Thứ Hai, 14/10/2024

Vì mục tiêu phát triển bền vững

Tháng 6/2012, Liên Hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 20/3 hàng năm làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, phát triển bền vững nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. Xuất phát từ thực tế, vị trí, vai trò quan trọng của gia đình như: Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt. Gia đình không chỉ là nơi duy trì nòi giống mà còn là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Mỗi một quốc gia, mỗi một dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình. Vì thế, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm”. Thông điệp của ngày này hàng năm là “Yêu thương và chia sẻ” đã mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về ngày Quốc tế hạnh phúc, để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc. Và trên hết, hạnh phúc của nhân dân ta chỉ được trọn vẹn khi chúng ta được sống trong một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do.

Trong xây dựng gia đình hạnh phúc, phụ nữ là người đóng vai trò rất quan trọng. Chị em phụ nữ thời nay không chỉ kế tiếp truyền thống xưa mà còn khẳng định được quyền và năng lực của người phụ nữ. Ví như trong lĩnh vực chính trị gần 18 năm qua luôn có Phó Chủ tịch nước là phụ nữ, đại biểu nữ trong Quốc hội cũng chiếm trên 25%; trong lĩnh vực kinh tế, chiếm hơn 50% dân số phụ nữ tham gia vào hầu hết các ngành nghề; trong lĩnh vực khoa học đã có tới trên 10% đề tài khoa học cấp nhà nước do phụ nữ làm chủ nhiệm... Dù ở lĩnh vực nào, thuộc thành phần nào, các chị đều được các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo điều kiện vươn lên làm chủ gia đình, bình đẳng trong cuộc sống, và các chị cũng thể hiện xuất sắc bản lĩnh, tinh thần vượt khó, không ngừng nỗ lực sáng tạo làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Điều đó có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình, xã hội. Các chị đã thể hiện bốn phẩm chất, tám chữ vàng: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.

Trải qua bao thế hệ, những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được phụ nữ Việt Nam, các gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy. Thế nhưng có một thực trạng đáng buồn là nạn bạo lực gia đình vẫn còn cao. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trung bình một năm trong cả nước có tới 8 nghìn vụ ly hôn mà nguyên nhân là do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi phải nhập viện. Bình quân mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tính từ năm 2012 đến hết 2017 xảy ra 139.395 vụ bạo lực gia đình. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì e rằng gia đình sẽ mất dần đi những giá trị tốt đẹp vốn có này.

Tại Lễ phát động năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” 2019 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp bộ, ngành chung tay cùng Hội LHPN Việt Nam lấy hạnh phúc và sự an toàn của phụ nữ và trẻ em là mục tiêu hành động với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, góp phần thực hiện kế hoạch hành động quốc gia vì sự phát triển bền vững. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt để đảm bảo các quyền cho người dân, trong đó có phụ nữ, trẻ em. Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, chống bạo hành gia đình, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo vệ quyền lợi, sự phát triển của nữ giới ngày càng được hoàn thiện.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò của phụ nữ Việt Nam: “Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Vai trò của phụ nữ và công tác gia đình đã thực sự trở thành một vấn đề lớn mang tầm quốc gia, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thì phải dựa trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của chị em phụ nữ và toàn thể nhân dân. Do đó, cần nâng cao nhận thức của toàn thể xã hội về vai trò của phụ nữ và gia đình, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phụ nữ và gia đình cũng như quyền, nghĩa vụ của phụ nữ, gia đình; kỹ năng sống, cách tổ chức cuộc sống và xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình... Trước hết, mọi người, mọi gia đình hãy bắt đầu từ suy nghĩ  đơn giản như không nhất thiết cứ phải làm những việc thật to tát mới thể hiện hạnh phúc và sự yêu thương, chia sẻ; mà hãy bắt đầu từ việc nhỏ như giúp nhau làm việc nhà, chăm sóc con cái, hay một câu hỏi han về thuận lợi, khó khăn trong công tác, một cử chỉ chăm sóc khi ốm đau, hoặc một lời nhắc nhở khi gió mùa đông bắc về... Mỗi chúng ta ai cũng thấy thật sự hạnh phúc khi mọi thành viên trong gia đình đều có tình cảm gắn bó tha thiết và quan tâm chăm sóc hết lòng với nhau, sẵn sàng sẻ chia khó khăn, niềm vui, nỗi buồn cho nhau.

Tôn vinh phụ nữ Việt Nam, gia đình Việt Nam, kết nối yêu thương, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững” đó chính là hành động thiết thực hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. “Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà” - để gia đình thực sự là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người chúng ta.

Kim Ngân

TẠP CHÍ IN