Ngày tôi còn nhỏ, việc lo làm bữa cơm tất niên chia tay năm cũ, chào đón năm mới đều do mẹ tôi đảm nhiệm. Ngay từ sáng sớm, mẹ tôi đã quẩy đôi quang gánh gánh một gánh chè đi chợ Đại Từ bán. Trưa, mẹ tôi lại gánh về một gánh nặng những thứ cần thiết như măng, miến, muối, gạo, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, gia vị, hoa tươi… Ở nhà, bố tôi lau dọn bàn thờ, trang trí nhà cửa chuẩn bị đón năm mới với hy vọng mọi điều tốt lành sẽ đến. Còn bọn trẻ chúng tôi xúm xít xem mổ lợn, vừa chạy ra chạy vào ngóng đợi anh chị tôi đi học, đi làm ở Hà Nội và thị xã trở về.
Việc làm bữa cơm tất niên thờ cúng tổ tiên đã trở thành truyền thống của gia đình, là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là đạo hiếu và là cái gốc của mỗi người con. Thông qua việc thờ cúng để bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, nhất là khi gia đình có cuộc sống ấm no, con cháu thành đạt thì cũng “Vinh quy bái tổ” để bày tỏ ý thức về nguồn cội. Bữa cơm tươm tất được trịnh trọng bưng lên. Lúc này, mọi việc chuẩn bị cho ngày tết đã cơ bản xong. Bánh chưng luộc chín, vừa được vớt ra sắp vào đĩa bày ngay ngắn trên bàn thờ. Nhà cửa cũng đã dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ. Bố tôi ăn mặc chỉnh tề chắp tay đứng khấn vái gia tiên. Chờ cho những nén hương tắt hẳn để thay một tuần hương mới, mẹ tôi mới bê mâm xuống. Mâm cơm tất niên có các món ăn đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng xanh, gà luộc, canh măng chân giò, miến nấu lòng gà, một đĩa giò lụa, giò xào, nem rán và không thể thiếu món dưa hành.
Trong cái rét se lạnh, hương trầm nghi ngút, cả nhà tôi sum họp đầy đủ khiến bữa cơm thêm ấm áp, thiêng liêng một cách kỳ diệu. Anh chị tôi báo cáo với ông bà, cha mẹ những việc trong năm, từ chuyện học hành, làm ăn đến chuyện tình cảm, hiếu nghĩa… Ông bà, bố mẹ tôi phấn khởi hài lòng nhưng cũng không quên nhắc nhở con cháu phải chăm chỉ, cố gắng xứng đáng với sự hy sinh vất vả của gia đình. Ba ngày Tết phải đến thăm hỏi, chúc Tết hàng xóm, láng giềng, thầy cô giáo cũ.... Ông tôi không quên dặn dò mẹ sau bữa cơm tất niên chuẩn bị chu đáo mâm cúng giao thừa, là phải chọn con gà trống đẹp nhất chuồng, có mào dài (mào cờ), bộ lông màu sắc sặc sỡ. Rồi ông tôi thong thả giải thích cho bọn trẻ chúng tôi hiểu rằng, theo quan niệm của người xưa, gà trống để tế lễ đêm giao thừa phải có đầy đủ 5 tiêu chuẩn mà người đời tôn trọng là: Nhân, nghĩa, trí, tín, dũng. Thể hiện ở chỗ nó sẽ là con gà giống tốt sinh con đẻ cái đầy đàn; sẵn sàng nhường mồi ngon cho đàn con và xả thân bảo vệ đàn khi bị tấn công. Gà trống còn được coi là con vật có đức trí do sáng nào trời nắng hay trời mưa nó cũng đều đặn làm nhiệm vụ báo thức đúng giờ, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Khi cúng, gà trống được đặt trang trọng trên bàn thờ, miệng ngậm bông hoa hồng. Trong khói hương nghi ngút càng làm tăng thêm vẻ uy nghiêm, trang trọng của bàn thờ tổ tiên ngày Tết, chứng giám cho lòng thành tín của gia chủ, cầu mong một năm mới may mắn, phát đạt, khỏe mạnh.
Dẫu đã mấy chục năm trôi qua, giờ chúng tôi cũng đã lên chức ông, bà nội ngoại; nhưng bữa cơm tất niên và sự gắn kết tình thân trong gia đình tạo nên một cảm xúc rất khó quên trong tôi mỗi khi tết đến, xuân về. Chính điều đó lý giải vì sao gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người con xa quê hương khi năm hết, Tết đến, chiều ba mươi về. Và, hơn thế nữa, bữa cơm tất niên còn là dịp để cả gia đình tổng kết công việc trong năm cũ, mở cánh cửa cho năm mới với những kỳ vọng tốt lành. Đồng thời, cũng là dịp để mọi người xích lại gần nhau hơn, là cơ hội để giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, sự tôn kính ông bà, tổ tiên cho thế hệ trẻ ngày nay.