Thứ Bảy, 20/4/2024

Kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, nhận thức của các cấp uỷ đảng và hệ thống chính trị tỉnh về vị trí, vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên; các cấp uỷ đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực về trình độ lý luận chính trị và chuyên môn đảm nhận công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội nhiệm kỳ của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh. Đặc biệt, trong những năm qua Thường trực Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã duy trì thường xuyên chế độ giao ban định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất để nghe MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội phản ánh, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, thông qua đó để có định hướng chỉ đạo hoạt động về công tác Mặt trận, các đoàn thể và xem xét giải quyết những vấn đề bức xúc của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Phối hợp thực hiện tốt chế độ tiếp công dân, tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

Các cấp chính quyền tỉnh đã chỉ đạo và quan tâm tạo mọi điều kiện để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội theo chương trình, kế hoạch công tác; thực hiện tốt chế độ tiếp công dân, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc trong nhân dân để chỉ đạo xử lý; phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thông qua quy chế, chương trình phối hợp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng và tạo mọi điều kiện để nhân dân trực tiếp hoặc thông qua MTTQ, đoàn thể để tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tích cực triển khai với nhiều cách làm hiệu quả. Việc tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Chú trọng việc sơ kết, tổng kết các phong trào, các cuộc vận động, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến; từng bước đổi mới nội dung, hình thức thi đua khen thưởng.

MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội Vĩnh Phúc đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, khu dân cư. Phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các chức sắc, chức việc tôn giáo nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc trong đấu tranh các âm mưu kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch. Tăng cường công tác xây dựng, củng cố, phát huy vai trò của Ban công tác Mặt trận, Tổ hòa giải cơ sở, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng... để nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể. Coi trọng công tác xây dựng tổ chức đoàn, hội, thường xuyên vận động thu hút, kết nạp đoàn viên, hội viên vào tổ chức; xây dựng các CLB để thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên theo sở thích, nhu cầu, đối tượng...

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Kết luận số 62-KL/TW trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế, đó là: Một số cấp uỷ đảng chưa thật sự quan tâm lãnh đạo đến việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; sự phối hợp giữa chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội một số nơi còn hình thức, hiệu quả thấp. Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có nơi chậm đổi mới, chưa tạo được sức hấp dẫn để thu hút đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân vào tổ chức đoàn, hội; tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên một số tổ chức chưa cao, một số cuộc vận động và phong trào thi đua còn mang tính hình thức, chưa huy động được đông đảo, toàn diện các tầng lớp nhân dân tham gia, một số cuộc vận động còn chưa nhân rộng được những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Công tác phối hợp giữa Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội với các ban, ngành chưa đồng bộ, chưa tạo được sức mạnh trong tập hợp quần chúng.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 62-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X ở Vĩnh Phúc đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cần phải tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, của ngành dọc cấp trên để cụ thể hóa, triển khai và vận dụng vào điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Phải nắm vững các nội dung, nguyên tắc, phương pháp lãnh đạo cũng như chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, đơn vị mình; làm tốt công tác vận động quần chúng, thuyết phục được quần chúng, dẫn dắt quần chúng làm theo.

Thứ hai, nội dung chỉ đạo phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phải kiểm tra thường xuyên. Nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, rút ra kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải hướng về cơ sở, tập trung tháo gỡ khó khăn những vấn đề nổi cộm, bức xúc như: về đất đai, tổ chức giải phóng mặt bằng… để kịp thời phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở.

Thứ ba, các cấp ủy đảng, chính quyền phải tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 62-KL/TW có hiệu quả trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xác định quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội là rất nặng nề, tỉnh tiếp tục chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, các cấp ủy đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện tốt Kết luận 62-KL/TW; Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về quy chế giám sát, phản biện xã hội và quy định về MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác dân vận.

Hai là, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội quần chúng tiếp tục tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ba là, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…; đa dạng hóa các hình thức tập hợp hội viên, đoàn viên, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội các cấp. Thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo và biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Bốn là, thực hiện vai trò nêu gương, tiên phong, tình nguyện của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên để tạo sự lan tỏa, phát triển phong trào, phát triển tổ chức. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia giám sát, phản biện với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn với xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, giàu mạnh, văn minh.

Năm là, thực hiện tốt việc sắp xếp, tổ chức cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội có năng lực và đạo đức, có kinh nghiệm thực tiễn, có kỹ năng làm công tác dân vận; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí cán bộ.

TS. Trần Thị Bích Nhuần
Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Các bài khác

TẠP CHÍ IN