý và phản hồi các ý kiến góp ý theo quy định, kịp thời giải quyết các đề xuất, kiến nghị sau giám sát, phản biện.

Ba là, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH lãnh đạo, chỉ đạo theo hệ thống của tổ chức nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội; vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ MTTQ và các tổ chức CT-XH.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, tuyên truyền về các mô hình, giải pháp tốt trong triển khai thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Nguyễn Phước Lộc
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

TẠP CHÍ IN