Thứ Năm, 25/4/2024

Thừa Thiên Huế: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận ở cơ sở

Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 01-KH/BDVTU, ngày 13/4/2009 về triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009 - 2010 và đã được sơ kết 2 năm thực hiện Phong trào vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/2010); tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 31-KH/TU, ngày 24/3/2017 về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020; ban hành Công văn số 241-CV/BDVTU, ngày 08/6/2017 về hướng dẫn một số nội dung thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Giai đoạn 2010 - 2015, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 360 mô hình “Dân vận khéo” cấp huyện, 2.852 mô hình cấp cơ sở (lĩnh vực kinh tế có 159 mô hình cấp huyện, 1.210 mô hình cấp xã; lĩnh vực văn hóa - xã hội có 59 mô hình cấp xã, 565 mô hình cấp huyện; lĩnh vực quốc phòng - an ninh có 42 mô hình cấp huyện, 482 mô hình cấp xã; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có  84 mô hình cấp huyện và  705 mô hình cấp xã) góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân, xây dựng nông thôn mới, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, tham gia giải quyết những khó khăn, bức xúc nổi cộm từ cơ sở, tạo sự đoàn kết, đồng thuận, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, quyền làm chủ và nguồn lực trong nhân dân để phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị Đại hội Đảng các cấp đề ra.

Kế thừa kết quả đạt được của phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2010 - 2015, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” 2016 - 2020.

Qua hơn 3 năm thực hiện (2016 - 2019), trên địa bàn toàn tỉnh đã có 207 tổ chức cơ sở đảng tiến hành đăng ký với 738 mô hình trên các lĩnh vực.Trong đó có 148 mô hình kinh tế; 293 mô hình văn hóa, xã hội; 182 mô hình quốc phòng - an ninh; 110 mô hình xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được triển khai thực hiện và bước đầu mang lại kết quả tốt.

Tiêu biểu như huyện A Lưới, đã xây dựng các mô  hình như: vận động nhân dân hiến đất làm đường, bê tông hóa đường giao thông, thắp sáng các tuyến đường nội thị, hộ nông dân sản xuất giỏi, giảm nghèo bền vững (ở thị trấn A Lưới); thắp sáng đường quê, vận động làm hàng rào xanh, trồng rừng kinh tế, chăn nuôi bò, dòng họ tự quản về an ninh (ở xã Hồng Vân). Thị xã Hương Trà có các mô hình như: Nuôi heo đất, Hũ gạo tình thương, Con đường xanh, sạch, đẹp, Dòng họ khuyến học bảo đảm an ninh trật tự (phường Hương Vân), Đi chợ bằng giỏ xách, Đốt vàng mã trong thùng, Gia đình hạnh phúc, Tiết kiệm tự nguyện; các mô hình về khuyến nông như: trồng dưa hấu trên cát, nuôi cá lồng, gia trại gà, trâu, bò,… (xã Hải Dương). Thành phố Huế nổi bật với các mô hình “Dân vận khéo” xây dựng văn minh đô thị được phát động và triển khai rộng khắp 27 phường. Ngoài ra, tại phường Phước Vĩnh và phường Thuận Thành còn có các mô hình tiêu biểu như: Tổ tự quản ở các tổ dân phố trọng điểm, Liên kết vùng giáo thanh bình ở các vùng đồng bào theo đạo Công giáo. Huyện Phú Vang có mô hình không hành nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản khi có gió bão và lệnh cấm của Nhà nước (ở xã Phú Diên), mô hình Xóm đạo bình yên (xã Vinh Thái), mô hình thu gom rác thải, thuốc bảo vệ thực vật (xã phú Dương). Huyện Nam Đông có mô hình kinh tế vườn cam trên 30 ha (xã Hương Hòa, Hương Phú, thị trấn Khe Tre); mô hình tiết kiệm mỗi ngày 2.000 đồng trước khi đi chợ, tiết kiệm heo đất với tổng quỹ toàn huyện trên 500 triệu đồng. Huyện Quảng Điền có nhiều mô hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản. Huyện Phú Lộc có mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, quản lý điều hành; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc cải cách hành chính.

Công an tỉnh có 100 mô hình tập thể, 103 cá nhân trong phong trào “Dân vận khéo”; điển hình như mô hình: Bến đò tự quản tại huyện Quảng Điền; Lực lượng ngoại tuyến phấn đấu thực hiện tốt vận động quần chúng trong công tác xây dựng cơ sở trạm, tin và công tác phối hợp; Vận động chức sắc Thiên Chúa giáo tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Vận động các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm túc Luật bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Vận động các đối tượng truy nã ra đầu thú; Thắp sáng ước mơ hoàn lương... Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo mỗi đơn vị cơ sở trực thuộc, đồn biên phòng xây dựng từ 2-3 mô hình “Dân vận khéo” và đã có nhiều mô hình có sức lan tỏa ở vùng biên giới như “Phòng khám Quân dân y”, “Hũ gạo tình thương”, “Thắp sáng đường quê”, Chương trình “Nâng bước em đến trường”; “Ngày về thôn bản”, “Nước sạch về thôn”, “Ngư dân với pháp luật”, “Giúp đỡ cụ già neo đơn” gắn với phong trào “Tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng tỉnh chung tay làm sạch khu vực biên giới”, phong trào xây dựng “nhà hữu nghị, nhà nhân ái, nghĩa tình Trường Sơn”, phối hợp vận động Quỹ “Vì người nghèo”. Bên cạnh đó, đơn vị đã vận động gần 200 trẻ em trong độ tuổi đến trường; tham gia giúp dân hơn 1.600 ngày công; giúp dân dằn chống nhà cửa, tổng dọn vệ sinh, di dân phòng tránh bão lụt hàng nghìn ngày công; tham gia xây dựng, sửa chữa hơn 17km đường giao thông; các đồn biên phòng giúp dân đào ao cá, thu hoạch mùa màng được 1.878 ngày công/7,5 ha hoa màu.

Có được những kết quả như vậy là sự tổng hợp nhiều yếu tố tạo thành như: (1) sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ cán bộ, đảng viên và trong hệ thống dân vận; (2) việc lựa chọn xây dựng và nhân rộng các mô hình thi đua “Dân vận khéo” phải xuất phát từ tình hình thực tế ở từng địa phương và nhu cầu cấp thiết phục vụ lợi ích đại đa số người dân, được đông đảo người dân tham gia hưởng ứng; (3) mỗi cán bộ làm công tác dân vận phải nắm chắc các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, vận động nhân dân; phải thực sự gương mẫu đi đầu trên mọi lĩnh vực để nhân dân làm theo. Tuy nhiên, sự vào cuộc tích cực và có trách nhiệm của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở là nhân tố có tính quyết định đến sự thành công của phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Có thể khẳng định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một trong những phương thức để các cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác dân vận theo tinh thần của Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo phát động triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” vẫn còn những hạn chế như: Nhận thức về phong trào thi đua “Dân vận khéo” của nhiều cấp ủy, tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đầy đủ và chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức; các phong trào thi đua, cuộc vận động ở các cấp, ban, ngành, đoàn thể được triển khai nhưng việc hướng dẫn, phối hợp thực hiện còn lúng túng; quá trình triển khai thực hiện chưa chú trọng đồng bộ các khâu phát động, hướng dẫn, tập huấn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, đánh giá, sơ kết khen thưởng; hình thức tổ chức phong trào chưa phong phú, hiệu quả tuyên truyền chưa cao.  

Để tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận ở cơ sở trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể cần tập trung một số nội dung sau:

Một là, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải được thống nhất, tập trung các phong trào thi đua, cuộc vận động của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp bằng các mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở; được lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, tham mưu và nòng cốt thực hiện của khối dân vận, Mặt trận và các đoàn thể.

Hai là, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải chú trọng thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp:

Phát động, đăng ký: Định kỳ hằng năm, căn cứ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; các cuộc vận động, phong trào thi đua của ban ngành, đoàn thể các cấp, cấp ủy chỉ đạo phát động các tập thể, cá nhân đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Công tác hướng dẫn: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể định hướng, hướng dẫn cơ sở trong việc xây dựng các mô hình phù hợp các cuộc vận động, phong trào thi đua do tổ chức mình phát động; tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tích cực hưởng ứng, đăng ký thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở.

Ban Dân vận các cấp, khối dân vận cơ sở hướng dẫn thủ tục, hồ sơ, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, xét chọn đề nghị khen thưởng tập thể, mô hình tập thể, mô hình cá nhân “Dân vận khéo”.

Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá khen thưởng: Cấp ủy các cấp có kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo về phong trào thi đua “Dân vận khéo” đối với các cấp ủy trực thuộc.

Các cấp ủy cơ sở chỉ đạo tổ chức đánh giá, xét và tuyên dương, khen thưởng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” năm qua và đăng ký thực hiện mô hình năm tới vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10) hoặc tổng kết công tác xây dựng Đảng cuối năm.

Công tác thông tin, tuyên truyền: Thường xuyên rà soát để phát hiện các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu để tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng thông qua nhiều hình thức: Hội nghị sơ kết, tổng kết; hội nghị chuyên đề, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tuyên truyền thông qua mạng xã hội và các hình thức thi đua khác (tổ chức hội thi “Dân vận khéo”, hưởng ứng Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phát động...) nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng, mạnh mẽ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các tầng lớp nhân dân.

Thiết nghĩ, việc tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của cấp ủy các cấp chính là sự góp phần quan trọng thực hiện tốt công tác dân vận trên địa bàn toàn tỉnh.

Phan Xuân Toàn
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN