Thứ Sáu, 19/4/2024

Quảng Bình: Kết quả và bài học kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo"

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thực hiện Kế hoạch số 70-KH/BDVTW ngày 26/2/2009 của Ban Dân vận Trung ương về việc phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Phong trào thi đua đã thu hút sự tham gia sôi nổi của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực trong việc đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận nhằm phát huy cao nhất nguồn lực trong nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra.

Sau khi có Kế hoạch của Ban Dân vận Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 18/5/2009 về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đồng thời chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào thi đua với nội dung, quy trình, tiêu chí cụ thể, sát thực với từng địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và việc triển khai thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, các chương trình hành động về công tác dân vận thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Qua 10 năm triển khai, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được tổ chức qua 03 giai đoạn, cụ thể: giai đoạn 1 từ 2009 - 2010; giai đoạn 2 từ 2011 - 2015 và giai đoạn 3 từ 2016 - 2020. Trong mỗi giai đoạn, các cấp ủy đảng đều ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; phân công cấp ủy viên phụ trách, chỉ đạo phong trào; tổ chức lễ phát động, đăng ký xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, quan tâm chỉ đạo các mô hình điểm, từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng ra các địa phương, đơn vị; định kỳ hàng năm tổ chức xét, công nhận các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phát huy vai trò là cơ quan tham mưu trực tiếp công tác dân vận, thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Trong quá trình triển khai, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên chú trọng việc kiểm tra, giám sát, đưa kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” thành một trong những nội dung trọng tâm đánh giá công tác dân vận cuối năm của các địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết làm cơ sở cho tổng kết đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo từng giai đoạn. Qua sơ kết, tổng kết, các cấp ủy đảng đã kịp thời biểu dương, khen thưởng 608 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong đó có 56 mô hình cấp tỉnh, 552 mô hình, điển hình cấp huyện và cơ sở, tạo khí thế thi đua sôi nổi và sức lan tỏa của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các địa phương, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân, đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

Qua 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, toàn tỉnh có 9.256 mô hình, điển hình, trong đó có 5.916 mô hình tập thể, 3.340 điển hình cá nhân.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, có 1.161 mô hình tập thể và 1.003 điển hình cá nhân “Dân vận khéo”, tập trung các mô hình, điển hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất hàng hóa, tạo thương hiệu sản phẩm; phát triển ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp; cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; đa dạng hóa các loại hình du lịch, dịch vụ, góp phần thực hiện các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Tiêu biểu như mô hình phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng sản xuất hàng hóa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động của Hội Nông dân các cấp triển khai xây dựng được nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh; mô hình “Khéo trong vận động công nhân lao động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh” của Đảng bộ Công ty Điện lực Quảng Bình; mô hình “Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh sau sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo mô hình cổ phần hóa” của Đảng ủy Công ty Cổ phần Việt Trung. Điển hình có ông Phạm Văn Tam, thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) đã đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp có tổng doanh thu đạt trên 2,7 tỷ đồng/năm, thu lãi trên 500 triệu đồng/năm...

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, có 2.743 mô hình tập thể và 1.617 điển hình cá nhân “Dân vận khéo”, hướng trọng tâm phong trào vào thực hiện việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa - xã hội gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Các mô hình tiêu biểu như: “Tiếng kẻng khuyến học”, “Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học” của Hội Khuyến học các cấp; “Bữa cơm cho em”, “Nâng bước chân em đến trường” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Phòng Hậu cần (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh); “Bát cháo tình thương, tủ quần áo từ thiện” của Bệnh viên Đa khoa huyện Tuyên Hóa; “Xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố” ở Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lương Ninh (Quảng Ninh)... Điển hình có Đại úy Ngô Thanh Hà - Y sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo với mô hình “Chiến sỹ quân hàm xanh vì sức khỏe cộng đồng” đã hết lòng chăm sóc, điều trị sức khỏe đồng bào dân tộc Chứt ở bản Bãi Dinh, Dân Hóa (Minh Hóa), đồng thời tích cực tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng, tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 1.257 mô hình tập thể và 478 điển hình cá nhân “Dân vận khéo”, tập trung vào việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tiêu biểu như mô hình “Trường học an toàn về an ninh trật tự” của Công an tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo được xây dựng và nhân rộng ở tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến nay; mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” được xây dựng điểm từ xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch đã nhân rộng ra các địa bàn có đồng bào theo đạo Công giáo trên toàn tỉnh; mô hình “1+2 liên gia tự quản” của Hội Cựu chiến binh các cấp giao cho một hộ gia đình Cựu chiến binh đảm nhiệm vận động 02 hộ dân liền kề trong đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn... Về điển hình tiêu biểu như đồng chí trung tá Đậu Sỹ Hùng - Phó Đội trưởng Công an huyện Tuyên Hóa, đồng chí đại úy Hoàng Bảo An - Đội trưởng Phòng An ninh đối nội, đồng chí trung tá Lê Văn Thành - Đội trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, đồng chí đại tá Nguyễn Văn Minh, Phó Trưởng Công an thành phố Đồng Hới… với những giải pháp sáng tạo, phương thức khéo léo đã trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các mô hình đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương, cơ quan đơn vị.

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, có 755 mô hình tập thể và 242 điển hình cá nhân “Dân vận khéo”, tập trung xây dựng các mô hình, điển hình về tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tham gia xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp vững mạnh, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiêu biểu là mô hình “Nâng cao hiệu quả tiếp dân” của Thường trực Hội đồng nhân dân và các ban của Hội đồng nhân dân huyện Quảng Trạch; mô hình “Trọng dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với dân” của Đảng ủy xã Trọng Hóa (Minh Hóa); mô hình “Vận động thành lập tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân” của Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố; mô hình “Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, vì nhân dân phục vụ” của lực lượng công an các cấp… Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, Ban Dân vận các cấp đã tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng và nhân rộng mô hình chính quyền làm tốt công tác dân vận, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát huy tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện công vụ, nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực sự phát huy hiệu quả thiết thực, động viên, khuyến khích các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy tiềm năng, sáng tạo xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình, điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh. Từ hiệu quả và sức lan tỏa của phong trào đã khẳng định thi đua “Dân vận khéo” là giải pháp trọng tâm để đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay. 

Qua 10 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý, đó là:

Một là, thường xuyên quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, nội dung của việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xem đây là giải pháp quan trọng nhằm đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị, là kết quả để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, địa phương, đơn vị.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự phối hợp thống nhất, đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị trong quá trình triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cụ thể: cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, các đoàn thể tuyên truyền, vận động, phối hợp triển khai thực hiện, trong đó công tác “Dân vận khéo” của chính quyền, các cơ quan nhà nước là trọng tâm để giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức thiết liên quan đến lợi ích chính đáng của nhân dân.

Ba là, chú trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết đánh giá thực tiễn để từng bước hoàn thiện nội dung, tiêu chí, quy trình, quy định thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đảm bảo tính khoa học, nghệ thuật, hiệu quả. Trong đó, xác định việc xây dựng các mô hình, điển hình là nội dung trọng tâm để có các giải pháp hiệu quả xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, tạo sức lan tỏa và tính bền vững trong thực hiện phong trào thi đua.

Bốn là, tập trung chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là đội ngũ trực tiếp phụ trách chỉ đạo, tham mưu công tác dân vận, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo công tác tham mưu cho cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng đạt chất lượng, hiệu quả.

Năm là, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng góp phần đưa phong trào thi đua phát triển ngày càng sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực.

Nguyễn Công Huấn
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN