Thứ Năm, 18/4/2024

Quảng Trị: Kết quả và kinh nghiệm bước đầu trong thực hiện cam kết của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Tỉnh ủy Quảng Trị coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai việc ký cam kết trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây là dấu ấn trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở tỉnh thời gian qua.

Năm 2017, Tỉnh ủy Quảng Trị thí điểm thực hiện ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ, của đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nội dung cam kết đi sâu vào các nhiệm vụ trọng tâm, đầu việc cụ thể, có sự gắn kết trách nhiệm giữa cấp trên và cấp dưới trong triển khai thực hiện để hướng tới mục tiêu chung. Mỗi cấp ủy và người đứng đầu các địa phương, đơn vị còn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy “đặt hàng” thêm từ ba đến bốn nhiệm vụ trọng tâm, để địa phương phải phấn đấu thực hiện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội hoặc khắc phục các hạn chế tại địa bàn. Kết quả của việc thực hiện thí điểm cam kết ở 10 huyện, thành phố, thị xã trong năm 2017 là, các đơn vị cấp huyện đều thử nghiệm thành công các mô hình mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Những khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nêu trong kiểm điểm năm trước thì năm sau phần lớn đã được khắc phục.

Từ những kết quả rõ nét đó, năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị thống nhất cao mở rộng đối tượng ký cam kết đến người đứng đầu tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Việc ký cam kết đã khơi gợi được sự trăn trở, khát vọng mà cán bộ, đảng viên cần ở người lãnh đạo; sự quyết liệt hơn trong lãnh đạo, điều hành, ý thức hơn khi được giao trọng trách. Nhiều đồng chí lãnh đạo các đơn vị, địa phương đã tận tụy, trăn trở để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Nhiều địa phương đã mạnh dạn công khai nội dung cam kết của đồng chí Bí thư cấp ủy đến tận chi bộ để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia giám sát. 10/10 huyện, thành, thị trong tỉnh đã tổ chức ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ và người đứng đầu cấp ủy các xã, phường, thị trấn, người đứng đầu MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện với Ban Thường vụ Huyện ủy; chỉ đạo đảng ủy các xã, phường, thị trấn tổ chức ký cam kết trách nhiệm của chi bộ và bí thư chi bộ thôn với đảng ủy xã; chỉ đạo UBND huyện tổ chức ký cam kết trách nhiệm của người đứng đầu các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện. Một số đơn vị như Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy... đã đưa nội dung cam kết với cấp trên vào trong Bản đăng ký và cam kết hàng năm của đảng viên để làm căn cứ để bình xét phân loại đảng viên, công chức. Sự đồng thuận hưởng ứng đã tạo hiệu ứng tích cực trong toàn hệ thống chính trị theo phương châm: Cấp huyện căn cứ nhiệm vụ của cấp tỉnh; cấp xã căn cứ nhiệm vụ của cấp huyện; cấp thôn căn cứ nhiệm vụ của cấp xã; các phòng, ban, bộ phận và cán bộ, đảng viên căn cứ nhiệm vụ của chi bộ, cơ quan, đơn vị để kịp thời cụ thể hóa các phần việc cụ thể trong nhiệm vụ trọng tâm đó.

Không chỉ mở rộng đối tượng cam kết, Tỉnh ủy Quảng Trị đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ, người đứng đầu, hướng về cơ sở, tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm. Năm 2018, ở địa phương nổi cộm vấn đề giá vé qua trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1A (nằm giữa trung tâm tỉnh), nếu không giải quyết kịp thời sẽ nảy sinh điểm nóng. Xác định đây là vấn đề phức tạp, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đã chủ động gặp gỡ, đối thoại, vận động nhân dân bình tĩnh tìm phương án giải quyết hợp tình, hợp lý. Các đồng chí giám đốc, phó giám đốc Sở đàm phán nhiều lần với đại diện Cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư để vừa bảo đảm đúng quy định, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Sau nhiều lần đàm phán đã có kết quả, giảm phí qua trạm BOT trong bán kính 10 km, tính từ trạm thu phí. Cụ thể, xe buýt được giảm 100%, các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh giảm 50%, các loại phương tiện khác giảm 40%. Đây là mức giảm hợp lý, có lợi cho người dân mà cũng không thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Từ đặc điểm là địa phương có nền nông nghiệp đang giữ vai trò chủ đạo, bài toán nâng cao thu nhập cho người dân từ sản xuất nông nghiệp luôn là vấn đề trăn trở của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị. Ngay đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo xây dựng Đề án “Phát triển một số cây trồng, con nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh” để thúc đẩy phát triển sản xuất, kích cầu sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trên nền định hướng chung đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo và yêu cầu mỗi địa phương phải cam kết triển khai 3 - 5 mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch mỗi năm, đáp ứng yêu cầu “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm” được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và được nghị quyết chuyên đề của cấp ủy cụ thể hóa. Với “đề bài” được giao trong Bản cam kết, lãnh đạo ngành Nông nghiệp, ngành Khoa học Công nghệ, các địa phương đã bắt tay vào cuộc, tập trung thực hiện quyết liệt việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo phong trào, khí thế mới ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, được công bố chỉ dẫn địa lý, có chỗ đứng trên thị trường nội địa và xuất khẩu như gạo hữu cơ và các sản phẩm organic Quảng Trị, cà phê Arabica Khe Sanh, chè vằng La Vang, cà gai leo An Xuân, tiêu Cùa... Lần đầu tiên hồ tiêu Quảng Trị được xuất khẩu qua Mỹ và Pháp, là những sự kiện chưa từng có của nông nghiệp Quảng Trị.

 Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 100 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Điển hình như mô hình hợp tác liên kết sản xuất lúa hữu cơ đã được triển khai trên diện tích 250 ha tại các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Cam Lộ, cho ra đời thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị, được đưa vào phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn. Mô hình trồng gắn chế biến cây dược liệu ở Cam Lộ, mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh, trồng dưa lưới trong nhà kính, nhà màng tại các huyện Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh khá thành công, tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch và an toàn thực phẩm, được thị trường đón nhận. Cái được rõ nhất là tư duy sản xuất nông nghiệp có nhiều đổi mới; ruộng đồng được dồn điền đổi thửa để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, có sự tham gia của doanh nghiệp và hợp tác xã. Thu nhập người dân nông thôn tăng, người nông dân đã “có những bữa cơm ngon và thi nhau làm giàu”- một sự đổi thay rất đỗi bình dị nhưng giá trị hiện hữu đến tận người dân. Với một tỉnh nông nghiệp là chủ đạo như Quảng Trị, những kết quả đạt được nêu trên rất có ý nghĩa, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có phải khẳng định hiệu quả từ cam kết trách nhiệm người đứng đầu.

 Các nội dung Ban Thường vụ Tỉnh ủy “đặt hàng” trong cam kết ký với cấp dưới có những nội dung là ý tưởng, gợi ý để phát huy sự sáng tạo, năng động của lãnh đạo các ngành, địa phương. Một khi ý tưởng của cấp trên được chuyển tải đến đúng địa chỉ và gắn với trách nhiệm cấp dưới thì sẽ làm bật dậy sự sáng tạo, đồng lòng hưởng ứng của cấp dưới. Phát triển năng lượng tái tạo tại Quảng Trị là một ví dụ. Từ thay đổi trong tư duy phát triển “biến cái bất lợi thành tiềm năng”,  biến nắng, gió thành điện năng, người đứng đầu và tập thể lãnh đạo ngành Công thương tỉnh đã cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trên địa bàn. Kết quả là đến nay, tỉnh có năng lượng điện gió hòa lưới điện quốc gia và một loạt dự án điện gió, điện mặt trời đang được triển khai. Đến tháng 6/2019 nhà máy điện mặt trời với công suất thiết kế 49,5MWp sẽ chính thức hoạt động, đây là một trong 30 công trình trọng điểm chào chừng 30 năm tái lập tỉnh Quảng Trị.

Tương tự như vậy trong cải cách hành chính, xây dựng đô thị văn minh cũng xuất hiện nhiều điểm sáng. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, văn hóa, thể thao được chăm lo phát triển toàn diện; công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Những vấn đề nổi cộm, phức tạp về an ninh trật tự được xử lý tích cực, hiệu quả, không để phát sinh điểm nóng. Tiềm lực quốc phòng - an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp ngày càng được nâng lên, hạn chế oan sai, bỏ lọt tội phạm…

Cái được rõ nhất qua thực hiện cam kết ở Quảng Trị trong công tác xây dựng Đảng chính là công tác đánh giá cán bộ, nhất là đánh giá năng lực  lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu. Bản chất cam kết trách nhiệm là lời hứa từ hai phía: Ban Thường vụ, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước Đảng, trước nhân dân. Việc thực hiện lời hứa không chỉ liên quan đến chữ tín mà còn là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý của người lãnh đạo, bắt buộc phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng trọng tâm, trọng điểm, sâu sát, cụ thể, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để thực hiện có hiệu quả các nội dung cam kết; bên cạnh đó phải biết khơi nguồn, truyền lửa, truyền cảm hứng cho cấp dưới, tạo sự đồng bộ, lan tỏa trong tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị. Rõ ràng, tinh thần trách nhiệm và sự quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành của người đứng đầu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, có tác dụng quyết định mọi thành, bại trong quá trình hoạt động và phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đã cam kết thì không còn chỗ cho sự chây ỳ, trì trệ hay trốn tránh, buông lỏng; đã cam kết thì bắt buộc nói phải đi đôi với làm, phải vào cuộc quyết liệt, đứng mũi chịu sào, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên, thậm chí “ bắt tay chỉ việc”, dấn thân với cấp dưới, với cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ chung.

Từ những kết quả trên cho thấy, các địa phương, đơn vị đã thực hiện đúng nội hàm của cam kết của người đứng đầu là “chính thức cam đoan làm đúng những điều đã hứa”; vì vậy, qua hai năm thực hiện, vai trò, ý nghĩa của việc cam kết trách nhiệm người đứng đầu đã thấm sâu vào nhận thức và hành động của các đồng chí lãnh đạo, quản lý, đồng thời lan tỏa đến những cán bộ, đảng viên, chuyên viên trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo ra sự chuyển động khá rõ nét về kỷ cương, kỷ luật, nền nếp, tác phong của đội ngũ cán bộ, nhân viên và người lao động. Từ đó góp phần thúc đẩy ý thức tự học, tự rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao, sao cho thực hiện đạt kết quả tốt nhất. Cũng thông qua việc cam kết trách nhiệm đã tạo được cách nghĩ, cách làm mới, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, đơn vị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Kết quả điều tra dư luận xã hội năm 2018 cho thấy “chỉ số niềm tin” của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả và thuận lợi là chủ yếu, vẫn còn không ít vấn đề thực tiễn đặt ra như một số nội dung cam kết vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài, phải có nguồn lực và quỹ thời gian nhất định mới hoàn thành, đánh giá được. Một số nơi, Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên giao việc chưa sát, xác định “đề bài” chưa phù hợp năng lực và tình hình thực tế của cấp dưới. Một số cấp ủy, lãnh đạo địa phương, ngành chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện cam kết, chưa xem đó là tiền đề quan trọng để đánh giá đúng cán bộ, do vậy việc triển khai còn sơ sài, thiếu phân công trách nhiệm gắn với xác định lộ trình cụ thể nên hiệu quả còn hạn chế, có một số việc thực hiện còn chậm và chất lượng chưa cao.

 Trong phạm vi bài viết này, xin chia sẻ một số kinh nghiệm qua 2 năm thực hiện cam kết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đó là:

Thứ nhất, qua thực hiện chủ trương cam kết trách nhiệm người đứng đầu đã thể hiện rõ nét điểm mới trong phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đảng không can thiệp, làm thay chính quyền, cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, không quyết định những vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước nhưng thông qua lãnh đạo, giao việc cho “con người của Đảng”, cấp ủy đảng cấp trên đã hướng Ban Thường vụ và người đứng đầu cấp ủy cấp dưới vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm mà nghị quyết cấp ủy đã xác định.

Thứ hai, việc lựa chọn, định hướng, “giao khoán” nhiệm vụ, đầu việc cụ thể và yêu cầu cam kết trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện là cách làm đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền. Tỉnh coi đây là kinh nghiệm vừa là giải pháp quan trọng để đánh giá đúng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh.

Thứ ba, nhìn vào những đầu việc đã cam kết của cấp dưới, xem xét việc triển khai như thế nào, hoàn thành đến đâu, kết quả đạt ở mức độ nào, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thể đánh giá được sự vận động, nỗ lực của mỗi địa phương, đơn vị và vai trò của người đứng đầu địa phương, đơn vị đó, hay nói cách khác, cam kết thực hiện các “đầu việc” và cho ra các “sản phẩm cụ thể” chính là căn cứ quan trọng để đánh giá cán bộ, người đứng đầu. Một cán bộ được đánh giá tốt là phải có sản phẩm, đo đếm bằng thành quả do vai trò lãnh đạo của mình tạo ra.

Thứ tư, tăng cường trách nhiệm cá nhân người đứng đầu gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Thứ năm, đối với những vấn đề khó, phải kéo dài thời gian hoặc huy động nguồn lực, hay phát sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thì chủ động báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền chỉ đạo tháo gỡ hoặc điều chỉnh.

Việc thực hiện cam kết của người đứng đầu là nội dung cụ thể của quy định nêu gương mà Đảng ta đang triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, Tỉnh uỷ Quảng Trị sẽ tiến hành tổng kết sâu để bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm đạt yêu cầu tổng thể trong công tác xây dựng Đảng cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị trước yêu cầu nhiệm vụ mới.

Nguyễn Văn Hùng
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN