Thứ Sáu, 19/4/2024

Câu chuyện dân vận

Lần đầu tiên được mời tham dự “Hội thảo về công tác dân vận” ở một huyện mang đến nhiều suy nghĩ, nhiều trăn trở với một câu chuyện vốn quá quen thuộc nhưng vẫn còn nhiều ý ra - ý vô suốt một thời gian dài. Vẫn là câu chuyện dân vận “ngày xưa” và “ngày nay”. Vẫn là câu chuyện bệnh thành tích và cái mà hệ thống chúng ta gọi là biểu hiện “hành chính hóa”. Vẫn là đối tượng và mục tiêu, hình thức và phương pháp hoạt động, vận động, tập hợp…

Mỗi khi đổi mới việc gì đó, thường kèm theo mục tiêu là “để phù hợp với tình hình mới”. Nhưng đặc trưng của “tình hình mới” là gì thì ít người nhận ra và đề cập đến hoặc đề cập rất qua loa. “Tình hình mới” của chúng ta không nằm ngoài đặc trưng của thời đại. Đó là kỷ nguyên công nghệ, thông tin và truyền thông đa phương tiện, mà mở rộng ra là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là xu hướng phân tầng xã hội ngày càng gay gắt trong nền kinh tế thị trường: người vượt lên, người tụt lại, người bứt phá, người níu kéo. Đó là hội nhập càng sâu rộng với cái tiến bộ và cái lạc hậu đan xen...

Công tác dân vận nghĩa là người vận động gặp gỡ một người hay một nhóm người được vận động. Mà hình thức gặp gỡ trong không gian mạng, kết nối bằng công nghệ thì phải khác với cách gặp gỡ “đến tận ngõ, gõ tận nhà”. Chỉ cần một mẫu tin nhắn, một cái thư điện tử là không chỉ một mà cả chục, trăm, ngàn người nhận được rồi. Rồi mạng xã hội là những công cụ ngay cả các chính khách trên khắp thế giới đều dùng để tương tác với xã hội. Vậy nghĩa là: đâu phải vấn đề gì cũng “đánh trống, thổi kèn” để tuyên truyền, để vận động, mà nhiều khi có vận nhưng lại không “động”.

Nói về tuyên truyền thì cần nhớ là bây giờ chúng ta có nhiều hình thức mới mẻ lồng ghép để tạo tính tương tác cao hơn. Tương tác để người tham gia không thụ động và coi mình là người trong cuộc. Từ sự tương tác đó, ý tưởng của người này sẽ dẫn dắt và làm nảy sinh ý tưởng của người khác. Ở nhiều nơi, người ta đã không còn tình trạng “trên đọc, dưới dò” từ lâu rồi. Bây giờ, người ta dùng hình ảnh, âm thanh, đoạn phim ngắn để làm cho sinh động và để cho người nghe sẽ nhớ lâu, mà có nhớ lâu thì “thấm” lâu.

Công tác dân vận thường gắn với cụm từ “giáo dục” quần chúng nhân dân, giáo dục cho đoàn viên, hội viên. À vậy đó, mình mang tâm thế đi giáo dục thì thường nghĩ rằng mình đứng trên, mình giỏi hơn người được giáo dục, và ngược lại, người được giáo dục chắc không thoải mái lắm với tâm thế như vậy. Trong khối quần chúng mênh mông ấy, có biết bao là người giỏi, thậm chí là rất giỏi, giỏi hơn mình nhiều lắm. Ngay trong ngành sư phạm tiên tiến trên thế giới, người ta ngày càng ít dùng khái niệm giáo dục, mà thay vào đó là chia sẻ, là khơi gợi, là truyền cảm hứng. Có một danh nhân đã nói: “Chúng ta không thể dạy bảo cho ai bất cứ điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ”. Vậy, vận động phải là quá trình cùng tương tác, cùng nhau tìm kiếm, phát hiện và giải quyết một vấn đề nào đó, một đường lối, chủ trương nào đó. Thử tưởng tượng một buổi sinh hoạt đoàn thể nào đó một người thao thao bất tuyệt trong khi những người còn lại thụ động thì sẽ thấy nhàm chán đến mức nào.

Mình đang kêu gọi người dân hợp tác, liên kết với nhau trong cuộc sống và trong sản xuất kinh doanh, trong khi đó, sao hệ thống chúng ta lại không biết hợp tác, liên kết lại với nhau. Hợp tác để san sẻ, để tăng thêm nguồn lực. Một đoàn thể cấp huyện thì năm ba người, xuống tới xã thì càng ít hơn, vậy sao không hợp lực lại, không cùng nhau sinh hoạt trong một không gian cộng đồng. Nếu còn tư duy “bờ bao” trong hệ thống thì nguồn lực sẽ phân tán, không có năng lượng làm việc, thậm chí sẽ không có động cơ để sáng tạo. Nếu còn tư duy “bờ bao” thì tự chúng ta giới hạn tư duy của mình, trong khi tư duy của xã hội mới là bao la rộng lớn.

Giờ thì ai cũng thấy cần thay đổi, phải đổi mới. Nhưng không có đổi mới nào dễ dàng cả. Rồi sẽ “đụng trần, đụng nóc”, “vướng vách, vướng tường”. Nhưng có một bức tường vô hình trong mỗi chúng ta là không đổi mới thì cũng chẳng chết ai, rồi vẫn có bằng khen này, danh hiệu nọ, trong khi đổi mới thì sẽ gặp nhiều rủi ro, hệ lụy. Thôi thì, đừng nghĩ rằng đổi mới là làm vừa lòng cấp trên, mà hãy nghĩ rằng, đổi mới là từ yêu cầu tự thân của tổ chức, của địa phương, của chính bản thân mình, đó chính là hướng đến mục tiêu làm hài lòng người dân, trong đó, có thành viên trong tổ chức của mình, địa phương của mình. Và sâu thẳm hơn nữa, chính là làm cho xã hội vận động một cách đầy năng lượng, nhiều sáng tạo, góp phần làm cho quê mình phát triển nhanh hơn.

Có người ví von đổi mới như là “khai thông” một dòng suối cho những ý tưởng tuôn trào. Vậy thì mỗi người hãy khiêng đi những tảng đá đang ngăn dòng suối tuôn chảy. Nếu tảng đá lớn, mình chưa khiêng nổi thì hãy bắt đầu từ những viên đá nhỏ. Nếu một người khiêng không nổi, thì nhiều người xúm lại cùng nhau khiêng. Và nhất là đừng ném thêm xuống dòng suối những viên đá.

Vậy thôi, một khi thay đổi rồi chúng ta sẽ thấy sao bao năm qua mình lại quanh quẩn, rằng còn có những con đường để lựa chọn tốt hơn, hình thức mới mẻ, phù hợp tình hình và đối tượng vận động.

Lê Minh

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN