Chủ Nhật, 6/10/2024

Trao đổi kinh nghiệm trong công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo, hiện Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức tôn giáo thuộc 15 tôn giáo, trên 25,3 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, với trên 60 ngàn chức sắc, khoảng 135 ngàn chức việc, 27.916 cơ sở thờ tự(1). Đảng ta khẳng định: “Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”(2).

Quán triệt quan điểm, chủ trương công tác tôn giáo của Đảng, thời gian qua, nhiều cấp ủy địa phương, cơ sở đã chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác vận động, tranh thủ chức sắc tôn giáo, phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo để định hướng giáo hội, vận động tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo; hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật và có tiếng nói lên án, đấu tranh với các đối tượng cực đoan lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật... Trong các tôn giáo xuất hiện nhiều điển hình chức sắc tiêu biểu có những việc làm đóng góp tích cực cho xã hội, lan tỏa tình yêu thương con người, gắn kết cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên bên cạnh đó còn một số nơi, công tác vận động, tranh thủ chức sắc chưa được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm; nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo còn bất cập, thiếu kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng tôn giáo nói chung và vận động chức sắc, nhà tu hành. Ở một số địa phương còn một bộ phận nhỏ chức sắc trong các tôn giáo bị các thế lực xấu lợi dụng, có các hoạt động đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc, chống đối Đảng, Nhà nước, kích động tín đồ vi phạm pháp luật, đưa các yêu sách không chính đáng với chính quyền, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo là tuyên truyền, giải thích nhằm thuyết phục chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng... của địa phương, cơ sở; tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Công tác dân vận đối với quần chúng có tôn giáo, vừa trực tiếp là công tác vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo; đồng thời gián tiếp thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật... phù hợp đối với quần chúng có tôn giáo.

Từ thực tiễn công tác tôn giáo của các địa phương, cơ sở, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả công tác vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo như sau:

Trước hết, phải xây dựng mối quan hệ thực sự gần gũi, thân thiện với chức sắc, tín đồ, tổ chức tôn giáo. Trong công tác tôn giáo, chủ trương của Đảng chỉ rõ: cần phải “Chủ động, tích cực tiếp xúc với các chức sắc để tăng cường sự hiểu biết, cởi mở, chân thành, tạo niềm tin cho tín đồ các tôn giáo hiểu, đồng tình, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia xây dựng khối đoàn kết dân tộc...”(3). Trong những năm qua, nhiều cách thức, mô hình vận động hiệu quả được hệ thống chính trị các cấp thực hiện như: tổ chức đối thoại, gặp mặt, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật; thăm hỏi, động viên chức sắc, chức việc, nhà tu hành nhân các ngày lễ trọng của tôn giáo, các sự kiện lịch sử của đất nước, địa phương; vận động, phối hợp, tạo điều kiện để các tổ chức, chức sắc tôn giáo tham gia vào các hoạt động xã hội, giao lưu văn hóa, thể thao, tham quan, học tập; tuyên dương các điển hình chức sắc, cốt cán tiêu biểu... tạo được mối quan hệ gắn bó, đồng thuận giữa hệ thống chính trị với tổ chức, chức sắc tôn giáo. Thực tiễn cho thấy, nơi nào hệ thống chính trị có nhận thức và quan hệ ứng xử cởi mở, hiểu biết lẫn nhau với chức sắc tôn giáo thì nơi đó hoạt động tôn giáo ổn định, các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào tôn giáo được đẩy mạnh, ít xảy ra các “điểm nóng” tôn giáo.

Thứ hai, trong công tác vận động quần chúng tôn giáo cần đặc biệt coi trọng công tác vận động, tranh thủ chức sắc tôn giáo. Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo là rường cột trong tổ chức, hoạt động tôn giáo, họ có vị trí, vai trò rất quan trọng trong các hoạt động tôn giáo và tổ chức giáo hội, có ảnh hưởng lớn tới quần chúng tín đồ, ở một số tôn giáo, chức sắc còn có tính “Thánh thiêng” (chức sắc Công giáo)...

Mục tiêu công tác vận động chức sắc, nhà tu hành tôn giáo là: Quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ để tăng thêm số người tích cực làm tốt cả “việc đạo, việc đời”; tranh thủ để có thêm sự đồng tình ủng hộ của những người hoạt động thuần tuý tôn giáo; đấu tranh, giáo dục, phân hoá, thu hẹp số người có quan điểm và hành vi chống đối, không đồng tình hoặc làm trái với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Để làm tốt công tác vận động chức sắc, nhà tu hành tôn giáo cần phải: nắm được đặc điểm, vị trí, phẩm trật, vai trò của chức sắc trong mỗi tổ chức tôn giáo; xây dựng quan hệ cởi mở, gần gũi và ứng xử chân tình với chức sắc, nhà tu hành; thường xuyên thăm hỏi, động viên, gặp gỡ, đối thoại, xây dựng thái độ quan hệ hợp tác tốt; tạo điều kiện cho chức sắc, nhà tu hành hoạt động tôn giáo thuận lợi theo các quy định của hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước chấp thuận và đúng pháp luật. Thường xuyên cung cấp thông tin, truyền đạt, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, kế hoạch của chính quyền địa phương, cơ sở để các chức sắc, nhà tu hành hiểu rõ và đồng tình, ủng hộ, thông qua họ để tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho tổ chức giáo hội, chức sắc trong các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo; vận động, giới thiệu một số chức sắc, nhà tu hành tôn giáo tiêu biểu tham gia các cơ quan dân cử: Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo thuận lợi cho việc triển khai các chủ trương công tác ở địa phương, động viên chức sắc, tín đồ làm tốt nghĩa vụ công dân; thông qua các quan hệ khác nhau mà vận động chức sắc, nhà tu hành...

Đồng thời, phải kịp thời nhắc nhở, góp ý, phê bình với những chức sắc, nhà tu hành có hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động vi phạm pháp luật; đấu tranh kiên quyết với các đối tượng cực đoan tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kích động gây mất an ninh trật tự, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Khi tiến hành cần lưu ý phải  tuyên truyền, giải thích để đông đảo chức sắc, tín đồ hiểu và đồng thuận.

Thứ ba, chọn cử, phân công những cán bộ gương mẫu, có vị trí, trách nhiệm, có nhận thức, quan điểm chính trị vững vàng, nắm vững đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; am hiểu tôn giáo để làm công tác vận động, tranh thủ chức sắc.

Cần nắm vững các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ về tôn giáo và công tác tôn giáo được nêu trong các văn kiện Đại hội IX, X, XI, XII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo, Chỉ thị 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới, các văn bản chỉ đạo công tác tôn giáo của Đảng; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo...

Quán triệt quan điểm: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng bào tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đều phải tuân thủ pháp luật. Cần phải khắc phục những nhận thức thiển cận về tôn giáo, xoá bỏ mặc cảm, phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam vào mặt trận chung, tăng cường sự đồng thuận xã hội.

Thứ tư, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có tôn giáo. Cần triển khai các lĩnh vực công tác, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo, thông qua các chương trình, dự án, các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ, trang trại; phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới… vùng có đông đồng bào tôn giáo.

Chú trọng vận động chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước do chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng phát động. Phát huy lòng yêu nước, tinh thần nhân ái của người Việt Nam, những giá trị tích cực trong văn hoá, đạo đức của tôn giáo thông qua công tác vận động, khuyến khích, đồng thời quan tâm tạo điều kiện và hướng dẫn cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện trong khuôn khổ quy định của pháp luật... giúp cho tín đồ, chức sắc tôn giáo “gắn bó đạo với đời” chung tay cùng cả nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội.

Thứ năm, hướng dẫn hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn bảo đảm đúng quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, quan tâm giải quyết các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng theo quy định của pháp luật. Những kiến nghị, đề xuất chính đáng của chức sắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, thì cấp đó phải quan tâm chỉ đạo, có trách nhiệm giải quyết dứt điểm, phù hợp thực tiễn, đúng pháp luật. Tránh để sự việc dây dưa, kéo dài, làm cho chức sắc mất lòng tin, chán nản và cũng là điều kiện để phát sinh vi phạm, khi đó chúng ta khó giải quyết, mà Giáo hội lại được đà lấn tới, thậm chí đưa yêu sách với chính quyền; các đối tượng xấu xuyên tạc, kích động.

Trong công tác vận động quần chúng tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ phải “đi sát với quần chúng, hiểu rõ tâm trạng của quần chúng, giúp đỡ quần chúng thiết thực giải quyết những thắc mắc và những khó khăn trong đời sống hàng ngày”(4); làm công tác tôn giáo là luôn phải quan tâm đến mọi sự kiện liên quan đến đồng bào tôn giáo, tránh cách hiểu giản đơn công tác quản lý tôn giáo về mặt nhà nước chỉ là giữ cho tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.

Thứ sáu, cán bộ trực tiếp làm công tác vận động quần chúng tôn giáo cần thiết phải có những hiểu biết về đặc điểm của tín đồ tôn giáo; tổ chức, lịch sử hình thành, giáo lý, lễ nghi của từng tôn giáo cụ thể để chỉ đạo, tham mưu và tổ chức tốt công tác vận động.

Cũng như tín đồ tôn giáo trên thế giới, tín đồ tôn giáo ở Việt Nam cũng là những người có đức tin, họ coi niềm tin tôn giáo như là một định hướng giá trị của cuộc sống và rất thiêng liêng. Trong đời sống của tín đồ, niềm tin tôn giáo gắn bó với họ một cách tự nguyện. Đây là một đặc điểm cần hết sức lưu ý trong công tác tuyên truyền, vận động tín đồ, chức sắc tôn giáo nhằm đảm bảo và thực sự tôn trọng đức tin của bộ phận đồng bào có niềm tin tôn giáo; tuyệt đối tránh xúc phạm đến đức tin tôn giáo và những mặc cảm do lịch sử để lại. Vấn đề này, Lênin đã chỉ rõ: “... Ai làm hại đến tình cảm tôn giáo, người đó sẽ gây thiệt hại lớn. Cần phải đấu tranh bằng tuyên truyền, bằng giáo dục. Nếu hành động thô bạo, chúng ta sẽ làm cho quần chúng tức giận; hành động như vậy sẽ càng gây thêm chia rẽ trong quần chúng về vấn đề tôn giáo, mà sức mạnh của chúng ta là ở sự đoàn kết”(5).

Ngoài tư cách là công dân, tín đồ tôn giáo còn thuộc về một tổ chức giáo hội nhất định và chịu sự chi phối của thần quyền, giáo lý, giáo luật và lễ nghi của tôn giáo mà họ tin theo. Trong cuộc sống hàng ngày, tín đồ còn phải thực hiện các nghi lễ tôn giáo và tham gia các hoạt động đóng góp cho giáo hội, như chăm sóc nơi thờ tự, làm việc theo phân công của giáo hội, coi trọng và tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng tôn giáo... Bên cạnh đó, tín đồ tôn giáo còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, cứu trợ xã hội... phù hợp với các quan niệm răn dạy, hướng thiện của tôn giáo. Vì vậy, cần phải quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo cả trong “việc đạo, việc đời”.

Trên thực tế, tín đồ tôn giáo là công dân của một nước, gắn bó với dân tộc, với cộng đồng xã hội, mang bản sắc văn hoá của quốc gia, dân tộc. Đồng thời, tín đồ tôn giáo coi việc tham gia sinh hoạt tôn giáo như là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu vắng trong cuộc sống của họ. Thực hành đức tin tôn giáo và sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đã thành lẽ tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày của mỗi tín đồ. Vì vậy, cần quan tâm nắm bắt, tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo của chức sắc, tín đồ theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước chấp thuận và theo quy định của pháp luật. 

Tín đồ tôn giáo ở Việt Nam gồm nhiều thành phần xã hội, nhưng đa số là người lao động, trong đó chủ yếu là nông dân. Giữa chức sắc, tín đồ các tôn giáo có sự khác biệt đáng kể về trình độ văn hoá, kiến thức xã hội, tôn giáo, cũng như hoàn cảnh sống. Đa số tín đồ tôn giáo ở Việt Nam chưa thực sự thông hiểu về giáo lý tôn giáo mà họ tin theo; nhưng tham gia thực hành các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo lại khá thường xuyên, tích cực, “sùng tín”. Vì vậy, cần có những giải pháp tuyên truyền, vận động quần chúng tôn giáo thực hiện các nghi lễ tôn giáo tuân thủ pháp luật và phù hợp với đặc điểm từng cộng đồng tôn giáo, vùng, miền khác nhau; phù hợp với tâm lý, đặc điểm và nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đối tượng vận động, đúng thời điểm và đạt hiệu quả cao. 

Quần chúng tôn giáo có nét đặc thù riêng, vì vậy trong công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo luôn đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ trực tiếp làm công tác tôn giáo phải thực tâm, thực chất, gắn bó và trách nhiệm với công việc; thường xuyên rút kinh nghiệm để đổi mới, sáng tạo, hiệu quả.

ThS. Lê Đình Nghĩa
Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương

Các bài khác

TẠP CHÍ IN