Thứ Sáu, 26/4/2024

Sáng mãi truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”

Nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng ta đều khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ công tác chính sách đối với người có công với cách mạng. Theo đó, hệ thống chính sách pháp luật cũng được xây dựng, ban hành, từng bước hoàn thiện nhằm thể chế đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác này, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng được toàn xã hội quan tâm, huy động được tiềm năng to lớn của cộng đồng, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Từ những hành động “Hiếu nghĩa bác ái”, phong trào “Mùa Xuân binh sỹ”... trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám 1945, sau này là những phong trào: vườn cây, ao cá, thửa ruộng, hũ gạo nghĩa tình... trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đã phát triển thành phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ” với 5 chương trình lớn: Nhà tình nghĩa; Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Sổ tiết kiệm nghĩa tình; Chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng trong thời kỳ đổi mới đạt được hiệu quả to lớn.

 Sáng mãi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc người có công đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội, là những nội dung quan trọng trong các diễn đàn. Qua đó khơi dậy truyền thống, lòng yêu nước, huy động được sức mạnh của toàn xã hội và trở thành công việc thường xuyên với nhiều hoạt động thiết thực, được phát triển từ thôn, bản, làng, xã, khu phố... đã đi vào tâm khảm mỗi người dân tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, góp phần chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với nước. Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, sự hưởng ứng của các cấp bộ, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước, phong trào chăm sóc người có công ngày càng phát triển sâu rộng. Các chương trình: “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây nghĩa tình, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng... đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công, tăng cường an sinh xã hội và “thế trận lòng dân” vững chắc.

Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã nỗ lực vượt bậc, triển khai hoạt động đền ơn đáp nghĩa với nhiều giải pháp, bước đi thích hợp, có hiệu quả. Tuy vậy, đến nay, chính sách người có công còn một số bất cập: một bộ phận người có công vì nhiều lý do vẫn chưa được thụ hưởng các chính sách; hồ sơ tồn đọng còn nhiều, một số ít người khai man hồ sơ, trục lợi chính sách chưa được xác minh, xử lý nghiêm; số liệt sỹ chưa được quy tập và xác định danh tính còn nhiều. Vẫn còn không ít người có công còn khó khăn về nhà ở là con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh khó khăn trong học tập, việc làm...

 Chiến tranh đã lùi xa, hậu quả chiến tranh trên khắp đất nước ta còn đó. Nghị quyết Đại hôi XII của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện tốt chính sách người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Để phát huy hơn nữa truyền thống đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công, gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, cần tập trung thực hiện tốt mấy định hướng cơ bản sau:

Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân đẩy mạnh hoạt động xã hội phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Các cấp ủy đảng cần lãnh đạo thực hiện tốt việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với nước. Qua đó, làm cho mọi tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị và nhân dân thấy rõ thực hiện tốt chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh, là hành động thiết thực nhằm tiếp tục phát huy lòng hiếu nghĩa, bác ái, truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới.

Hai là, thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công theo Chỉ thị 02/CT-TTg, ngày 25/01/2016 và Chỉ thị 21/CT-TTg, ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Theo đó, tập trung tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia tưởng niệm, các công trình ghi công liệt sỹ, nhất là ở các địa danh lịch sử cách mạng trên tuyến biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc Tổ quốc; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN. Tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhán dân cùng tham gia xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hình thức phong phú, thiết thực.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa phong trào toàn dân tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” bằng những việc làm thiết thực  hiệu quả. Tiếp tục triển khai sâu rộng “5 chương trình tình nghĩa” và phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công”. Tạo điều kiện để các phong trào, chương trình “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển đúng theo phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc người có công; đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Đồng thời, thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và các đối tượng chính sách có nhiều cố gắng trong sản xuất kinh doanh, học tập, công tác...

Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, với lòng biết ơn vô hạn, kính cẩn tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, những người có công với nước đã hy sinh vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước; nguyện phát huy truyền thống, đạo lý bằng tình cảm và trách nhiệm tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công, góp phần làm sáng mãi truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu
Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN