Thứ Ba, 16/4/2024

Hoàn thiện chính sách, pháp luật theo nguyện vọng của người dân

1. Gần đây trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây chết nhiều người, do lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy khiến dư luận bức xúc. Trên mạng xã hội, trong nhân dân đã xuất hiện phong trào “Không lái xe khi đã uống rượu, bia”; quyên góp tiền của ủng hộ cho gia đình các nạn nhân khó khăn. Các cơ quan báo chí cũng đưa nhiều tin, bài phản ánh thực trạng, đưa ra các kiến nghị, giải pháp khắc phục tình trạng trên… Mong muốn chung của mỗi người dân là hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông đang là “quốc nạn”, hàng giây, hàng phút trực tiếp đe dọa tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và xã hội. Trong đó có nhiều ý kiến đề nghị pháp luật có chế tài mạnh mẽ, xử lý nghiêm khắc những lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia tham gia giao thông.

Trên thực tế nhiều năm qua, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Chỉ khi việc sử dụng rượu, bia dẫn đến các hậu quả xấu trong các quan hệ xã hội như tham gia giao thông khi có sử dụng rượu bia, có hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hình sự do sử dụng rượu, bia hoặc vi phạm các điều kiện sản xuất, kinh doanh thì mới bị xử lý. Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với “lỗi vô ý”. Tuy nhiên, do chế tài xử lý hình sự với “lỗi vô ý” chưa đủ sức răn đe nên hành vi vi phạm vẫn có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, các nội dung khác trong phòng chống tác hại của rượu, bia như tuyên truyền, giáo dục; kiểm soát nguồn cung cấp rượu, bia; các quy định về hạn chế tuổi sử dụng, giờ bán, địa điểm bán, kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì để giảm nhu cầu sử dụng rượu, bia… đều chưa được quan tâm đúng mức và còn thiếu những quy định phù hợp.

Ngày 06/5/2019, trong cuộc họp chuyên đề tham vấn về Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, đại diện của Bộ Y tế cho biết: Trung bình mỗi năm Việt Nam có 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu, bia. Số liệu đưa ra tại cuộc họp cũng cho thấy lượng rượu bia tiêu thụ tại Việt Nam tăng trung bình hơn 10% mỗi năm (tỷ lệ tăng ở nhóm cao nhất trên thế giới), và đã lên tới gần 4,7 tỉ lít bia, 350 triệu lít rượu trong năm 2018. Tính bình quân giá mỗi lít bia/rượu là 20 nghìn đồng, thì chi phí cho bia rượu đã vượt 100 nghìn tỉ đồng. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% -12% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả do rượu bia thường cao hơn so với chi phí trực tiếp và lớn gấp nhiều lần mức đóng góp của ngành rượu, bia cho ngân sách nhà nước.

Cũng chính tại cuộc họp chuyên đề nêu trên, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), thành viên ban soạn thảo Dự luật Phòng chống tác hại rượu bia, thì dự luật này lại ngày càng yếu đi so với các dự thảo trước đó. Cụ thể như: (1) Dự thảo mới nhất cho phép bán rượu bia trên Internet mà không quy định về nồng độ cồn, như vậy hạn chế giới trẻ tiếp cận bia rượu rất khó khăn, do mua bán trên mạng khó kiểm tra chính xác về độ tuổi. (2) Không quy định về mức thuế thu thêm đối với rượu bia, do đó giá rượu bia ở Việt Nam vẫn ở mức rẻ nhất thế giới. (3) Các quy định về hạn chế mức độ sẵn có của rượu bia đã được loại khỏi dự luật, như vậy rượu bia có thể mua lúc nào cũng được (trái với thông lệ quốc tế). (4) Quy định xử phạt, mức phạt đưa ra rất nhẹ đối với người sử dụng rượu, bia tham gia giao thông chưa gây tai nạn.

Còn theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), ý tưởng xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã bắt đầu từ năm 2005, khi các đại biểu Quốc hội ở Đồng bằng sông Cửu Long có ý kiến về kiểm soát tác hại rượu, bia, nếu được thông qua trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV như dự kiến thì tròn 14 năm kể từ khi có ý tưởng đến khi Luật được ban hành và nếu chế tài của Luật yếu, không đi vào cuộc sống thì nguy cơ từ rượu, bia vẫn hiển hiện trước mỗi chúng ta.

Trước những bức xúc của xã hội, kiến nghị của cử tri về tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia thời gian qua, tại Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 8 -10/5/2019) đã cho ý kiến kiến nghị Quốc hội ra nghị quyết để giải quyết tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia, ma túy trong khi chưa kịp sửa các luật liên quan. Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải tăng cường công tác quản lý, khẩn trương sửa đổi và sớm ban hành các quy định pháp luật, bổ sung chế tài xử phạt, tăng tính răn đe, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết ngăn chặn và xử phạt những người lái xe trong tình trạng vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy... Phối hợp tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân về tác hại khi sử dụng rượu, bia thiếu kiểm soát… Đây là điều rất đáng trân trọng, tuy nhiên để tránh việc thực hiện chỉ là phong trào, hình thức, mà mang tính lâu dài, hiệu quả thì cần có sự quan tâm vào cuộc phối hợp của cả hệ thống chính trị, trên cơ sở nghiên cứu khảo sát khoa học, hệ thống chính sách, pháp luật hoàn thiện, phù hợp, được tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi, ủng hộ và tham gia giám sát của nhân dân trong quá trình thực hiện...

2. Trong bối cảnh công cuộc đổi mới của đất nước tiếp tục đem lại những thành quả quan trọng: Kinh tế phát triển, chính trị - xã hội ổn định, dân chủ được mở rộng, mặt bằng dân trí được nâng cao, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… Nhưng những mặt trái đáng buồn của kinh tế thị trường, của phát triển công nghiệp cũng đã xuất hiện nhiều hơn, đòi hỏi phải có nỗ lực để giải quyết như: Tình trạng ô nhiễm môi trường; thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm; suy thoái đạo đức lối sống; tệ nạn xã hội; bạo lực học đường; xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em; tai nạn giao thông... Trong bối cảnh đó, có những mặt hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, chưa theo kịp tốc độ phát triển về kinh tế, xã hội; việc thực hiện pháp luật có lúc, có nơi thiếu công bằng, nghiêm minh... đã hàng ngày, hàng giờ tác động lớn đến tư tưởng, tâm trạng, thậm chí gây bức xúc trong dư luận xã hội và nhân dân.

Để khắc phục những hạn chế, mặt trái nêu trên, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, sự ổn định, hài hòa trong đời sống xã hội, vấn đề nhiều người dân mong muốn hiện nay là Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng quan tâm, thấu hiểu, chăm lo cho đời sống nhân dân; mở rộng, đa dạng các kênh tiếp thu ý kiến của nhân dân; tăng cường đối thoại; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, điều chỉnh ứng xử và hành động phù hợp của người dân trước bức xúc phát sinh trong đời sống xã hội; nhanh chóng điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các mặt của đời sống xã hội; bảo đảm dân chủ, công bằng, tiến bộ, hướng tới xã hội sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, chuyên nghiệp, nghiêm minh trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp; tạo điều kiện phát huy vai trò của nhân dân và các tổ chức đại diện của nhân dân trong xây dựng, thực hiện các chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước và xã hội.

Sơn Minh

TẠP CHÍ IN