Thứ Tư, 24/4/2024

Phát huy truyền thống 90 năm, Công đoàn Việt Nam tiếp tục xứng đáng với vai trò, vị trí trong giai đoạn mới

90 năm qua là chặng đường lịch sử đầy khó khăn nhưng cũng rất vẻ vang của Công đoàn Việt Nam. Với những tên gọi phù hợp hoàn cảnh của mỗi giai đoạn cách mạng, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Việt Nam luôn phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã cùng nhân dân cả nước làm nên những thành tựu vang dội trong thế kỷ XX với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thắng lợi trên bước đường xây dựng và đổi mới đất nước.

Trong mọi hoàn cảnh, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức vững vàng, có nhiệm vụ giữ gìn quyền lợi cho công nhân và giúp cho chính phủ trong việc xây dựng đất nước”, các cấp công đoàn đã tập trung mọi nguồn lực để làm tốt chức năng cốt lõi, trọng tâm của mình là chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, lao động. Từ những ngày đầu, trong điều kiện muôn vàn khó khăn, Công hội Đỏ - tiền thân của Công đoàn Việt Nam đã tổ chức vận động công nhân đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, cúp phạt, cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo an toàn lao động. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, bên cạnh nhiệm vụ vận động, tổ chức đoàn viên, công nhân tích cực thi đua lao động, sản xuất, phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu, tổ chức Công đoàn vẫn tiếp tục được Đảng, Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động thể hiện ở vai trò đại diện người lao động trong tham gia quản lý, phát triển sản xuất tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp…; Công đoàn giữ vai trò chủ chốt trong chăm lo đời sống cho đoàn viên, công nhân, lao động thông qua vai trò quản lý trong các quỹ phúc lợi, quỹ bảo hiểm, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cán bộ, công nhân, lao động, viên chức nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe…

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức, đang tiếp tục phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; có nhiều cố gắng để phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng với sự phát triển và xuất hiện của các thành phần kinh tế mới, quan hệ lao động mới. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó chỉ rõ vai trò, nhiệm vụ của Công đoàn đối với xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới. Đó là những thuận lợi rất lớn cho phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.

Tuy nhiên, công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn cũng đứng trước không ít khó khăn như: chất lượng của đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động vẫn còn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển đất nước. Tình trạng người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm còn tồn tại ở các ngành nghề và thành phần kinh tế. Quan hệ lao động trong một số doanh nghiệp còn diễn biến phức tạp. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn còn hạn chế. Nguồn tài chính cho hoạt động công đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một bộ phận cán bộ công đoàn làm việc vẫn còn mang tính hành chính, sự vụ và chưa thật sự tâm huyết với công tác công đoàn.

Tình hình trên đặt ra cho Công đoàn Việt Nam những thời cơ và thách thức mới, đòi hỏi các cấp công đoàn phải nắm vững tình hình, nhận thức một cách đầy đủ và thực hiện tốt các chức năng của Công đoàn, coi chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động là trung tâm, xuyên suốt mọi mặt hoạt động. Công đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn được cụ thể hóa, đi vào cuộc sống như Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động. Vai trò công đoàn tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Công tác chăm lo lợi ích cho đoàn viên có nhiều điểm nhấn, tạo sự lan tỏa rộng và nâng cao sức thu hút của Công đoàn Việt Nam. Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, năm “Vì lợi ích đoàn viên Công đoàn”, Tháng Công nhân, “Tết Sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn” và nhiều hoạt động ý nghĩa khác được nâng tầm hiệu quả, đã góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.

 Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động tiếp tục tạo sức lan tỏa trong toàn hệ thống. Từ năm 2016 đến nay, bên cạnh các cuộc làm việc định kỳ, trong dịp Tháng Công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 4 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động, 01 lần kiểm tra việc thực hiện chính sách cho người lao động, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo hiệu ứng để lãnh đạo các địa phương, đơn vị gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động và để lại ấn tượng đẹp trong đoàn viên, người lao động cả nước... Dịp Tết Nguyên đán 2018 và 2019, Tổng Liên đoàn đã tham mưu đề xuất các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, tặng quà động viên công nhân, người lao động, tạo niềm tin và động lực tinh thần mạnh mẽ của công nhân, người lao động đối với Đảng, Nhà nước. Phong trào thi đua và công tác thi đua khen thưởng có chuyển biến tích cực, đã động viên, cổ vũ, khơi dậy sự năng động, sức sáng tạo của đoàn viên, người lao động trong lao động, sản xuất, với hàng vạn đề tài khoa học, sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn, mang lại giá trị làm lợi hàng nghìn tỷ đồng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác tập hợp quần chúng đạt nhiều kết quả, thu hút đông đảo người lao động gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn; mô hình tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn được quan tâm hoàn thiện. Đến hết tháng 6 năm 2019 cả nước có 10,3 triệu đoàn viên, sinh hoạt tại 127 nghìn công đoàn cơ sở. Công đoàn thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; đã giới thiệu gần 400 nghìn đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp, trong đó có nhiều đoàn viên được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hoạt động kiểm tra công đoàn được tăng cường.

Trong những năm tới, dự báo tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia. Đây là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ có tác động trực tiếp đến Công đoàn Việt Nam. Người lao động có thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; tổ chức và hoạt động của Công đoàn tiệm cận nhiều hơn với các tiêu chuẩn quốc tế; quan hệ lao động ngày càng đa dạng, phức tạp; yêu cầu, đòi hỏi của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn ngày càng cao. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi và bài học kinh nghiệm đã có, tổ chức Công đoàn cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động.

Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã xác định mục tiêu của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 là: Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội thông qua 3 khâu đột phá cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ mới gồm: (1) Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động; (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; (3) Xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội, ý thức sâu sắc vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc thực hiện các chức năng cốt lõi, trung tâm của tổ chức Công đoàn, các cấp công đoàn xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, đẩy mạnh hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động trên cơ sở quan điểm coi lợi ích là chất kết dính thu hút, tập hợp người lao động đến với tổ chức công đoàn; phát triển các chương trình phúc lợi xuyên suốt toàn hệ thống như một chính sách an sinh xã hội để chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Tiếp tục triển khai các chương trình, hoạt động hiệu quả, loại bỏ các hoạt động hình thức, không thiết thực. Tham mưu với Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương chăm lo lợi ích người lao động, tập trung vào việc xây dựng các thiết chế công đoàn, phát triển và bảo vệ việc làm bền vững, phòng ngừa vi phạm pháp luật của giới chủ đối với người lao động.

Hai là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, coi đây là cách bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và hiệu quả. Tăng cường các hoạt động tham gia hoặc chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội; làm tốt công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phát hiện vấn đề và tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật. Nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể; xây dựng thỏa ước lao động tập thể khung ở cấp Trung ương; thỏa ước lao động tập thể ngành.

Đổi mới, nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc. Mở rộng phạm vi đối thoại ở cấp trên cơ sở, đối thoại giữa các cấp ủy và chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước với người lao động. Cơ cấu lại mô hình hoạt động và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật, thành lập các hội đồng tư vấn ở cấp trung ương, cấp tỉnh; hình thành mạng lưới luật sư, luật gia công đoàn trong toàn hệ thống. Tích cực, chủ động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Tham gia giải quyết có hiệu quả tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công. Tập trung nhiều hơn cho công tác an toàn, vệ sinh lao động; có bước đột phá trong công tác này góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Ba là, tiến hành thường xuyên, đồng bộ, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho người lao động. Tham gia xây dựng môi trường văn hóa tích cực trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và nâng cao, đời sống tinh thần lành mạnh cho người lao động. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền đồng cấp về những vấn đề mới, diễn biến mới trong phong trào công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn.

 Bốn là, tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là cán bộ công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng cho phù hợp với điều kiện lao động, làm việc, công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Sáu là, xây dựng nguồn lực đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát công đoàn. Chủ động hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam.

Phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng và phát triển, nhận thức sâu sắc sứ mệnh và trọng trách mà Đảng, Nhà nước và đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động cả nước giao phó, các cấp công đoàn, toàn thể cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động nguyện nỗ lực rèn luyện, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tích cực xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

TS. Bùi Văn Cường
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN