Thứ Tư, 24/4/2024

Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bài báo Dân vận trong vận động phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới

Bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời cách đây 70 năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự đối với công tác dân vận, đối với cán bộ phụ trách dân vận của Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, trong mỗi giai đoạn cách mạng, Hội LHPN Việt Nam đều xác định các nội dung ưu tiên và trọng tâm, hàng năm xác định chủ đề để vận động phụ nữ, phát huy khả năng và thế mạnh của họ để đóng góp phong trào thi đua của đất nước, của địa phương, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Hội LHPN Việt Nam đã nghiên cứu, vận dụng tư tưởng về công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vận động phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo phát động cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” xuất phát từ thực tiễn phong trào phụ nữ và nhu cầu thiết thân của phụ nữ, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương.

Nhận thức phụ nữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng gia đình với tư cách là người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người, trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, Hội LHPN Việt Nam đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình theo các chuẩn mực “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Trong thực tiễn phong trào thi đua, có nhiều cách làm hay, mô hình điển hình được phát hiện, nhân rộng. Đặc biệt, từ mô hình Câu lạc bộ gia đình 5 không, 3 sạch ở An Giang, Trung ương Hội tiếp tục nghiên cứu, đúc kết thành cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2012 - 2017) và lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017 - 2022) để triển khai sâu, rộng trên toàn quốc.

Với những nội dung thiết thực, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” là trọng tâm để các cấp Hội vận động phụ nữ hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.  Các tiêu chí 5 không, 3 sạch trực tiếp góp phần thực hiện 11/19 tiêu chí nông thôn mới và các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.

Nội dung tiêu chí của cuộc vận động được lượng hóa bằng chỉ tiêu Nghị quyết và tiêu chí thi đua hàng năm, hướng tới sự chuyển biến tích cực trong cả nhận thức và hành động của hội viên, phụ nữ. Với tiêu chí “Hàng năm, mỗi cơ sở Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền thực hiện ít nhất một hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, từ nhu cầu tối thiểu của cuộc sống của mỗi gia đình, Hội Phụ nữ cơ sở đã đăng ký 14.000 phần việc/hoạt động xây dựng nông thôn mới, vận động phụ nữ thực hiện.

Trong quá trình chỉ đạo thực hiện cuộc vận động, Hội chú trọng nắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng của phụ nữ, tình hình thực tiễn để bổ sung, điều chỉnh nội dung và cách thức thực hiện. Từ năm 2017, Trung ương Hội điều chỉnh hướng dẫn thực hiện cuộc vận động theo hướng thống nhất giữ nguyên tên cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong toàn quốc, phân cấp cho Hội LHPN cấp tỉnh lựa chọn, quyết định nội dung “không”, “sạch” phù hợp, gắn với nhiệm vụ công tác Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương, với thực hiện nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, góp phần giải quyết được các nhu cầu cấp thiết của hội viên, phụ nữ, góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra ở địa phương.

Từ kết quả sau hơn 5 năm triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất đưa cuộc vận động vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Vận dụng tư tưởng về công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổ chức thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. 

Các cấp Hội quan tâm với việc làm mẫu, nêu gương, biểu dương điển hình. Từ thí điểm triển khai mô hình Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới tại 8 cụm thi đua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam rút kinh nghiệm, hướng dẫn thực hiện nhân rộng 40 tỉnh nhân rộng với 2.700 chi hội. Đây là mô hình thực hiện toàn diện các tiêu chí 5 không, 3 sạch gắn với tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, xác định các vấn đề ưu tiên để phụ nữ từng chi hội nòng cốt thực hiện có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ngành và nhân dân. Tiêu biểu như từ mô hình tổ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế được chỉ đạo điểm tại huyện Hải Hậu, Nam Định, đến nay đã được nhân rộng tới hơn 10 nghìn tổ/nhóm trong các tỉnh/thành cả nước với sự tham gia của trên 1,5 triệu phụ nữ, giúp phụ nữ và người thân có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Trong 10 năm qua, các cấp Hội đã phát hiện được nhiều gương tập thể và cá nhân phụ nữ điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là lao động nữ trực tiếp, phụ nữ làm kinh tế giỏi, phụ nữ có thành tích trong xây dựng nông thôn mới, hộ gia đình phụ nữ 5 không 3 sạch tiêu biểu, phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo, chức sắc, chức việc... Các gương điển hình đã được tuyên truyền trên nhiều kênh, tạo tính lan toả trong cộng đồng và xã hội. Nhiều hội nghị biểu dương, vinh danh các tập thể, cá nhân phụ nữ xuất sắc, tiêu biểu đã được tổ chức ở cấp Trung ương và địa phương.

Hội đề cao vai trò chủ thể, phát huy nội lực, tự nguyện tham gia của phụ nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, các cấp Hội tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thi đua sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng với các phong trào như “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, cùng các cuộc vận động lớn “Thực hành tiết kiệm theo gương Bác”, “Xây dựng mái ấm tình thương” được triển khai rộng khắp cả nước tạo nên nguồn nội lực to lớn hỗ trợ, giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ nghèo. Đến nay, các cấp Hội vận động trên 11 triệu phụ nữ tham gia tiết kiệm với dư nợ 8,6 nghìn tỷ đồng giúp nhau vốn sản xuất, kinh doanh, mua bảo hiểm y tế, xây dựng công trình vệ sinh; vận động xây dựng, sửa chữa 30.230 “mái ấm tình thương” cho hội viên và phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 874 tỷ đồng (từ năm 2012 đến tháng 6/2019).

Các cấp Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn giúp đỡ hội viên, phụ nữ thực hiện các tiêu chí cuộc vận động “xây dựng gia đình  5 không, 3 sạch” góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trong thực hiện tiêu chí “Không đói nghèo”, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, phát triển kinh tế được các cấp Hội gắn với vận động phụ nữ thực hiện các chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương và các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Cách thức hỗ trợ giảm nghèo chuyển đổi theo hướng xây dựng các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ nghèo, thành lập hợp tác xã/tổ hợp tác tại địa bàn các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135, gắn với địa chỉ được hỗ trợ trong Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương bước đầu đã mang lại hiệu quả; chuyển hướng từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, các hội viên được nhận hỗ trợ có cam kết thoát nghèo và tiếp tục hỗ trợ lại cho hội viên khác tương đương mức hỗ trợ được nhận ban đầu khi kinh tế phát triển.

Các cấp Hội hướng dẫn, kết nối, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với nhiều cách thức, phù hợp với nhu cầu từng đối tượng phụ nữ như: dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, đề xuất cơ chế, chính sách. Trung bình hàng năm, các cấp Hội đào tạo nghề và phối hợp đào tạo nghề cho trên 200 nghìn lao động nữ. Hiện nay, tín chấp cho phụ nữ vay vốn với tổng dư nợ là trên 96,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 50 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2009) cho trên 2,7 triệu hộ vay; đã hỗ trợ thành lập 538 hợp tác xã do phụ nữ quản lý và 5.956 tổ hợp tác/tổ liên kết. Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” sau 2 năm triển khai đã hỗ trợ trên 33 nghìn phụ nữ khởi sự kinh doanh, trong đó thành lập mới 510 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và 7.640 phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp được hỗ trợ vay vốn với số tiền 85,3 tỷ đồng. Đã có 13 tỉnh/thành có Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, cả nước có 31 Hội/Hiệp hội doanh nhân nữ với gần 6.000 hội viên là những nữ doanh nhân tiêu biểu, nòng cốt; 362 câu lạc bộ nữ doanh nhân với nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối phát triển kinh tế vùng nông thôn. Với cách thức hỗ trợ giảm nghèo đa dạng, ở các cấp độ khác nhau, trung bình hàng năm, gần 100 nghìn hộ nghèo được Hội giúp đã thoát nghèo.

Đối với các tiêu chí “Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” và “Không bạo lực gia đình”, Hội LHPN Việt Nam đẩy mạnh phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, thực hiện có hiệu quả các tiểu đề án; phổ biến kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; tăng cường phối hợp với ngành công an về quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội. Phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có nhiều đổi mới phù hợp với đối tượng phụ nữ nông thôn, dân tộc thiểu số, nữ công nhân nhà trọ. Nhiều cách làm hay sáng tạo của các cấp Hội đã phát huy trách nhiệm, quyền làm chủ của phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh trật tự, góp phần xây dựng quốc phòng toàn dân chống phá hoại, đẩy lùi các thế lực thù địch, mê tín dị đoan.

Thực hiện tiêu chí “Không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”, “Không vi phạm chính sách dân số”, các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động nhằm cung cấp kiến thức, phương pháp nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, đóng góp hiệu quả trong công tác dân số gia đình. Các mô hình câu lạc bộ về chăm sóc, nuôi dưỡng con tiếp tục được duy trì ở tất cả các tỉnh/thành, thu hút sự tham gia của các ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020” đến nay đã hỗ trợ phát triển 517 nhóm trẻ tại 20 tỉnh/thành, giúp nữ công nhân lao động từ nông thôn ra các khu công nghiệp giảm bớt khó khăn. Nhiều địa phương duy trì hoạt động khuyến học, vận động tặng học bổng cho học sinh nghèo để khuyến khích các em đến trường, gia đình hạnh phúc và nuôi dạy con tốt

Các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền hội viên, phụ nữ tham gia giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc, bảo vệ các di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình văn hóa, làng, ấp, khu phố văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, giảm dần thủ tục lạc hậu, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống tại địa phương.

Các tiêu chí “3 sạch” được nhiều địa phương lựa chọn ưu tiên thực hiện gắn với tiêu chí 17 về môi trường. Kết quả, đã có 51.653 km đường hoa, cây xanh được các cấp Hội thực hiện; từ 2010 đến nay, Hội đã vận động các nguồn lực hỗ trợ hơn 1,2 triệu hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn xây nhà tiêu hợp vệ sinh và công trình nước sạch. Các cấp Hội nhân rộng các mô hình hiệu quả phù hợp với từng địa phương như: “Đoạn đường phụ nữ xanh - sạch - đẹp”, “Tổ phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn”, “ Nhà sạch vườn đẹp”, “Sản xuất, chăn nuôi giỏi”,... Nhiều mô hình phụ nữ sản xuất, kinh doanh, giám sát an toàn thực phẩm  được duy trì.    

Từ những kết quả trên có thể khẳng định, Hội LHPN Việt Nam đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận để triển khai vận động phụ nữ thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của mỗi gia đình, phù hợp với khả năng và điều kiện của phụ nữ đã phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ đóng góp quan trọng vào thành công của phong trào thi đua, cuộc vận động, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cả về vật chất và tinh thần cho phụ nữ với tư cách là người trực tiếp thụ hưởng những thành quả tốt đẹp do nông thôn mới mang lại. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua của đất nước, của địa phương. Từ kết quả cụ thể của cuộc vận động đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, trở thành những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu ở nhiều cấp, ngành, địa phương trong cả nước.

Phát huy kết quả đạt được, để vận dụng tốt hơn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

Một là, định hướng, hướng dẫn các địa phương lựa chọn và triển khai các nội dung “5 không, 3 sạch” phù hợp với tình hình và yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Đối với các địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới: lựa chọn các nội dung nhằm góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới chưa đạt, duy trì các tiêu chí đã đạt. Đối với các địa phương đã đạt chuẩn và phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu: điều chỉnh nội dung tiêu chí phù hợp với chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền, vận động và khích lệ để phụ nữ và các hộ gia đình nhận thức được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 

Ba là, nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hiện các tiêu chí “5 không, 3 sạch” góp phần thực hiện tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.

Bốn là, nâng cao chất lượng mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”; nhân rộng các mô hình có hiệu quả về xây dựng nông thôn mới.

Năm là, giám sát, phản biện xã hội và đề xuất các chính sách đảm bảo bình đẳng giới, chính sách hỗ trợ và phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng kế hoạch/chính sách và tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới…

Hoàng Thị Ái Nhiên
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN