Thứ Sáu, 26/4/2024

Đầu năm trò truyện về họ Trư

Hợi là vị thứ 12 trong địa can, được chọn làm năm tuổi của lợn, như Kỷ Hợi năm nay. Lợn là loài vật phục vụ đắc lực cho cuộc sống con người, ta thường âu yếm gọi chúng là ỉn. Nhưng cùng xin được nói thêm ỉn có họ tên hẳn hoi. Đó là Trư Bát Giới, đứa con tinh thần của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, hiệp sĩ cao cường và giàu tình nghĩa đã cùng Tôn Ngộ Không, Sa Tăng hộ tống thầy Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh thành công. Cho nên, với thái độ tôn vinh, ta cũng thường lịch sử gọi nhân vật đó họ Trư hay họ nhà Trư. Cũng nhân tiện xin kể luôn câu chuyện ngụ ngôn về cuộc đấu khẩu bất phân thắng bại giữa lợn rừng và lợn nhà. Khi chia tay, lợn rừng phát biểu đầy tính triết lý: “Sống tự do như tôi và sống có ích cho con người đều rất quý. Nhưng ta chỉ có quyền chọn một. Chọn điều gì, tôi và anh hãy cùng suy nghĩ kỹ.”

Tôi gốc gác con nhà nông, rất gần gũi với loài ỉn. Từ thuở lên chín, lên mười tôi đã có thể phân biệt rành rẽ: lợn lòi (lợn rừng, có hai nanh dài chìa ra khỏi mép), lợn mọn (cũng là lợn rừng nhưng không có nanh, nhỏ con), lợn ỷ (mặt ngắn, lưng võng, nuôi thả ở vùng cao), lợn nái (lợn cái sinh sản), lợn sữa (lợn con đang bú). Rồi còn lợn bột, lợn cà, lợn sề, lợn cỏ, lợn hạch…

Lứa đàn anh tôi còn được người lớn truyền cho cách xem tướng lợn. Ba đặc điểm sau đây được coi như ba quý tướng của lợn là: lưng đai, bụng bị, bốn khoáy đóng chuồng (tức khoáy trên thân mình). Cụ thể hơn: lợn đực chuộng phệ, lợn sề chuộng chỗm (bụng nhỏ). Muốn nuôi lợn, xin nhớ: Lợn con mắt trắng, chân vắn mà nuôi. Người giàu nuôi lợn đực, mình khó nuôi lợn nái. Còn việc làm chuồng nữa, không thể coi thường: chuồng lợn hướng đông, thổ công hướng bắc. Có chuồng rồi, thả vật nuôi vào phải nhẹ nhàng, khéo léo: Bắt lợn tóm giò, bắt bò tóm mũi.

Đại khái là như vậy. Ngày nay, người ta nuôi lợn theo công nghệ tiên tiến, e những câu chữ tôi trích dẫn ở trên không còn thích hợp. Tuy nhiên chúng là vốn cổ, mong gợi lại cho bạn bè ít nhiều cảm xúc hoài cổ, chắc là được đồng tình. Cổ xưa mà như bài đồng dao của trẻ em cách đây trên dưới thế kỷ, mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thấy mặt mà, thấm thía, thật hay:

Nghịch như quỷ sứ

Là chú lợn choai

Tỏ vẻ bảnh trai

Là chàng lợn bột

Diêm dúa số một

Là ả lợn lang

Mặt mũi vênh vang

Là chàng lợn ỷ

Nói năng thủ thỉ

Là cậu lợn con

Cứ đẻ sòn sòn

Là cô lợn nái…

Tôi có nhiều kỷ niệm với người thân, có liên quan đến họ Trư. Bác Phin hàng xóm của tôi là người thật đáng khâm phục. Chồng mất sớm, chỉ có vài sào ruộng, bác cứ vậy nuôi bốn người con ăn học đàng hoàng, lớn lên dựng vợ gả chồng tươm tất. Mà chỉ nhờ mẹ con đàn lợn nái, mỗi năm hai lứa đều đều. Nhiều người bảo bác mát tay nuôi lợn, bác Phin giải thích nghề này vất vả chỉ kém nuôi tằm thôi. Nuôi tằm phải ăn đứng, còn nuôi lợn đêm năm canh chỉ ngủ một, vài canh thôi. Có vậy người đời mới đúc kết: Lợn đói một bữa bằng người đói nửa năm. Và: Lợn ốm thì người cũng ốm theo.

Chị Hạ bà con xa với tôi nết na thùy mị nhưng gặp cảnh nghèo túng, cha mẹ đau ốm phải vay tiền nhà giàu thuốc thang và đành gả chị cho con trai họ còn thò lò mũi xanh kém chị năm tuổi. Thế là làng trên xóm dưới xôn xao bàn tán. Câu ca dao xửa xưa có sẵn được vận vào chị một cách phũ phàng: Mẹ em tham thúng xôi rền/ Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng/ Em đã bảo mẹ rằng đừng/ Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào/ Bây giờ chồng thấp vợ cao/ Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.

Hạ phải ngậm đắng nuốt cay. May thay, một năm sau thì Cách mạng Tháng Tám đến. Chị thuyết phục nhà chồng cho thoát cũi sổ lồng trở về với cha mẹ đẻ. Sau đó chị trở thành cán bộ phụ nữ của xã.

Thịt lợn là món thực phẩm chủ lực và phổ cập, lại dễ chế biến từ luộc, xào, nướng, rán đến nấu canh, ninh nhừ, giả cầy… Còn bộ lòng đem nấu cháo, làm dồi thì quả khoái khẩu, hết ý. Vì vậy không thể không điểm qua một số câu chữ đề cập đến cái món thực phẩm này. Câu trích dẫn sau đây được dạy cho trẻ em từ lúc chúng mới bi bô tập nói: Con gà tục tác lá canh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng. Tôi nói không ngoa: Dân ta ai cũng thuộc và cũng thực hành đúng như vậy! Riêng với Lợn, nó đồng nhất với câu: Thịt lợn đầy xanh thiếu hành chưa thành món!

Trong việc cưới xin, nhất thiết phải có lợn, xưa thế mà nay vẫn thế: Ông Trăng mà cưới cô Sao/ Bao giờ cô cưới cho tao ăn trầu/ Có cưới đừng cưới bằng trâu/ Cưới bằng lợn bột nàng dâu mới về.

Em về thưa mẹ cùng thầy/ Có cho anh cưới tháng này anh qua/ Gánh theo mười bốn con gà/ Mười sáu con lợn cả nhà khiêng theo.

Lợn có mặt trong sinh hoạt của con người. Tả cảnh tất bật của người phụ nữ: Đang khi lửa tắt, cơm sôi/ Lợn kêu, con đói, chồng đòi tòm tem…

Giễu cợt thói bói toán: Thầy bói gieo quẻ phán ngay/ Con heo bốn cẳng, con cầy chẳng hơn. Hoặc chỉ lông bông: Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng/ Hùm nằm cho lợn liếm lông/ Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi…

Riêng câu này có người nói là cách chơi chữ, có người nói nó có ẩn ý thâm trầm: “Một trăm con lợn cùng chung một lòng”. Bạn hãy dành một phút để ngẫm nghĩ về câu này, câu nói đắt giá đã được tuyển vào kho tàng tục ngữ Việt Nam.

Trong nền mỹ thuật truyền thống nước ta, họ nhà Trư có mặt thường xuyên trong tranh Đông Hồ và tranh Tam Hoàng. Tranh Đông Hồ có riêng cho Lợn hai chủ đề là “Lợn đàn” và “Lợn đực”. Đường nét trong các bức tranh này cường điệu đến bất ngờ, bố cục và màu sắc tưởng như mâu thuẫn nghịch lý nhưng lại rất biện chứng.

Ngoài ra họ nhà Trư còn hiện diện trong điêu khắc dân gian và gốm sứ ở các đình chùa từ thế kỷ XVII. Từ ấy đến nay, trải qua nhiều năm tháng, các chú lợn đất được tạo hình ngộ nghĩnh vẫn tồn tại rộng rãi trong xã hội ta, và các chú chỉ chuyên tâm ăn no để làm việc thiện.

Trương Nguyên Tuệ

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN