Chủ Nhật, 6/10/2024

Tuyên Quang: Những chuyển biến tích cực qua 5 năm thực hiện các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị

Ngay sau khi có các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, Ban Dân vận Tỉnh ủy Tuyên Quang đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện quán triệt các Quyết định đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện ở các địa phương và cơ sở; chủ trì phối hợp khảo sát về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở và nắm tình hình việc triển khai tổ chức thực hiện các Quyết định. Do vậy, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các Quyết định của Bộ Chính trị và văn bản chỉ đạo của tỉnh về giám sát và phản biện xã hội (GSPBXH) và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; xác định việc thực hiện GSPBXH, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm.

Đối với công tác GSPBXH, từ năm 2014 đến nay, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, ban, ngành chức năng lựa chọn các nội dung giám sát liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Nội dung giám sát tập trung những vấn đề nhân dân quan tâm như: thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động tại các doanh nghiệp; công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh... Trong đó, MTTQ tỉnh chủ trì phối hợp giám sát 12 cuộc tại 169 cơ quan, đơn vị, tổ chức; tham gia với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh giám sát 15 cuộc. Hội Cựu chiến binh tỉnh phối hợp tổ chức 5 cuộc giám sát đối với 20 lượt cấp ủy huyện và 45 lượt đảng ủy xã, 14 thôn, bản. Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và công đoàn tại 25 doanh nghiệp và 05 đơn vị sự nghiệp. Các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động tại 154 lượt đơn vị, doanh nghiệp. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp chủ trì, phối hợp tổ chức 22 cuộc giám sát các nội dung có liên quan đến thực hiện Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện chính sách đối với người có công, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ. Hội Nông dân tỉnh hằng năm chủ trì phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh vật tư nông lâm nghiệp, về sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giám sát thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi. Tỉnh đoàn Thanh niên hằng năm ngoài việc chủ trì các đoàn giám sát còn cử các thành viên tham gia các đoàn giám sát của MTTQ, các đoàn thể tỉnh.

Đối với cấp huyện, từ năm 2015 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố đã chủ trì, phối hợp thực hiện 27 cuộc giám sát. Cấp xã tập trung giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, việc thực hiện chính sách người có công, sửa chữa lớp học, các khoản thu trong nhà trường, việc xây dựng kênh mương nội đồng ...

Để tạo điều kiện cho hoạt động GSPBXH, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 ngày 25/7/2017 quy định nội dung, mức chi bảo đảm hoạt động GSPBXH của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo thực hiện quy trình tiếp nhận xử lý và đôn đốc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức; tổ chức 20 cuộc giám sát chuyên đề.

Sau mỗi cuộc giám sát, trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát của các đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát báo cáo thường trực cấp ủy, gửi chính quyền, các cấp, các ngành có liên quan để xem xét, giải quyết các đề nghị, kiến nghị; theo dõi, giám sát việc tiếp thu, trả lời các kiến nghị và việc khắc phục tồn tại, hạn chế sau giám sát.

Công tác phản biện xã hội được chỉ đạo thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, bước đầu đạt một số kết quả. Hằng năm, MTTQ các cấp chủ trì xây dựng nội dung phản biện đưa vào Chương trình GSPBXH của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, báo cáo cấp ủy cùng cấp phê duyệt. Hình thức phản biện xã hội chủ yếu thông qua việc tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, địa phương, các dự thảo các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của cấp ủy; nghị quyết, chương trình, dự án về phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh của HĐND, UBND; các nội dung liên quan đến quyền, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

Về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ban Dân vận Tỉnh ủy Tuyên Quang đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh về việc tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được thực hiện với nhiều hình thức như: góp ý trực tiếp, qua hòm thư góp ý đặt tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn, thông qua tổ chức các buổi tọa đàm để tham gia góp ý trên các lĩnh vực, phối hợp thực hiện tốt công tác đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với nhân dân, lãnh đạo doanh nghiệp với người lao động.

Toàn tỉnh tổ chức 130 cuộc đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, nội dung về các vấn đề nhân dân quan tâm như ô nhiễm môi trường, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, chương trình phát triển thanh niên, lao động việc làm...

Các cấp chính quyền thực hiện đổi mới công tác tiếp dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan hành chính, cán bộ công chức trong công tác tiếp công dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường đối thoại, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đến nay, có 98,5% số ý kiến kiến nghị đã được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định, tạo sự đồng thuận xã hội. UBND các cấp phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử ở địa phương. Ủy ban MTTQ từ tỉnh đến cơ sở tổ chức tham gia góp ý xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp; lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy, đại biểu dân cử các tổ chức đảng, chính quyền cùng cấp; phát huy vai trò giám sát trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Thông qua góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nắm và giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế những thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phát huy dân chủ, tạo đồng thuận trong nhân dân, nâng cao niềm tin của nhân dân với đảng, chính quyền các cấp.

Bên cạnh đó, việc thực hiện GSPBXH, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn tỉnh theo các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị còn một số hạn chế nhất định. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các Quyết định của một số cấp ủy cấp huyện và cơ sở còn hạn chế. Việc lựa chọn nội dung giám sát ở một số cơ sở chưa sát thực. Vai trò của MTTQ một số huyện và cơ sở trong việc chủ trì xây dựng chương trình giám sát, phản biện và đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn hạn chế, nên hiệu quả một số cuộc giám sát chưa cao. Công tác phản biện xã hội tại một số cơ sở còn lúng túng.

Để tiếp tục thực hiện tốt GSPBXH và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh thực hiện các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); triển khai kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động nhân dân giám sát thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); tổ chức thực hiện tốt các văn bản mới của Trung ương về công tác dân vận. MTTQ các cấp trong tỉnh phát huy hơn nữa vai trò chủ trì trong thực hiện GSPBXH; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; nâng cao chất lượng hoạt động của các hội đồng tư vấn trong thực hiện GSPBXH.

Các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp với MTTQ trong xây dựng và tổ chức thực hiện dẫn hoạt động GSPBXH; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đảm bảo hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thường xuyên nắm tình hình nhân dân; tham mưu đề xuất biện pháp giải quyết không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người, giữ vững an ninh trật tự địa phương. HĐND, UBND các cấp trong tỉnh tăng cường phối hợp và tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện GSPBXH; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân…

Vương Thúy Hằng
Ban Dân vận Tỉnh ủy Tuyên Quang

Các bài khác

TẠP CHÍ IN