Bốn mùa xuân hạ thu đông, tươi đẹp và ngọt ngào nhất có lẽ là những ngày nắng xuân ngập lối. Không hiểu sao mùa xuân lại để thương để nhớ trong lòng người nhiều đến vậy. Tôi vẫn không quên cái cảm giác hồi hộp mong chờ xuân sang và nuối tiếc, chạnh lòng khi mùa xuân đi qua mau quá! Dẫu biết rằng “xuân đi, xuân lại”, bốn mùa yên vị ở bốn điểm trên vòng tròn vần xoay theo quy luật cuộc sống, nhưng mỗi khi xuân đi, lòng tôi lại lâng lâng ngẫm nghĩ về mình, về đời, về kiếp người mong manh ngắn ngủi so với sự vô hạn của đất trời.
Tôi có cô bạn Hàn Quốc, người cực kì thích ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Mùa xuân năm trước bạn nói với tôi bằng thứ tiếng Việt lơ lớ, nhưng rõ nghĩa: “Tết này mình sang Việt Nam, cậu dẫn mình đi chơi nhé!”. Tôi không từ chối, tôi vốn dĩ rất thích việc giới thiệu những nét độc đáo của đất nước mình cho bạn bè khắp nơi, để Việt Nam luôn đẹp trong mắt bạn. Cô bạn của tôi đáp chuyến bay sớm nhất xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Hôm ấy ngày là cuối cùng của năm cũ, những con đường Sài Gòn rợp trong sắc màu lá hoa, mai vàng rực rỡ, người nô nức khuôn mặt rạng ngời nắm nhau nhau trên vỉa hè, nói cười rộn rã. Tôi đưa bạn đến phố ông đồ, hoạt động ở phố trong những ngày giáp Tết thật nhộn nhịp. Ông đồ già đang say mê dậm tô nét chữ bằng thứ mực mài đen đỏ trên giấy hồ điệp, với bàn tay khéo léo và cái tâm rạng ngời, con chữ hiện hình trên tấm giấy. Thư pháp - một bộ môn nghệ thuật truyền thống của người Việt tưởng đâu đã bị mai một, lãng quên trong thời đại hôm nay, thế nhưng những ông đồ già nua đang đứng ở cái dốc bên kia của cuộc đời đã giữ gìn bộ môn nghệ thuật ấy một cách tâm huyết, yêu quý và trân trọng những giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Thế hệ trước gìn giữ và trao truyền, thế hệ sau nối tiếp, sáng tạo và trân trọng những thú vui xưa cổ mang đậm hồn cốt Việt Nam. Đó là những cô cậu còn bé xíu nhưng niềm đam mê thư pháp lại không hề nhỏ, bằng sự tài hoa, bằng sức cảm hóa của cái đẹp bình dị mà cao quý. Bạn tôi thích thú ngắm nhìn, bạn còn được ông đồ tặng tấm thư pháp có đề chữ “Việt Nam xinh tươi”, góc trái có vẽ hình cánh sen hồng mọc lên từ đất bùn chân phương bình dị…
Bạn nói:“Tết Việt Nam vui quá, khác hẳn với mùa xuân đất nước mình”. Những ngày xuân, Sài Gòn không lạnh giá như miền Bắc nhưng cũng đủ se se làn da, làm hồng đôi má người thiếu nữ đang ngồi chải tóc bên song cửa từ một tầng gác mái cao cao nào đó cuối phố. Mùa xuân phương Nam, mùa xuân Sài Gòn lộng lẫy và rực rỡ trong sắc vàng hoa mai, trong màu áo dài tung bay trên phố. Người Việt Nam thường diện áo dài mỗi dịp du xuân, áo dài đỏ, họa tiết vàng, áo dài in hình hoa sen, rồng phượng, cành mai, cành đào… trông yêu kiều diễm lệ. Bạn cũng mặc áo dài. Trong mắt tôi, người con gái Hàn Quốc mặc áo dài Việt Nam đẹp và bí ẩn biết nhường nào. Chúng tôi ngồi trên chiếc xích lô dạo khắp các đường phố, ngõ hẻm, để nhìn ngắm cuộc sống của người Sài Gòn mỗi dịp Tết đến xuân về. Với chiếc máy ảnh trên tay, bạn tôi thu lại những bức ảnh đẹp nhất trong gam màu sặc sỡ, tươi vui. Tôi nhớ một mùa xuân nào đó tôi đưa mẹ ra miền Bắc du lịch. Mẹ bảo: “Miền Bắc lạnh quá, Tết lại buồn”. Tôi cười, không phải miền Bắc buồn mà chính lòng mẹ buồn bởi phương Bắc xa xôi không người thân, họ hàng, chỉ có tôi và mẹ lặng lẽ đi hết các phố phường Hà Nội, ăn cốm làng Vòng, ngắm hoa đào Nhật Tân, ngắm sông Hồng uốn mình trong tiết trời dịu ngọt mùa xuân vẫn không đủ để lòng mình vui vẻ như khoảnh khắc đón Tết ở quê nhà. Ở quê tuy nghèo, bình dị, nhưng ấm áp biết bao. Ở quê, dưới mái nhà đơn sơ trước sân có cội mai vàng, bên hè có bụi dong riềng, có đôi gà mái cục ta cục tác… Ngày Tết không trang hoàng lộng lẫy, không bánh mứt cầu kì, nhưng tiếng nói tiếng cười vẫn rộn vang xóm nhỏ. Hóa ra, vui nhất chính là ăn Tết quê nhà.
Tôi kể bạn nghe chuyện mùa xuân nào đó, xa xôi lắm trong khoảng trời quá khứ. Khi đó tôi lên Tây Bắc đón Tết, ngắm hoa đào rơi. Xứ Tây Bắc đẹp như một huyền thoại, đồi núi trập trùng, hoa mơ trắng tinh khôi cả đỉnh đồi lộng gió. Tôi thương màn sương mù đục ngầu phương Bắc, thương ngọn gió núi phơ phất cành lộc nõn nà, hoa cỏ xanh biếc… Nhưng những cảnh vật ấy không đủ sức làm lòng tôi vui tươi. Ở nơi xa nghĩ về quê hương mình, xóm nhỏ ven sông với những người nông dân chân lấm tay bùn, tự dưng tôi rưng rưng nước mắt. Quê nhà của tôi, quê nhà có mẹ, có ba, ông bà hiền thảo ngóng đợi tôi về trong ngày cuối năm ấm áp, vậy mà có lúc tôi cứ mãi bay chạy đâu xa. Bạn tôi bảo: “Cả năm đã đi đủ rồi, Tết là phải về nhà”.
Ừ, tết là phải về nhà với ba, với mẹ!
Tôi đưa bạn đi khắp Sài Gòn. Tôi lại đưa bạn về miền Tây dấu yêu rồi trở lên Tây Nguyên lồng lộng gió. Tết quê mình thật tuyệt vời, càng tuyệt vời hơn khi nó đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Đất nước tôi xinh đẹp như lời ru.
Đất nước tôi nồng nàn như hơi thở của những con người hiền lành, chân chất.
Mùa xuân Việt Nam đẹp đến nao lòng...