Thứ Năm, 25/4/2024

Từ giá trị tác phẩm Dân vận của Bác Hồ gắn với công tác dân vận của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh

Cách đây tròn 70 năm, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật số ra ngày 15/10/1949. Bảy thập kỷ trôi qua, bài báo vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Bài báo của Người, chúng ta quen gọi là tác phẩm “Dân vận”, tuy dung lượng nhỏ, câu văn ngắn, lời mộc mạc, dễ hiểu nhưng chứa đựng tư tưởng lớn, tầm nhìn chiến lược, thể hiện rõ quan điểm, cách nhìn cũng như yêu cầu của Người về công tác dân vận. Chỉ với 612 chữ, tác phẩm đã đề cập và giải đáp những vấn đề rất cơ bản, cấp thiết của công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng của tổ chức đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể nhân dân.

Bằng cách tiếp cận trực quan, đi thẳng vào vấn đề, ngay mở đầu bài viết Người đưa ra nhận định, đánh giá về công tác dân vận “nói đã nhiều, bàn đã kỹ” nhưng vì “chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Chỉ bấy nhiêu chữ, người đọc đã hiểu rõ được lý do, mục đích của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết tác phẩm này.

Sức thuyết phục cao nhất của tác phẩm được thể hiện ngay từ đầu khi Người đề cập đến vấn đề dân chủ trước tiên trong một bài viết về dân vận “Nước ta là nước dân chủ”, vì đó là cái gốc, là điểm tựa, là điều kiện tiên quyết, vừa là động lực mà cũng là mục đích của dân vận và công tác dân vận. Chỉ với vài mệnh đề ngắn gọn, vấn đề lý luận phức tạp nhất về dân chủ được Người trình bày, đúc kết thật giản dị mà sâu sắc “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Và bằng cách trả lời các câu hỏi tự Người đặt ra “Dân vận là gì?”, “Ai phụ trách dân vận?”, “Dân vận phải thế nào?”, Người chỉ ra cho chúng ta thấy rõ quan điểm, nội dung và phương pháp dân vận một cách khoa học và giàu ý nghĩa thực tiễn. Người đã thẳng thắn phê bình những yếu kém, khuyết điểm thường mắc phải trong công tác dân vận. Đó là thái độ xem khinh việc dân vận, nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh, coi thường dân chúng, rơi vào hành chính, quan liêu, mệnh lệnh, thoát ly thực tế, xa dân. Sai lầm tai hại đó còn bộc lộ ở việc chọn người, do xem khinh dân vận nên thường cử những cán bộ kém phụ trách dân vận, không giúp đỡ, không kiểm tra đôn đốc, không phối hợp, không tự thấy trách nhiệm của mình trong công tác dân vận. Sự phê bình này của Người vẫn còn có ý nghĩa đến tận ngày nay, cái đích của đổi mới công tác dân vận không chỉ là đổi mới nhận thức, uốn nắn khuyết điểm sai lầm mà còn xác lập phương pháp, phong cách, yêu cầu mới trong công tác dân vận.

Người nhấn mạnh, những người phụ trách dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đây là một trong những điểm then chốt của đổi mới công tác dân vận, là yêu cầu đặt ra với cán bộ dân vận. Từ đó, có thể thấy, công tác dân vận là công tác hết sức quan trọng phải tiến hành vận động tất cả mỗi một người dân, không để sót một người dân nào; phương pháp dân vận là phương pháp khoa học, phong cách dân vận là ra sức thực hành dân chủ, chống quan liêu, xa dân, khinh dân. Điều cốt yếu trong công tác dân vận, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền chính là dân chủ, thực hành dân chủ trong Đảng, chính quyền, trong dân, trong cộng đồng xã hội càng đầy đủ, rộng rãi, thường xuyên và thực chất bao nhiêu thì càng đảm bảo cho chất lượng và hiệu quả của công tác dân vận bấy nhiêu.

Nay, tuy đã 70 năm nhưng đọc lại tác phẩm “Dân vận” của Bác, chúng ta thấy bài viết vẫn còn nguyên giá trị. Từ trong lịch sử, chúng ta có thể nhận ra ngay sau khi tác phẩm của Bác ra đời, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác vận động quần chúng của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên có những chuyển biến tích cực. Hạt nhân đoàn kết một lòng vì cách mạng đã trở thành sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn làm nên những chiến thắng vĩ đại, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. 

Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, theo tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là theo tác phẩm “Dân vận”, thành phố mang tên Người kính yêu tiếp tục kế thừa và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới,… thành các chính sách, phong trào hành động cách mạng cụ thể, thiết thực, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Trong hai năm gần đây, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện mạnh mẽ chủ đề “Năm dân vận chính quyền” và phong trào thi đua “Dân vận khéo”; qua đó, tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về công tác dân vận. Việc ban hành các quy định của địa phương, phát động các phong trào, cuộc vận động đều xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận của nhân dân.

Kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2019), 20 năm Ngày dân vận của cả nước (15/10/1999 - 15/10/2019), 10 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phát động (2009 - 2019), UBND thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai bình chọn, khen thưởng điển hình “Dân vận khéo” gắn với kế hoạch phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Ban Dân vận Thành ủy về phát động toàn hệ thống chính trị và nhân dân thành phố thực hiện hiệu quả nội dung 5 không: “Không để người nghèo, người yếu thế tụt hậu, bị bỏ quên”, “Không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”, “Không xả rác bừa bãi ra đường phố và kênh rạch”, “Không vi phạm luật giao thông đường bộ” và “Không tụ tập gây rối, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn nơi cư trú và trên đường phố”.

Hơn nữa, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố vì đây là thời cơ quan trọng, cơ hội thi đua nước rút hoàn thành kế hoạch 5 năm gia đoạn 2016 - 2020. Thành phố xác định chủ đề năm 2019 là “Năm đột phá thực hiện cải cách hành chính và Nghị quyết 54 của Quốc hội”. Do đó, hiệu quả của công tác dân vận chính quyền cũng chính là hiệu quả của việc triển khai thực hiện chủ đề năm.

Trong công tác cải cách hành chính, thành phố đã tập trung thực hiện đồng bộ 10 nhiệm vụ, giải pháp với yêu cầu xuyên suốt là đảm bảo nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến thật sự rõ nét trong công tác cải cách hành chính. Phát huy kết quả của đợt cao điểm thi đua về cải cách hành chính từ tháng 11/2018 đến tháng 01/2019, và tiếp tục phát động, duy trì phong trào thi đua xuyên suốt cả năm; chủ động phát hiện những gương điển hình, sáng tạo trong cải cách hành chính để nhân rộng tại từng địa phương và trên từng ngành và lĩnh vực. Cùng với đó, thành phố tiến hành ủy quyền 85 nội dung trên các lĩnh vực dự án, đô thị môi trường, kinh tế - ngân sách, nội vụ, văn hóa - xã hội,… thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố cho các sở, ngành, thủ trưởng các sở, ngành và UBND quận - huyện, Chủ tịch UBND quận - huyện nhằm tạo sự chủ động cho các sở, ngành, quận - huyện trong thực hiện nhiệm vụ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Thành phố cũng đang tập trung thực hiện Đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, đây cũng là cơ sở để đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Mục tiêu đặt ra trong năm 2019 là tăng tỷ lệ thủ tục hành chính qua mạng cấp độ 3, 4, trong đó đạt 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến cấp độ 4. Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới phương thức quản lý từ tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá, kiểm tra minh bạch và công khai; chủ động lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp với tinh thần cầu thị và đổi mới nhằm điều chỉnh, tháo gỡ mọi nút thắt, bất cập trong thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp hài lòng hơn.

Một trong những yếu tố then chốt trong công tác cải cách hành chính là con người, đặc biệt trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2019, thành phố đặc biệt chú trọng đến kỷ luật, kỷ cương công vụ và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính; mỗi cán bộ, công chức, viên chức từ chuyên viên đến lãnh đạo, trên mọi cương vị công tác đều phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, nêu cao tinh thần vượt qua khó khăn, đoàn kết, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, từ lời nói đến việc làm.

Tiêu chí đánh giá vai trò, trách nhiệm này dựa vào kết quả thực hiện các thủ tục hành chính ở từng cơ quan, đơn vị, cũng như yêu cầu phấn đấu tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn trên cổng thông tin một cửa điện tử của thành phố và tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp phải đạt trên 90%. Trường hợp giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính chậm trễ thì phải thực hiện thư xin lỗi kịp thời, đầy đủ. Ngoài việc xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cũng phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ. Thành phố xác định rõ rằng kết quả cải cách hành chính là cơ sở để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước các cấp.

Về việc triển khai các nội dung thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong gian qua, thành phố đã triển khai các đề án, nội dung theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra. Các cơ chế, chính sách ban hành đã góp phần sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức; khuyến khích, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; ban hành cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài tham gia đóng góp cho sự phát triển của thành phố; khuyến khích các cơ sở sản xuất giảm lượng nước thải xả ra môi trường; tiến độ thực hiện các dự án nhóm A và các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên 10 ha được đẩy nhanh hơn, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị; thực hiện cấp bù ngân sách để nâng cao sức khỏe, tầm vóc học sinh thông qua Đề án sữa học đường và giảm học phí đến mức tối thiểu để giảm khó khăn cho người dân.

Thành phố đã chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương để hoàn thiện đề án rà soát, sắp xếp lại và xử lý các nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố; đề án ứng vốn ngân sách thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 qua địa bàn thành phố; đề án mô hình cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thành phố. Tiến hành rà soát tất cả các lĩnh vực để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh các nghị định, chỉ đạo các bộ ngành điều chỉnh các thông tư theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho thành phố chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng các nội dung đặt hàng, mời gọi các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực để nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mới, phù hợp với đặc thù của một đô thị đặc biệt mà Nghị quyết 54 đã cho phép. Nhìn chung, việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội bước đầu đạt được những kết quả tích cực, việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành đã được tập trung ngay từ đầu năm 2019, là cơ sở quan trọng để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP từ 8,3% - 8,5%, tạo động lực để thúc đẩy thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong những năm tiếp theo.

Có thể nói, năm 2019 là năm có tính chất “nước rút”, có ý nghĩa rất quan trọng, kết quả thực hiện năm 2019, góp phần rất lớn vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Chưa đầy 03 tháng nữa là kết thúc năm 2019, nhiệm vụ đặt ra là rất khó khăn, rất nhiều thách thức. Và khi công việc càng khó khăn, càng thách thức thì càng cần phải huy động sức dân, cần đến tinh thần đoàn kết cả hệ thống chính trị. Chúng ta phải luôn ghi nhớ lời dặn của Bác trong tác phẩm Dân vận: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Do đó, cả hệ thống chính trị thành phố sẽ không ngừng nỗ lực quyết tâm, cùng sự đồng lòng, chung sức của tất cả các tầng lớp nhân dân đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 đề ra; tạo tiền đề quan trọng hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nguyễn Thành Phong
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN