Thứ Sáu, 22/11/2024

Kon Tum: những kết quả bước đầu trong thực hiện Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 20/10/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Đối với tỉnh Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 53% dân số toàn tỉnh; nhận thức đúng tình hình và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo với việc đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong toàn Đảng bộ, đồng thời ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 02/4/2018 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; có kế hoạch phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ, nhất là các hộ người dân tộc thiểu số. Mỗi cấp ủy từ tỉnh, huyện, xã đều phân công 01 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ làm Trưởng Ban Dân vận và Trưởng Khối Dân vận xã, phường, thị trấn và 01 đồng chí Phó Bí thư cấp ủy phụ trách cơ sở trực tiếp phụ trách công tác dân vận. Người đứng đầu cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân để nắm bắt, giải quyết các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là qua những buổi tiếp xúc cử tri định kỳ tại thôn, làng và gặp gỡ đối thoại giải quyết những vụ việc nổi lên ngay tại thôn, làng và cơ sở.

Để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19/8/2016 của Tỉnh ủy (khóa XV) “về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới”. Trong đó, đã phân công các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia kết nghĩa xây dựng các xã đặc biệt khó khăn, trọng điểm về quốc phòng, an ninh (với 57 xã); chỉ đạo các huyện, thành phố phân công cơ quan, đơn vị cấp huyện, thành phố tham gia kết nghĩa với các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm bắt tình hình, giúp đỡ cấp ủy và chính quyền các xã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và xử lý ngay khi có vấn đề nổi lên hay mới phát sinh ngay tại cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phối hợp với lực lượng vũ trang việc tổ chức “Ngày hội bánh chưng xanh” trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thu hút đông đảo người hưởng ứng tham gia, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Đã làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đối với đội ngũ cán bộ trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ chuyên trách công tác dân vận. Đến nay, toàn tỉnh có 3.328/18.059 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 18%. Ở cấp tỉnh và các huyện, thành phố đều có cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số. Trong đó, cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 chiếm 34,61%; Ban Thường vụ Tỉnh ủy chiếm 30,7%.         

Công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp đã được tăng cường; triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp”, triển khai “Năm dân vận chính quyền” 2018; tổ chức ký kết chương trình phối hợp giữa Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh với Ban Dân vận Tỉnh ủy về công tác dân vận. Ủy ban nhân dân các cấp đã phân công đồng chí Chủ tịch trực tiếp phụ trách công tác dân vận của chính quyền; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Các sở, ngành của tỉnh đã phân công 01 đồng chí Phó giám đốc phụ trách công tác dân vận tại cơ quan, đơn vị. Tiến hành công khai những việc người dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát, nhất là việc triển khai các chương trình, dự án liên quan đến kinh tế, xã hội, chính sách dân tộc…

Trong năm 2018, tỉnh Kon Tum đã thực hiện tốt việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, đã giải quyết, hỗ trợ 287,6 ha đất sản xuất cho 990 hộ dân; củng cố, nâng cấp các điểm thương mại, chợ, điểm văn hóa ở vùng sâu, vùng xa. Đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 98,88%; 98,7% thôn, làng có điện. Đã tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học dân tộc thiểu số; duy trì việc dạy tiếng Jrai, tiếng Bana cho học sinh trên địa bàn; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được đảm bảo. Hệ thống thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc ngày càng đồng bộ, đã có 792/874 thôn, làng có nhà văn hóa và khu thể thao thôn, làng, trong đó có 449 nhà Rông/539 thôn, làng người đồng bào dân tộc thiểu số…

Các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh hằng năm tổ chức Lễ ra quân làm công tác dân vận; tổ chức các tổ, đội công tác đến địa bàn vùng đồng bào dân tộc thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, đồng thời thực hiện các đợt hành quân dã ngoại gắn với nắm tình hình, tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không tin, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo. Giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai trong lũ lụt, nắng hạn, xây dựng đơn vị làm tốt công tác dân vận ngay tại thôn, làng đồng bào dân tộc. Một số công ty, đơn vị của Binh đoàn 15 duy trì và phát huy hiệu quả mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ người Kinh kết nghĩa hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các đội sản xuất, các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm nòng cốt đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động. Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở làm nòng cốt vận động nhân dân tham gia chào cờ vào sáng thứ Hai hằng tuần; tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) hằng năm. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong việc triển khai thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được cấp ủy chỉ đạo, chính quyền tạo điều kiện, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tuyên truyền, vận động, nhân dân ủng hộ nên đã có nhiều mô hình, cách làm hay. Tiêu biểu như: Các cấp bộ Đoàn đã thành lập “Đội thanh niên xung kích” để làm nòng cốt trong việc bám cơ sở, nắm bắt tình hình, xây dựng các phong trào hành động, xung kích trong đoàn viên, thanh niên; Hội Liên hiệp Phụ nữ đã xây dựng mô hình “Hộ người Kinh kết nghĩa hộ đồng bào dân tộc thiểu số để giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, xây dựng “Tổ hợp tác Phụ nữ dân tộc thiểu số trồng Hồng Đẳng sâm”, “Tổ hợp tác nuôi heo sọc dưa địa phương” để nâng cao giá trị thu nhập; Hội Nông dân xây dựng mô hình “Trồng cà phê Katimo năng suất, hiệu quả”, phát triển “Đàn bò vùng biên”, “Trồng nấm linh chi”; Hội Cựu chiến binh với mô hình “Tập thể tiết kiệm, cá nhân tiết kiệm”… Qua đó, đã vận động, giúp đỡ đoàn viên, hội viên trong đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Công tác dân vận vùng biên, hoạt động đối ngoại nhân dân trong việc bảo vệ biên giới, đấu tranh chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch được tỉnh coi trọng. Tỉnh đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với Mặt trận, các tổ chức đoàn thể ở các tỉnh biên giới của nước bạn Lào và Campuchia; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới phát huy truyền thống đoàn kết, quan hệ thân tộc, đồng tộc của đồng bào vùng giáp biên cùng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, chống vượt biên trái phép, chống buôn bán người qua biên giới, xây dựng và bảo vệ khu vực biên giới phát triển về kinh tế - xã hội, bảo đảm về quốc phòng - an ninh, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia.

Nhìn lại gần 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” ở tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả tích cực, số hộ nghèo giảm 04%/năm; một số xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Ia Chim, Đăk Năng của thành phố Kon Tum; Đăk Nông, Bờ Y của huyện Ngọc Hồi đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững. Ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đối với công tác dân vận ngày càng được nâng lên. Các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng lan tỏa, đang phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

 

Lê Quang Toàn
Vụ trưởng, Trưởng CQTT Ban Dân vận Trung ương tại TP. Đà Nẵng

Các bài khác

TẠP CHÍ IN