Chủ Nhật, 6/10/2024

Đồn Biên phòng Leng Su Sìn nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới

Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, tỉnh Điện Biên được giao quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 25,7 km với 9 cột mốc, tiếp giáp với huyện Nhọt U - tỉnh Phong Xa Lỳ (Lào). Địa bàn Đồn quản lý gồm 02 xã biên giới Leng Su Sìn và Chung Chải (huyện Mường Nhé) với 22 bản, có gần 1.650 hộ/ hơn 8.410 khẩu, với 6 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 67,7% dân số 02 xã.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quan điểm, phương châm chỉ đạo của cấp trên về công tác vận động quần chúng (VĐQC) và tuyên truyền đặc biệt. Đồn đã tổ chức lực lượng thường xuyên bám nắm tình hình biên giới, địa bàn, nhất là tình hình có liên quan đến đường biên, cột mốc, di dịch cư tự do, tuyên truyền tôn giáo trái pháp luật. Cấp ủy, chỉ huy Đồn chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền 2 xã triển khai thực hiện các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của trung ương và địa phương trên địa bàn 2 xã.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể 2 xã và các lực lượng có liên quan triển khai thực hiện các nội dung tuyên truyền, VĐQC với nhiều hình thức và cách làm khác nhau như: tuyên truyền, vận động tập trung, đến từng nhà, lắng nghe từng người, nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân... Đồng thời, chú trọng phát huy vai trò của đội VĐQC và 2 đội tăng cường xã trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các chủ trương, biện pháp xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo...

Quán triệt Kế hoạch số 1924 ngày 01/12/2017 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên về việc giúp xã khó khăn, Đảng ủy Đồn đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về việc giúp đỡ 02 xã khó khăn. Đồn Biên phòng Leng Su Sìn đã xây dựng kế hoạch số 178, số 179 ngày 31/12/2017 về giúp đỡ 02 xã Chung Chải, Leng Su Sìn năm 2018. Đồng thời, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả một số đề án quan trọng như: “Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên”; Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2013 - 2016 giai đoạn 2017 - 2021”... Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; chủ động tổ chức tốt “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn bản” theo Chỉ thị 34 của Bộ Tư lệnh BĐBP và các mô hình hoạt động có hiệu quả như “Tổ an ninh tự quản”, “Già làng, trưởng bản cùng dòng họ, con cháu đăng ký quản lý, bảo vệ cột mốc, đường biên”...

Trong những năm qua, với phương châm “ba bám” (bám dân, bám địa bàn, bám nhiệm vụ), “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn trực tiếp tham gia vận động nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới. Đồn đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân bỏ những hủ tục lạc hậu như nuôi trâu, bò, lợn, gà... sát nhà ở; vận động xây dựng tường rào, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống.

Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Hội phụ nữ các xã, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Nhé, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Ban dân tộc tỉnh thường xuyên vận động chị em thực hiện chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, tham gia phòng chống tội phạm giữ gìn an ninh trật tự; hướng dẫn hội viên phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia hoạt động câu lạc bộ “không xuất cảnh trái phép, không di cư tự do và không kết hôn trái pháp luật”. Đồng thời, tham mưu cho 02 xã củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng.

Trong năm 2018, cán bộ, chiến sỹ đã phối hợp tuyên truyền hơn 410 buổi cho  gần 7.680 lượt người về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các loại đối tượng. Tham mưu cho huyện Mường Nhé và xã Chung Chải giải quyết tình trạng di, dịch cư, tranh chấp đất đai, phá rừng, làm nương của 125 hộ người Mông với người Hà Nhì; phát hiện, phối hợp ngăn chặn, xử lý 09 vụ có hành vi chặt phá rừng; tham gia tuyên truyền vận động, di dời toàn bộ 77 hộ ở điểm dân cư Tá Phì Chà đến nơi ở mới. Đồng thời, tham mưu, phối hợp với địa phương tăng cường hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống mưa, lũ, giúp dân di dời đến nơi an toàn. Những kết quả trên góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương và BĐBP; xây dựng, củng cố được thế trận lòng dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, nâng cao hiệu quả công tác VĐQC, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Tuy nhiên, công tác VĐQC giúp dân phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị vẫn còn một số hạn chế như: tham mưu cho địa phương triển khai tổ chức thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới hiệu quả còn thấp; vẫn còn xảy ra tình trạng di cư tự do, vượt biên trái phép. Công tác VĐQC còn nặng về tuyên truyền, phổ biến chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa xây dựng, nhân rộng những mô hình, những hộ gia đình điển hình trên địa bàn làm kinh tế khá giả, vươn lên thoát nghèo để hướng dẫn nhân dân học tập và làm theo. Cán bộ làm công tác VĐQC biết tiếng Mông còn ít, kiến thức, hiểu biết về phong tục tập quán của nhân dân trên địa bàn có phần hạn chế, nên chất lượng, hiệu quả tuyên truyền chưa cao.

Trong thời gian tới, tình hình an ninh trật tự địa bàn đơn vị phụ trách còn diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, tăng cường chống phá; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Từ thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác VĐQC của Đồn Biên phòng Leng Su Sìn nhằm giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho quần chúng nhân dân hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia quản lý bảo vệ biên giới, hiểu sâu về mục đích, ý nghĩa và nội dung của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, trên cơ sở đó vận động nhân dân tự giác tham gia thực hiện có hiệu quả. Khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống quê hương cách mạng, truyền thống anh hùng của địa phương, truyền thống đoàn kết đấu tranh bảo vệ biên giới của quần chúng nhân dân, phát huy vai trò của trưởng bản, người có uy tín trong việc vận động các tập thể, hộ gia đình và cá nhân tự nguyện tham gia thực hiện tốt các đề án, chương trình phát triển kinh tế, tạo động lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng kiến thức về phong tục tập quán, đẩy mạnh tổ chức học tiếng dân tộc, nhất là tiếng Mông cho đội ngũ làm công tác VĐQC, tăng cường xã của đơn vị. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, VĐQC đảm bảo sát tình hình địa bàn, có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm. Gắn tuyên truyền vận động với hướng dẫn, xây dựng và nhân rộng những điển hình tiên tiến, mô hình làm kinh tế khá giỏi, hiệu quả kinh tế cao trong đồng bào.

Hai là, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì, thực hiện tốt Chỉ thị số 01, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; các nghị quyết về Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên địa bàn, giữ vững ổn định an ninh chính trị để bà con yên tâm sản xuất; phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, già làng, trưởng bản, người có uy tín, người đứng đầu các tôn giáo trong tham gia bảo vệ biên giới và phát triển kinh tế - văn hóa - giáo dục một cách toàn diện.

Ba là, tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, nhân rộng mô hình câu lạc bộ “Thanh niên lập nghiệp”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế và các hộ gia đình làm ăn, phát triển kinh tế giỏi”. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể xã, các lực lượng đứng chân trên địa bàn để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, bồi dưỡng, hướng dẫn và tổ chức triển khai các chương trình, dự án dựa vào thế mạnh của vùng, nhất là về thổ nhưỡng, nhân lực của địa phương để sản xuất phát triển nông, lâm nghiệp.

Kết hợp chặt chẽ giữa đẩy mạnh thực hiện củng cố cơ sở chính trị, quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững. Duy trì tốt công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời động viên khích lệ quần chúng nhân dân chịu khó, cần cù, lao động sản xuất. Vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển các mô hình kinh tế vườn ao, chuồng, trại cho phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ gia đình trên địa bàn.

Mai Xuân Thuận, Đặng Công Thành

Các bài khác

TẠP CHÍ IN