Thứ Bảy, 11/1/2025
Điểm tựa bình yên cho phụ nữ và trẻ em

Tuyên truyền về việc kết hôn đúng tuổi cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên 

 

Hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực

Trò chuyện với chúng tôi, chị Ngụy Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang cho biết: “Hội luôn duy trì, xây dựng và phát huy hiệu quả nhiều mô hình, chăm lo, bảo vệ phụ nữ yếu thế, trẻ em gái; phối hợp rà soát, giúp đỡ nữ phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, phụ nữ có nguy cơ vi phạm đạo đức, pháp luật. Trong đó, đặc biệt chú trọng ngăn chặn trình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em, giúp đỡ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng”.

Men theo con đường nhỏ vào một ngày trời mưa, chúng tôi đến thăm chị Nguyễn Thị B. ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, người phụ nữ sau hơn 28 năm bị lừa bán nơi xứ người đã được về đoàn tụ với gia đình. Tuy đã hơn 50 tuổi, nhưng chị lại gặp khó khăn trong giao tiếp, nhận thức ngây ngô như một người chưa trưởng thành. Trong sự xúc động, vui mừng được đoàn tụ thì những giọt nước mắt của người thân trong gia đình chị B. lại rơi xuống thương xót, lo lắng cho cuộc sống sau này của chị. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nguyễn Thị Chiện chia sẻ: “Mua bán người gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của nạn nhân. Có những phụ nữ và trẻ em gái may mắn trốn thoát hoặc được giải cứu nhưng khi trở về, họ lại rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc mắc một số chứng bệnh gây ra bởi sự sợ hãi và những đau khổ mà họ trải qua. Chúng tôi đã giúp đỡ tiền mặt, một số vật dụng sinh hoạt cá nhân; kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ xây nhà mái ấm tình thương. Với trường hợp chị B., chúng tôi giới thiệu công việc để chị có thu nhập trang trải cho cuộc sống”.

Nhằm giúp đỡ phụ nữ bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, Hội Phụ nữ xã Đoan Bái (huyện Hiệp Hòa) đã thành lập nhóm “Phụ nữ tự lực bình minh xanh”, hỗ trợ 10 phụ nữ yếu thế là nạn nhân của nạn buôn người đã có may mắn trở về, động viên các chị em vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hỗ trợ vay vốn tạo sinh kế, hướng dẫn, tư vấn pháp luật cho các chị làm thủ tục đăng ký khai sinh cho các con. Đồng thời, phối hợp nhóm có nguy cơ cao bị lừa bán ra nước ngoài tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền kiến thức phòng, chống tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự kỳ thị phân biệt đối xử với những nạn nhân mua bán người khiến họ khó hòa nhập lại với cộng đồng dù đã trở về quê hương. Nhiều người không có được sự hỗ trợ mà còn phải đối mặt với sự ghẻ lạnh của chính người thân trong gia đình, điều tiếng xã hội, dư luận xóm giềng đã khiến cho họ cảm thấy mặc cảm, tự ti. Hay khi tìm được cơ hội làm lại cuộc đời với hạnh phúc mới, thì gia đình chồng vẫn không chấp nhận khi biết quá khứ của người vợ. Có chị khi trở về bị chồng hiểu lầm, không cho sống chung, hoặc chồng đã có cuộc sống riêng. Chủ tịch Hội LHPN xã Đoan Bái Mẫn Thị Lương nhấn mạnh: “Các gia đình có phụ nữ và trẻ em bị mua bán được Hội phụ nữ tư vấn cách thức, kỹ năng chăm lo, ổn định tinh thần cho các nạn nhân trước khi đón họ trở về cũng như trong thời gian đầu khi mới về. Bước đầu, những người trong gia đình có cái nhìn bao dung, thấu hiểu hơn cho nạn nhân, hạn chế nhắc đến những tổn thương mà những người phụ nữ, trẻ em gái đã phải chịu đựng”.

Tại tỉnh Điện Biên, phần lớn hội viên phụ nữ (hơn 70%) là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhiều người còn nhận thức hạn chế, chịu nhiều gánh nặng do hủ tục, tập quán…, dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và nguy cơ bị xâm hại, bạo lực. Thống kê đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 3.062 trường hợp tảo hôn, 94 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, chủ yếu ở các huyện: Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé… Để bảo vệ hội viên, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái không bị xâm hại, bạo lực và không kết hôn sớm, kết hôn với người cận huyết, những năm qua, Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ các địa phương thành lập, duy trì nhiều mô hình như: Câu lạc bộ “Tư vấn tiền hôn nhân” tại xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa; mô hình “Nâng cao nhận thức, giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống” ở xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ; mô hình cam kết “Thay đổi nhận thức nhằm giảm thiểu tự tử bằng lá ngón” tại xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông…

Từ tháng 12-2017, Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã chủ động phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Điện Biên thí điểm triển khai mô hình “Nhà tạm lánh cộng đồng”, tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Mô hình có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo UBND xã là trưởng ban, các thành viên trong Ban quản lý là cán bộ y tế, công an xã, hội phụ nữ, công chức xã. Nói về hoạt động của Nhà tạm lánh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Yên Lò Thị Út, cho biết: Nhà tạm lánh được đặt gần nhà làm việc trong trụ sở UBND xã, trang bị đầy đủ giường, tủ, ti-vi, đồ dùng cá nhân. Từ khi mô hình đi vào hoạt động, có gần chục người trong xã tìm đến tạm lánh, trong đó có trường hợp của chị Lò Thị L., khá đặc biệt. Chồng chị L. là đối tượng nghiện ma túy hơn 10 năm, mỗi lần lên cơn nghiện, xin tiền vợ không cho thì đánh cả vợ và con. Biết được việc đó, các thành viên trong Ban Quản lý đã khuyên chị L. ra nhà tạm lánh của xã ở một thời gian, nhằm động viên, chia sẻ kiến thức bảo vệ cho bản thân; đồng thời đến nhà chị tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình để chồng chị L. nhận thức hành động sai trái với vợ và các con. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả của mô hình, chị L. được bảo vệ an toàn, bản thân chị đã chủ động nói lên ý kiến, không cam chịu bị những trận đòn roi như trước. Từ hiệu quả mô hình Nhà tạm lánh, Hội Phụ nữ xã Thanh Yên đã thành lập thêm năm Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình tại các thôn, bản, nhờ đó, hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp bạo lực gia đình có thể xảy ra.

Từ năm 2011 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên đã làm rõ 182 nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc. Nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS thuộc các huyện: Tủa Chùa, Mường Chà, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ. Lợi dụng sự cả tin của phụ nữ vùng cao, các đối tượng sử dụng một số thủ đoạn: rủ đi chơi, tìm việc làm có thu nhập cao hoặc giả vờ yêu đương rủ về nhà ra mắt gia đình sau đó lừa nạn nhân đi khỏi địa bàn rồi tìm cách đưa qua biên giới theo đường tiểu ngạch và bán cho các đối tượng người Trung Quốc. Tại huyện Tủa Chùa - một trong những địa bàn có nhiều phụ nữ, trẻ em gái người DTTS (chủ yếu dân tộc Thái, Mông) vắng mặt trên địa bàn hoặc là nạn nhân của tội phạm mua bán người, hằng năm, Hội LHPN huyện và Công an huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các đợt truyền thông phòng, chống mua bán người ở cơ sở. Hội LHPN huyện và chương trình phát triển vùng Tủa Chùa cũng thường xuyên hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống bằng việc thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, hỗ trợ vật nuôi: bò, dê… Là người tham gia nhiều chương trình truyền thông về phòng, chống mua bán người ở cơ sở, đồng chí Cứ A Vảng, Phó Chủ tịch UBND xã Sính Phình, chia sẻ: “Tôi thường xuyên tuyên truyền về cách thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, để người dân chủ động phòng tránh; mạnh dạn báo cáo, tố giác tội phạm, nhất là các đối tượng lợi dụng thăm thân để lôi kéo, dụ dỗ chị em qua biên giới…”.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp hội

Có thể thấy, hệ thống tổ chức Hội phụ nữ rộng khắp đến tận thôn, bản, làng là điều kiện thuận lợi và là điểm mạnh để các cấp Hội thực hiện hiệu quả chức năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em từ cấp cơ sở. Hội LHPN các tỉnh thuộc Cụm thi đua khu vực Tây Nam Bộ đã xây dựng nhiều mô hình để chia sẻ, hỗ trợ các gia đình nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng, như: “Gia đình an toàn và hạnh phúc”, “Xóm, ấp an toàn, thân thiện với phụ nữ” (Đồng Tháp); “Gia đình không có trẻ em đuối nước” (Vĩnh Long); “Bốn quản”, “Liên gia tự phòng, tự quản, vừa là hội viên vừa là an ninh viên” (Long An)… Với 474 mô hình, có hơn 9.000 thành viên tham gia, các mô hình đang hoạt động hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao, góp phần phòng ngừa, giảm tình trạng xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Mặc dù vậy, các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em đang có xu hướng tăng những năm gần đây với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với các tỉnh, thành phố về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã cho thấy: Từ năm 2015 đến tháng 6-2019, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra 170 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó hầu hết đều bị xâm hại tình dục, có một trẻ bị mua bán và một trẻ bị bỏ rơi; tại tỉnh Phú Thọ, có 112 trẻ em bị xâm hại, có 97% số vụ án trẻ em bị xâm hại là đối tượng quen biết với nạn nhân; tại tỉnh Đác Lắc xảy ra 279 vụ trẻ em bị xâm hại, nhiều vụ việc để lại tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời; không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết, cho nên bị xâm hại cả về thể chất và tinh thần. Có thể nói, điều mà mỗi đứa trẻ cần nhất chính là sự bảo vệ từ phía gia đình và xã hội. Cha mẹ trang bị cho con hành trang của cuộc sống đời thường thông qua trò chuyện, tâm sự thường xuyên. Từ đó, trẻ thấu hiểu, bảo vệ mình và biết lên tiếng nhằm thoát khỏi vấn nạn đang nhức nhối này.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết: “Riêng năm 2018, các cấp Hội phụ nữ đã tiếp nhận và xử lý 5.011 đơn thư có nội dung chủ yếu liên quan xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, chia tài sản khi ly hôn… Mặc dù vậy, việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình trong thực tế còn khoảng cách lớn; năng lực giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ theo chức năng của tổ chức Hội còn hạn chế. Việc phát hiện các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại và hỗ trợ tham gia giải quyết của các cấp Hội đôi khi còn chậm, thiếu sự đeo bám, quyết liệt”.

Đối với những đối tượng như phụ nữ yếu thế, phụ nữ DTTS, trẻ em gái thì tình trạng mua bán người, tảo hôn, bạo lực trong gia đình đã đẩy họ trở nên bị tách biệt, bị thụt lùi trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi như hiện nay. Chia sẻ vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên Hà Thị Tươi cho biết: “Phụ nữ, trẻ em DTTS còn chịu nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của những thành kiến, quan niệm, truyền thống về hôn nhân, phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào. Sự can thiệp từ chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa mạnh mẽ. Mặt khác, người phụ nữ phải gánh chịu đồng thời nhiều hình thức bạo lực và có tâm lý buông xuôi, cam chịu hành vi bạo lực do chồng gây ra”. Do đó, việc duy trì các hoạt động của mô hình, câu lạc bộ, địa chỉ tin cậy, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần có sự đổi mới trong các hoạt động cụ thể, xây dựng các mô hình phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; tăng cường khuyên can đối thoại, kết hợp tuyên truyền, vận động người trong gia đình, dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

An toàn cho phụ nữ, trẻ em là hạnh phúc, bình an của mỗi gia đình, là sự phát triển bền vững của đất nước. Năm 2019, Hội LHPN Việt Nam chọn chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và sẽ là nội dung xuyên suốt, được thực hiện trong nhiều năm. Để tạo một không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em, thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ cần sâu sát cơ sở, nhạy bén và nắm chắc tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng, nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ theo đặc điểm của từng vùng miền; tiếp tục nghiên cứu xây dựng nhân rộng các mô hình, tập hợp phù hợp với từng nhóm phụ nữ, bảo đảm tính tự chủ, tiềm năng của nhóm phụ nữ thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phụ nữ yếu thế, trẻ em để phát triển toàn diện; thường xuyên phổ biến những phương thức, thủ đoạn phạm tội và các vụ việc xảy ra để phụ nữ, trẻ em nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục, mua bán người. Đồng thời, tăng cường giám sát vụ việc, giám sát quá trình giải quyết vụ việc của cơ quan chức năng và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách có liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất