Thứ Bảy, 20/4/2024

Chính phủ điện tử là chính phủ phục vụ

Chính phủ điện tử: Hành trình lâu dài và khó khăn

Ngày nay, làn sóng chuyển đổi kỹ thuật số (digital transformation) trong xã hội đã mang lại nhiều lợi ích như tạo ra việc làm và dịch vụ mới, nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việc đưa công nghệ thông tin và truyền thông kỹ thuật số vào các tổ chức khu vực công - được biết đến là “chính phủ kỹ thuật số” hoặc “chính phủ điện tử” có nhiều tác động tích cực đến cách thức các dịch vụ công được phân phối.

Nếu được triển khai hợp lý, chính phủ điện tử sẽ làm giảm chi phí điều hành và chi phí cung cấp các dịch vụ công, đảm bảo sự liên lạc tốt hơn giữa chính phủ với công dân, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa hoặc nơi dân cư thưa thớt. Chính phủ điện tử có thể nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước để chống tham nhũng và tăng cường tính dân chủ.

Chỉ số phát triển chính phủ điện tử EGDI (E-Government Development Index) của Liên hợp quốc là một bộ chỉ số tổng hợp trung bình về 3 lĩnh vực quan trọng nhất của chính phủ điện tử là: Quy mô và chất lượng của dịch vụ công trực tuyến (OSI), chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI). Chỉ số này được sử dụng để đo lường sự sẵn sàng và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cung cấp các dịch vụ công của các quốc gia.

Cứ 2 năm một lần, Ủy ban các vấn đề kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc cung cấp toàn cảnh bảng xếp hạng việc phát triển chính phủ điện tử của các nước thành viên Liên hợp quốc. Chỉ số phát triển chính phủ điện tử 2018 được chia thành các nhóm nhỏ (rất cao, cao, trung bình và thấp). Trong báo cáo Chỉ số phát triển chính phủ điện tử 2018, có 40 quốc gia được chấm điểm “rất cao” với chỉ số EGDI từ 0,75-1 điểm. Đan Mạch, Ốt-xtrây-li-a và Hàn Quốc hiện là các quốc gia đứng đầu thế giới về mức độ phát triển chính phủ điện tử.

Chỉ số phát triển chính phủ điện tử giúp các quốc gia, tổ chức nghiên cứu, nhà hoạch định hiểu biết sâu sắc hơn về điểm chuẩn so sánh của các vị trí tương đối của một quốc gia trong việc sử dụng chính phủ điện tử cho các hoạt động, trách nhiệm công dân và khả năng cung cấp dịch vụ công.

Trên thực tế, việc triển khai chính phủ điện tử là điều không hề dễ dàng và sự tiếp nhận của các công dân có thể chậm. Bản chất của chính phủ rất phức tạp do có sự tương tác với các hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội. Ngoài ra, bản thân công nghệ cũng là một yếu tố phức tạp - những tác động, lợi ích và hạn chế của nó vẫn chưa được biết đến rộng rãi bởi các bên liên quan. Do đó, nhiều dự án chính phủ điện tử đã thất bại và điều này không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, có 30% dự án chính phủ điện tử trên thế giới bị thất bại hoàn toàn. Khoảng 50 - 60% dự án thất bại một phần do chi tiêu vượt quá ngân sách hoặc không thực hiện đúng tiến độ dự án. Chỉ có ít hơn 20% dự án được coi là thành công. Trong năm 2016, chi tiêu chính phủ cho công nghệ trên toàn thế giới đạt khoảng 430 tỷ USD. Con số này dự báo đến năm 2020 sẽ là 476 tỷ USD. Bởi vậy, tỷ lệ thất bại đối với các dự án chính phủ điện tử là một mối quan tâm lớn.

Một trong những nguyên nhân chính góp phần vào sự thất bại của hầu hết nỗ lực thiết lập chính phủ điện tử ở các nước đang phát triển là cách tiếp cận “quản lý dự án”. Trong một thời gian dài, nhiều chính phủ và cơ quan tài trợ nhìn nhận việc áp dụng các dịch vụ kỹ thuật số như một vấn đề kỹ thuật độc lập, tách biệt với chính sách và quy trình nội bộ của chính phủ.

Ngoài yếu tố kỹ thuật, chính phủ điện tử trước tiên là một hiện tượng chính trị - xã hội được điều khiển bởi hành vi của con người, đặc trưng cho bối cảnh của từng quốc gia và chính quyền địa phương. Do đó, quá trình chuyển đổi sang chính phủ điện tử phụ thuộc chủ yếu vào “sự thay đổi văn hóa”. Đây là một quá trình lâu dài và khó khăn, đòi hỏi những người làm việc trong cơ quan nhà nước phải sử dụng thành thạo công nghệ mới. Họ cũng phải thay đổi cách thức thực hiện nhiệm vụ, công việc hằng ngày và sự tương tác của họ với công dân.

Tại các nước đang phát triển, nhu cầu về dịch vụ điện tử không cao, cả từ bên trong và bên ngoài chính phủ. Người dân thường không lên tiếng về nhu cầu phát sinh của mình do họ thiếu tin tưởng khu vực công, và bởi họ không có đủ các kênh giao tiếp để thông tin về nhu cầu của mình. Kết quả là các lãnh đạo trong khu vực công chịu quá ít áp lực buộc họ phải thay đổi từ phía người dân.

Việc thiết kế và quản lý một chương trình chính phủ điện tử đòi hỏi năng lực hành chính ở mức cao. Tuy nhiên, các nước đang phát triển cần chính phủ điện tử nhất cũng là những nước có ít năng lực nhất để vận hành nó, do đó tạo ra nguy cơ “quá tải hành chính”. Hầu hết dự án chính phủ điện tử tại các nước đang phát triển đều cố gắng sao chép những gì đã thành công ở nơi khác nên có thể không phù hợp với văn hóa địa phương và không nhận được sử ủng hộ mạnh mẽ của người dân - những người có thể được hưởng lợi từ chính phủ điện tử. Do đó, các dự án trước tiên cần phải đảm bảo có sự đồng ý và phối hợp thực hiện của cả chính phủ lẫn người dân.

Ngoài ra, chính sách của chính phủ được phản ánh trong luật pháp, các quy định và chương trình xã hội cần phải thay đổi để thích ứng với những công cụ kỹ thuật số mới. Sự thành công của chính phủ điện tử ở một số quốc gia Bắc Âu là kết quả từ những cải cách khu vực công rộng lớn. Vấn đề cần lưu ý khi xây dựng chính phủ điện tử là sẽ mất một thời gian dài để hoàn thành việc số hóa cơ bản trong một khu vực công. Nhiều nước đang phát triển đang cố gắng đạt được trong khoảng thời gian một vài thập kỷ những thành tựu mà các quốc gia phát triển hiện nay đã mất hàng thế kỷ để đạt được.

Lãnh đạo địa phương tại các quốc gia đang phát triển và đối tác tài trợ cần phải có tầm nhìn dài hạn, thừa nhận sự phức tạp vốn có của chính phủ điện tử và chia chúng thành các yếu tố dễ quản lý hơn. Những cải cách cơ bản của chính phủ điện tử đòi hỏi phải có sự nỗ lực liên tục, cam kết và lãnh đạo qua nhiều thế hệ.

Đan Mạch - Điển hình thành công về chính phủ điện tử

Năm 2018, Đan Mạch vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng của Liên hợp quốc về chính phủ điện tử, cải thiện 9 bậc so với lần xếp hạng gần nhất vào năm 2016. Quốc gia Bắc Âu này cũng đạt thứ hạng cao nhất trong số 180 quốc gia về việc ít tham nhũng nhất trong 7 năm liên tiếp. Các nhà quản trị cho rằng, chính phủ điện tử tạo ra sự minh bạch và làm giảm tham nhũng.

Công dân Đan Mạch bắt buộc phải đăng ký thư điện tử, ngoài 9% người lớn tuổi, 91% công dân trưởng thành còn lại đều có địa chỉ thư điện tử. Với mức độ sử dụng internet cao khi 97% dân số trong độ tuổi 16-74 có thể truy cập tại nhà, tỉ lệ tương tác trực tuyến với các cơ quan chức năng lên đến 89% dân số. Khu vực công được người dân tín nhiệm, khi 83% dân số tin tưởng ở chính phủ trong việc xử lý các dữ liệu của họ.

Đứng đầu thế giới về chính phủ điện tử, các nền tảng tương tác công dân của chính phủ đều làm hài lòng đại đa số công dân sử dụng, với tỉ lệ hài lòng lên hơn 80-90%. Đại diện Liên hợp quốc cho rằng một trong những sáng tạo chính từ quốc gia này là cách tiếp cận “số hóa đầu tiên” khi việc tương tác điện tử là bắt buộc. Tính thân thiện với người dùng và đơn giản của khu vực điện tử cũng là ưu điểm mà quốc gia tạo ra được.

Công dân Đan Mạch sử dụng ID kỹ thuật số (NemID) để tương tác với chính phủ, ngân hàng và khu vực tư nhân trên một loạt dịch vụ. Công dân có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng, lấy tờ khai thuế từ một cổng thông tin của chính phủ và thậm chí lên lịch cuộc hẹn với thợ làm tóc của họ, tất cả chỉ bằng cách đăng nhập bằng ID.

Nước này cũng đã ra mắt Digital Post, một hộp thư kỹ thuật số, do chính phủ cung cấp, nơi công dân nhận được thông tin liên lạc từ nhà nước. Hơn 90% công dân từ 15 tuổi trở lên có hộp thư kỹ thuật số cá nhân và sử dụng nó để liên lạc với các cơ quan công cộng. Tiết giảm 99% chi phí, Digital Post là một điển hình cho tính hiệu quả về kinh tế của chính phủ điện tử. Trong những năm qua, một lượng lớn thư điện tử đã được chính quyền trung ương, vùng và thành phố gửi đến công dân, tạo gắn kết chặt chẽ, thân thiện và hiệu quả giữa chính quyền và người dân trong thực hiện các mục tiêu chung.

Linh Trang

TẠP CHÍ IN