Thứ Sáu, 29/11/2024
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp
 
Các đồng chí chủ trì Hội nghị 


Các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, HTX; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thường trực Liên minh HTX Việt Nam cùng 350 đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương; Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy và một số sở của 24 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước; đại diện 1 số tổ chức quốc tế tại Việt Nam...

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, đến cuối năm 2018, cả nước có 64.081 tổ hợp tác, 8.744 HTX, 21 liên minh HTX phi nông nghiệp, tăng hơn 02 lần năm 2003 và chiếm tỷ trọng 39% tổng số HTX trong nền kinh tế.

Số thành viên của HTX phi nông nghiệp, đến hết năm 2018 có 3,1 triệu thành viên (chủ yếu là đại diện hộ gia đình), chiếm 44,3% tổng số thành viên của khu vực HTX; trong đó, HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có 158.000 thành viên, tăng gần 10 lần so với năm 2003; Vốn điều lệ của HTX phi nông nghiệp trong giai đoạn 2003 - 2018 tăng 5,2 lần, từ 3.255 tỷ đồng lên 18.402 tỷ đồng.

HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cuối năm 2018 có 2.319 HTX, chiếm 26,5% tổng số HTX phi nông nghiệp, tăng gần 02 lần năm 2003; HTX xây dựng, cuối năm 2018 có 948 HTX (chiếm 10,8%), tăng gần 02 lần so với năm 2003; HTX thương mại, cuối năm 2018 có 1.944 HTX (chiếm 22,2%), tăng gần 02 lần so với năm 2003; HTX giao thông vận tải, cuối năm 2018 có 1.406 HTX (chiếm 16%), tăng 31% so với cuối năm 2003; HTX môi trường, cuối năm 2018 có 488 HTX (chiếm 5,6%), tăng 16 lần so với cuối năm 2004; Các HTX dịch vụ (du lịch, điện, nước, nhà ở, y tế, giáo dục) cuối năm 2018 là 456 HTX (chiếm 5,2%).

Phần lớn HTX phi nông nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đạt tỷ lệ 50%-83% tổng số HTX trong từng loại hình, cao hơn so với HTX nông nghiệp. Doanh thu và lãi bình quân của 01 HTX phi nông nghiệp tăng qua từng năm; năm 2018, bình quân 01 HTX có doanh thu 8,5 tỷ đồng và lãi 0,48 tỷ đồng, tăng từ 02-05 lần so với năm 2003…

Tổ chức sản xuất của HTX phi nông nghiệp tương đối đa dạng, linh hoạt, sản xuất tập trung kết hợp với phân tán, HTX cung ứng phần lớn dịch vụ đầu vào và toàn bộ đầu ra cho thành viên (đây là điểm khác so với HTX nông nghiệp): HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thiết kế sản phẩm, đầu tư công nghệ, nhà máy, cung ứng vật tư đầu vào, áp dụng công nghệ, ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; HTX xây dựng tìm kiếm các hợp đồng nhận thầu, đầu tư máy móc thiết bị và tổ chức thi công như mô hình doanh nghiệp; HTX thương mại góp vốn đầu tư cửa hàng, cơ sở sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, xây dựng thương hiệu; HTX vận tải đường bộ làm các dịch vụ đăng ký tuyến đường, xin giấy phép, đăng kiểm phương tiện, cung ứng xăng dầu, bảo hiểm, xử lý sự cố; HTX du lịch cùng nhau xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch, thông tin thị trường, chỉ dẫn địa lý, hợp tác cung ứng dịch vụ du lịch cho các tour, homestay...

Nhiều mô hình kinh tế tập thể trong khu vực phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả như: Mô hình sản xuất tập trung, đầu tư đổi mới, nâng cấp công nghệ, trang thiết bị hiện đại, mở rộng mặt hàng và hiện đại hóa sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên và HTX...

Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, một số cơ quan chức năng, bộ, ngành và địa phương chưa được quan tâm đúng mức đến kinh tế tập thể. Nhận thức của nhiều cán bộ, người dân, kể cả cán bộ trực tiếp công tác phát triển kinh tế tập thể và thành viên HTX về bản chất, nguyên tắc, chủ trương, chính sách và pháp luật về HTX còn hạn chế. Các chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ cho kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp chưa được chú trọng…. 

Hệ quả là số lượng các loại hình tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp còn thấp so với nhu cầu và tiềm năng liên kết, hợp tác, phát triển trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Phần lớn HTX có qui mô nhỏ, siêu nhỏ, nhiều HTX yếu về năng lực tài chính, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, năng lực quản trị hạn chế, chưa minh bạch về vốn góp và tài chính; chưa có HTX và Liên minh HTX cấp tỉnh, vùng để liên kết các HTX với nhau theo chuỗi giá trị...

Do đó, Liên minh HTX kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành cần nhanh chóng sửa đổi Luật HTX năm 2012; ban hành chiến lược phát triển kinh tế tập thể thời kỳ 2021-2030 và đồng bộ khung khổ pháp luật về kinh tế tập thể. Đồng thời, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở các bộ quản lý chuyên ngành; sửa đổi qui định thông tin, báo cáo. Bên cạnh đó, bố trí ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX được ghi thành khoản mục riêng trong Dự toán ngân sách Nhà nước…

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong phát triển của kinh tế tập thể và HTX nói chung, lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng.

 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị


Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đây là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm các bộ, ngành, địa phương đang chuẩn bị tổng kết 15 năm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” để góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý, pháp huy vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới...

Phó Thủ tướng cũng biểu dương kinh tế tập thể sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW đã có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Điều này góp phần khẳng định Nghị quyết 13-NQ/TW là một chủ trương đúng đắn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, giúp các hợp tác xã thoát khỏi tình trạng yếu kém.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, kinh tế tập thể, HTX nói chung và HTX phi nông nghiệp nói riêng vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng và cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục những tồn tại, hạn chế vượt qua thách thức.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế và đạt được các mục tiêu đặt ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cần phải tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới. Theo đó, khu vực kinh tế tập thể cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về phát triển kinh tế tập thể; hàng năm tổ chức tiếp xúc giữa chính quyền với các HTX phi nông nghiệp để đánh giá hiệu quả hoạt động, nắm bắt khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX, tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán trong quản lý nhà nước…

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển HTX phi nông nghiệp mà địa phương có tiềm năng, lợi thế; ưu tiên thực hiện hiệu quả một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho HTX lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển. Đặc biệt, các sở, ngành phải thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp để có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các HTX…

Mục tiêu phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp đến năm 2030:

* Số lượng các loại hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng trưởng từ 8% - 15%/năm. Đến năm 2025 cả nước có 130.000 THT, 15.000 HTX và LHHTX, thu hút 5 triệu thành viên và tạo việc làm cho 3 triệu lao động thường xuyên. Đến 2030 có 260.000 THT; 25.000 HTX và LHHTX; thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 4,5 triệu lao động thường xuyên.

* Phấn đấu 100% cán bộ quản trị điều hành HTX được đào tạo và có năng lực quản trị, các thành viên và người lao động được phổ biến kiến thức và đào tạo nghề; vốn điều lệ và tổng tài sản tăng bình quân 10%/năm; tốc độ đổi mới công nghệ bình quân là 20%/năm.

* Đưa tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả từ 80% trở lên.


(dangcongsan.vn, 30/09/2019, 16:14)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất