Thứ Năm, 25/4/2024

Xây dựng "nền biên phòng toàn dân" vững chắc, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia giai đoạn hiện nay

Nền biên phòng toàn dân là phòng tuyến bảo vệ biên giới với sức mạnh tổng hợp của cả nước, mà lực lượng chủ yếu là nhân dân; đồng thời là hình thức tổ chức, động viên nhân dân trong cả nước, trực tiếp là nhân dân ở khu vực biên giới tham gia quản lý, bảo vệ biên giới. Nền biên phòng toàn dân là cơ sở, nền tảng của thế trận biên phòng toàn dân, là chỗ dựa hết sức quan trọng của các lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, lực lượng chuyên trách nói riêng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các triều đại phong kiến luôn coi đồng bào các dân tộc ở biên giới là lực lượng rất quan trọng, là người “đứng mũi chịu sào” để bảo vệ biên cương, bờ cõi của Tổ quốc. Các vị Vua anh minh luôn coi trọng vai trò hết sức to lớn của họ, coi đó là “phương lược tốt”, là “kế cửu an” cho xã tắc. Kế thừa kinh nghiệm, truyền thống đó, Đảng, Bác Hồ luôn khẳng định “sự nghiệp cách mạng là của quần chúng nhân dân”, ngay từ ngày đầu thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Đảng ta đã chỉ rõ: “Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ lực lượng cảnh vệ nội địa và biên phòng phải biết dựa vào nhân dân, vận động nhân dân làm công tác bảo vệ nội địa và biên phòng”. Trải qua quá trình lãnh đạo cách mạng, quan điểm đó được Đảng ta cụ thể hóa, phát triển trong từng giai đoạn cách mạng, ngày 22/02/1989 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16-HĐBT lấy ngày 3/3 hàng năm là “Ngày biên phòng” và trong Luật biên giới quốc gia (năm 2003) đã quy định lấy ngày 3/3 hàng năm là “Ngày biên phòng toàn dân”. Đặc biệt, tại Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị xác định: “Xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc”.

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, Bộ đội Biên phòng với vai trò là lực lượng chuyên trách đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, qua 30 năm thực hiện Ngày biên phòng toàn dân, Bộ đội Biên phòng đã có nhiều hình thức, biện pháp huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ biên giới; thực hiện “3 bám, 4 cùng” trong tuyên truyền, vận động nhân dân; tăng cường 332 cán bộ cho các xã biên giới; giới thiệu gần 1.500 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản biên giới để tham mưu, hướng dẫn nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, phát triển đảng viên mới; phân công hơn 9.000 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hơn 40.000 hộ gia đình ở khu vực biên giới, nhằm tăng cường bám dân, bám địa bàn, gần dân, hiểu dân và giúp dân trong lao động sản xuất. Thực hiện nhiều chương trình phối hợp hướng về biên giới mang lại hiệu quả thiết thực, như: Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã vận động, quyên góp xây dựng hơn 7.000 căn nhà, gần 300 công trình dân sinh với tổng trị giá gần 300 tỷ đồng tặng đồng bào nơi biên giới, hải đảo; Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã vận động kinh phí, trao tặng hơn 25.000 con bò giống trị giá gần 400 tỷ đồng tặng cho các hộ nghèo ở khu vực biên giới; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã phối hợp đỡ đầu, giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở hơn 100 xã biên giới ổn định, phát triển sản xuất; Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã nhận đỡ đầu 2.844 học sinh nghèo vượt khó ở khu vực biên giới, trong đó có 820 cháu mồ côi, 40 cháu không nơi nương tựa được nuôi dưỡng tại đồn Biên phòng và gần 200 học sinh nước bạn Lào và Campuchia, với mức hỗ trợ 500.000 đ/01 tháng cho mỗi học sinh đến khi học hết lớp 12. Hình ảnh “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Cán bộ tăng cường xã quân hàm xanh”... đã in đậm trong đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; tăng cường mối quan hệ mật thiết quân - dân, hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới ngày càng vững mạnh; biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, nền biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nền biên phòng toàn dân vẫn còn một số hạn chế, như: nhận thức của một số cấp, ngành, địa phương và một bộ phận nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ biên giới chưa đầy đủ; các phong trào toàn dân hướng về biên giới chưa được tổ chức thường xuyên; hệ thống cơ sở chính trị ở khu vực biên giới nhiều nơi còn yếu; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới chưa phát triển... Bên cạnh đó, tình hình chủ quyền, lãnh thổ, biên giới, vùng biển, đảo vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề biên giới, biển, đảo để chống phá cách mạng nước ta; an ninh phi truyền thống đang tiềm ẩn nhiều thách thức; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ở biên giới, vùng biển có chiều hướng gia tăng... Trong bối cảnh đó, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc là một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược cả trước mắt và lâu dài, là yếu tố quyết định đến thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia.

 Để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, Bộ đội Biên phòng với vai trò là lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau: 

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới về nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng, là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhất là cấp ủy, chính quyền, các lực lượng và nhân dân ở khu vực biên giới về nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế, điều ước quốc tế liên quan đến biên giới quốc gia; tăng cường bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, pháp luật về biên giới cho đội ngũ cán bộ ở khu vực biên giới, nhất là các lực lượng liên quan đến bảo vệ biên giới, hoạt động tại khu vực biên giới.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là đài phát thanh, truyền hình của Trung ương, địa phương, quân đội và công an. Kịp thời định hướng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới về âm mưu, thủ đoạn chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc ở khu vực biên giới cũng như các vụ việc phức tạp liên quan đến biên giới. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới thực hiện nếp sống văn minh, gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín, dị đoan. Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nền biên phòng toàn dân phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa Bộ đội Biên phòng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương; phải luôn đổi mới về nội dung tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn và nhiệm vụ trên từng tuyến biên giới.

Hai là, tham mưu, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới là vấn đề có tính quyết định để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, tạo cơ sở vững chắc cho đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới. Bộ đội Biên phòng tiếp tục tăng cường đội ngũ cán bộ cho các xã biên giới, giới thiệu đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản để tham mưu, tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng địa phương vững mạnh, là hạt nhân lãnh đạo mọi nhiệm vụ của địa phương, đảm bảo đủ sức lãnh đạo, tập hợp, động viên quần chúng hăng hái tham gia bảo vệ biên giới; tham mưu nâng cao năng lực quản lý, điều hành quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã, xây dựng chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân; chú trọng tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc ở các xã biên giới. Duy trì, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cấp ủy đồn Biên phòng với cấp ủy xã, phường biên giới; phối hợp chăm lo, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương vững mạnh. Tham gia củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể, quần chúng, làm cho mọi công dân đều được tham gia hoạt động trong các tổ chức. Tham mưu kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chính trị của địa phương với nhiệm vụ xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Ba là, tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng khu vực biên giới phát triển, giàu mạnh.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, kinh tế ở khu vực biên giới chậm phát triển hơn so với các vùng, miền khác, đời sống của nhân dân còn thấp, tỷ lệ đói nghèo cao, trình độ dân trí thấp… Vì vậy, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc là vấn đề hết sức cấp bách. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng tiếp tục tham mưu, trực tiếp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền ở khu vực biên giới triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương; khơi dậy tiềm năng sẵn có ở khu vực biên giới; phối hợp, tham mưu khảo sát, lập dự án đưa dân ra sát biên giới kết hợp vừa phát triển kinh tế, xã hội vừa tạo “vành đai nhân dân” bảo vệ biên giới; tham mưu giao đất, giao rừng cho nhân dân. Các đồn Biên phòng tiếp tục duy trì các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, nhân rộng các mô hình đã và đang mang lại hiệu quả; thực hiện cuộc vận động “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới” với việc hỗ trợ, đỡ đầu các xã biên giới; thực hiện các chương trình phối hợp, hướng về biên giới, hải đảo. Tiếp tục thực hiện các chương trình, mô hình đang mang lại hiệu quả, như: “Nâng bước em tới trường”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”… góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Trong xu thế hòa bình, hợp tác hiện nay, khu vực biên giới là địa bàn có vị trí quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển là một giải pháp quan trọng để thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung, xây dựng nền biên phòng toàn dân nói riêng. Thực hiện chức năng đối ngoại, Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng trong giải quyết, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; tiếp tục tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thực hiện các chương trình giao lưu biên giới, giao lưu quốc phòng, biên giới với các nước có chung đường biên giới. Tiếp tục thực hiện kết nghĩa đồn, trạm biên phòng với các đơn vị bảo vệ biên giới các nước láng giềng, tổ chức các hoạt động tuần tra chung, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới. Tham mưu cho địa phương thực hiện có hiệu quả phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, góp phần tạo điều kiện để nhân dân hai bên biên giới trao đổi hàng hóa, phát triển sản xuất.

Xây dựng nền biên phòng toàn dân là một chủ trương, quan điểm đúng đắn của Đảng ta, là vấn đề mang tính chiến lược, phù hợp với lý luận và thực tiễn giai đoạn hiện nay. Vì vậy, xây dựng nền biên phòng toàn dân đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng
Chính ủy Bộ đội Biên phòng

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN