Thứ Ba, 23/4/2024

"Dân vận khéo" là chính trị thấm sâu vào đời sống dân gian

Phóng viên: Thưa Giáo sư, ngay phần đầu tác phẩm “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày quan niệm tổng quát về Dân chủ. Xin giáo sư phân tích giá trị và ý nghĩa tư tưởng Dân chủ của Hồ Chí Minh trong mối quan hệ với Dân vận?

Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Đúng như vậy, mở đầu tác phẩm “Dân vận”, Hồ Chí Minh đã trình bày một quan niệm tổng quát về Dân chủ. Đây là cơ sở lý luận của công tác dân vận. Dân là gốc của nước, dân là chủ thể của mọi hoạt động sáng tạo ra lịch sử.

Tiền đề nhận thức về dân vận là dân chủ. Có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng. Người xác định một tiên đề rất có ý nghĩa là: “Nước ta là nước dân chủ”. Trong tiên đề này đã hàm chứa nhiều ý nghĩa, biểu đạt vấn đề cốt yếu. Đó là tính chất, bản chất của chế độ nhà nước ta, là đặc điểm nổi bật của chính thể nhà nước - một nhà nước dân chủ, một chế độ chính trị dân chủ. Nó quy định mô hình tổ chức quyền lực nhà nước, quyền lực xã hội của dân là dân chủ. Từ quan niệm này, Người đã xác định bản chất của dân chủ bằng một luận điểm cô đọng, ngắn gọn, hàm xúc nhất mà cũng điển hình và thực chất nhất. “Dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ”. Đó là một định nghĩa kinh điển được thể hiện một cách dung dị mà sâu sắc, không hàn lâm, bác học như vẫn thường thấy trong các học thuyết, lý thuyết xưa nay về dân chủ nhưng thực sự có tầm tư tưởng lớn, hiện đại, mới mẻ.

Người còn nói rõ tư tưởng này với một cắt nghĩa rằng, trong một nước dân chủ, một xã hội dân chủ thì nhân dân là người chủ. Dân đã là chủ thì từ chủ tịch nước đến những nhân viên thường trong bộ máy đều là người phục vụ dân, là đầy tớ, công bộc của dân.

Hơn nữa, dân đã là người chủ và làm chủ thì dân cũng phải có nghĩa vụ của người chủ, có trách nhiệm xây dựng và quản lý nhà nước của mình, chế độ do mình lập ra và xã hội do mình xây dựng. Một quan niệm như vậy đã gắn liền quyền với nghĩa vụ, quyền luôn bị ràng buộc bởi trách nhiệm, bổn phận.

Chủ kiến Hồ Chí Minh về dân chủ rất rõ ràng và thực sự có tính cách mạng. Khi xác định dân là chủ và dân làm chủ, Hồ Chí Minh làm sáng tỏ địa vị và hành động của dân - đó là chủ thể chủ động tích cực.

Người cũng hướng tới toàn thể số đông dân chúng trong xã hội có thực quyền và thực lợi, có trọng trách to lớn trong xây dựng nên chính quyền và đoàn thể. Vậy là, chỉ bằng một mệnh đề ngắn gọn như đã nêu, Hồ Chí Minh đã thực hiện một cuộc cách mạng cả về ý thức hệ lẫn thể chế, thiết chế quyền lực nhà nước và xã hội. Làm sáng tỏ vấn đề này là một hệ thống các luận điểm mà Người nêu lên với tính khẳng định hết sức rõ ràng và luôn nhấn mạnh nhất quán với vai trò chủ thể của dân, với nội dung cốt lõi của dân chủ là lợi ích và quyền hạn của dân.

Điều sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ còn ở chỗ, Người không chỉ nhấn mạnh vai trò của dân, lực lượng của dân, hoạt động sáng tạo của dân trong xây dựng chính quyền Nhà nước mà còn trong xây dựng Đảng (tổ chức đoàn thể - tức là Đảng trong bối cảnh Đảng đã rút vào hoạt động bí mật từ tháng 11/1945, đến Đại hội II, năm 1951 mới trở lại hoạt động công khai). Đoàn thể còn với nghĩa là các tổ chức của quần chúng mà ngày nay là những bộ phận hợp thành hệ thống chính trị.

Khi đề cập tới xây dựng, tổ chức, đổi mới, kháng chiến, kiến quốc…, Hồ Chí Minh đã nói tới cả một sự nghiệp mà trong sự nghiệp ấy, chính nhân dân là chủ thể - chủ thể tổ chức và chủ thể hành động.

Dân chủ luôn gắn liền trực tiếp với tổ chức quyền lực nhà nước trong xã hội mà chính nhân dân là chủ thể ủy quyền, trao quyền đồng thời kiểm soát việc thực hiện quyền. Bởi thế, Người không chỉ nói tới quyền hạn mà còn nhấn mạnh quyền hành từ phía người dân.

Nhà nước dân chủ, chế độ dân chủ, chính thể dân chủ đều phải đảm bảo thực hiện quyền và lợi ích của dân. Logic lý luận về nhà nước của dân, do dân, vì dân được thể hiện hết sức chặt chẽ từ hệ thống các luận đề dân chủ nêu trên của Hồ Chí Minh.

Xác định dân chủ là cơ sở lý luận của dân vận, Hồ Chí Minh không chỉ xem dân chủ là tiền đề của dân vận, nó chi phối, định hướng thái độ của người làm dân vận trong quan hệ đối với dân mà còn là điều kiện, nguyên tắc và mục đích của toàn bộ hoạt động dân vận. Nhất quán với quan niệm đó thì mọi việc, mọi lúc, mọi nơi trong hoạt động dân vận đều phải hướng tới dân, đều vì dân. Dân luôn luôn là chủ thể, cũng như con người là mục tiêu, động lực của phát triển.

Là nhà tư tưởng Mác xít sáng tạo, thấm nhuần sâu sắc nguyên lý căn bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử về vai trò quyết định lịch sử thuộc về quần chúng nhân dân nên với Hồ Chí Minh, dân chủ là sinh khí, là linh hồn của dân vận, là bản chất, mục đích mà cũng còn là động lực của dân vận.

Giá trị và ý nghĩa tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh trong mối quan hệ với dân vận không chỉ là chính trị - nhìn từ quan điểm, đường lối, chính sách mà còn là pháp lý, gắn liền với thể chế luật pháp và sâu xa hơn là văn hóa, nhất là văn hóa đạo đức trong thái độ ứng xử, hành xử với nhân dân, ở đó trọng dân đi liền với trọng pháp. Điều căn bản trong đặc trưng giá trị của dân chủ là pháp lý và nhân văn đã thấm nhuần trong tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Trên phương diện tư tưởng lý luận, Hồ Chí Minh đã “làm mới” nhận thức về dân vận, đồng thời, Người đã tập trung cho việc thực hành dân vận. Giáo sư có thể phân tích rõ hơn về sự thống nhất hữu cơ này?

Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Trong mục “Dân vận là gì?” (mục II của tác phẩm Dân vận), Người xác định: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không sót một người dân nào, góp thành lực lượng của toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc chính phủ và đoàn thể giao cho”. Trong quan niệm này, dân là đối tượng của vận động và cán bộ phụ trách dân vận là chủ thể. Chủ thể tác động vào đối tượng là xác lập và thực hiện một mối quan hệ, đó là quan hệ xã hội giữa con người với con người, giữa tổ chức với con người, với công việc. Dân là đối tượng để vận động nhưng là đối tượng - chủ thể vì xét về bản chất, vai trò, mục đích thì dân luôn luôn là người chủ của xã hội dân chủ. Đáng chú ý là, trong quan niệm trên đây, Hồ Chí Minh nêu rõ yêu cầu “không sót một người dân nào”, thấy khả năng của mỗi một người, gộp lại thành lực lượng của tất cả, từ “mỗi một người dân” đi đến “lực lượng của toàn dân”. Người lại làm rõ từ vận động đến thực hành mà người cán bộ phụ trách dân vận phải làm tốt những nhiệm vụ được chính phủ và đoàn thể giao cho.

 Trong nhận thức về công tác dân vận, Người đặt lên hàng đầu vai trò của dân, của từng người đến toàn thể dân tộc. Nhiệm vụ dân vận rất nặng nề mà cũng rất quan trọng, bởi chỗ không sót một người nào, tức là phải đi sâu vào quần chúng, làm chuyển động lực lượng của từng người và của tất cả mọi người.

Từ đó, Người chỉ rõ, nội dung, hình thức biểu hiện và yêu cầu đặt ra cho công tác dân vận. “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”. Đây chỉ là những phương tiện mang tính cổ động, tuyên truyền. Nó cũng cần thiết, quan trọng nhưng chưa đủ, chưa phải là mục đích cần đạt tới. Vậy dân vận phải làm những gì và như thế nào?

Theo Hồ Chí Minh, dân vận trước hết phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điều thứ hai là bất kỳ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Đoạn văn trên đây của Hồ Chí Minh cho thấy rõ nhiều điều về nhiệm vụ của cán bộ dân vận, từ tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu, lại phải làm cho dân tin, phải luôn xuất phát từ lợi ích của dân, phải tôn trọng dân, học dân, hỏi dân, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân thực hiện. Phải chú trọng tập hợp dân thành lực lượng, gây dựng thành phong trào, phải gắn liền việc triển khai các hoạt động với tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Phải chú trọng tính thiết thực, hiệu quả và chú trọng điều kiện, hoàn cảnh từng địa phương cho phù hợp.

 Chỉ một đoạn văn ngắn đó, Hồ Chí Minh đã làm một toát yếu những điều cơ bản trong giáo khoa về dân vận để giúp vào giáo dục, huấn luyện cán bộ. Đây là sự thống nhất hữu cơ giữa tư tưởng với phương pháp và phong cách dân vận của Người. Đó cũng là điều cốt yếu trong lý luận dân vận của Hồ Chí Minh. Ở đây có quan điểm thực tiễn, quan điểm “thân dân”, “trọng dân” cũng như phương pháp khoa học của Hồ Chí Minh trong hoạt động thực tiễn về dân vận.

Người cũng đòi hỏi cán bộ dân vận phải tận tâm và trách nhiệm, phải luôn luôn gần dân, phải hiểu dân, tin dân để làm tốt công tác dân vận. Đó cũng là quan điểm quần chúng của Hồ Chí Minh.

Phóng viên: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Công tác dân vận vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật đã được thể hiện trong chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Kết luận được nêu lên ở cuối tác phẩm “Dân vận” là lời khẳng định nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò và lực lượng của dân, về tầm quan trọng quyết định của công tác dân vận đối với thành bại của sự nghiệp cách mạng. Đó là chân lý được đúc kết từ thực tiễn. Cần hiểu thật đầy đủ và đúng đắn quan niệm của Người về “dân vận kém” và “dân vận khéo” trên cơ sở thấm nhuần rằng, dân vận vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật. Người nêu rõ, tiêu chí về sự hiểu biết (kiến thức và kinh nghiệm), về kỹ năng thực hành (vận dụng lý luận vào thực tiễn), về trình độ nắm vững phương pháp, về trách nhiệm đạo đức, về thái độ ứng xử với dân, tâm huyết với công việc, mục đích cao cả vì dân. Nói tóm lại, đó là một tổng hợp các giá trị văn hóa - văn hóa dân chủ, văn hóa dân vận.

Sự sâu sắc và tinh tế của Hồ Chí Minh trong công tác dân vận cần được nhận thức rõ. Dân vận kém là kém hiểu biết về dân, là hình thức, phù phiếm, là hành chính, mệnh lệnh, quan liêu xa dân, khinh dân, xem khinh dân vận. Đó không chỉ là kém về khoa học vận động quần chúng mà còn là yếu kém chính trị, thiếu vắng trách nhiệm, là yếu kém đạo đức trong cách cư xử, quan hệ với dân, dẫn tới hỏng việc, thất bại do không được lòng dân. Dân vận khéo phải trên cơ sở dân vận đúng, là thực hành công tác dân vận như một khoa học và nghệ thuật, là khoa học và nghệ thuật chính trị, là chính trị thấm sâu vào đời sống dân gian, “chính trị là đoàn kết và thanh khiết”, “một tấm gương sống còn giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”, “gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất”, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu để dân ủng hộ, dân giúp đỡ, dân bảo vệ. Đó là bí quyết của thành công.

“Dân vận”, qua những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh cho ta nhận ra khoa học và nghệ thuật của công tác vận động quần chúng. Đó cũng là những giá trị ở tầm văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, nhìn từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân, chính quyền, đoàn thể với nhân dân mà mục đích cao nhất là vì dân, phục vụ nhân dân như phục tùng một chân lý cao nhất, làm đầy tớ trung thành và công bộc tận tụy của dân là thực hành một lẽ sống cao thượng nhất như Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta. “Dân vận” thực sự mang tầm vóc và ý nghĩa của một Cương lĩnh vận động quần chúng làm cách mạng, có giá trị lâu dài, bền vững.

 “Dân vận” - một bài báo có dung lượng nhỏ, ta có thể đếm được từng câu, từng chữ, nhận rõ từng ý, từng lời nhưng lại thực sự là một tác phẩm lớn, thể hiện tầm cao tư tưởng, đạo đức cao đẹp và phong cách đặc sắc của Hồ Chí Minh - Lãnh tụ của Đảng, của dân, hình ảnh tinh hoa và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Phóng viên: Xin cảm ơn Giáo sư.

 

Phương Thủy

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN