Thứ Bảy, 20/4/2024

Ninh Thuận: Kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc

Ngay sau khi Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/03/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về công tác dân tộc” (Nghị quyết số 24-NQ/TW) được ban hành, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 29-KH/TU và Chương trình hành động số 24-CTHĐ/TU để quán triệt và tổ chức thực hiện trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân, chức sắc các tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã ban hành các nghị quyết, đề án quan trọng liên quan đến công tác dân tộc và miền núi qua các nhiệm kỳ, nhất là trong nhiệm kỳ 2015-2020; chỉ đạo kiểm tra sơ kết, tổng kết các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc… Qua đó đã làm chuyển biến rất lớn trong nhận thức, hành động của nhiều cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với công tác dân tộc.

Kết quả tiêu biểu, trong 15 năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có trên 8.208 tỷ đồng đầu tư gần 1.220 hạng mục công trình; tập trung cho hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn… Việc đầu tư xây dựng được triển khai kịp thời, đúng trọng tâm, trọng điểm, dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định. Hầu hết các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân.

Việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất, được phân bổ kịp thời, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả ở các địa phương được nhân rộng. Hoạt động kinh doanh du lịch khu vực miền núi bước đầu thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư, nhất là các khu du lịch sinh thái, văn hóa như Thác Chapơr, Bẫy đá Pi Năng Tắc, Vườn Quốc gia Phước Bình, Vườn Quốc gia Núi Chúa… Các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn miền núi được chú trọng. Nhiều địa phương vùng dân tộc và miền núi được hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tìm kiếm việc làm và xuất khẩu lao động. Từ khi Trung ương có chủ trương dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân và tạo cho tỉnh cơ chế đặc thù, nhiều dự án năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời đã được triển khai. Đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 14/26 dự án điện mặt trời trên địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc với tổng vốn đầu tư trên 19.345 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho số sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật xây dựng, ngành điện và tạo việc làm cho lao động phổ thông ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh đã được tiếp cận hầu hết các chương trình tín dụng do Ngân hàng chính sách xã hội triển khai. Ngoài ra, đồng bào còn được thụ hưởng các chương trình dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để tạo đất sản xuất, chuyển đổi nghề hoặc sản xuất kinh doanh; từng bước chuyển biến nhận thức, quen dần với việc đầu tư làm ăn, tạo việc làm, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh đã hỗ trợ cho đồng bào dân tộc miền núi từ nguồn Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững như mô hình đầu tư phát triển canh tác nông lâm kết hợp; khoán bảo vệ rừng kết hợp sinh kế; triển khai chính sách giao đất, chăm sóc, bảo vệ rừng… góp phần định canh, định cư ổn định, nâng thu nhập, cải thiện đời sống của các hộ dân gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả.

Đến nay, các xã miền núi được đầu tư khá hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số thôn có lưới điện quốc gia và có gần 100% số hộ có điện thắp sáng; trên 83% hộ dân sử dụng nước sạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 3-4%; hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo đa chiều là 27,74%; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 25,97 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so năm 2010; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện. Đến nay, đã hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư.

Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy và phát triển. Tiếng Chăm và tiếng Raglai được đưa vào giảng dạy và được phát thanh trên truyền hình của Trung ương và của tỉnh. Đến nay, có 100% thôn vùng đồng bào dân tộc đã phát động xây dựng thôn văn hóa gắn với việc xây dựng quy ước, hương ước. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, đầu tư tôn tạo. Nhiều đền, tháp, lễ hội Katê, nghệ thuật làm gốm truyền thống của đồng bào Chăm; lễ bỏ mả của người Raglai; các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa… đã và được xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc tại chỗ có phẩm chất, năng lực được quan tâm. Ở các xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống (trên 50%), bí thư cấp ủy hoặc chủ tịch UBND là người dân tộc; công tác phát triển đảng viên được tăng cường. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện thường xuyên. Hàng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán và lễ hội truyền thống của các dân tộc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao; thăm tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn, người có uy tín tiêu biểu; tạo kiện kiện cho đồng bào đón Tết và các lễ hội vui tươi, đầm ấm, phù hợp với văn hóa truyền thống, được bà con phấn khởi và đánh giá cao... Những kết quả đạt được trên đây làm cho đồng bào các dân tộc rất phấn khởi; từ đó, càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tuy vậy, vẫn còn một số cấp ủy đảng cơ sở nhận thức chưa đầy đủ về công tác dân tộc. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tự lực phấn đấu vươn lên, chủ động trong phát triển sản xuất chưa thường xuyên. Nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc từ ngân sách nhà nước được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển nhanh, bền vững. Kinh tế ở vùng đồng bào các dân tộc miền núi phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao; mặt bằng dân trí còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ người dân tộc có quan tâm nhưng tỷ lệ so với dân số còn thấp, chưa đồng đều ở các cấp, các lĩnh vực...

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận 57-KL/TW; xem đây là nhiệm vụ chính trị chiến lược, quan trọng của tỉnh. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ việc có liên quan đến công tác dân tộc, công tác tôn giáo.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững; nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số, nhất là các công trình nước sạch, giao thông liên thôn, hệ thống thủy lợi tưới tiêu phục vụ sản xuất. Tiếp tục giải quyết nhu cầu về đất sản xuất, đất ở cho người dân.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp nghiên cứu xác định rõ điều kiện và thế mạnh của từng địa phương; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trực tiếp để bà con chủ động sản xuất và quan tâm đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển trên miền núi để giải quyết việc làm nhưng không để đồng bào mất đất sản xuất. Giao rừng khoán quản đến từng hộ gia đình. Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tìm kiếm việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ tư, nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy nghề cho thanh niên; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động là con em dân tộc. Có chính sách đặc thù để giải quyết việc làm cho sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng. Cải tạo, nâng cấp trạm y tế, trang bị đầy đủ dụng cụ y tế, thuốc men, bổ sung đội bác sĩ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại chỗ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kế hoạch hóa gia đình; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; khắc phục nạn tảo hôn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Tăng cường sự giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa các dân tộc để góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh.

Trên cơ sở các nhiệm vụ đã đề ra, cần quan tâm thực hiện tốt các giải pháp như sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong tình hình mới. Phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Nghiên cứu lồng ghép các nội dung nghị quyết vào nội dung, chương trình các lớp tập huấn về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và các lớp lý luận chính trị trên địa bàn của tỉnh.

Hai là, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; chú ý đến các yếu tố lợi thế của từng vùng, địa phương và phù hợp với thực tế để tránh lãng phí. Huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư, phát triển giúp đỡ vùng dân tộc và miền núi. Ưu tiên đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ người dân tộc cho từng vùng, từng dân tộc. Coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở. Có chính sách đặc thù để tuyển dụng con em là đồng bào các dân tộc vào làm việc ở các địa phương theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trần Thị Anh Hoàng
Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Thuận

Các bài khác

TẠP CHÍ IN