Thứ Sáu, 19/4/2024

Xử lý tình huống công tác dân vận của Đảng

1. Khái niệm

 Tình huống công tác dân vận của Đảng là những sự kiện, biến cố diễn ra không bình thường, gay cấn, phức tạp trong quá trình tiến hành công tác dân vận của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, kể cả việc chính quyền, các đoàn thể nhân dân tiến hành công tác dân vận dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng. Các sự kiện, biến cố đó tác động gây hậu quả lớn đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, cản trở đến tập hợp nhân dân thành lực lượng to lớn thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của của địa phương, cơ quan, đơn vị; giải quyết nó đạt kết quả phải bằng những biện pháp đặc biệt.

2. Đặc điểm

- Tình huống công tác dân vận của Đảng thường xuất hiện khi các cấp ủy, chính quyền đề ra và triển khai các chủ trương, chính sách mới liên quan đến cuộc sống của đông đảo nhân dân.

- Tình huống công tác dân vận của Đảng thường xuất hiện trong các hoạt động chống lại các hoạt động lôi kéo, giành giật quần chúng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.

- Tình huống công tác dân vận của Đảng thường phát triển rất nhanh từ sự liên quan đến một số người lan rộng ra nhiều người, dễ dẫn đến khiếu kiện đông người vượt cấp gây phức tạp về chính trị, an ninh trật tự và dễ phát triển thành “điểm nóng”.

- Tình huống công tác dân vận của Đảng luôn gắn liền với vấn đề tư tưởng, nhiều trường hợp gắn chặt với tình huống công tác tư tưởng của Đảng, thậm chí trở thành các biểu hiện và sự phát triển cao hơn của tình huống công tác tư tưởng của Đảng.

3. Nguyên tắc xử lý

Một là, xử lý tình huống công tác dân vận phải nhằm mục đích góp phần tạo nên sự thống nhất về tư tưởng chính trị, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, tăng cường khối đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 Đây là mục đích cao cả của xử lý tình huống công tác dân vận của Đảng và là nguyên tắc quan trọng hàng đầu của công việc này. Mọi quyết định, mọi hoạt động của cấp ủy, cán bộ khi xử lý tình huống công tác dân vận đều phải đặt lên hàng đầu mục tiêu này; đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Các biểu hiện vì lợi ích cá nhân, cục bộ, để cho ý muốn chủ quan chi phối khi xử lý tình huống cần được lên án và đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng, thậm chí phải thi hành kỷ luật đảng, kỷ luật nhà nước một cách thỏa đáng, nghiêm minh và kịp thời.

Hai là, xử lý tình huống công tác dân vận của Đảng trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những quan điểm của Đảng chỉ đạo công tác dân vận, nhận thức sâu sắc những đặc điểm của tình huống công tác dân vận.

Đây là cơ sở quan trọng nhất đảm bảo cho việc xử lý tình huống công tác dân vận của Đảng đúng hướng, theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt hiệu quả. Đặc biệt là những quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác dân vận cần được quán triệt và vận dụng tốt trong từng tình huống cụ thể; đồng thời, muốn đạt hiệu quả phải nghiên cứu, nắm chắc đặc điểm chủ yếu của tình huống.

Ba là, xử lý tình huống công tác dân vận của Đảng là công việc của Đảng, diễn ra trong nội bộ nhân dân nên phải đặc biệt coi trọng phương pháp tiến hành công việc của Đảng và phương pháp công tác dân vận của Đảng, đó là tuyên truyền vận động; hết sức hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh và vũ lực.

Cần lưu ý xử lý các tình huống dân vận là công việc diễn ra trong nội bộ nhân dân, nên chỉ có thể sử dụng các biện pháp hành chính trong những trường hợp rất cần thiết đối với một số đối tượng nguy hiểm. Nhất là đối với những tình huống liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, càng phải coi trọng sử dụng phương pháp vận động, thuyết phục.

Bốn là, xử lý tình huống công tác dân vận của Đảng là trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó cấp uỷ, đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị các cấp là lực lượng quyết định, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, nòng cốt là ban dân vận cấp uỷ và các đoàn thể nhân dân.

Là đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, lãnh đạo tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, chịu trách nhiệm về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mọi sự việc diễn ra trên địa bàn, trách nhiệm giải quyết thuộc về cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc xử lý tình huống công tác dân vận xảy ra trên địa bàn thuộc về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng. Cấp ủy phải lãnh đạo các hoạt động đó. Chú trọng vai trò của các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, vận động, giáo dục cảm hóa các đoàn viên, hội viên của mình.

4. Phương pháp xử lý

Thứ nhất, nhận diện và phân loại tình huống

Khi xuất hiện tình huống trên địa bàn, cấp ủy có thể cử một số cán bộ có kinh nghiệm về xử lý tình huống để nắm tình hình, kết hợp với báo cáo của cán bộ được phân công phụ trách địa bàn đó để nắm chắc tình hình về tình huống đã xảy ra. Trên cơ sở đó tiến hành phân loại tình huống xem nó thuộc lĩnh vực nào, chẳng hạn thuộc về những sai sót của cán bộ, về thực hiện chính sách, pháp luật, về thực hiện dân chủ, về vi phạm các quy định của địa phương, về vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, về kinh tế… Đồng thời, cũng cần xem xét tình huống đó liên quan nhiều đến tổ chức nào trong hệ thống chính trị ở địa phương; tình huống đó có phải do hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của kẻ xấu hay không…

Khi nắm về tình huống, cần chú ý đến vi phạm xảy ra tình huống, nội dung chủ yếu của tình huống, có thể nắm cả đối tượng chính của tình huống… Việc nắm tình huống có thể thông qua các tổ chức chính quyền, các đoàn thể và nhân dân ở cơ sở, các lực lượng công an, dân quân tự vệ. Những thông tin thu được về tình huống cần được báo cáo kịp thời các cơ quan tham mưu và cấp ủy ở địa phương và cấp uỷ cấp trên, để tổng hợp và đề xuất biện pháp xử lý thích hợp.

Thứ hai, phân tích tình huống và xác định nguyên nhân

Cần tổ chức hội nghị cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy, có thể mở rộng thêm các thành phần cần thiết tham dự hội nghị. Song cần tuyệt đối giữ bí mật các nội dung đã bàn trong hội nghị và các biện pháp đã được thông qua về xử lý tình huống. Cá nhân nào vi phạm quy chế bảo mật, cần được xử lý kỷ luật thích đáng cả về đảng và về chính quyền.

Hội nghị nghe cán bộ được phân công nắm tình hình, cán bộ phụ trách địa bàn báo cáo chi tiết về tình huống và báo cáo các thông tin đã thu thập được qua phản ánh của chính quyền, đoàn thể, các tổ chức có liên quan và nhân dân; nghe báo cáo tổng hợp thông tin của các cơ quan tham mưu và cấp uỷ đã thu nhận được. Hội nghị bàn bạc, thảo luận, thống nhất phân loại tình huống và tiến hành xác định nguyên nhân của tình huống. Trong đó, cần xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân thứ yếu, nguyên nhân bên trong, nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp… Khi xác định các nguyên nhân, cần cố gắng xác định các lực lượng tương ứng với từng nguyên nhân, các hoạt động của các lực lượng đó, cố gắng xác định được các lực lượng chủ yếu. Cần tập trung phát huy trí tuệ của các thành viên tham dự hội nghị để đề xuất các biện pháp loại trừ các nguyên nhân, xử lý tình huống, đặc biệt coi trọng đề xuất các biện pháp để loại trừ nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân chủ quan, cùng các biện pháp khác để xử lý các nguyên nhân khách quan và các nguyên nhân khác. Hội nghị thảo luận, cân nhắc và quyết định biện pháp xử lý.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, phân công cán bộ xử lý tình huống và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy

Căn cứ vào tính chất phức tạp của tình huống để xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng và phân công cán bộ xử lý tình huống. Nếu tình huống không đến mức quá phức tạp, cấp uỷ mà trực tiếp là bí thư hoặc thường trực cấp ủy phân công cán bộ trực tiếp xử lý và cử một số cán bộ giúp việc. Nếu tình huống rất phức tạp liên quan đến số lượng rất lớn người dân thì cấp uỷ có thể xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác để xử lý tình huống và cử bí thư hoặc thường trực cấp uỷ phụ trách.

Cần phân công nhiệm vụ một cách cụ thể cho từng cán bộ phụ trách giải quyết từng việc, áp dụng các biện pháp đối với từng loại nguyên nhân và cử các tổ chức và cá nhân phối hợp nếu cần thiết. Cần có quy chế làm việc của tổ công tác, trong đó duy trì đều đặn chế độ thông tin, báo cáo hàng ngày và đột xuất. Đồng thời, duy trì chế độ báo cáo nhanh về diễn biến tình hình và hoạt động của tổ công tác với thường trực cấp ủy.

Cấp ủy cần tăng cường lãnh đạo thực hiện kế hoạch, chỉ đạo tổ công tác trong quá trình xử lý tình huống công tác dân vận, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ cấp dưới và tổ chức đảng trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với tổ công tác để xử lý tình huống. Dù tình huống ít phức tạp hay rất phức tạp thì cấp ủy đều phải coi trọng và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xử lý; đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động xử lý tình huống của cấp ủy. Thường vụ cấp ủy cần duy trì chế độ hội ý để nắm tình hình, đề xuất các biện pháp thúc đẩy việc xử lý tình huống và cho ý kiến chỉ đạo xử lý những vấn đề mới nảy sinh.

Thứ tư, kết thúc xử lý tình huống

Khi tình huống đã được xử lý, cần tổ chức tổng kết, chỉ rõ những ưu, khuyết điểm của tập thể, cá nhân, đánh giá ưu, khuyết điểm về cách tổ chức, phân công cán bộ, phối hợp các lực lượng, việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và đúc rút kinh nghiệm để việc xử lý các tình huống nếu sau này xảy ra đạt kết quả tốt hơn. Đồng thời, xem xét lại những điểm còn chưa hợp lý trong các chủ trương, các quy định của cấp trên và của địa phương để có kế hoạch đề xuất hoặc trực tiếp sửa chữa, bổ sung theo thẩm quyền để chủ trương và những quy định đó hợp lý hơn. Xem xét đánh giá cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên liên quan đến việc xảy ra tình huống, qua xử lý tình huống đã phát hiện ra.

Báo cáo toàn bộ diễn biến tình huống và việc xử lý tình huống lên cấp uỷ cấp trên. Đồng thời, có các biện pháp xử lý thoả đáng đối với những cá nhân, lực lượng chủ yếu làm nảy sinh và làm tình huống diễn biến phức tạp.

Sau khi tình huống đã được xử lý cần có các giải pháp để ổn định tình hình, đưa các hoạt động của cơ sở và địa phương dần dần đi vào nền nếp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng, công tác dân vận trong tổ chức đảng, trong nhân dân, để vượt qua những mặc cảm, băn khoăn, tạo sự đồng thuận và tích cực của nhân dân tham gia nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Cấp uỷ cần có nhận định, dự báo tình hình và các giải pháp cần thiết ngăn chặn sự xuất hiện các tình huống công tác dân vận có thể xảy ra trên địa bàn. Tích cực thực hiện các giải pháp đó nhằm loại trừ những mầm mống có thể làm xuất hiện các tình huống khi chúng manh nha.

Đỗ Ninh - Đức Hoàng
Biên soạn, tổng hợp

TẠP CHÍ IN