Thứ Năm, 25/4/2024

Phải chăng phòng, chống tham nhũng cần “Lời hịch non sông”!?

Hàng ngày đọc báo, nghe đài, xem ti vi thấy nhiều thông tin nói về tham nhũng và chống tham nhũng mà lòng những xót xa... Khi di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, chứng kiến những người bạn đường than phiền về nạn nhũng nhiễu vặt ở nơi họ sinh sống, lại cảm thấy nhức nhối tâm can. Sự quyết liệt của lãnh đạo các cấp, cùng những vụ án tham nhũng lớn vừa xét xử, bước đầu lấy lại được niềm tin của nhân dân, nhưng có lẽ chưa đủ đảm bảo cho thành công của cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này. Và chính điều đó đòi hỏi cần có thêm giải pháp phòng, chống tham nhũng cho toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Thiết nghĩ, một trong những việc nên làm là: Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tự giác, dũng cảm, tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng.

Trước hết phải chỉ rõ tham nhũng đã gây tổn hại nặng về mọi mặt cho đất nước, là nguyên nhân thất bại của những chính sách vốn đúng đắn, là nguyên cớ để các thế lực thù địch tuyên truyền chống phá nước ta và là nguồn cơn của bức xúc xã hội, trực chờ trở thành điểm nóng xã hội, thậm chí là điểm nóng chính trị - xã hội khi bị kích động. Tiếp đến, phải làm cho mọi người hiểu rằng, tài sản tham nhũng là không thể “nuốt” trôi, những kẻ tham nhũng sớm muộn cũng bị pháp luật trừng trị, hoặc chính họ và gia đình họ sẽ phải gánh chịu kết cục ngoài sự toan tính của lòng tham và của động cơ tham nhũng, bị nhân dân khinh ghét, không có chỗ đứng trong xã hội.

Trên cơ sở “chỉ mặt, đặt tên” vấn nạn tham nhũng cùng tác hại do nó gây ra, hệ lụy do nó để lại, cần kêu gọi tinh thần tự giác nhận khuyết điểm, nhận lỗi, nhận tội và nộp lại tài sản đã tham nhũng cho nhà nước, theo một quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch mà đa số có thể chấp nhận được. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào mức độ tự giác và lượng tài sản nộp lại, so với tác hại do hành vi tham nhũng gây ra để xem xét, xử lý cho phù hợp. Người tự giác thực hiện và người sớm thực hiện lời kêu gọi này sẽ được giảm nhẹ hình thức kỷ luật, được thêm tình tiết giảm nhẹ để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Cùng với nội dung trên, cần kêu gọi toàn dân, nhất là những ai từng là nạn nhân trực tiếp của tệ tham nhũng, hãy mở lòng tha thứ, cảm thông và đón nhận những người đã tự giác sửa sai, bằng tinh thần ”đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, nhằm tạo môi trường dư luận yên ổn cho người dám sửa sai, người vừa mới thực hiện việc sửa sai. Hơn nữa, cần xem trọng việc kêu gọi người thân, bạn bè của người có biểu hiện tham nhũng, vận động họ dũng cảm nhìn nhận lại bản thân, tự giác sửa chữa khuyết điểm, điều chỉnh lại lối sống và khắc phục hậu quả do mình gây ra để tự cứu lấy mình, cứu lấy gia đình mình. Một khi vợ - chồng, con cái cùng cả gia đình không cần đến đồng tiền bất chính và người thân, bạn bè góp thêm lời khuyên đúng đắn, chắc rằng cách suy tính sai lầm ”hy sinh đời bố, củng cố đời con” sẽ không còn nữa.

Không chỉ mang tính khẩn thiết, lời kêu gọi đồng thời phải là sự cam kết về thực thi chính sách khoan hồng với người tự giác sửa sai. Tạo cho người phạm phải tham nhũng và gia đình họ thật sự có căn cứ để yên lòng, trước khi phải đối mặt với việc tự khai báo với cơ quan chức năng và tự giác nộp lại tài sản, khắc phục hậu quả do mình gây ra. Song song với đó, cần kêu gọi toàn dân tích cực tố cáo những người tham nhũng, nhưng còn lẩn tránh trách nhiệm, chưa tự giác khai báo với cơ quan chức năng. Đồng thời có biện pháp tổ chức thích hợp nhằm giúp người đi tố cáo vượt qua sự e ngại và không sợ bị kẻ xấu phát hiện, trả thù. Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh những biện pháp phòng, chống tham nhũng đã và đang thực hiện, nhất là những biện pháp vừa mang lại hiệu quả rõ rệt, vừa được nhân dân ủng hộ vừa qua. Trong đó việc xét xử nghiêm minh, kịp thời những vụ án tham nhũng dù lớn hay nhỏ, dù ở bất cứ cấp nào và kiên quyết thu hồi tài sản cho nhà nước, mặc cho cất dấu ở đâu, dưới dạng nào sẽ có hiệu ứng xã hội tích cực, thúc đẩy việc phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn.

Có thể nói, tham nhũng dù ở mức nào, nó cũng phải diễn ra trong điều kiện xã hội nhất định. Người phạm phải tham nhũng, ăn hối lộ không ở đâu khác, mà ở ngay trong cộng đồng của chúng ta. Vậy nên, trong khi cơ quan có trách nhiệm chưa phát hiện gì, thì nhiều khi người dân lại biết hết. Họ biết cả cha ông của người vừa giàu lên nhanh chóng kia từng nghèo khó như thế nào, lẫn đường đi lối về của khối tài sản họ cho là bất minh ấy. Không dừng lại ở đó, dư luận nhân dân luôn đòi hỏi phải xử ngay, xử nghiêm, triệt để tịch thu tài sản trả lại công quỹ. Khi không kịp đáp ứng điều này, họ chuyển sang ngờ vực cơ quan có trách nhiệm và người thi hành công vụ, họ coi thường, thậm chí chống người thi hành công vụ. Nhưng một khi người vi phạm đã tự giác nhận lỗi, nộp lại tài sản tham nhũng, chắc chắn dư luận sẽ độ lượng mở lối cho họ sửa sai, mở lòng để họ hòa nhập trở lại với cộng đồng. Bởi suy cho cùng, kẻ phạm tội tham nhũng cũng là người làng người nước mình cả, trong khi cái tình vẫn chi phối đáng kể trong ứng xử của xã hội chúng ta thì “thấu tình, đạt lý” thường là giải pháp được lựa chọn. Việc mà “thấu tình, đạt lý” ắt cho kết quả tốt đẹp nhất.

Phải thừa nhận rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng việc phòng, chống tham nhũng, gần đây hành động trên lĩnh vực này đã thêm phần quyết liệt. Nhưng tham nhũng ở ta vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn là quốc nạn!

Vậy, phải chăng đã đến lúc cần có lời kêu gọi làm lay động lòng người, làm thức tỉnh những ai đã và đang tham nhũng, trao quyền và trách nhiệm tương xứng cho lực lượng chống tham nhũng, đồng thời hiệu triệu toàn dân tham gia vào cuộc chống “giặc nội xâm”, đẩy lùi “quốc nạn”. Phải chăng lời kêu gọi như thế có thể coi là “Lời hịch non sông” vào lúc này!?

Đàm Văn Quyền

TẠP CHÍ IN