Thứ Bảy, 27/4/2024

"Dân vận khéo" trong vùng có đông đồng bào tôn giáo ở huyện Thống Nhất

Trong thời gian qua, Huyện ủy Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”; qua đó góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” còn góp phần để huyện Thống Nhất đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015 và đến nay 3/10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, hướng đến huyện Nông thôn mới có nền nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế phát triển bền vững, môi trường xanh, sạch, đẹp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

“Gần dân, sát dân, hiểu dân, trọng dân”

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, công tác dân vận luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tại huyện Thống Nhất quan tâm thực hiện. Qua thực hiện tốt công tác dân vận đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết trong nhân dân, chung tay thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Trong công tác lãnh đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy Thống Nhất xác định công tác dân vận trên địa bàn huyện Thống Nhất là công tác “tôn giáo vận”, là nhiệm vụ trọng tâm, có tính quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy Thống Nhất đã chủ động đổi phương thức, đa dạng hóa về nội dung, phong phú về hình thức theo phương châm “Gần dân, sát dân, hiểu dân, trọng dân”.

Đồng chí Trần Thị Hồng Nga, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, cho biết: “Huyện Thống Nhất có dân số 164.809 người, trong đó đồng bào có đạo chiếm 87,23% dân số toàn huyện, với 04 tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Cao đài, Tin lành. Những năm qua, Ban Dân vận Huyện ủy luôn nắm vững tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy đó là công tác vận động trên địa bàn huyện chính là công tác tôn giáo vận. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến các xã đã luôn sâu sát với nhân dân, nắm chắc tình hình cơ sở, nhất là trong vùng có đông đồng bào có đạo. Nhờ vậy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã đi vào đời sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy; qua tiếp xúc, đối thoại, nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất và những bức xúc của nhân dân đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ghi nhận, tiếp thu và giải quyết kịp thời; tạo sự đồng thuận để nhân dân thi đua phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện hiệu quả các chương trình hành động cách mạng tại địa phương”.

Hiệu quả rõ nét nhất trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Thống Nhất thời gian qua là duy trì và tổ chức các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; các diễn đàn, tọa đàm giữa các ngành Y tế, Công an, Giáo dục với nhân dân. Huyện đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với nhân dân và các vị Linh mục trên địa bàn huyện, được coi là điểm sáng trong phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Thống Nhất.

Lan tỏa từ mô hình “Dân vận khéo”

Theo đồng chí Trần Thị Hồng Nga, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, nhờ vận dụng khéo léo và linh hoạt phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với từng địa chỉ cụ thể, con người cụ thể mà trong những năm qua nhiều phong trào thi đua trong nhân dân tiếp tục phát triển, đi vào đời sống, mang lại hiệu quả tích cực. Số lượng, chất lượng các phong trào thi đua được nâng lên rõ rệt; các điển hình được nhân rộng và tạo hiệu ứng xã hội cao. Toàn huyện đã xây dựng được 145 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; trong đó có 12 mô hình tập thể và 06 điển hình cá nhân được Huyện ủy chỉ đạo duy trì, nhân rộng trong nhân dân.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, tại huyện Thống Nhất đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình thông qua các mô hình cụ thể trên từng lĩnh vực khác nhau. Có thể kể đến các mô hình trên lĩnh vực kinh tế như: vận động hội viên, nông dân chăn nuôi theo mô hình VietGAP, mô hình vận động thành lập CLB Năng suất cao, Tổ hợp tác, Hợp tác xã của Hội Nông dân xã Gia Kiệm, xã Hưng Lộc, xã Gia Tân 1, xã Gia Tân 3; mô hình khu dân cư xanh - sạch - đẹp - sáng đèn đường của xã Gia Tân 2, xã Hưng Lộc và xã Bàu Hàm 2; Mô hình hiệu quả trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Lộc và Đoàn Thanh niên xã Xuân Thạnh, xã Bàu Hàm 2; mô hình shop không đồng kết nối yêu thương của Hội LHPN xã Bàu Hàm 2, Hưng Lộc, Quang Trung… Nhiều mô hình dân vận khéo gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được thực hiện tốt và nhân rộng như các mô hình “An ninh trật tự ở từng họ đạo”, theo 3 nội dung tự quản “Tự quản về an ninh trật tự, Tự quản về kinh tế và Tự quản về văn hoá”; mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải” tại địa bàn các ấp trên địa bàn xã Gia Tân 2 và các mô hình tiêu biểu như: “Đội xe ôm xung kích”; “Tiếng kẻng an ninh” của xã Bàu Hàm 2 và xã Xuân Thạnh…

Ngoài những điển hình tập thể, còn có những gương sáng là điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” như: Ông Nguyễn Văn Chính, Tổ trưởng Tổ nhân dân khu dân cư Lộc Thịnh với mô hình vận động nhân dân xây dựng khu dân cư kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp”; chị Lâm Thị Phương Quỳnh, Bí thư Chi đoàn “2 giỏi” - gương sáng về tận tụy với phong trào Đoàn tại ấp Dốc Mơ 1, xã Gia Tân 1; người thương binh sản xuất kinh doanh giỏi Trương Hồng So ở xã Xuân Thạnh, không chỉ vươn lên làm giàu cho gia đình mà tận tụy tham gia công tác từ thiện, nhân đạo xã hội; cô học trò nghèo Thị Tiềm người dân tộc Chơro vượt qua nỗi đau mất đi người thân yêu vươn lên vượt khó trong học tập… Những điển hình tiêu biểu của phong trào thi đua “Dân vận khéo” đang ngày được nhân rộng và lan tỏa trong cuộc sống.

Đồng chí Ngô Thành Nhân, Phó Ban Dân vận Huyện ủy khẳng định: từ các mô hình hiệu quả trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động các nguồn lực trong nhân dân. Điển hình là phong trào làm đường giao thông nông thôn, trong hai năm 2017 – 2018, nhân dân trong huyện đã đóng góp trên 21,4 tỷ đồng để sửa chữa, làm mới 55 km đường giao thông nông thôn; đóng góp hơn 3,1 tỷ đồng giúp đỡ đoàn viên, hội viên có hoàn cảnh khó khăn... Nhiều công trình hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng, sửa chữa khang trang, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời; phong trào đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, giải quyết việc làm được thực hiện tốt; qua đó không ngừng nâng cao đời sống của người dân và tạo diện mạo phát triển mới cho địa phương.

Nguyễn Thắm

TẠP CHÍ IN