Thứ Sáu, 26/4/2024

Gia Lai: Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm để đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững

Gia Lai là một tỉnh miền núi biên giới, có trên 44% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Những năm qua, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đem lại những kết quả khá toàn diện, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 60/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Tuy nhiên, bộ mặt nông thôn, trong đó đáng chú ý là vùng đồng bào DTTS vẫn còn những bất cập. Tính đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS chiếm hơn 86% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan, môi trường, quy hoạch thôn, làng chưa đồng bộ, đại đa số nhà dân không có cổng, rào, sinh hoạt thiếu ngăn nắp, vệ sinh… Đứng trước tình hình đó, ngày 13/02/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh” để tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, thu hút các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội, của mỗi người dân cho xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS trong tỉnh.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị 12-CT/TU và các chủ trương về xây dựng làng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, nhân dân và nhất là trong đồng bào DTTS. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện gắn với tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, Chính phủ về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tích cực đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, hưởng ứng và thực hiện Chỉ thị 12-CT/TU, tạo nên sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS.

Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thể hiện vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân góp phần xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS. Trong năm 2018, Báo Gia Lai đã có hơn 120 bài, 75 tin về công tác xây dựng làng nông thôn mới, duy trì có hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ý kiến nhà nông… Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; sản xuất 300 tin, bài, phóng sự phản ánh những nội dung liên quan đến việc triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị 12-CT/TU. Đặc biệt, trong năm 2018, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã đầu tư sản xuất chương trình chuyên đề tiếng Jrai, phản ánh nếp nghĩ, cách làm, hiệu quả tổ chức thực hiện xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS.

Qua rà soát thực trạng,  các cơ quan chức năng của tỉnh đã lập phương án xây dựng khu dân cư, lộ trình, giải pháp lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với việc xây dựng “Làng nông thôn mới” trong đồng bào DTTS. Đến cuối năm 2018 có 32 làng của 30 xã thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố đăng ký xây dựng; các làng này đã được UBND cấp huyện, thị xã, thành phố xem xét, chấp thuận, xây dựng Đề án để triển khai thực hiện như: Lập quy hoạch, xây dựng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở văn hóa, thông tin và truyền thông… Tổng kinh phí các địa phương huy động được là hơn 70,5 tỷ đồng; người dân hiến đất 17.611 m2  đất nông nghiệp, đất thổ cư và huy động hơn 3.820 ngày công để tu sửa, nâng cấp giao thông nông thôn, cổng chào, làm nhà rông văn hóa, hỗ trợ người dân xây dựng các công trình phụ trợ như nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước, hàng rào đang trở thành phong trào bằng những việc làm rất thiết thực mang lại hiệu quả cao.

Sau hơn 01 năm tổ chức thực hiện, vào ngày 28/02/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị sơ kết Chỉ thị số 12, qua đánh giá, nhận thấy rõ đã đạt được những kết quả tích cực: Nhận thức của người dân đã thay đổi, từ trông chờ, ỷ lại sang chủ động, tự tin tham gia vào xây dựng nông thôn mới và trở thành phong trào sâu rộng; hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư làm thay đổi bộ mặt của làng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong làng được nâng lên rõ rệt, sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến tích cực, góp phần làm tăng thu nhập của người dân; sinh hoạt, tập quán của người dân từng bước được thay đổi theo hướng văn minh, đặc biệt là tập quán chăn nuôi thả rông, nuôi gia súc dưới sàn nhà; môi trường từng bước được cải tạo sáng - xanh - sạch - đẹp; an ninh trật tự được giữ vững, các hoạt động văn hóa truyền thống được duy trì và phát huy.

Việc lồng ghép thực hiện xây dựng làng nông thôn mới với các phong trào, các cuộc vận động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã huy động được nguồn lực tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương và sức mạnh nội lực của nhân dân chung sức, chung lòng xây dựng làng nông thôn mới.

Tuy nhiên, trên thực tế việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phát triển kinh tế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS ở một số cơ sở, địa phương trong tỉnh nội dung còn chung chung, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ hộ nghèo trong các vùng đồng bào DTTS còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, người dân còn thiếu vốn làm ăn, dẫn đến nạn vay nặng lãi còn diễn ra; tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu kiến thức khoa học về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; chưa biết tiết kiệm chi tiêu, sinh hoạt gia đình… Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu trong xây dựng làng nông thôn mới, nhất là đối với tiêu chí giao thông, tiêu chí môi trường, việc liên kết sản xuất còn nhiều bất cập, đã có ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nông sản, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập của người dân cũng như định hướng đầu tư vào sản xuất. Các nội dung của chương trình về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Một số địa phương chưa xác định và phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm, định hướng phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác di dời, sắp xếp lại dân cư khó thực hiện do không có kinh phí hỗ trợ cho các hộ thực hiện di dời và  không có quỹ đất để chia sẻ.

Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS, phát huy hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, gắn với thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, năng động, linh hoạt của các cấp, các ngành và nhân dân cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, vận động sâu rộng, đầy đủ nội dung, phải coi xây dựng nông thôn mới là một quá trình quan trọng, lâu dài, không thể thực hiện một cách chủ quan, duy ý chí. Do vậy, cần có quyết tâm, kiên trì dựa trên các nguyên tắc tăng thu nhập cho người dân một cách bền vững, giữ được môi trường thiên nhiên, môi trường sản xuất, không làm cạn kiệt tài nguyên, phát huy tối đa “sức mạnh nội sinh” trên cơ sở thay đổi tư duy của chính người dân. Phải từ bỏ tư duy bao cấp, ban phát, ngân sách nhà nước chỉ có thể hỗ trợ hoặc cho vay để tạo động lực, dẫn dắt. Tiếp tục kiên trì nguyên tắc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Người dân có thể góp công, hiến đất, góp tiền cùng chính quyền đầu tư… để thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo quản, sử dụng có hiệu quả các công trình đã được đầu tư mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân về chương trình xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS nhằm phát huy tối đa vai trò chủ thể của từng hộ gia đình, trong quá trình tổ chức thực hiện, cũng cần thay đổi tư duy, nơi nào  có đủ điều kiện thì làm trước, tránh tình trạng dàn hàng ngang, đầu tư dàn trải khi bố trí ngân sách và huy động sức dân, phải đánh giá đúng mức độ cần thiết, quan trọng và thứ tự ưu tiên của vấn đề, nhiệm vụ được lựa chọn để giải quyết. Phải coi nông nghiệp, nông thôn là xương sống của nền kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của các làng đồng bào DTTS. Việc xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS là nhằm xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, có kinh tế - xã hội phát triển, an ninh trật tự được đảm bảo, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Ba là, trong xây dựng nông thôn mới ở các làng đồng bào DTTS, cần chú ý phát huy nội lực, với phương châm “Nhà nước với nhân dân cùng làm”, thực sự dựa vào sức mạnh nội sinh là chính để từ đó thay đổi tư duy và cách nghĩ, cách làm. Xây dựng kế hoạch cụ thể, tiến độ triển khai thực hiện và phương án lồng ghép, huy động các nguôn lực để đạt chuẩn làng nông thôn mới đối với 69 làng đã đăng ký đạt chuẩn trong năm 2019. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực, ưu tiên phát triển sản xuất; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn xã để xây dựng làng nông thôn mới. Tích cực các hộ gia đình tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Giữ vững an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Bốn là, coi trọng việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS”; tiếp tục xây dựng, củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Lê Quang Toàn
Vụ trưởng, Trưởng cơ quan TT Ban Dân vận TW tại Đà Nẵng

Các bài khác

TẠP CHÍ IN