Thứ Ba, 10/9/2024

Người đảng viên của bản làng

Gần 20 năm nay, Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên, cán bộ vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh cùng đồng đội kiên trì bám bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) dạy chữ, cầm tay chỉ việc cho đồng bào dân tộc Chứt.

“Thu phục” lòng dân 

Sau bữa cơm sáng cùng đồng đội ở Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre, Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên đi xe máy dạo một vòng quanh bản làng của đồng bào Chứt để nắm tình hình. Anh dành thời gian ghé thăm điểm trường mầm non của bản, nằm đầu con đường vào trung tâm khu dân cư, được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Nơi đây có hơn 20 cháu học sinh đều là con em của đồng bào dân tộc Chứt theo học. Đang mải mê với những đồ chơi đẹp, nhưng khi thấy Thiếu tá Thiên xuất hiện ở cửa lớp học, đám trẻ liền đứng dậy, vòng tay trước ngực, cất lời đồng thanh: “Chúng cháu chào chú Thiên ạ!”. Rồi các cháu lại nhìn nhau cười thoải mái, có cháu còn chạy đến nắm lấy tay cán bộ Biên phòng, thân tình như người trong gia đình. “Sao bọn trẻ thân thiện với anh Thiên thế?” - Chúng tôi đặt câu hỏi thì được cô giáo Hoàng Thị Hương, phụ trách lớp học chia sẻ: “Cũng dễ hiểu thôi, anh Thiên đã gắn bó với bà con dân tộc Chứt hàng chục năm nay. Chuyện buồn, vui của các gia đình trong bản đều có sự sẻ chia của anh. Những đứa trẻ ở đây đều do anh Thiên làm giấy khai sinh, có nhiều em được anh đưa đón đến trường mỗi ngày”. Cô giáo Hương còn nói rằng, nếu các anh xuống bản sẽ được nghe nhiều câu chuyện cảm động giữa cán bộ Biên phòng với bà con dân bản.

Thoạt nhìn, Thiếu tá Thiên không có gì đặc biệt ngoài dáng người cao, gầy, nước da đen sạm như nông dân và rất ít nói. Thế nhưng tình cảm tự nhiên của những đứa trẻ dành cho anh và “gợi ý” của cô giáo điểm trường mầm non khiến chúng tôi muốn tìm hiểu về người cán bộ vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Bản Giàng này. Chúng tôi tìm đến nhà Hồ Kính, một trong những đảng viên kỳ cựu, nhiều năm đảm nhiệm vai trò Bí thư chi bộ, Trưởng bản Rào Tre. Ông Kính khẳng định: “Cán bộ Thiên ở với đồng bào ta lâu lắm rồi, làm nhiều việc tốt nên được nhân dân tin và nghe theo”. Rồi ông kể chuyện về đồng bào và bản làng của mình. Cách đây hàng chục năm về trước, trong quá trình làm nhiệm vụ trên những cánh rừng già giáp biên giới Việt - Lào, đội công tác của BĐBP Hà Tĩnh phát hiện một nhóm khoảng 30 người dân tộc Chứt, sống trong hang đá. Sau đó, BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương vận động đồng bào về dưới chân núi Kà Đay, xã Hương Liên, huyện Hương Khê dựng nhà, lập bản Rào Tre. Thời gian đầu, khi mới về bản Rào Tre, đồng bào Chứt vẫn giữ nếp sinh hoạt như khi còn ở rừng sâu, núi thẳm với nhiều tập tục lạc hậu. Do vậy mà cái đói, cái nghèo cứ quẩn quanh đeo bám cuộc sống của họ hết năm này qua năm khác. Đến năm 2001, BĐBP Hà Tĩnh đã thành lập Tổ công tác bản Rào Tre, thuộc Đồn Biên phòng Bản Giàng, với nhiệm vụ trực tiếp giúp dân xây dựng, ổn định cuộc sống. Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên cũng gắn bó với đồng bào dân tộc Chứt từ đó đến nay. Nhớ lại ngày đầu, anh Thiên chia sẻ: “Mọi thứ gần như đều xuất phát từ con số không, từ người già đến trẻ em đều không biết chữ, chỉ vài người biết tiếng phổ thông. Thậm chí, họ còn chưa quen với việc tắm rửa, vệ sinh thân thể. Do bất đồng ngôn ngữ, đồng bào lại nhút nhát và tự ti nên chúng tôi muốn truyền đạt thông điệp gì đó cũng rất khó. Chỉ còn cách làm trước giải thích sau”.

Thiếu tá Thiên cùng các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị chọn những gia đình đồng bào Chứt có người biết nói tiếng phổ thông, tới chủ động sắp xếp lại nơi ăn ở, sinh hoạt trong gia đình. Các anh vừa làm, vừa hướng dẫn và khuyến khích họ khuyên bảo các hộ khác trong bản làm theo. Rồi mỗi chiều về, người ta lại thấy anh Thiên tập trung những đứa trẻ trong bản đến bể nước của tổ công tác, trực tiếp tắm rửa sạch sẽ. Cứ thế, các em quen dần, tự giác vệ sinh thân thể hằng ngày. Thấy con em mình được bộ đội chăm sóc, thương yêu, bậc làm cha, làm mẹ cũng dần thay đổi suy nghĩ. Họ mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tin tưởng vào lời nói, chỉ dẫn của những người lính Biên phòng.

Dạy chữ, “đuổi” ma, bài trừ hủ tục

Khi đã được nhân dân tin tưởng, Thiếu tá Thiên và đồng đội bắt đầu nghĩ đến những chuyện dài hơi hơn như đẩy lùi hủ tục, giúp dân xóa bỏ tư tưởng “đói không lo, no không mừng”. Ban ngày, anh Thiên bám bản đôn đốc, hướng dẫn bà con khai hoang đất để trồng lúa nước; đêm đến lại đứng lớp giảng dạy xóa mù chữ cho nhân dân. Sau 3 năm anh kiên trì đứng lớp giảng dạy, phần lớn người dân trong bản đã biết tiếng phổ thông, biết đọc, biết viết. Để trẻ em trong bản được đến trường, anh cùng đồng đội tham mưu cho chính quyền địa phương đặt tên, làm giấy khai sinh cho các cháu nhỏ. Với lòng biết ơn, kính trọng Bác Hồ, người Chứt đã lấy họ Hồ làm họ chung của dân tộc mình.

Gắn bó từng ấy thời gian với đồng bào dân tộc Chứt, Thiếu tá Thiên chia sẻ rằng, việc giúp dân xóa bỏ các hủ tục, hạn chế việc uống rượu bừa bãi là những việc khó nhất. Bởi trước khi về Rào Tre định cư, đồng bào Chứt vốn sống trong rừng sâu, hang đá cả thời gian dài, họ vẫn tin là mọi điều không may đều do con ma làm tội, chỉ có thầy mo mới có thể đuổi được ma, trừ được bệnh tật. Trong quá trình làm nhiệm vụ, Thiếu tá Thiên đã báo cáo chỉ huy đơn vị cử quân y thường xuyên tổ chức khám sức khỏe, cấp thuốc, chữa bệnh cho nhân dân. Thời gian ở Rào Tre, chúng tôi được chị Hồ Thị Lình kể câu chuyện đầy xúc động của 15 năm về trước. Khi đó, chị Lình chuyển dạ chuẩn bị sinh con, theo phong tục địa phương thì gia đình sẽ mời thầy mo về đưa chị Lình ra bờ suối làm lễ cúng thần linh và sinh con ở đó. Nhưng khi chị trở dạ thì thai ra ngược, quằn quại mãi không sinh được, thầy mo đành bất lực lắc đầu. Nghe được câu chuyện, anh Thiên đã lập tức xuất hiện làm cuộc “giao kèo” với các thầy mo rồi khẩn trương cùng với cán bộ, chiến sĩ đơn vị và gia đình dùng võng thay nhau cáng chị Lình vượt 25km đường rừng trong đêm tối mùa mưa lũ tới bệnh viện huyện kịp thời, cứu sống được cả hai mẹ con. Từ đó, gia đình chị Lình xem cán bộ Thiên là ân nhân, từ bỏ phong tục cúng ma, xây dựng nếp sống mới.

Không chỉ mù chữ, mê tín, mà thói quen uống rượu thường xuyên của đồng bào Chứt cũng là trở ngại lớn đối với quá trình giúp họ xây dựng cuộc sống mới. Với nỗ lực tuyên truyền, vận động, anh Thiên đã cùng đồng đội động viên người dân, nhất là đàn ông chí thú làm ăn, chăm lo cho gia đình, giảm dần việc uống rượu để dành thời gian lao động sản xuất, phát triển kinh tế. 

Sau gần 20 năm, với sự giúp đỡ của BĐBP Hà Tĩnh, đặc biệt là sự kiên trì, bền bỉ của Thiếu tá Thiên và đồng đội, đồng bào dân tộc Chứt đã xóa bỏ được các hủ tục, biết trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm cho cuộc sống hàng ngày. Con em của bản làng Rào Tre được học hành đầy đủ, nhiều em vươn xa để tìm hướng lập nghiệp, lập gia đình với bạn đời là người dân tộc khác. Bức tranh của bản làng Rào Tre đang thực sự khởi sắc. Hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng ngày càng in đậm trong lòng dân biên giới.

Viết Lam

Các bài khác

TẠP CHÍ IN