Thứ Năm, 25/4/2024

Hội Nông dân Việt Nam với mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động là một nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội cơ sở và đa dạng hóa mô hình thu hút, tập hợp hội viên nông dân tham gia hoạt động Hội. Với ý nghĩa  đó, ngày 23/6/2016, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Đề án số 24-ĐA/HNDTW về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp triển khai trong toàn quốc (sau đây gọi tắt là Đề án 24).

Ban Thường vụ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức phổ biến, quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án 24 trong toàn hệ thống... Trung ương Hội Nông dân chọn 10 tỉnh, thành hội đại diện các khu vực để chỉ đạo làm điểm, gồm: Thái Nguyên, Lào Cai, Hưng Yên, Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Long An, An Giang, Bạc Liêu. Đối với các tỉnh, thành phố còn lại chỉ đạo mỗi đơn vị cấp huyện lựa chọn 01 cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình tổ hội nghề nghiệp và tùy điều kiện, tình hình cụ thể của từng địa phương có thể lựa chọn để chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình chi hội nghề nghiệp. Định kỳ hàng năm đều sơ, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới. Vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 24 làm cơ sở để Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII nghiên cứu ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp giai đoạn 2019 - 2023.

Kết quả sau 03 năm thực hiện Đề án 24, đến ngày 31/5/2019 cả nước thành lập được 14.812 tổ hội nghề nghiệp (bình quân 235 tổ/tỉnh - vượt cao so với kế hoạch Đề án đề ra) với 166.477 hội viên tham gia trên các lĩnh vực ngành nghề sản xuất, kinh doanh như trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, nuôi trồng, chế biến thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí, vật liệu xây dựng... Trong đó, về trồng trọt có 9.584 tổ; chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản 3.490 tổ; tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ khác 1.727 tổ. Bình quân 11 hội viên/tổ. Điển hình trong thành lập tổ hội nghề nghiệp có các tỉnh như: Trà Vinh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An, Hậu Giang, Bến Tre...

Đối với chi hội nghề nghiệp, trên cả nước đã thành lập 683 chi hội với 28.978 hội viên nông dân tham gia; với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh đa dạng, phong phú, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ; nuôi trồng, chế biến thủy sản; tiểu thủ công nghiệp; cơ khí; vật liệu xây dựng... Về lĩnh vực trồng trọt có 314 chi hội; chăn nuôi, khai thác nuôi trồng thủy sản 179 chi hội; tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ khác 190 chi hội. Bình quân mỗi chi hội có từ 40 - 50 hội viên, chi hội có số hội viên cao nhất 287 hội viên, chi hội có số hội viên thấp nhất là 20 hội viên. Các tỉnh thành lập được nhiều chi hội là Đồng Tháp, Hải Dương, Kiên Giang, Bình Phước, Bình Định, An Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam...

Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần đổi mới mô hình tổ chức, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên trong cùng chi, tổ hội, giữa hội viên với doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng, nhà tư vấn trong quá trình sản xuất. Với ưu thế mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên vừa phải, quy chế hoạt động chặt chẽ, nội dung sinh hoạt phù hợp, thiết thực, bổ ích, đảm bảo 5 cùng: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi đã khắc phục được cơ bản những hạn chế, khó khăn trong nhiều năm về hoạt động của chi hội, tổ hội. Qua đánh giá, xếp loại hằng năm có 98% chi hội, tổ hội nghề nghiệp đạt vững mạnh và xuất sắc.

 Hội viên tham gia chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp được hỗ trợ kiến thức, được cung cấp, trao đổi thông tin giá cả thị trường, các loại giống cây con, được chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất… đã mang lại lợi ích thiết thực và nhu cầu chính đáng của hội viên nông dân. Nhiều chi hội, tổ hội đã chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp và nhà khoa học tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, liên kết với các hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh. Hiện có 11.128 nhóm hộ nông dân và 41.262 hội viên nông dân được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền là 1.083,7 tỷ đồng; 46.824 hộ vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng số tiền là 1.561,053 tỷ đồng, 320.851 hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội với tổng số tiền là 4.833,245 tỷ đồng.

Trong 3 năm thực hiện Đề án 24, đã có 404 hợp tác xã, 2.212 tổ hợp tác được thành lập trên nền tảng từ các tổ hội nghề nghiệp, chi hội nghề nghiệp của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, tạo tiền đề tham gia xây dựng kinh tế tập thể. Đến nay, các cấp Hội Nông dân đã hướng dẫn thành lập 1.135 hợp tác xã và 101 nghìn tổ hợp tác. Nhiều chi hội thông qua hợp tác xã làm đầu mối ký kết với doanh nghiệp, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất theo quy trình kỹ thuật, bảo vệ lợi ích của hội viên, nông dân.

Một số chi hội, tổ hội bước đầu đã định hình và hình thành được mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tiêu biểu như: Chi hội sản xuất giống lúa chất lượng cao tại xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho năng suất cao, bình quân 7 tấn/ha, với 91 thành viên, quy mô 80 ha, doanh thu 3 năm là 1 tỷ 779 triệu đồng, cho lợi nhuận bình quân/năm 254 triệu đồng, đã ký hợp đồng với Công ty Lương thực Tiền Giang để thu mua lúa; Chi hội chăn nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động với 40 thành viên, quy mô diện tích là 55 ha, lợi nhuận trung bình của các thành viên chi hội là 70 tỷ/năm, tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động ở địa phương thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tổ hội tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với 9 thành viên, quy mô diện tích 1,2 ha, doanh thu 3 năm là 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân/năm là 810 triệu đồng; Tổ hội cà phê thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai với 20 thành viên, quy mô diện tích 24,6 ha, doanh thu 3 năm 5 tỷ 250 triệu đồng, lợi nhuận bình quân/năm là 1 tỷ 750 triệu đồng; Tổ sản xuất mắm phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang với 10 thành viên, quy mô 60 tấn/năm, tổng nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh 7 tỷ đồng…

Sau 03 năm triển khai thực hiện, Đề án 24 về xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã thu được một số kết quả quan trọng là:

Thứ nhất, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền xem đây là sự đổi mới trong phương thức tập hợp nông dân theo Kết luận số 62-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Thứ hai, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội. Đảm bảo nội dung sinh hoạt trên cơ sở nhu cầu thực chất, cần thiết của hội viên trong sản xuất, kinh doanh, khắc phục tình trạng hoạt động không hiệu quả của tổ hội, chi hội; nâng cao chất lượng, trình độ và năng lực của cán bộ chi hội, tổ hội.

Thứ ba, đã tạo sự gắn kết của các hộ nông dân trong sản xuất, kinh doanh, khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, theo kiểu truyền thống, kém hiệu quả. Từng bước để hội viên, nông dân làm quen và có kỹ năng phù hợp, kinh nghiệm trong việc liên kết, làm việc theo nhóm vì thực tế hiện nay nhiều hội viên nông dân thiếu kỹ năng, kinh nghiệm và còn hạn chế về khả năng quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, đây là mô hình đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội Nông dân ở cơ sở nhằm hướng tới khẳng định chi hội, tổ hội thực chất là hạt nhân chính trị - xã hội, là đơn vị hành động của Hội; khắc phục tình trạng hành chính hóa trong hoạt động của tổ chức Hội. Nắm bắt kịp thời, chính xác tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, những đề xuất, kiến nghị của hội viên nông dân trong từng lĩnh vực để Hội đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Khẳng định được vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam.

Thứ năm, hướng đến nền sản xuất hàng hóa phù hợp, an toàn, thực hiện tốt quy hoạch sản xuất nông nghiệp; tham gia tích cực vào Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống góp phần khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân… Sự trao đổi và giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và chế biến nông sản sát sao hơn, chặt chẽ hơn.

Thứ sáu, phối hợp tốt, hiệu quả với các tổ chức tín dụng trong chuyển tải nguồn vốn và các doanh nghiệp trong cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Thứ bảy, việc xây dựng mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã góp phần hình thành các mô hình kinh tế tập thể, là tiền đề quan trọng để các cấp hội tổ chức tư vấn, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Là tiền đề để lập các tổ hợp tác, hợp tác xã đúng nghĩa, hoạt động hiệu quả, tạo tâm lý an tâm, tin tưởng, tính hiệu quả và thực chất trong hoạt động của hợp tác xã kiểu mới.

Trong thời gian tới tình hình kinh tế, xã hội nước ta được dự báo phát triển nhanh và bền vững, chuyển dịch mô hình phát triển theo chiều rộng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết theo chuỗi. Nông nghiệp nước ta ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và tiếp tục thu hút sự quan tâm đầu tư trong và ngoài nước; nhu cầu của xã hội về sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao ngày càng tăng. Việc tập trung tích tụ ruộng đất dự báo được triển khai mạnh mẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả cao hơn… Đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân các cấp phải vươn lên ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó phải thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hoạt động theo tinh thần các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X); Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư (khóa X)… Thực tiễn qua 03 năm xây dựng mô hình tổ chức chi hội, tổ hội nghề nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn của Hội Nông dân Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng như đã nêu trên, vì vậy thời gian tới cần tiếp tục triển khai, nhân rộng để tăng cường và đổi mới công tác vận động, tập hợp hội viên, nông dân; góp phần nâng cao nhận thức, trình độ sản xuất, kinh doanh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân, làm nòng cốt trong xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Nguyễn Đăng Hùng
Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận Trung ương

Các bài khác

TẠP CHÍ IN