Thứ Sáu, 26/4/2024

Nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh của người Việt tại Nhật Bản

Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản được thành lập từ năm 2014, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của đông đảo các phật tử đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản. Kể từ khi thành lập cho đến nay, Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, mà đại diện là sư cô Thích Tâm Trí - Chủ tịch Hội đã xây dựng niềm tin, củng cố sự hòa hợp trong cộng đồng, làm chỗ dựa tinh thần cho người Việt Nam đang học tập, làm việc, sinh sống tại Nhật Bản.

Sư cô Thích Tâm Trí xuất gia tu học từ 8 tuổi, sang Nhật Bản tu tập vào những năm 2000 và có hơn 12 năm nghiên cứu tiến sỹ ngành Phật học. Ngay khi được nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam, sư cô Thích Tâm Trí đã phát nguyện một lòng tạo mối đoàn kết gắn bó chặt chẽ trong cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, tiếp tục làm những công việc thiện nguyện và nỗ lực để Hội Phật tử có những đóng góp và làm cầu nối giữa hai quốc gia, góp phần vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam và Nhật Bản. Hiện nay, sư cô Thích Tâm Trí đang tu tập ở ngôi chùa Nisshinkutsu Tokyo. Bên cạnh công tác Phật sự, sư cô làm những công việc thiện nguyện giúp đỡ, cưu mang, tư vấn cho những người Việt Nam gặp khó khăn, bất hạnh tại Nhật Bản.

Trong trận động đất 9 độ Richter và những đợt sóng thần cao đến 10m tàn phá một vùng rộng lớn ở thành phố Miyako và vùng đông bắc Nhật Bản, cướp đi gần 16.000 sinh mạng vào ngày 11/3/2011, ngôi chùa Nisshinkutsu của sư cô Tâm Trí là điểm tập trung của gần 100 các bạn thực tập sinh, du học sinh Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở thành phố Miyako, Fukushima, Sendai và các vùng lân cận của Nhật Bản.

Hiện nay có khoảng trên 170 nghìn thực tập sinh, tu nghiệp sinh; trên 80 nghìn du học sinh Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật; trên 30 nghìn người Việt định cư lâu dài tại Nhât. Trong đó có nhiều hoàn cảnh khó khăn được sư cô Tâm Trí và chùa Nisshinkutsu Tokyo trợ giúp. Nhiều người Việt Nam qua đời có bài vị đặt ở chùa Nisshinkutsu Tokyo. Do sống xa gia đình, thiếu hiểu biết về kế hoạch hóa gia đình nên một số phụ nữ Việt Nam đã mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, ở Nhật việc phá thai bị cấm, nếu được phép để phá thai thì chi phí khá cao, tùy vào bệnh viện, tình trạng thai nhi mà mức chi phí sẽ có sự khác nhau, nhưng thường dao động từ 08 vạn yên đến tới 20 hoặc 30 vạn yên/lần (tương đương từ 16 - 60 triệu đồng). Vì vậy, nhiều nữ thực tập sinh, du học sinh, lao động người Việt mang thai ngoài ý muốn mà không có khả năng nuôi dưỡng đã sinh con và tìm đến Sư cô Tâm Trí cứu giúp. Sư cô lại cưu mang và tìm những người ở Việt Nam hoặc người Nhật có thể nhận nuôi dưỡng, chăm sóc cho những em bé đó.

Do áp lực của công việc, học tập và cuộc sống, nhiều người Việt Nam đã làm việc quá sức, suy giảm sức khỏe, dẫn đến nhiều cái chết đau thương nơi đất khách quê người. Những năm qua, gần 100 người Việt đã mất tại Nhật Bản trong đó phần lớn là du học sinh, sinh viên hoặc thực tập sinh, lao động đang trong độ tuổi 20 - 30. Đa số đều qua đời đột ngột do nhiều nguyên nhân khác nhau. Qua giấy chứng tử của một số người đã mất thì nguyên nhân chính mất là do suy tim cấp tính, tai biến, tai nạn giao thông, đuối nước, tự tử… Hầu hết các trường hợp này đều có sự hỗ trợ giúp đỡ từ Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, chùa Nisshinkutsu Tokyo và sư cô Tâm Trí.

Trường hợp em Nguyễn Huy Hiệp quê Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội rất đặc biệt. Cách đây 2 năm, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, em được học bổng toàn phần do Chính phủ Nhật Bản cấp và sang Nhật Bản nghiên cứu tại trường Đại học Nagaoka, chuyên ngành “Đảm bảo tính an toàn và điều tiết làm lạnh hệ thống tâm lò hạt nhân nguyên tử”. Luận án của em đã hoàn thành xong và dự kiến ngày 24/8/2018 em hoàn tất khóa luận thạc sỹ, dự định tháng 4/2019 em tiếp tục học tiến sỹ. Tuy nhiên chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp em đột nhiên mất tích. Ngày 22/8/2018 thi thể em mới được phát hiện ở khu vực biển Raosu phía đông Hokkaido. Nhận được tin từ gia đình, sư cô Tâm Trí cùng gia đình, các giáo sư trong trường đã làm việc với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để lo tang viếng của em và làm lễ cầu siêu cho em.

Với sự cố gắng nỗ lực của Sư cô Thích Tâm Trí cùng các cộng sự, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản có thêm ngôi nhà tâm linh Ngôi chùa Đại Ân tọa lạc tại số 668-2, Kodama Takayanagi, thành phố Honjo, tỉnh Saitama. Đây sẽ là một địa chỉ tin cậy để những người Việt xa quê cùng tụ họp, đùm bọc lẫn nhau và hướng về quê hương. Chùa Đại Ân sẽ kết nối với 9 ngôi chùa Việt Nam khác trên khắp Nhật Bản cùng thực hiện mục tiêu của Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, đó là đoàn kết cộng đồng, hướng mọi người tới cuộc sống an lạc, hạnh phúc và trợ giúp cho những mảnh đời không may. Dự kiến chùa sẽ xây thêm giảng đường và bảo tháp thờ cốt cho cộng đồng người Việt mất tại Nhật Bản. Ngoài ra chùa cũng sẽ mở các lớp dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng người Việt tại đây để giữ gìn văn hóa dân tộc, thể hiện tình yêu thương gắn bó của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.

Trong những năm qua, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản mà đại diện là sư cô Thích Tâm Trí đã trở thành địa chỉ tin cậy, chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất cho người Việt Nam gặp hoạn nạn, khó khăn tại Nhật Bản. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đánh giá cao những đóng góp của sư cô với cộng đồng. Với những đóng góp đó, sư cô Thích Tâm Trí đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Huy Phương

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN