Thứ Tư, 24/4/2024

Chủ nghĩa dân túy và những thách thức đối với Liên minh châu Âu hiện nay

Thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” được sử dụng rộng rãi từ những năm 1890, khi phong trào dân túy ở Mỹ thúc đẩy người dân nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người của Đảng Cộng hòa (thường sống ở đô thị). Cho đến nay, chủ nghĩa dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính chất mỵ dân nhằm lôi kéo tranh thủ quần chúng nhân dân.

Chủ nghĩa dân túy là cụm từ được các nhà nghiên cứu, các chính trị gia và giới truyền thông nhắc đến thường xuyên ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, nhất là trong các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở các nước Âu, Mỹ.

Làn sóng chủ nghĩa dân túy này dẫn đến những kết quả khó đoán, bất ngờ và tác động bất ổn đến nền chính trị các nước, các khu vực và thế giới trong các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý. Từ những kết quả này dẫn tới sự hạn chế, thậm chí làm đảo ngược một số đường lối tích cực mà các quốc gia đang theo đuổi như: Sự ổn định xã hội, bình đẳng giới, bình đẳng kinh tế, tự do thương mại, sự bao dung giữa các dân tộc, tôn giáo, xu hướng hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa... Điều này đang diễn ra ở nhiều nước châu Âu, như thắng lợi tại nhiều cuộc bầu cử ở các cấp bầu cử của các đảng phái như Mặt trận dân tộc Pháp, Đảng Độc lập Anh, Đảng Chọn lựa cho Đức, Phong trào Năm sao tại Ý, Đảng Tự do Hà Lan, Đảng Tự do Áo... và sự kiện Brexit (khi đa số cử tri Anh đồng ý bỏ phiếu thuận để rời EU), đang là những điểm sáng đầy ấn tượng, cổ vũ sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy châu Âu.

Nguyên nhân chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy ở châu Âu

Thứ nhất, sự gia tăng không đồng đều trong phát triển kinh tế.

Toàn cầu hóa, kinh tế thị trường lôi kéo mọi quốc gia vào vòng xoáy của nó. Công nghệ sản xuất phần lớn được đưa từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia chậm hay đang phát triển, song hàng hóa và lợi ích kinh tế được chuyển theo chiều ngược lại cho các quốc gia phát triển. Trong khi đó, ngay trong các nước phát triển, các nước giàu, sự thụ hưởng các thành quả do toàn cầu hóa, kinh tế thị trường cũng đem lại lợi ích cho một nhóm nhỏ; tình trạng thất nghiệp hay thiếu việc làm của người lao động đã và đang gây bất bình trong người lao động. Sự già hóa dân số, sự bất bình đẳng, phân tầng xã hội, mức thu nhập không tăng đã làm đời sống người dân, nhất là của những người yếu thế không được cải thiện, vẫn là những vấn đề cần phải giải quyết ở các quốc gia này. Các chính sách xã hội phải đối mặt với nhiều thách thức, chi phí cho chính sách an sinh đối với người già, tàn tật, thất nghiệp hay hưu trí càng tăng làm gia tăng đáng kể số nợ của chính phủ, theo đó, nợ nần luôn đè nặng lên đời sống vốn đã khó khăn của tầng lớp những người lao động trong xã hội. Những điều này đang làm gia tăng sự bất mãn của người dân đối với nhà nước và xã hội, cơ hội cho xu hướng dân túy phát triển.

Thứ hai, những quyết định yếu kém của các nhà lãnh đạo đất nước và cơ chế dân chủ thái quá dẫn đến sự mất kiểm soát trong nhiều tình huống chính trị.

Một số quyết định của các chính phủ đã tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, dẫn đến các phản ứng từ dân chúng; từ đó tạo mảnh đất thuận lợi cho việc xuất hiện những nhân vật theo chủ nghĩa dân túy chống lại các quyết sách và hành động của chính phủ. Liên minh châu Âu đã tạo ra một liên minh tiền tệ chung (đồng Euro) mà không có phương cách tương ứng để thống nhất chính sách tài khóa, dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và Síp... Các việc làm này đều do những quyết định của giới tinh hoa nhưng mang lại hậu quả không tốt cho người dân.

Tự do dân chủ một mặt tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào các công việc của nhà nước và xã hội, hạn chế sự độc tài và các quyết định sai lầm của chính phủ. Song tự do dân chủ thái quá, không kiểm soát đã dẫn tới việc xuất hiện các cá nhân, nhóm dân túy với khả năng hùng biện tốt kết hợp với khối cử tri bị chia rẽ nghiêm trọng dẫn tới sự tê liệt chính trị hoặc làm thay đổi mục tiêu, định hướng của các quyết sách của chính phủ so với ban đầu, khiến cho việc quản lý và phát triển xã hội trở nên rất khó khăn. Ngược lại, sự quan liêu, xa dân của giới quan chức cầm quyền đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa lợi ích và tiếng nói của người dân với giới chức cầm quyền hoặc những người có quyền lực trong xã hội. Điều này đã gây nhiều phản ứng từ xã hội nhằm tái lập lại nền chính trị dân chủ.

Thứ ba, sự xung đột văn hóa và bản sắc dân tộc giữa các quốc gia hoặc từ các cộng đồng dân cư trong một quốc gia; giữa dân bản địa và dân nhập cư đang là các mảnh đất tốt cho chủ nghĩa dân túy lên ngôi.

Di dân và di tản toàn cầu, với nhiều lý do, thật sự là thách thức đối với các chính phủ, khoét sâu sự ngăn cách về tâm lý giữa người di cư đến và người sở tại về những khó khăn trong giải quyết, tiếp cận cơ hội việc làm và phát triển; dẫn đến các xung đột văn hóa và bản sắc dân tộc trong các quốc gia có người nhập cư; hoặc trong một quốc gia có các xu hướng trái ngược nhau trong quan điểm về nhập cư. Ví như, việc châu Âu lập ra khu vực Schengen và hàng loạt những luật lệ khác để tự do hóa việc di chuyển của người dân bên trong châu Âu mà không thiết lập ra được một cơ chế để kiểm soát các đường biên giới giữa châu Âu với bên ngoài... Nhìn từ quan điểm kinh tế và đạo đức, đây là những chính sách tốt, dân chủ và hòa nhập, song chính việc thiếu vắng một cơ chế kiểm soát phù hợp, tự do đi lại trong nội bộ châu Âu lại trở thành vấn đề. Và điều này đã dẫn tới cuộc khủng hoảng về tính chính danh sau khi xảy ra những làn sóng nhập cư đông đảo, bởi cuộc nội chiến ở Syria năm 2014.

Thứ tư, cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện nay từ cách mạng công nghiệp 3.0 sang cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng tương lai là 5.0, tuy đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội và tiện ích, đồng thời cũng đã và đang làm thay đổi cách nhìn nhận lại nhiều hệ giá trị trong đời sống xã hội loài người. Đặc biệt, cuộc cách mạng như vũ bão trong CNTT đã thay đổi mọi mặt của đời sống, làm thay đổi cách thức quản lý của các chính phủ trong quan hệ con người với con người, con người với nhà nước và xã hội. Quá trình cá nhân hóa thông tin tăng cao, lượng thông tin ngày càng tích hợp khổng lồ, cập nhật liên tục, song thông tin thật, giả tràn lan, làm cho người dân khó nhận biết, dẫn đến hoang mang, bị thông tin chi phối, dẫn dắt...

Ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy đối với Liên minh châu Âu

Ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy tuy có những mặt tích cực nhất định, song cũng có nhiều tiêu cực. Riêng đối với Liên minh châu Âu (gồm 28 quốc gia thành viên thuộc châu Âu), điều này thể hiện ở các điểm sau:

Một là, chủ nghĩa dân túy gắn với chủ nghĩa dân tộc có xu hướng làm phân cực, tan rã liên minh với sự tách ra hoặc thực hiện bảo hộ trong mỗi quốc gia, nhóm các quốc gia, mà biểu hiện rõ nhất qua việc bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý ở Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (hay còn gọi là sự kiện Brexit), ngày 23/6/2016. Khi khối này chỉ mất đi một nước thành viên đơn lẻ, thì rủi ro có thể quy cho điều kiện bất thường bên trong quốc gia đó. Nhưng nếu khối này mất đi thêm nhiều nước thành viên khác, thì đó là do cơ chế lỏng lẻo, quản lý yếu kém, hoặc lỗ hổng căn bản trong thiết kế của khối và điều này đe dọa về chính trị và cấu trúc của khối.

Liên minh châu Âu được thành lập năm 1993 với mục tiêu tốt đẹp nhằm thực hiện bình đẳng giữa các quốc gia, sự ổn định xã hội, bình đẳng giới, bình đẳng kinh tế, tự do thương mại, sự bao dung giữa các dân tộc, tôn giáo, xu hướng hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa... Song ngay từ khi hình thành và quá trình tồn tại phát triển của liên minh, các xu hướng dân túy với chủ nghĩa dân tộc đã luôn có xu hướng đòi ly khai, tách khỏi liên minh này ở nhiều quốc gia. Riêng ở Anh, các nhà dân túy đã từng vận động phong trào rút khỏi EU ngay khi Anh gia nhập khối thị trường chung này vào năm 1973. Chính sách chính thức của Công đảng trong một thập kỷ sau đó là ủng hộ rời bỏ EU, và một bộ phận đáng kể thành viên Đảng Bảo thủ cũng không đồng tình với việc ra nhập EU. Do vậy, Brexit là hệ quả tất yếu của quá trình này.

Hai là, phản đối các thông điệp chống chủ nghĩa toàn cầu, hoài nghi về châu Âu và chống người nhập cư của những người cực hữu theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc. Điều này làm cho một số luật và quy định chung của liên minh phải thích ứng cho phù hợp trên nguyên tắc vẫn thực hiện tự do, bình đẳng và tiến bộ song đồng thời phải hạn chế những tác động tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và quan hệ nước lớn.

Việc liên minh châu Âu xây dựng khu vực Schengen và hàng loạt những luật lệ khác để tự do hóa việc di chuyển của người dân bên trong châu Âu (thực hiện bãi bỏ kiểm tra hộ chiếu) mà không thiết lập ra một cơ chế tin cậy để kiểm soát các đường biên giới giữa châu Âu với bên ngoài... đã dẫn đến những hệ lụy nhất định, như di cư tự do không kiểm soát, nhập cư ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, xã hội trong từng quốc gia trong liên minh, nhất là trong giai đoạn chủ nghĩa khủng bố toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Điều này ảnh hưởng tới các quyết sách của các chính phủ khi thực hiện các chính sách chung trong liên minh.

Ba là, sự hoạt động của chủ nghĩa dân túy trong các hệ thống chính trị siêu quốc gia và liên chính phủ hỗn hợp của Liên minh châu Âu cũng tạo cho việc đề ra các chính sách chung của cộng đồng được thông qua một cách dân chủ hơn, tránh việc áp đặt của nhóm các quốc gia có vị thế và tiếng nói quan trọng trong EU. Tuy nhiên, xu hướng dân túy trong môi trường dân chủ mở rộng dễ dẫn tới các xu hướng phân tán, thậm chí đối lập trong hệ thống chính trị siêu quốc gia và liên chính phủ hỗn hợp của Liên minh, việc thông qua các quyết sách của Liên minh sẽ khó khăn hơn hoặc không thông qua được trên thực tế.

Hơn nữa, trước sức ép của chủ nghĩa dân túy trong từng quốc gia, việc thực hiện các quyết định, chính sách chung của Liên minh trong các quốc gia này sẽ bị hạn chế và hiệu quả không cao. Do vậy, mục tiêu chung của cả khối khó đạt được.

Bốn là, chủ nghĩa dân túy gắn với chủ nghĩa dân tộc với sự kiện Brexit đã làm cho hệ thống chính trị siêu quốc gia và liên chính phủ hỗn hợp của Liên minh châu Âu phải có cách đánh giá tích cực hơn trong các hoạt động của mình, hướng tới bình đẳng, tự do và phát triển bao trùm hơn cho cả hệ thống, hạn chế tối đa các vấn đề tiêu cực phát sinh trong cả Liên minh cũng như từng quốc gia trong Liên minh.

Như vậy, chủ nghĩa dân túy trỗi dậy hiện nay ở Liên minh châu Âu cũng như một số khu vực khác là một trong những chỉ báo trong thay đổi của nền kinh tế và chính trị thế giới. Về kinh tế, đó là sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi, sự thay đổi vị thế kinh tế của các cường quốc, sự chuyển dịch của tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa bảo hộ kiểu mới... Về chính trị, đó là những xu hướng từ đối đầu giữa các hệ thống chính trị khác nhau sang xu hướng “hòa bình”, hợp tác và cùng có lợi; xu hướng từ hai cực sang đa cực; sự nổi dậy của chủ nghĩa khủng bố quốc tế… Đó là những chỉ dấu, cảnh báo để cho nhiều quốc gia nghiên cứu trong quá trình phát triển đất nước hiện nay.

Nguyễn Dương

TẠP CHÍ IN