Thứ Sáu, 19/4/2024
Lan tỏa phong trào thanh niên khởi nghiệp ở Bến Tre
 
Chế tác sản phẩm từ gáo dừa tại Công ty TNHH Tùng Phát Vina


Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Ba năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bến Tre đã đẩy mạnh việc vận động, huy động vốn từ nhiều nguồn nhằm hỗ trợ, đồng hành với thanh niên khởi nghiệp. Năm 2016, Tỉnh đoàn Bến Tre hỗ trợ cho thanh niên Huỳnh Thanh Tâm, sinh năm 1986, ở huyện Châu Thành 100 triệu đồng để khởi nghiệp bằng hình thức vay vốn không lãi suất. Nhờ nguồn vốn này, dự án khởi nghiệp "Dừa Phú Quý Bến Tre" của anh Tâm được thực hiện.

Ban đầu, Tâm chỉ sản xuất dừa hình hồ lô, dừa khắc chữ "phú quý", "tài", "lộc", "chúc mừng năm mới"... để phục vụ thị trường vào dịp Tết Nguyên đán. Sau thời gian nghiên cứu thị trường anh sản xuất thêm sản phẩm bưởi da xanh với những hình thù độc đáo như: thỏi vàng, đồng tiền, hồ lô... Anh Tâm cho biết: "Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 1.500 sản phẩm từ dừa và bưởi cung ứng cho thị trường vào dịp Tết. Gần đây, nhiều đơn vị đến đặt hàng mua số lượng lớn để cung ứng thị trường khắp cả nước. Từ nguồn vốn được hỗ trợ ban đầu, đến nay tôi đã trả gần hết nợ và tích lũy vốn để tiếp tục phát triển dự án của mình".

Năm 2017, anh Trần Phúc Hậu, sinh năm 1988, ở thị trấn Bình Ðại, huyện Bình Ðại tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp cấp tỉnh lần thứ nhất do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bến Tre tổ chức với dự án sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh. Dự án được đánh giá cao và giành Giải nhất. Anh Hậu phấn khởi kể: "Chính cuộc thi khởi nghiệp đã giúp tôi tự tin, mạnh dạn, quỹ đầu tư khởi nghiệp đã hỗ trợ tôi vay với tổng số vốn 250 triệu đồng (lãi suất 10%/năm, doanh nghiệp đóng 4%/năm, còn lại được hỗ trợ) cho nên đã thành lập công ty, phát triển sản phẩm, tìm kiếm thị trường...". Từ thành công ban đầu, anh Hậu thuê đất mở rộng nhà xưởng, phát triển sản xuất. Sắp tới, doanh nhân trẻ này dự định sản xuất thêm các dòng sản phẩm thảo dược từ thiên nhiên phục vụ nuôi tôm để dần thay thế thuốc kháng sinh nhằm sản xuất tôm sạch.

Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre Hà Quốc Cường cho biết: Tại Ðại hội Ðoàn tỉnh Bến Tre lần thứ 10 vừa qua, Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh đã trao tượng trưng hỗ trợ 10 tỷ đồng cho thanh niên Bến Tre khởi nghiệp; trao vốn cho tám dự án, hai ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên với tổng kinh phí 90 triệu đồng. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng phối hợp các đơn vị tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, tọa đàm... cho đoàn viên, thanh niên. Từ năm 2017 đến 2019, chúng tôi đã tổ chức phát động ba cuộc thi tìm kiếm dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Kết quả có 388 dự án, ý tưởng tham gia cuộc thi, qua đó, đã tạo môi trường thuận lợi để nhiều doanh nghiệp kết nối, kêu gọi vốn thành công để mở rộng quy mô sản xuất, tạo dựng được những thành công bước đầu.

Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và Tư vấn khởi nghiệp tỉnh Bến Tre Lê Xuân Vinh nhận định, trong thời gian qua, công tác tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp được tập trung, triển khai sâu rộng đến cơ sở; bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Hội đồng tư vấn khởi nghiệp rất quan tâm việc phát hiện, ươm tạo ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Hằng năm, tỉnh tổ chức Hội thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp hai cấp huyện và tỉnh. Sau các hội thi, Hội đồng tư vấn chọn những dự án khả thi, tiếp tục hỗ trợ để hoàn thiện, kết nối với các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah 1 (Chi nhánh Bến Tre) ươm tạo…

Khởi nghiệp thành công, tạo việc làm cho nhiều lao động

Các dự án khởi nghiệp thành công không chỉ giúp các thanh niên dám nghĩ, dám làm có cơ hội làm giàu chính đáng mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Sau khi tốt nghiệp đại học, vợ chồng anh chị Lê Trọng Hiếu và Lê Thị Huế My (ở huyện Giồng Trôm) làm thuê cho nhà máy chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng từ dừa. Khi đủ kinh nghiệm, hai vợ chồng quyết tâm khởi nghiệp bằng việc thành lập Công ty TNHH Tùng Phát Vina. Năm 2017, chị My cùng chồng tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp với dự án chế tạo máy chạm gỗ CNC (tự động hóa), máy tiện gỗ CNC, máy cắt la-de và cung cấp lắp đặt tự động. Dự án đạt giải cao, được hỗ trợ về thủ tục hành chính, vay vốn để phát triển doanh nghiệp... Chị My cho biết: "Công ty sản xuất, kinh doanh hai mặt hàng chính là chế tạo máy công cụ tạo hình gỗ, kim loại CNC và sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ dừa, gáo dừa". Hiện tại, các loại máy móc tự động này đã cung ứng cho thị trường khắp nơi trong cả nước. Ðồng thời, công ty còn liên kết với các hộ dân để thu mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dừa, gáo dừa, giỏ trồng hoa kiểng bằng dừa. Hiện tại, công ty tạo việc làm cho 10 lao động tại chỗ và hàng chục lao động tại các địa phương theo hình thức gia công với thu nhập khá ổn định.

Năm 2016, chị Lê Thị Trúc Mai, Giám đốc Công ty TNHH Dừa Nướng Ba Ðốt (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) mạnh dạn khởi nghiệp với sản phẩm dừa nướng ba đốt (dừa xiêm, dừa dứa tươi qua ba công đoạn đốt - PV) là một đặc sản của địa phương. Từ chỗ phát miễn phí cho khách du lịch dùng thử, doanh nghiệp trẻ này đã nhận được nhiều đơn hàng ở các khu du lịch, điểm vui chơi khắp các tỉnh và xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Giá trị quả dừa xiêm, dừa dứa cũng 
tăng lên gần năm lần và tạo việc làm ổn định cho 20 lao động ở địa phương. Doanh nghiệp đang liên kết với 30 hộ dân trồng dừa để thu mua sản phẩm dừa tươi với giá ổn định, cao hơn 30% so với giá thị trường.

Ðồng chí Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre cho biết: Qua ba năm triển khai thực hiện Chương trình số 10, hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh cơ bản được hình thành, phát huy hiệu quả hoạt động; môi trường đầu tư kinh doanh luôn được quan tâm cải thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp, hộ cá thể, kinh tế tập thể… Qua ba năm, đã thành lập 1.696 doanh nghiệp, trong đó có 243 doanh nghiệp khởi nghiệp. Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã tiếp nhận, hỗ trợ 369 ý tưởng/dự án; kết nối và tạo điều kiện cho 1.554 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận tín dụng với tổng vốn hơn 1.700 tỷ đồng; tổ chức 687 lớp cho 36.807 học viên để đào tạo, nâng cao năng lực về khởi nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã... Công tác truyền thông góp phần đưa hoạt động Chương trình đi vào thực chất, hun đúc tinh thần khởi nghiệp của mọi tầng lớp nhân dân, lôi cuốn sự tham gia của cả hệ thống chính trị...

Tuy nhiên, theo Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như: hoạt động của các ban thuộc Hội đồng tư vấn chưa đồng đều, một số địa phương chưa chủ động tổ chức thực hiện; thanh niên vẫn còn tâm lý an phận, e ngại mở rộng dự án; tập trung nhiều vào sản xuất mà chưa chú ý đến mẫu mã, quảng bá, phát triển và xây dựng thương hiệu; chưa có môi trường thật sự thuận lợi để thanh niên tiếp cận, học hỏi, trải nghiệm và cơ chế thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các dự án khởi nghiệp của thanh niên có hàm lượng công nghệ chưa nhiều, năng lực cạnh tranh còn thấp...

Thời gian tới, Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng và hỗ trợ ngay từ khi hình thành ý tưởng, dự án khởi nghiệp, nhất là nhân tố khởi nghiệp mới trong thanh niên. Ðồng thời, tích cực tháo gỡ các "điểm nghẽn", củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh; thực hiện tốt công tác kết nối, bảo lãnh cho dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn từ ngân hàng, các nhà đầu tư; ban hành chính sách khuyến khích và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp mới, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi mô hình kinh doanh... để nâng cao hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh liên kết, hợp tác nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất