Công tác dân vận là một trong những công tác quan trọng, có ý nghĩa chiến lược gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công tác dân vận của chính quyền là bộ phận quan trọng của công tác dân vận của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; quán triệt quan điểm của Đảng, của Bác Hồ về công tác dân vận: “Dân là người thực hiện chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của Chính phủ, đoàn thể nên nhân dân phải được hiểu biết, bàn bạc, giám sát, do đó không chỉ có mặt trận, đoàn thể mà chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương cũng phải làm công tác dân vận”. Trong giai đoạn hiện nay, công tác dân vận càng gắn bó chặt chẽ với công tác quản lý nhà nước. Để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, chính quyền các cấp, hơn bao giờ hết, phải nhận thức đúng đắn tầm quan trọng về công tác dân vận thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong những năm qua thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”, công tác dân vận chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thực hiện Chỉ đạo của Trung ương, Ban Dân vận Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội đã ký Kế hoạch số 109-KH/BDVTU-BCSĐUBNDTP, ngày 28/3/2018 để phối hợp thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018.
Những kết quả nổi bật
“Năm dân vận chính quyền” - 2018 đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp thành phố tới cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Chính quyền các cấp ngày càng gần dân, sát dân, trọng dân, vì nhân dân phục vụ, cầu thị, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; tăng cường đối thoại định kỳ và đột xuất với nhân dân, chú trọng công tác tiếp dân, việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của nhân dân, nhất là các vụ việc tồn đọng, kéo dài, đông người; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Với những việc làm thiết thực, hiệu quả cụ thể như sau:
Việc đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội đi vào nền nếp, thực chất, góp phần không ngừng nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong năm 2018, từ thành phố đến 100% quận, huyện, thị xã đã tổ chức kiểm tra công vụ nhằm nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân của các cơ quan, đơn vị.
UBND thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 36 cơ quan, đơn vị, kiểm tra theo chuyên đề đối với 11 địa phương, cơ quan, đơn vị. Các địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã tự tiến hành kiểm tra công vụ được 527 lượt đơn vị trực thuộc, điển hình như: quận Cầu Giấy 54 lượt, quận Hà Đông 32 lượt, huyện Thạch Thất 28 lượt, Sở Tài chính 10 lượt, Sở Giao thông Vận tải 6 lượt... Qua đó, góp phần thay đổi căn bản tư duy, thái độ, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận, thụ lý, giải quyết thủ tục hành chính trên tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc”. Các trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử, có hành vi nhũng nhiễu tiêu cực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật.
Việc thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “Một việc - một đầu mối xuyên suốt” được gắn với thực hiện nghiêm túc Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của UBND thành phố Hà Nội về ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quyết định số 1665/QĐ-UBND, ngày 10/3/2017 về quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thành phố đã ban hành 08 văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện quy tắc ứng xử trên địa bàn; tổ chức hội thi tuyên truyền, tọa đàm Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội và tổ chức cho 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia cuộc thi “Nét đẹp văn hóa công sở năm 2018”; biên soạn, in ấn và phát hành 30.000 tờ tuyên truyền về hai quy tắc ứng xử; tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử; trên báo Màn ảnh sân khấu online, Người giữ lửa và Bản tin văn hóa Hà Nội; mở 3 chuyên mục: Quy tắc ứng xử, Người Hà Nội thanh lịch văn minh và Hà Nội đẹp và chưa đẹp; lắp đặt 20 cụm pano tuyên truyền trên các tuyến phố của Hà Nội… Trong năm 2018, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan của thành phố đã được thực hiện nghiêm túc, không có vụ việc vi phạm lớn xảy ra, được đông đảo cán bộ, công chức và nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố tiếp tục được quan tâm nâng cao. Đã thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, người lao động hàng tháng, gắn với công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật và bổ nhiệm cán bộ. Đã tổ chức 04 lớp bồi dưỡng năng lực quản lý cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (học tập trung 32 ngày/lớp) theo tinh thần đổi mới và nâng cao chất lượng; 02 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý đối với lãnh đạo cấp phòng và tương đương thuộc thành phố; cử 283 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi đưỡng ngắn hạn ở nước ngoài.
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 16/12/2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, các địa phương từng bước nâng cao chất lượng, tập trung chỉ đạo giải quyết nghiêm túc, khẩn trương, kịp thời, dứt điểm, đúng quy định việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn. Năm 2018, chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo (KNTC) đã được nâng cao nhưng tình hình KNTC đông người, phức tạp chưa có chiều hướng giảm. Tình trạng đơn gửi nhiều cấp, vượt cấp xuất hiện ở một số nơi, trong đó có nhiều đơn trùng, đơn khuyết danh, mạo danh...
Trong năm, các cơ quan hành chính thành phố tiếp thường xuyên 29.593 lượt công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh; lãnh đạo các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 16.020 lượt công dân. Trong đó lãnh đạo UBND thành phố tiếp 438 lượt công dân; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, sở, ngành tiếp 15.582 lượt công dân. Các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố đã tiếp nhận và xử lý 35.983 đơn (gồm: 6.914 đơn khiếu nại; 5.099 đơn tố cáo và 23.970 đơn kiến nghị, phản ánh, dân nguyện); nội dung KNTC chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất dịch vụ khi triển khai các dự án trên địa bàn thành phố; công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp... Kết quả giải quyết, toàn thành phố đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 4.899 vụ KNTC (gồm 3.242 vụ khiếu nại, 1.657 vụ tố cáo); đã giải quyết 4.168 vụ (gồm 2.727 vụ khiếu nại, 1.441 vụ tố cáo), đạt tỷ lệ 85,07%. Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi 2.766 triệu đồng và 3.617 m2 đất; trả cho công dân 3.217 triệu đồng và 2.445 m2 đất; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm 51 tập thể và 55 cá nhân để xảy ra sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 04 vụ.
Thanh tra thành phố Hà Nội và thanh tra các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã triển khai 376 cuộc thanh tra (gồm 256 cuộc theo kế hoạch và 120 cuộc đột xuất); đã ban hành kết luận 180 cuộc thanh tra. Nội dung thanh tra tập trung vào các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, giao đất; việc quản lý và sử dụng vốn, việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc thành phố; việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và phòng chống tham nhũng... Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 178,896 tỷ đồng, kiến nghị xử lý vi phạm 3,3ha đất, kiểm điểm trách nhiệm 42 tập thể và 75 cá nhân có vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 01 cuộc. Thanh tra thành phố triển khai và thực hiện 54 cuộc thanh tra hành chính; đã ban hành kết luận 31 cuộc thanh tra, kiến nghị thu hồi 104,173 tỷ đồng, kiểm điểm trách nhiệm 08 tập thể và 18 cá nhân có vi phạm.
Việc thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nghiêm túc triển khai thực hiện. Ở cấp thành phố, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy cùng Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với đại biểu Hội Nông dân các huyện, thị xã, các nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, chủ trang trại và người đứng đầu một số HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và gặp gỡ, đối thoại với đại biểu phụ nữ Thủ đô. Đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã có cuộc đối thoại với 750 đại biểu cho người lao động và người lao động trực tiếp đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Đã có 29/30 quận, huyện, thị xã (đạt tỷ lệ 96,6%) và 582/584 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 99,6%) đã tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn.
Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được nâng lên; chủ động thực hiện ngày càng có chất lượng, đi vào chiều sâu việc giám sát, phản biện xã hội và đối thoại trực tiếp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp. Tích cực tham gia nhiều góp ý đúng và trúng nhằm góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại, văn hiến.
Việc thực hiện chủ đề của Trung ương “Năm dân vận chính quyền” 2018 gắn với chủ đề năm của thành phố Hà Nội “Nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị năm 2018” đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy và chính quyền các cấp, đã nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của chính quyền, đạt được kết quả, bước đầu đáp ứng yêu cầu chính đáng của nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Trong năm 2019, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, hệ thống dân vận Thủ đô cùng với cả hệ thống chính trị tiếp tục đoàn kết, làm tốt chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là làm tốt công tác dân vận gắn với “Năm dân vận chính quyền” - 2019 để góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.